Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần III)



Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần III)

Tượng thần Nataraja


Thu thập chứng cứ

Ghiya có một xu hướng thay đổi đối tác và bọn đàn em, ông ta lập tức cắt đứt liên lạc ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ dù nhỏ nhất (“Ông ta hoàn tòan không có bạn bè”.) Tính thận trọng và đa nghi của Vaman Ghiya đã khiến rất nhiều người làm thuê cho ông ta cảm thấy bất mãn. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, Shrivastava đã tìm được một vài nhân chứng, những người có thể khai báo.

Nhân chứng là những tên trộm địa phương và những người môi giới với lời khai rất thuyết phục, nhưng vẫn không có đủ bằng chứng. Trong nhiều trường hợp, khi những bức tượng bị đánh cắp, chúng đều được đăng ký (khai báo) ở trụ sở cảnh sát địa phương, nhưng Shrivastava cần có những bức ảnh chụp những ngôi đền thờ, xuất xứ của những bức tượng này. Nhưng đáng buồn là những tài liệu lưu trữ về khảo cổ lại không đầy đủ.

Shrivastava buộc phải lùng sục trong thư viện và tài liệu lưu trữ mong tìm kiếm được những bức ảnh cũ và những ghi chép khảo cổ. (Cùng lúc này,Shrivastava tìm được một bản copy cuốn sách của Watson). Ông tìm đọc lại các luận án tiến sĩ từ những năm 1960, trong đó có rất nhiều những bức ảnh chụp những bức tượng điêu khắc nguyên gốc của các đền thờ. Shrivastava ta thừa nhận rằng công việc này đã trở thành một nỗi ám ảnh. “Trong cơ quan tôi, mọi người đều nói ‘Anh điên à, anh đã trở thành nhà nghiên cứu nghệ thuật và văn hóa rồi đấy””. Và tôi thì suốt ngày đọc và đọc ” Shrivastava vừa nói vừa mỉm cười ” Nó là sở thích của tôi “.

Đôi khi, trong quá trình nghiên cứu, Shrivastava tìm thấy rất nhiều những bức tranh minh họa sinh động những cổ vật mang tính tôn giáo bị buôn lậu ra khỏi Ấn Độ. Shrivastava vô tình tìm thấy một loạt ảnh rất đẹp về Matrika (nữ thần mẹ) với hàng loạt những pho tượng từ bên ngoài Tanesar, một làng ở gần Udaipur. Những bức tượng làm bằng đá xanh lục sẫm, ước tính niên đại từ thế kỷ thứ 5, miêu tả một cách duyên dáng từng giai đoạn phát triển của tình mẫu tử: bức tượng người mẹ đang mang thai, người mẹ cho con bú, người mẹ dìu đứa con đang chập chững đi, và người mẹ dắt con đi.

Tượng nữ thần Matrika


Tìm về cội nguồn

Vào năm 1961, một tờ tạp chí khảo cổ học đã cho đăng tải những bức ảnh Matrikas ở Tanesar. Sau đó những bức tượng bị đánh cắp và bị tuồn ra nước ngoài. Đến cuối những thập niên 90, một trong số chúng lại xuất hiện trong danh mục đấu giá của Sotheby. Đến tháng Hai năm 2003, Shrivastava đã thu thập được những bức ảnh chụp những bức tượng và lên đường tới Tanesar.

Khi đội cảnh sát tới ngôi làng, Shrivastava hỏi đám đông dân địa phương xem liệu có ai nhớ gì về những pho tượng cổ đó không. “Chúng tôi đã được chỉ dẫn đi gặp một cụ già 80” Shrivastava nói “ đó là một ông cụ tóc bạc trắng”. Shrivastava hỏi ông, rằng liệu ông ta còn nhớ những bức tượng Matrikas, và sau một hồi suy nghĩ, cụ già nói “Ồ, đúng, tôi nhớ là có 7 hay 8 pho tượng nữ thần, bà ta đang chăm bẵm con”. Shrivastava lấy những bức ảnh chụp Matrikas đưa cho ông lão xem. Ông chăm chú xem trong giây lát, rồi bất ngờ oà khóc.

Tôi hỏi Shrivastava rằng điều đã xảy ra với những bức tượng Matrikas, Shrivastava nói với tôi rằng chúng đã yên vị trong các nhà bảo tàng ở Anh và Mỹ. Hiện tại, một bức tượng được đặt ở bảo tàng British, một bức khác ở bảo tàng Cleveland, và một bức khác nữa ở Met.

