Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần I)


Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần I)
Bài học muộn về những tượng thần! (PhầnI)

Khai hỏa

Một buổi sớm tháng Sáu năm 2003, hơn hai chục nhân viên cảnh sát được trang bị vũ khí bao vây tứ phía và sẵn sàng đột nhập vào bên trong khu nhà Everest – một khu nhà yên tĩnh của tư nhân, ở vùng ngoại ô thành phố Jaipur của Ấn Độ. Đội đặc nhiệm ẩn nấp trong bóng tối, bất ngờ ập vào tấn công tước vũ khí của nhân viên bảo vệ và mở cổng. Chiếc camera an ninh vẫn chạy rè rè, nửa đơn vị còn lại tiếp tục lặng lẽ phục kích. Trong cả tháng trời, cảnh sát vào vai những gã lang thang lảng vảng quanh khu nhà. Và khi giờ cao điểm, họ quyết định tập kích bất ngờ khiến những người trong nhà không kịp trở tay.

Cảnh sát vừa hét “Mở cửa! mở cửa mau!”, vừa đập cửa thình thình. Họ đứng đợi hồi lâu nhưng không thấy ai xuất hiện. Bỗng có ai đó phát hiện một luồng khói lớn bay ra từ cửa sổ tầng ba – vốn là phòng ngủ của chủ nhân. Chỉ huy đội đặc nhiệm – Anand Shrivastava – lập tức ra lệnh cho quân của mình phá cửa vào nhà. Họ chạy lên gác, xộc vào phòng ngủ. Tại đây họ được chứng kiến cảnh vị chủ nhà – Vaman Narayan Ghiya, vận nguyên bộ đồ ngủ đang cuống cuồng ném giấy tờ vào lửa để phi tang.

“Sao chúng mày dám ?” – Ghiya hét lên : “Làm thế quái nào chúng mày lại vào được nhà tao?”. Ông ta cố đẩy những cảnh sát đang khống chế mình “Chúng mày không được đụng vào tao!”

Thần Vishnu


Cảnh sát áp giải Ghiya ra khỏi nhà, lùa vợ cùng con trai và hai con gái của Ghiya, lúc này còn đang ngái ngủ, vào góc phòng. Shrivastava và đồng nghiệp lục soát khắp các căn phòng sang trọng của ngôi nhà trong nhiều tiếng đồng hồ. Kết quả, đằng sau lớp ván gỗ trong phòng riêng của Ghiya, họ tìm thấy một ngăn tủ ngầm bí mật cất giữ hàng trăm bức ảnh chụp những tác phẩm điêu khắc cổ của Ấn Độ: những bức tượng thần Vishnu, Shiva và Parvati bằng đá duyên dáng, tượng vị thần đầu voi Ganesha, con trai của Parvati, bức tượng đồng thần 12 đầu Jain Tirthankaras và tượng nữ thần Chola đang khiêu vũ với cánh tay giơ lên và bộ ngực để trần… Những bức ảnh này được chụp một cách vội vã, thậm chí, các bức tượng trông như vừa mới được cạy ra từ hốc tường bên trong những ngôi đền, cái thì thiếu tay, cái thì thiếu đầu…. Cảnh sát còn phát hiện gần 70 cuốn catalô đấu giá của Sotheby và Christies (hai nhà đấu giá nổi tiếng) ở London và New York.

Những tang vật thu được đã chứng minh mối nghi ngờ của Shrivastava cho rằng Vaman Ghiya là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây buôn lậu cổ vật lớn và phức tạp nhất trong lịch sử Ấn Độ. Trong vòng 30 năm, Vaman Ghiya đã phất lên nhanh chóng nhờ việc buôn lậu hàng nghìn cổ vật Ấn Độ tới tay các nhà đấu giá và những bộ sưu tập cá nhân. Cảnh sát không tìm thấy những tác phẩm điêu khắc trong nhà của Ghiya. Nhưng trong những ngày tiếp theo, khi tiếp tục lục soát hơn nửa tá cơ ngơi của Ghiya ở xung quanh Jaipur, bao gồm những khu nông trại rộng lớn ở ngoại ô, những kho hàng đồ sộ ở Mathura và Delhi, cảnh sát đã tìm thấy những bức tranh cổ, những thanh gươm, nhiều chiếc khiên cổ… và khoảng 340 cổ vật .

