gốm sứ Đông Nam Á : Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần II)Roxanna Brown tại một hố khảo cổ Đông Nam Á. Vào giữa thập niên 1990, bà chuyển đến Los Angeles để khôi phục sự nghiệp của mình và đến năm 2004 bà đã có được bằng Tiến sĩ tại Đại học California - Nguồn: Latimes.com
Roxanna Brown không bao giờ nhìn thấy chiếc xe đã đâm vào bà.
Nhà chuyên gia 36 tuổi về nghệ thuật Đông Nam Á đang dắt chiếc xe gắn máy của mình ra khỏi một bãi gửi xe ở Bangkok thì bị chiếc xe này húc phải lúc đường đang đông. Bà bị va đập tơi bời dưới những chiếc bánh của một chiếc xe tải chở gạo nặng vài tấn. Sau đó gã lái xe tải dồn số, rõ ràng là có ý định chèn tiếp lên người bà.
Hắn ta đang cố gắng tránh một vụ kiện bằng cách kết liễu luôn đời bà, theo lời bà kể cho những người bạn sau này, nhưng những người qua đường đã lôi được bà ra khỏi gầm xe.
Vụ tai nạn năm 1982 là ngã rẽ cuối cùng trong một cuộc đời nhiều cung bậc lốm đốm những mảng màu khổ ải. Brown đã từ một cô thôn nữ Illinois biến thành một phóng viên mặt trận trong Chiến tranh Việt Nam, rồi thành một chuyên gia hàng đầu về gốm sứ cổ. Nhưng sự nghiệp đầy hứa hẹn của bà đã bị vùi dập bởi cơn nghiện thuốc phiện. Trong thời gian phục hồi trong một ngôi chùa, bà đã yêu một vị sư người Thái trẻ tuổi và về sống với ông tại ngôi làng nghèo ở ngoại ô Bangkok, cùng với cậu con trai lên một tuổi của họ.
Giờ đây bà đang nằm trên đường với đôi chân, xương chậu và các cơ quan nội tạng nát nhừ, thân thể đen xém do bị mài lê trên đường nhựa.
Không có bảo hiểm hay tiền tiết kiệm, bà được đưa tới một bệnh viện mà điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ. Khi bà bị hôn mê và mất khả năng nhận thức, thì mẹ bà, đã bay từ Illinois sang, hàng ngày đã phải chạy đến một cửa hàng dược phẩm mua thuốc. Bệnh viện không có thuốc điều trị cho bà.
Chân phải của bà Brown bị cắt bỏ một phần. Sau đó các vết nhiễm trùng buộc các bác sĩ phải cắt bỏ thêm, rồi thêm nữa cho đến khi những gì còn lại chỉ là phần đùi.
Do không thể nói, bà đã viết một mẩu giấy cho mẹ mình: “Con đã sẵn sàng để chết rồi”.
Phải mất 6 tháng thì Brown mới đủ khỏe để bay về Illinois, và mất ba năm thì bà mới phục hồi được sức khỏe. Theo những người bạn của bà thì, trong quãng thời gian còn lại của cuộc sống, bà liên tục phải chịu những cơn đau người khủng khiếp, đau nửa đầu và ong tai.
Theo lời kể của người bạn lâu năm và là người đồng hương với bà là Patricia Cheeseman, người đã gặp bà Brown ở Lào vào thập niên 1970, “Brown thoát khỏi các bánh xe trong tình trạng bẹp dí theo đúng nghĩa đen. Tình trạng bẹp dí người của bà còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm, và bị phủ đầy các vết sẹo”.
Bà trở về Thái Lan với con trai, để rồi chứng kiến người chồng rời bỏ bà.
Anh họ của bà Brown là Karen Lindner, người đã đến thăm bà vài lần, nói rằng: “Ông ấy không thể chịu đựng được khi nhìn thấy bà chỉ có một chân. Ở đó thì đây là điều vô cùng hổ thẹn”.
Bà chuyển đến sống ở Chiang Mai, thành phố lớn nhất vùng đông bắc Thái Lan. Là một bà mẹ đơn thân tàn tật, cuộc sống hàng ngày đối với bà là cả một sự vật lộn.