Ông trùm thất thế

Quá trình thẩm vấn Vaman Ghiya kéo dài 90 ngày. Ban đầu, Ghiya ông ta bị nhốt cùng buồng giam với một trong những tay chân của ông ta, nhưng ông ta coi đó là sự sỉ nhục. Ghiya liên tục than phiền vì tình trạng thiếu tiện nghi và và nài nỉ gọi điện cho bác sĩ riêng hàng ngày để hỏi han và nhờ tư vấn sức khoẻ. Trong khi, Shrivastava thì hăm hở muốn khai thác kẻ bị tình nghi, thì Ghiya chỉ mở miệng nói đúng một câu duy nhẩt “Tại sao anh không cho tôi tên anh và số tài khỏan ở nước ngoài của anh? Tôi sẽ gửi tiền vào đó “.

Shrivastava đã khuất phục Ghiya bằng cách tiến hành thẩm vấn hàng đêm, từ 6 giờ tối cho đến sáng, trong suốt một thời gian dài. Shrivastava miêu tả mối quan hệ của mình với Ghiya trong thời gian thẩm vấn với một giọng điệu hài hước. “Rõ ràng, việc tôi làm là bất hợp pháp nhưng nó là cả một nghệ thuật” Shrivastava nói “Đây không phải là một vụ cướp ngân hàng, và Ghiya cũng không phải là thành viên của Al-Qaeda. Ông ta là người có tài ăn nói. Tuy nhiên, ông ta cũng rất cứng rắn”.

Một vài ngày sau, Shrivastava cố tình châm chọc Ghiya, bằng cách nói rằng, theo ông thì Baliram Sharma là sếp của Ghiya trong giới buôn lậu cổ vật. Ghiya đã ngạo mạn nói “Ông ta đã bị cảnh sát bắt giữ một vài lần. Còn với tôi, đây là lần đầu tiên”.

Và khi Shrivastava hỏi, tại sao những nhà đấu giá trên thế giới vần tiếp tục làm ăn với với Ghiya sau khi cuốn sách của Watson được xuất bản và Brendan Lynch bị sa thải, Ghiya bật tanh tách rằng mình là người không thể thiếu: “Họ có thể sống sót nếu không có Brendan Lynch, nhưng không thể tồn tại nếu không có tôi”.

Tượng nữ thần Matrika Tượng thần Shiva


Cung khai

Hai tuần sau khi bị thẩm vấn, Ghiya bắt đầu khai. Shrivastava đã đọc cho tôi nghe những lời thú tội của Ghiya, được viết tay bằng tiếng Hindi trong một tập những cuốn vở học sinh. Chúng ghi lại tòan bộ quá trình buôn lậu hết sức tinh vi và phức tạp. Do Thụy Sĩ là một nước tự do buôn bán và việc kiểm tra ở đây khá lỏng lẻo, Ghiya đã vận chuyển hàng bằng đường biển tới Geneva, nơi ông ta thành lập 3 công ty khác nhau. Những công ty này mua đi bán lại những món hàng nhằm tẩy xóa nguồn gốc của chúng trước khi đưa đến tay những nhà đấu giá và những người sưu tập.

Các nhà bán đấu giá có thể khăng khăng khẳng định rằng họ có được những cổ vật đó không phải từ Ấn Độ và là từ một công ty Thụy Sĩ (và công ty Thuỵ Sĩ này thì cũng mua lại của một công ty ở Thụy Sĩ khác) – Dù cho những công ty này dùng chung một địa chỉ đăng ký kinh doanh và những cổ vật chỉ “dừng chân” ở Thụy Sĩ không quá một tuần.

James Hodges đã cho Peter Watson xem những tài liệu về hai công ty ở Thụy Sĩ mà Ghiya sử dụng. Trong vòng hai năm, từ năm 1984 đến 1986 công ty Cape Lion Logging và Megavena đã ủy thác 93 cổ vật cho Sotheby’s bán đấu giá. Sotheby’s thường trả tiền hoa hồng thông qua một tài khỏan giả, Ghiya giải thích. Để đưa tiền mặt quay về Ấn Độ, Ghiya sử dụng hawala (theo tiếng Arập nghĩa là chuyển tiền – việc chuyển tiền thông qua một hệ thống ngân hàng chui, không chịu bất cứ sự kiểm soát hay luật lệ tài chính nào. Hệ thống này có các trung tâm giao dịch đặt tại các nước Arập nhiều dầu mỏ) và cũng được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, và thực tế là không thể lần ra dấu vết.

Sau khi Sotheby’s đóng cửa sàn giao dịch tại London năm 1997, nó chuyển việc buôn bán tới New York, đó là theo lời của Ghiya. Nhưng theo người phát ngôn viên của Sotheby, nhà đấu giá này đã không bán bất cứ một tác phẩm nào do Ghiya ủy nhiệm kể từ năm 1997.

