Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần II)


Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần II)

Ghiya sinh năm 1948, trong một gia đình thuộc tầng lớp dưới. Cha Ghiya, Badri Narayan, sở hữu một hiệu ảnh nhỏ ở Jaipur, chính tại đây, Ghiya bán phim Kodak, lồng kính và bán những bức họa phương Tây. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng Maharaja, Ghiya tiếp tục buôn bán những bức tranh cổ. Do tính chất công việc, Ghiya thường xuyên đi Bombay, sau đó ông ta mở một của hàng riêng tại Jaipur. Vài năm sau, Ghiya kết hôn.

Ariane Dandois, một phụ nữ Pháp lần đầu tiên đến thăm cửa hàng của Ghiya vào cuối thập niên 70. Ariane Dandois được coi là một trong số những khách hàng phương Tây đầu tiên của Ghiya. Dandois có thân hình cao dong dỏng, mái tóc vàng óng, và là một phụ nữ hấp dẫn. Bà sở hữu một phòng triển lãm tranh nghệ thuật Châu Á ở đường Saints-Pères, Paris. Lần đầu tiên đi du lịch đến Ấn Độ trong vai trò một cô sinh viên đại học Sorbonne. Bà đã dành hàng tháng trời ở vùng nông thôn để kiếm tìm tài liệu. Dandois nhớ lại, bà đã đến thăm Ghiya trong một cái nhà nhỏ, nhỏ đến mức cả nhà phải ngủ cùng trong một phòng và nằm đất. Ghiya rất muốn kết giao với các bạn hàng phương Tây, ông ta lịch sự và cung kính tựa “như một gã nô bộc”. Vợ Ghiya thì ra sức rót đầy chén trà của Dandois mỗi khi chén vơi.

Một số ông hoàng Ấn Độ muốn bán những tác phẩm trong bộ sưu tập đồ sộ của họ. Dandois cần giao dịch với ông hoàng của thành phố Bikaner để mua toàn bộ bộ sưu tập đá cẩm thạch của ông ta với giá 25 nghìn đô. Ghiya có nhiệm vụ thuê 1 đoàn xe vận chuyển toàn bộ 64 món đồ gỗ gia dụng về Jaipur; và triệu tập những người dân địa phương trong một khoảng sân, trang bị cho họ những bát nước nhỏ, để lau chùi đồ gỗ.

Ông trùm

Có khoảng hai mươi thương nhân phương Tây đã đến Jaipur trong khoảng thời gian đó gồm ngừoi Pháp, Anh, Ý và người Mỹ. Họ ở tại Khách sạn Rambagh Palace. Họ đến đây và tin tưởng rằng sự xuất hiện của những thương nhân Ấn Độ giống như Ghiya, sẽ giúp họ giảm thiểu nguy hiểm và khó chịu khi tự ý rời khỏi trung tâm thành phố. Ông trùm của những thương nhân mới này là Baliram Sharma. Sharma đặt trụ sở chính tại thủ đô Delhi, ông ta cũng vài lần bị tạm giữ nhưng chưa bao giờ bị tống vào tù. Ông đã trở thành người có ảnh hưởng lớn. Một người buôn bán đồ cổ ở Ấn Độ đã nói với tôi rằng tất cả những người buôn lậu cổ vật đều”làm việc theo chỉ thị của Sharma”.



Sharma và những người khác trở thành những nhà phân phối cổ vật cho phương Tây và họ nhanh chóng trở nên giàu sụ. Chính điều này đã cuốn hút và định hướng cho tham vọng của Ghiya khi ông ta bắt đầu thành lập doanh nghiệp từ những năm 1970. Những người quen biết Ghiya nói rằng, dù Ghiya không có con mắt tinh tường và được huấn luyện bài bản như Sharma, nhưng bù lại ông ta đã góp nhặt được một lượng kiến thức khổng lồ. Theo cảnh sát, Ghiya đã nẫng tay trên những đầu mối cung cấp hàng cho Sharma bằng việc trả giá cao hơn.