Những người bạn kể rằng, là người tiên phong trong lĩnh vực của mình, song bà chỉ kiếm được chưa đầy 200 USD mỗi tháng nhờ việc giảng dạy về gốm sứ cổ tại Đại học Chiang Mai. Vào các buổi tối, bà làm việc tại một quán bar nhỏ mà bà đã mua lại để có thêm thu nhập. Quán bar này có tên là Hard Rock Cafe – mặc dù nó không phải là một phần của thương hiệu nổi tiếng này, như người ta đã nói với bà khi bà mua nó.
Bà có một cái chân giả không được vừa cho lắm và, theo những người bạn, bà suốt ngày phải ra vào bệnh viện để xử lý các vết nhiễm trùng.
Phần lớn thập kỷ tiếp sau đó của bà Brown là sự đau đớn, tuyệt vọng và mất phương hướng.
Khôi phục một sự nghiệp
Vào giữa thập niên 1990, khi mối quan tâm đến nghệ thuật Á châu bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ, Brown đã chuyển đến Los Angeles, quyết tâm khôi phục lại sự nghiệp gốm sứ của mình.
Bà đã có được một chiếc chân giả vừa vặn hơn, một công việc để thanh toán các hóa đơn sinh hoạt và bên cạnh đó bà còn làm công việc thẩm định nghệ thuật.
Những người bạn nói rằng bà Brown đã bắt đầu lo lắng đến tiền bạc – về khả năng đóng học phí đại học cho cậu con trai tuổi teen của mình, người vẫn ở lại Bangkok với những người họ hàng, và về việc ngày một già đi mà trong tay vẫn chưa có tài sản hay khoản tiết kiệm gì.
Với sự cổ vũ của người bạn lâu năm của bà là Robert Brown, một học giả về Đông Nam Á tại Đại học California, Los Angeles (UCLA) – và không có họ hàng gì với bà – Roxanna ghi tên mình vào chương trình nghiên cứu sinh làm tiến sĩ ở tuổi 53.
Trọng tâm chủ đề của bà là Khoảng trống thời Minh (Ming Gap), một giai đoạn 300 năm ít được nghiên cứu, khi Trung Quốc phong tỏa việc xuất khẩu các mặt hàng gốm sứ của mình, dẫn tới một sự bùng phát trong hoạt động sản xuất ở khắp Đông Nam Á. Theo những đồng nghiệp, phân tích của bà Brown về những đồ gốm sứ được khôi phục lại từ những mảnh vụn vớt lên từ tàu đắm đã cách mạng hóa sự hiểu biết về các hình mẫu buôn bán trong khu vực.
Barbara Gaerlan, Trợ lý giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc UCLA, nói rằng: “Tất cả chúng tôi đều khâm phục bà ấy, một bà già quay trở lại nghiên cứu sau đại học bằng câu chuyện lịch sử đáng kinh ngạc này”.
Trong thời gian tại UCLA, bà được làm việc trong một cộng đồng những người nhiệt tình nghiên cứu Đông Nam Á có quan điểm giống nhau. Thỉnh thoảng họ lại tụ tập làm những nghi lễ Phật giáo tại nhà của Jonathan và Cari Markell, là những người sở hữu Phòng trưng bày Con đường tơ lụa, quầy trang trí nhà ở cao cấp trên Đại lộ La Brea.
Trong số khách đến đây có những quan chức bảo tàng địa phương, trong đó có Robert Brown, người đã trở thành người phụ trách nghệ thuật Đông Nam Á trong Viện bảo tàng nghệ thuật Los Angeles vào năm 2000, và David Kamansky, giám đốc danh dự của Viện bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương tại Pasadena.
Một người say mê nghiên cứu nghệ thuật bản địa Thái Lan khác là Robert Olson, một công nhân ngành thép đã nghỉ hưu, người đã và đang nhập khẩu các mặt hàng gốm sứ cổ, đồ trang sức bằng đồng và các công cụ bằng đá kể từ thập niên 1980. Olson đã đưa về nước Mỹ các côngtennơ có chứa đầy những đồ cổ và ông bán lại chúng cho một của hàng ở Anaheim. Ông chuyên về những đồ vật đến từ Ban Chiang, một địa điểm di sản thế giới ở miền đông bắc Thái Lan.