Còn nhà đấu giá Christie’s thì tiếp tục bán những cổ vật do Ghiya cung cấp (theo như Ghiya nói). Riêng bức tượng thần Shiva, cảnh sát đã đối chiếu những bức ảnh tìm thấy trong ngăn tủ bí mật ở nhà Ghiya, đối chiếu những vết trầy xước, nứt vỡ, những cạnh mép lởm chởm khi pho tượng bị cạy ra khỏi vị trí ban đầu… nó hòan toàn phù hợp trạng thái bức tượng thần Shiva được nhà đấu giá Christie’s chào bán tại New York vào ngày 20 tháng Chín năm 2000.

Ghiya kể rằng ông ta đã gặp những người đại diện của Christie’s vào cuối tháng Giêng năm 2003. Phát ngôn viên của Christie’s nói “Christie’s miễn bình luận về lai lịch những khách hàng của họ”. Đồng thời, bà này cũng nhấn mạnh rằng đã có rất nhiều câu hỏi nhằm vào Ghiya nhưng “đây là một nhà kinh doanh có uy tín”, bà không được phép tiết lộ danh tính và Christie’s “không có lý do gì để tin rằng Ngài Ghiya có bất kỳ mối liên hệ nào” với bức tượng thần Shiva.

Dần dần Ghiya đã cung cấp cho Shrivastava hơn một chục tên những khách mua hàng của ông ta ở Anh, Thụy Sĩ, và Mỹ. Ghiya ghi nhớ hết sức cẩn thận địa chỉ, sở thích riêng của những người sưu tầm, và số phận của những cổ vật đã được buôn bán qua tay ông ta.

Những người sưu tầm luôn tuyên bố rằng họ là sưu tầm là để gìn giữ và bảo vệ những cổ vật quý này khỏi bị hứng chịu sự ngược đãi hoặc lãng quên. Nhưng Ghiya lại nói khác, ông ta kể rằng rất nhiều lần nhận được những đơn đặt hàng yêu cầu buôn lậu một pho tượng từ nước này sang cái khác. Ghiya nhớ lại những gì đã xảy ra với pho tượng đá Vahara – chạm khắc hình một con lợn rừng, một trong những hiện thân của thần Vishnu – ở làng Attru, Đông Nam Rajasthan. Pho tượng này được gắn trên một cái đế nặng cả nghìn pound, chân và tòan thân phủ kín bằng những họa tiết trang trí cầu kỳ. Cuối những năm 1980, bọn trộm đã dùng một sợi xích, xâu qua cái miệng đang há ra của con lợn và giật nó ra khỏi bệ đá. Quá trình này đã làm bay mất xương hàm dưới và làm gẫy chân của nó. Cuối cùng nó được bán cho một nhà sưu tầm tư nhân ở Zurich.

Một hai ba chúng ta cùng chối

Ghiya bị buộc tội ăn trộm “chuyên nghiệp”, sở hữu và vận chuyển cổ vật bất hợp pháp. Những phiên tòa xét xử của tòa án Ấn Độ được tiến hành một cách chậm chạp, người ta hy vọng cuộc xử án, đã tiến hành hơn một năm này, sẽ kết án ít nhất 5 người. Giới báo chí bị chặn lại bên ngoài phòng xử án, Ghiya được biện hộ vô tội. Những lời thú tội mà phía cảnh sát đưa ra được cho là kết quả của quá trình tra tấn và thẩm vấn ép buộc nên đã không được tòa án chấp nhận.

Khi tôi hỏi cả Shrivastava lẫn những sĩ quan khác rằng liệu Ghiya có bị tra tấn trong quá trình thẩm vấn hay không, họ đều nói, họ sẽ bị sa thải tức thì nếu có bất cứ một dấu hiệu ngược đãi nào đối với những đối tượng bị tình nghi. Nhưng ô dù của Ghiya cho rằng sẽ thật là kỳ lạ nếu như cảnh sát có được lời thú tội của Ghiya mà không có những hành động ngược đãi về thể xác nào.

Sharma Sandipan, một nhà báo Ấn Độ đã cảnh báo tôi rằng việc giao du với giới buôn bán đồ cổ ở Jaipur “cũng giống như cuộc thi điền kinh” – mọi người đều nhúng tay vào, và mọi người đều chối đây đẩy những việc đã làm. Chắc chắn rằng không một ai trong số những người đàn ông này dám thừa nhận rằng họ là người buôn lậu cổ vật.

“Một nhà buôn hàng dệt ở Rajasthan đã nói với tôi “Ghiya đã thức tỉnh đất nước Ấn Độ cần có những biện pháp nhằm gìn giữ những di sản văn hóa của mình bằng việc cho thấy cái giá mà người nước ngoài sẵn sàng trả để có được chúng”.

“Luật pháp không làm lợi cho bất cứ ai” nói theo cách của học giả Pratapaditya Pal, người đã tới Mỹ từ giữa những năm 1960, ông đã có trong tay một số bộ sưu tập nổi tiếng.