Thần đầu voi Ganesha


Vải thưa che mắt… cảnh sát

Vaman Ghiya là một người đàn ông ưa nhìn với mái tóc muối tiêu, vóc dáng nhỏ thó, đôi mắt đầy nghị lực, và thái độ hơi kẻ cả. Ông ta ăn mặc lịch sự và quản lý việc kinh doanh những khách sạn đẹp nhất Jaipur. Những người quen biết Vaman Ghiya cho hay : ông ta thường dành hầu hết thời gian để bay đi bay về và chuyên tâm vào việc kinh doanh. Ghiya vốn tính đa nghi, thậm chí không tin bất cứ ai kể cả những người thân cận nhất.

Doanh nghiệp hợp pháp của Ghiya mang tên Crafts Palace là một phòng trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ lớn nằm trên phố Amer, ở Jaipur, một thành phố thịnh vượng với gần ba triệu dân, nơi có lâu đài Rajput cổ kính. điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong chuyến hành trình xuyên Ấn. Jaipur còn là trung tâm công nghiệp đá quý và buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ.

Vào những năm 70, việc buôn bán cổ vật thực sự là một việc khó khăn, vì ở thời điểm đó, bất kỳ một món đồ cổ nào có tuổi thọ trên 100 năm đều bắt buộc phải đăng ký với chính phủ. Bất kỳ một hành động nào nhằm xuất khẩu những cổ vật như thế đều bị coi là bất hợp pháp. Trong khi những người buôn lậu thường xuyên cất giấu riêng lẻ từng cổ vật vô giá trong những contennơ khổng lồ, thì hải quan Ấn Độ chỉ được phép kiểm tra xác suất trong 10% khối lượng hàng hoá xuất khẩu.

Chủ các doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ khác ở Jaipur khai báo với cảnh sát rằng họ không không hề biết gì về khách hàng hay những người cung cấp hàng cho Ghiya. Công việc làm ăn phát triển nhanh chóng của công ty Crafts Palace dường như không có mối quan hệ nào với kinh tế địa phương. Thực tế là Ghiya dành rất ít thời gian tại phòng trưng bày, người trông nom chính ở đây là cậu con trai mới 20 tuổi của ông ta.

Mờ mắt vì lợi nhuận bạc tỷ

Vào mùa hè năm 2002, Anand Shrivastava và quân của anh đã đóng giả làm những người mua cổ vật và đã tiếp xúc được với một nhóm trộm. Những gã này đang cố gắng tìm mọi cách tuồn những bức tượng thần Hindu mà chúng đã ăn cắp ra chợ đen. Dù những pho tượng này có giá trị nghệ thuật không cao và không phải là đồ cổ nhưng những kẻ ăn cắp lại đòi một cái giá khá cao. Shrivastava nghi ngờ rằng liệu có một ông trùm giàu có, một người địa phương nào đang thao túng giá cả này chăng? Thẩm vấn nhóm trộm, chúng đều trả lời đó chính là Vaman Narayan Ghiya. “Ông ta là vua của thế giới này ” – câu nói cuối cùng trong buổi thẩm vấn.

Những viên chức tại Cục điều tra Ấn Độ đã nói với Shrivastava là họ đã nghi ngờ từ rất lâu rằng Ghiya là một trong số những kẻ đừng đầu đường dây buôn lậu cổ vật lớn nhất Ấn Độ, nhưng hành động của hắn tinh vi đến mức họ chưa bao giờ thu thập đủ chứng cứ đế chống lại hắn.