“Ông ta là một con người đầy tham vọng” Jack Franses, cựu nhân viên làm việc cho Sotheby, ông này đã gặp Ghiya ở Jaipur vào đầu những năm 80. Ghiya dẫn Jack Franses đi thăm quan một kho hàng chất đống những tấm thảm cổ bám đầy bụi bặm, và đứng xem chúng được vận chuyển đi. Ghiya tuyên bố rằng ông ta có thể làm bất cứ cái gì miễn là có yêu cầu đặt hàng.”Nếu các ngài muốn có Taj Mahal, tôi cũng sẽ gửi nó tới cho các ngài,” Ghiya nói với Franses”Tôi sẽ dỡ nó thành từng mảnh”.

Ghiya xây dựng rất nhiều những đầu mối trung gian trên khắp cả nước Ấn Độ. Theo những nhà chức trách, mạng lưới ngầm của Ghiya hết sức bền vững, đầu mối nào chỉ biết đầu mối đó. Họ hoạt động riêng biệt và chỉ thông qua những người trung gian. Ví dụ, để một cổ vật từ tay một kẻ trộm địa phương đến nhà bán đấu giá tại London là cả một chu trình khép kín. Khi một pho tượng bị trộm ra khỏi ngôi đền hay được thu gom từ những người nông dân địa phương, nó được mang tới một người môi giới, người này sẽ lập tức chụp ảnh. Sau đó những bức ảnh lại được chuyển qua tay rất nhiều trung gian trước khi tới tay Ghiya. Rồi nó tiếp tục được gửi tới tay những chủ nhân tương lai ở nước ngoài qua những chuyến bay đi bay về của Ghiya từ London tới New York.

Thận trọng không bao giờ là thừa

Vào một buổi tối ở Jaipur, tôi gặp Abhay Singh, trước là lái xe cho Ghiya từ năm 1984 đến 2000 và bây giờ Abhay Singh là nhân chứng chính trong vụ kiện chống lại Ghiya.

Singh là một người đàn ông gầy guộc với thân hình cao lêu đêu, mái tóc chải thẳng thớm như của một cậu học sinh. Singh đã kể cho tôi nghe về những chuyến đi về vùng nông thôn của Ghiya để hẹn gặp những người môi giới và kiểm tra hàng hoá.

Theo Singh, Ghiya là người vô cùng thận trọng, thận trọng đến mức gần như hoang tưởng. Thậm chí ngay cả khi ông ta ra khỏi nhà không vì công việc, Ghiya vẫn luôn lo lắng nhìn vào gương chiếu hậu vì sợ rằng ô tô của họ đang bị theo dõi. Sau khi lựa chọn được những món hàng muốn mua, Ghiya thường hướng dẫn những người môi giới đóng gói và xếp hàng lên xe của họ rồi cùng lái xe quay trở lại Jaipur với ông ta. Trên đường đi, để đảm bảo an toàn”Ghiya luôn mang theo hai lá cờ, một lá màu đỏ và một lá màu xanh lục,” Singh giải thích”Nếu có bất kỳ nguy hiểm nào, ông ta lập tức giương cờ đỏ lên, đoàn xe lập tức dừng lại và thay đổi lộ trình”. Ở Jaipur, Ghiya cất giấu cổ vật thu gom được tại những kho hàng nằm rải rác khắp Jaipur, nhiều món được chôn cất ngay trong chính nông trại của ông ta. Khu nông trại khá rộng và ẩn dật với cây cỏ dại mọc um tùm, một vài nhà thấp và bể bơi. Chính tại đây, Ghiya thường đào hố chôn giấu những tác phẩm điêu khắc.”Ghiya nói với người hầu rằng ông ta đang gieo trồng một giống cây mới” Singh nói.

“Ông ta là người hay lo sợ và quá đa nghi” một người quen ở Jaipur nói với tôi”Ông ta không để bất cứ ai biết về cuộc sống của mình, thậm chí kể cả vợ”. Khi Ghiya không đi ra nước ngoài, ông ta luôn về nhà rất muộn. Tiền bạc kiếm được hầu hết ông ta đầu tư vào bất động sản Ông ta không có thú vui; Và mọi người đều nhất trí một điều rằng Ghiya quan tâm đến việc kinh doanh đơn giản là vì những món lợi nhuận khổng lồ sẽ chảy vào túi ông ta.