Bà Roxanna Brown đã nghe về Olson ngay sau khi bà bắt đầu công việc học tập của mình tại UCLA. Olson nói rằng Robert Brown có lần đã đưa các nghiên cứu sinh đến nghiên cứu các đồ vật tại của hàng của nhà nhập khẩu này. Kamansky nói ông đã đến thăm cửa hàng này cùng với Robert Brown trong thời gian đang cân nhắc về việc tiến hành một cuộc triển lãm chung về chất liệu Thái của với Olson.
Bà Brown cũng đã đến thăm của hàng của Olson vài lần. Bà đã thấy được những đồ vật rất đáng lưu ý – một vài chiếc rổ bằng đồng, chẳng hạn, khi mà được biết chỉ có một số rất ít các rổ thuộc loại đó còn tồn tại trên thế giới, theo những lời phát biểu mà sau đó được quy cho là của bà trong các bản khai tuyên thệ liên bang.
Olson khẳng định với bà rằng những món đồ cổ này đã được nhập khẩu hợp pháp. Nhưng ông ấy cũng cười như nắc nẻ về việc đưa chúng qua mặt các quan chức hải quan của Thái Lan và Mỹ, sau này bà kể lại cho các nhà chức trách.
Bà Brown cũng tin rằng chúng đã được buôn lậu ra khỏi Thái Lan, theo những bản khai mà sau này các nhà điều tra liên bang trình ra.
Thỉnh thoảng, bằng chứng về việc cướp bóc trắng trợn cũng rất rõ ràng. Bà kể lại với các nhà chức trách rằng một vài trong số các vòng tay đồng cổ của Olson vẫn còn dính liền với xương tay người.
Roxanna Brown là một chuyên gia hàng đầu về gốm sứ Đông Nam Á - Nguồn thestar.com.my
Bước vào điều tra
Năm 2002, một đặc vụ liên bang đã tiếp cận bà Roxanna Brown. Ông ta đang điều tra về cái có vẻ như là những cổ vật Đông Nam Á bị cướp bóc và muốn có lời tư vấn chuyên môn của bà..
Bà nói với ông ta rằng những đồ vật mà ông ấy muốn hỏi có thể đã được Olson mang vào nước Mỹ; Olson là người mà bà miêu tả là nhà nhập khẩu thương mại lớn nhất và có thể là duy nhất thuộc loại này ở trong nước, theo một biên bản lục soát được đệ trình vào tháng Bảy. Bà “tin chắc rằng cần phải có những nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng cướp phá cổ vật” và “cảm thấy Olson và những người khác cần phải bị quy trách nhiệm”.
Theo các tài liệu liên bang, trong hai năm, từ 2002 đến 2004, bà đã đóng vai trò là một chuyên gia tư vấn cho chính phủ. Tuy nhiên, khi được yêu cầu làm chứng chống lại Olson, bà đã do dự.
Bà khai đã có lần làm môi giới cho một vụ làm ăn giữa Olson và một tay buôn cổ vật ở Thái Lan liên quan đến những quả chuông đồng mà tay buôn này đã buôn lậu ra khỏi Campuchia. Bà nói với các nhà chức trách rằng mình làm vậy chỉ là để ngăn chặn tay buôn lậu đã vì tiền mà bán những cổ vật của Thái Lan “chất lượng cao”.
Năm 2004, bà Brown đã nhận được bằng tiến sĩ và trở về Thái Lan, háo hức tìm và nắm bắt những cơ hội mới.
Sau khi nhà sáng lập giàu có của Đại học Bangkok nhờ bà thẩm định bộ sưu tầm gốm sứ của ông, Brown đã thuyết phục ông thành lập một viện bảo tàng và bổ nhiệm bà làm giám đốc. Bà cũng bắt đầu tư vấn về một dự án của Campuchia gần khu di tích Angkor Wat. Dự án này có nội dung huấn luyện những người địa phương cách làm đồ gốm để bán thay vì cướp phá các kho tàng cổ vật.
Nhiếp ảnh gia David Hume Kennerly, một người bạn cũ, nói rằng: “Bà rất quan tâm đến việc bảo tồn những cổ vật tại địa điểm nguyên gốc của chúng. Bà không muốn những thứ này bị chở đi vòng quanh thế giới”.