“Ghiya đã trở nên quá mạnh, thậm chí thao túng cả luật pháp,” Shrivastava nói: “Ghiya đã trở thành kẻ làm luật và chính vì thế Ấn Độ sẽ từng ngày mất dần đi những di sản văn hóa”.

Chiến dịch Black Hole được bắt đầu hồi tháng Sáu năm 2002 với việc thành lập một tổ điều tra gồm 12 cảnh sát do Shrivastava đứng đầu. “Tôi đã nói với những người của tôi “đây thực sự là một cuộc săn đuổi”.

Việc buôn lậu cổ vật cũng giống như tội ác nhưng lại tồn tại trong giới “áo cổ trắng” ở Ấn Độ vì nó yêu cầu lượng tiền vốn và kiến thức lớn. Những người buôn lậu thường tự khoác cho mình tấm lá chắn nguỵ trang là những thương nhân giàu có và thành đạt, họ thường là những người có địa vị cao trong xã hội.

Trên khắp thế giới, thị trường cổ vật dường như đã trở thành một ngành công nghiệp thu lợi nhuận bạc tỷ. Những năm gần đây, một số vụ buôn bán cổ vật lớn bị phanh phui đã tạo nên những vụ bê bối lớn trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên, những chiêu thức hoạt động bí mật và tinh vi của giới buôn lậu rất hiếm khi bị lộ.

Khi Ghiya bị bắt và bị buộc tội tàng trữ cổ vật bị đánh cắp, ông ta khăng khăng cãi là mình vô tội và chỉ dẫn cho luật sư của mình những điều không nên nói với giới báo chí. “Mọi người đều bị sốc” – Chandramani Singh, một nhà khảo cổ học ở Jaipur, người quen bố của Ghiya – nói “Nhưng tôi nghĩ rằng họ (bố mẹ Ghiya) đều biết những gì Ghiya đã làm”.

Đau đầu chính phủ

Những ngôi đền thờ thần Hindu xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước với thuyết thờ đa thần. Trong các ngôi đền thường có rất nhiều bức chạm khắc chúa trời chính và phụ, và có thể dễ dàng tìm thấy vô vàn những ngôi đền tương tự trên khắp đất nước Ấn Độ, cùng với số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật của đạo Phật và đạo Hồi. “Có quá nhiều thứ, và ở quá nhiều nơi” Singh nói “Thật dễ dàng cho người phương Tây, những người không có lượng cổ vật lớn đến như vậy trong lịch sử mò đến “.

Ở một nước đông dân như Ấn Độ, nhà chức trách thường đau đầu với rất nhiều vấn đề- Singh giải thích – nếu nhu cầu về nước sạch, tưới tiêu, đường xá v.v… được ưu tiên thì có nghĩa là vấn đề bảo tồn di sản văn hoá sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Ngành Khảo cổ học ở Ấn Độ không có khả năng xây dựng một cuốn sổ cấp quốc gia thống kê toàn bộ số lượng đền thờ trên khắp cả nước, điều mà ít nhiều sẽ bảo vệ những cổ vật khỏi bị xâm phạm.

Báng bổ thánh thần

Vào tháng Hai năm 1998, một toán kẻ cắp đã viếng thăm khu đền Baroli, nằm tách biệt với đường cái và lọt thỏm trong một khu rừng rậm rạp, gần chỗ gặp nhau của Chambal và sông Bamini, phía Đông Rajasthan. Những ngôi đền thờ bằng đá lộng lẫy ở Baroli được dựng lên vào khoảng giữa thế kỷ 8 và thế kỷ 12. Tổ hợp này gồm 9 ngôi đền, một trong số đó uy nghi bên một hồ nhỏ với hàng dãy cột đá và các linga (biểu tượng của dương vật) – ngôi đền thờ thần Shiva – vị thần sinh sản. Những người dân nông dân theo đạo Hindu hết sức tôn kính những ngôi đền này và hàng năm Baroli vẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan.