Đôi lúc tính cẩn thận của Ghiya một phần cũng xuất phát từ thói hay mê tín.”Vào một ngày giá rét, tôi lái xe tới nhà ở Jaipur của Ghiya” Ariane Dandois nhớ lại.”Tôi nhờ Ghiya cầm lái đến Delhi”. Ghiya rất sợ sẽ gặp cướp trên đường từ Jaipur đến Delhi nhưng cuối cũng ông ta cũng đồng ý lái xe. Khi hai chúng tôi tới bãi đậu ôtô, bất ngờ một con chim lạ xuất hiện và lượn vòng quanh.” Đây là một điềm không may,” Ghiya lập tức từ chối không tiếp tục đi tiếp. Dandois đã cố gắng thuyết phục nhưng Ghiya vẫn kiên quyết từ chối.



Ghiya còn trở nên cẩn thận hơn sau lần bị tóm gáy vào năm 1989. Nhân viên hải quan ở Mumbai, trong một lần kiểm tra ngẫu nhiên đã thu giữ được 21 cổ vật trong contennơ chở hàng thủ công mỹ nghệ của Ghiya. Theo cảnh sát và những người buôn bán đồ cổ khác ở Jaipur kể lại, khi cơ quan thẩm quyền đến nơi, họ đã đưa ra kết luận những đồ vật chứa trong các côngtenơ hàng của Ghiya chỉ là những bản sao, đó không phải là đồ cổ. Kết luận này có thể đúng nhưng cũng có thể là do Ghiya đã hối lộ cơ quan chức năng. Nhưng cũng còn một khả năng nữa là một người nào đó đã thay thế những đồ cổ thật bằng đồ giả. Một trong những mưu kế mà giới buôn lậu cổ vật ở Ấn Độ thường xuyên thực hiện là sau khi chôm được cổ vật thật, họ sẽ làm một bản copy y hệt và cho trưng bày tại Viện nghiên cứu sưu tầm cổ vật, còn bản gốc thì đã được vận chuyển một cách âm thầm ra nước ngoài từ bao giờ.

Đế chế không thể sụp đổ

Thời gian này,Baliram Sharma đã về hưu, Ghiya”bắt đầu xây dựng một đế chế”. Nhưng, trong khi đa số những nhà phân phối và những người buôn lậu đồ cổ Ấn Độ khác khăng khăng đòi kiểm tra hàng trước khi trả tiền mua, thì Ghiya lại dừng việc đi về vùng nông thôn, ông ta bắt đầu chọn hàng bằng việc chỉ xem qua ảnh. Hàng sau khi được thu gom sẽ được chất vào kho ở Mathura và Delhi. Theo định kỳ, Ghiya sẽ kiểm tra hàng trước khi chúng được vận chuyển ra nước ngoài. Nhưng việc làm đó đồng nghĩa với việc Ghiya ngày càng bị lệ thuộc vào những người môi giới và những bức ảnh.

“Ông ta không bao giờ cất giữ các bức ảnh” Abhay Singh nói với tôi”Những bức ảnh được gửi đến tay ông ta và ngay lập tức nó được chuyển qua đường bưu điện tới tận tay khách hàng”.

Vào năm 1991, Peter Watson một nhà báo người Anh, đã phơi bày những bí mật bao trùm thị trường nghệ thuật trên tạp chí Người quan sát ở London khi anh ta đến và tiếp xúc với một nhân viên cũ của Sotheby, là James Hodges. Hodges đã làm việc tại nhà đấu giá hơn 10 năm, cho đến năm 1989, khi người ta phát hiện ra ông ta đã đánh cắp một chiếc mũ đồng cổ và chiếc bát sành nung khỏi nhà đấu giá.