Pal tin rằng, những điều luật thường không linh hoạt vì nó không thể phân biệt giữa được một kiệt tác nghệ thuật với những loại đồ cổ bình thường. Và kết quả là thị trường chợ đen ra đời và chính phủ không có khả năng quản lý. Pal đã ủng hộ mô hình được sử dụng ở Nhật.Tại đây, họ tiến hành đánh giá tác phẩm nghệ thuật mang tầm vóc, ý nghĩa dân tộc để gìn giữ và bảo quản, còn những thứ khác sẽ được đem bán trên thị trường tự do.

Tượng đầu voi Ganesha Tượng thần Vishnu


Cổ vật … đi đâu về đâu

Tương lai không có gì sáng sủa đối với hàng nghìn cổ vật đã bị Ghiya buôn lậu ra nước ngòai từ giữa những năm 1970 cho đến khi ông ta bị bắt. Một cuộc tranh luận đã diễn ra giữa ngành khảo cổ và chính phủ ở Rajasthan về việc ai sẽ tài trợ tiền để những tác phẩm nghệ thuật bị mất quay trở lại và nằm trong những gian triển lãm của viện bảo tàng ở Ấn Độ. Tuy nhiên, dù cho chúng có quay trở lại thực sự, thì chúng cũng không thể trở về chính xác nơi mà từ đó chúng bị đánh cắp.

Pal đã chỉ ra rằng, thậm chí sau khi chính phủ Ấn Độ phải chi một số tiền khổng lồ để bức tượng đồng đỏ Nataraja, một tác phẩm điêu khắc được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật Ấn Độ – quay về, thì nó cũng không được đặt lại trong ngôi đền mà từ đó nó đã ra đi, mà nó cũng không được trưng bày ở viện bảo tàng.

Khi cảnh sát thu giữ được gần 900 cổ vật trong những kho hàng khác nhau của Ghiya nằm rải rác khắp Ấn Độ, chúng lập tức được vận chuyển về Jaipur. Hiện tại, chúng được cất giữ trong kho tàng cổ vật của đồn cảnh sát Vidhyadhar Nagar ở Jaipur. Chính quyền đã công bố kế hoạch tập hợp, khôi phục và cho trưng bày toàn bộ số cổ vật tại Hawa Mahal – lâu đài Winds ở Jaipur.

Tôi đến thăm Hawa Mahal, lâu đài được ốp bằng đá hồng với hàng trăm ô cửa sổ nhỏ xíu được xây dựng từ thế kỷ 19 – nơi những phụ nữ quý tộc xưa có thể ngắm cảnh thành phố mà không cần đi ra ngoài . Ở đây tôi gặp Zafar Ullah Khan, người được phân công gìn giữ cổ vật. Mọi cổ vật đều được chụp ảnh trước khi nhập kho, và, trong khi chúng tôi đang lật giở một núi những bức ảnh đen trắng chụp cổ vật, Zafar Ullah Khan nói với tôi rằng: một ngày nào đó, tất cả các tác phẩm đó sẽ được đem ra trưng bày. Nhưng tại thời điểm hiện tại, lâu đài Winds cần phải được trang bị hệ thống báo động và hệ thống camera theo dõi. Họ không thể đem trưng bày những cổ vật quý giá như vậy trong một điều kiện thiếu an toàn.

Mafia thanh toán lẫn nhau

Một điều bí mật, một câu hỏi được đặt ra là tại sao Ghiya không thể hối lộ giới quan chức để được ra khỏi tù. Ariane Dandois, đã nghe được những tin đồn ở Jaipur rằng Ghiya có những kẻ thủ rất có thế lực. Ariane Dandois nói “Ghiya đã trở nên quá giàu có, quá kiêu ngạo, và mâu thuẫn với những nhân vật quan trọng”. “Anh biết đấy, đây là một tổ chức mafia. Và rõ ràng là có một số người muốn loại Ghiya ra khỏi cuộc chơi “.

Đường dây hoạt động của Ghiya được xem là đường dây buôn lậu đồ cổ lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ đã bị phá. Ghiya có thể phải sống nốt phần còn lại của đời mình ở trong tù.

Trong vòng ba năm sau khi Ghiya bị bắt, đường dây buôn lậu đã bị gián đoạn. “Nhưng hiện giờ tôi biết rằng họ đã bắt đầu hoạt động lại,” Shrivastava nói “Buôn lậu cổ vật là một hành vi phạm pháp đòi hỏi phải có chuyên môn. Anh cần phải có khiếu thẩm mỹ và phải đọc rất nhiều”. “Những tay buôn lậu mới này, đã rút ra được bài học kinh nghiệm của Ghiya. Vì thế chúng càng thận trọng và tinh vi hơn”. /.

Tác giả Patrick Radden Keefe

Uyển Chi (Vietimes) lược dịch từ The New Yorker
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Ấn Độ: Bài học muộn về những tượng thần! (Phần III)"

Đăng nhận xét