Theo những người Hindu giáo, hình ảnh vị chúa Trời không đơn thuần chỉ là một biểu tượng mà họ sống dựa vào niềm tin, vào chính những vị thần mà họ tạo dựng nên. Họ cần mẫn xức lên những pho tượng dầu thơm và băng phiến, rồi trang trí chúng bằng vòng hoa. Họ cúng tế thức ăn, nhang hương, và âm nhạc…..Vì vậy hành động cướp bóc một ngôi đền là một hành động xúc phạm, báng bổ thánh thần. Nhưng ở Baroli bọn kẻ ăn cắp lại thích tiếp cận khu vực đền được gìn giữ tốt nhất, nơi có bức tượng thần Brahmas ba đầu, 12 bức tượng hóa thân của thần Vishnu và rất nhiều các bức tượng thần khác.

Thần Shiva khiêu vũ


Ở phía Tây của ngôi đền, có một bức tượng đá của thần Shiva đang khiêu vũ. Tới thế kỷ 10, pho tượng được trang trí thêm những quả tua thả rủ xuống quanh thắt lưng, vòng đeo ở cổ chân và một bàn tay trong số nhiều bàn tay của Shiva, đang cầm một con rắn. Thần Shiva theo quan niệm của đạo Hindu được coi là vị chúa Trời tối cao, và việc chạm khắc hình ảnh Shiva đang nhảy múa khiến cho Shiva trở nên gần gũi hơn với quần chúng. Bọn kẻ trộm đã đục đẽo và bưng pho tượng khỏi hốc tường, nơi mà nó đã ở đó gần một nghìn năm.

Theo Shrivastava, bọn kẻ cắp đã bán món hàng này cho Ghiya, từ đó nó được đưa ra khỏi Ấn Độ. Khi những dân nông dân địa phương phát hiện ra vụ trộm, họ cảm thấy bị xúc phạm. Ghiya nhanh chóng cho người của mình làm một bản sao bức tượng rồi đặt nó gần đồn cảnh sát địa phương. Những nhà chức trách địa phương hãnh diện tuyên bố rằng đã tìm lại được cổ vật. Sợ rằng Shiva có thể bị trộm lần nữa, họ quyết định không trả lại nó cho ngôi đền mà cất giữ nó trong kho lưu trữ của Viện khảo cổ học thành phố Chittorgarh.

Khi bị thẩm vấn, Ghiya đã khai rằng ông ta đã gửi bản gốc bức tượng thần Shiva nhảy múa sang Anh. Ở đây bức tượng đầu quân vào bộ sưu tập cá nhận của John Kasmink, một nhà sưu tầm nổi tiếng trong giới nghệ thuật ở London. Một thời gian sau, khi tạp chí Ngày Nay của Ấn Độ cho đăng tải câu chuyện của Ghiya và gợi ý rằng bức tượng thần Shiva hiện nay đang nằm trong tay Kasmin. Kasmin đã gửi fax cho Shrivastava, nhấn mạnh rằng việc ông nắm trong tay bức tượng là “hợp pháp” vì ông ta mua pho tượng này ở London. Nhưng ông cũng sẵn sàng trả lại nó cho Ấn Độ mà không đòi bồi thường. (Mới đây, Kasmin đã nói với tôi rằng ông ta mua tác phẩm này không phải từ Ghiya mà là từ một nhà phân phối ở London.)

Sau này, cảnh sát địa phương đã triệu tập một nhóm các nhà khảo cổ học và yêu cầu kiểm tra bức tượng đang được cất giữ tại Chittorgarh. Kết luận cuối cùng đưa ra, bức tượng ở Chittorgarh là đồ giả, bức tượng Shiva mà Kasmin sở hữu mới là đồ thật.

(Còn nữa)

Tác giả Patrick Radden Keefe

Uyển Chi (Vietimes) lược dịch từ The New Yorker
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần I)"

Đăng nhận xét