Hodgesnói với Watson rằng sự mục nát và tội ác bao trùm khắp nơi ở Sotheby. Suốt hàng năm trời, ông ta đã tập hợp toàn bộ giấy tờ, hồ sơ chất đầy ba vali, đây là những chứng cứ về sự buôn lậu và trốn thuế vẫn xảy ra thường xuyên ở đây.

Trong thời gian Hodges làm cho Sotheby, Hodges nói, một số người cung cấp hàng cho những nhà đấu giá lớn nhất đã gợi ý rằng Hodges nên mở một tài khỏan giả. Những tài khoản này được các nhà buôn bán, phân phối cổ vật, những người nắm trong tay một lượng lớn cổ vật không rõ nguồn gốc dùng để hối lộ. Một trong số những nhà phân phối này là Giacomo Medici, một đại gia buôn lậu cổ vật người Ý. Giacomo Medici có kho chứa hàng ở Geneva, kho hàng này đã bị cơ quan có thẩm quyền khám xét và thu thu giữ hàng trăm cổ vật vào năm 1997. Theo Hodges”Ghiya chính là ông trùm của Jaipur”

Hodges giải thích rằng Ghiya giống như một”Medici thứ hai của Ấn Độ”, Ghiya có mối quan hệ mật thiết với nhà đấu giá với Sotheby đến nỗi, ông ta thường xuyên nghỉ tại nhà của Hodges ở Shepherds Bush trong những lần đến sân bay London để nhận hàng (những cổ vật của ông ta được vận chuyển bằng đường hàng không). Sau khi thiết lập mối quan hệ với nhà đấu giá từ đầu những năm 1980, Ghiya đã cung cấp cho Sotheby một lượng hàng rất lớn.

Sau những chứng cứ được các luật sư biện hộ của Hodges đưa ra tại phiên toà xét xử Hodges ở London vào tháng 11 năm 1991. Hodges cuối cùng bị buộc tội ăn cắp và làm giả sổ sách kế toán.

Nhà đấu giá chối tội

Brendan Lynch, một trong số những chuyên gia về đồ cổ Ấn Độ của Sotheby, người đã hai lần đến gặp Ghiya ở Jaipur để thu mua cổ vật, nói”Bất kỳ chuyến thăm nào do chuyên gia của Sotheby đến Ấn Độ đều bị theo dõi và họ cần chuẩn bị trước những lí do có đủ sức thuyết phục để đề phòng trường hợp bị cảnh sát sờ tới.” Họ thường lấy cớ là chuyên gia đi nghiên cứu hay viện cớ là đi viết sách.

Brendan Lynch, nhân viên của Sotheby, được xem là người có mối liên hệ mật thiết nhất với Ghiya, khi được hỏi về những chuyến viếng thăm Ấn Độ, ông ta nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến đi không phải là để thu mua cổ vật, mà đơn thuần chỉ là để “nghiên cứu và… đánh giá” chúng. Nhưng trong bản báo cáo được phía luật sư đưa ra về những chuyến đi tới Ấn Độ vào năm 1988, trong đó Lynch đã viết “mục đích của chuyến viếng thăm” là “liên hệ với những nhà buôn người Ấn”.

Tuy nhiên, sau những bằng chứng Lynch đưa ra, nhà đấu giá vẫn tiếp tục liên hệ với Ghiya. Chỉ sau khi Watson cho ra mắt cuốn Những câu chuyện bí mật của Sotheby, xuất bản năm 1997 thì Brendan Lynch mới bị sa thải, và Sotheby tuyên bố đóng cửa nhà đấu giá cổ vật ở London.”Đó là những chính sách của Sotheby để đối phó với những vấn đề nhạy cảm,” một phát ngôn viên lúc đó nói. Ông ta cũng cho biết thêm là Sotheby vẫn tiếp tục bán đấu giá cổ vật, nhưng chỉ ở New York.

(Còn nữa)

Tác giả

Patrick Radden Keefe
Uyển Chi (Vietimes) lược dịch từ The New Yorker
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần II)"

Đăng nhận xét