Khi bà Brown theo đuổi niềm đam mê của bà ở Thái Lan, hoạt động điều tra buôn lậu ở Mỹ đã phát triển rất mạnh.
Hoạt động bí mật
Trong những năm sau khi gặp gỡ với bà, nhân viên điều tra liên bang này đã hoạt động bí mật với cái lốt “Tom Hoyt”, một nhà doanh nghiệp giàu có trong lĩnh vực công nghệ quan tâm đến nghệ thuật châu Á – và trốn thuế.
Trên thực tế, Hoyt đã làm việc cho Cục công viên quốc gia, nơi ông ta đã dành 10 năm để hoạt động bí mật tại các cuộc bán đấu giá, các cuộc gặp gỡ đổi chác và các phòng trưng bày nghệ thuật để tìm kiếm những đồ tạo tác bị buôn lậu. Theo những bản tuyên thệ giấy phép lục soát được đệ trình vào tháng Giêng, trong khi điều tra hoạt động buôn bán các đồ vật châu Mỹ bản địa và thời kỳ tiền Colombia, ông tình cờ phát hiện ra cái có vẻ như là đường dây chính của các cổ vật Đông Nam Á bị cướp bóc đi vào khu vực Los Angeles.
Các tài liệu của tòa án đã miêu tả sự thâm nhập của ông ta vào cái bị cáo buộc là ổ trốn thuế và buôn lậu như sau:
Hoyt chiếm được lòng tin của Olson và bắt đầu mua của Olson những cổ vật Thái Lan. Nhà nhập khẩu này miêu tả chi tiết công việc kinh doanh của mình trong khi nhân viên điều tra bí mật ghi âm lại.
Cuối cùng, Olson giới thiệu Hoyt với vợ chồng Markell, những người lựa chọn những đồ vật từ cửa hàng của Olson và giúp Hoyt hiến tặng chúng cho các viện bảo tàng địa phương. Khi có mặt Hoyt, Jonathan Markell đã tạo ra những cuộc thẩm định thổi phồng giá trị của những đồ vật nhằm giúp người hiến tặng được hưởng một khoản miễn thuế tương ứng.
Để những cuộc thẩm định này hợp thức, ông ta sử dụng chữ ký điện tử của một chuyên gia rất được mọi người xem trọng là Roxanna Brown.
Brown được mô tả trong bản khai tháng Giêng như là nạn nhân của âm mưu này, bị những người bạn của bà là vợ chồng Markell lợi dụng; vợ chồng Markell đã sử dụng chữ ký của bà mà bà không hề hay biết.
Theo cáo buộc của bản khai, trong trường hợp này và các trường hợp khác, Hoyt đã hiến tặng những đồ vật bị thổi giá quá mức cho bốn viện bảo tàng ở miền Nam California và các nhân viên ở đây đã chấp nhận mặc dù họ có lý do để nghi ngờ về xuất xứ bất hợp pháp của chúng.
Vào tháng Giêng 2008, hàng trăm nhân viên điều tra liên bang đã tiến hành những cuộc truy quét có phối hợp đối với LACMA, Bảo tàng châu Á – Thái Bình Dương, Bảo tàng Bowers ở Santa Ana và Bảo tàng Mingei ở San Diego, cộng với chín địa điểm khác ở California và Illinois.
Các đặc vụ này đã thu giữ được hàng nghìn sổ sách và cổ vật trong diện nghi ngờ. Lúc đó không có ai bị bắt giữ cả. Olson phủ nhận bất kỳ hành động sai trái nào và vợ chồng Markell thông qua luật sư của mình đã từ chối bình luận, lấy lý do là cuộc điều tra đang diễn ra.
Trong những sổ sách thu giữ được của Olson, người bị cáo buộc là buôn lậu, có một tài liệu mang tên “Roxanna”.
Nội dung của tài liệu này cho thấy một mặt hoàn toàn khác của Roxanna Brown.
Xem tiếp: Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần cuối)
Tác giả Jason Felch
Thi Thi dịch từ Los Angeles Times
Nguồn: Vietimes
0 nhận xét: on "gốm sứ Đông Nam Á : Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần II)"
Đăng nhận xét