Gốm sứ Đông Nam Á: Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần I)
Roxanna Brow, lúc 27 tuổi, trong một chuyến thăm đến Port Tobacco, Maryland năm 1973 - Nguồn: Latimes,com
Niềm đam mê nghệ thuật, một sự nghiệp nguy hiểm
“Tôi đang bị bắt”, Roxanna Brown, một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực gốm sứ Đông Nam Á, đang thì thầm những lời như vậy với chiếc điện thoại trong khách sạn.
Dưới cầu thang, nơi hành lang, người mời bà đến là giáo sư Bill Lavely của Đại học Washington không biết phải làm gì. Ông đã mời Brown, giám đốc bảo tàng 62 tuổi, bay từ Bangkok tới để thực hiện một bài giảng tại một hội nghị về gốm sứ ở Seattle.
Lavely đi lại ở hành lang chừng 10 phút trước khi đi lên phòng của Brown và ngập ngừng gõ cửa. Một vài phút sau, bà xuất hiện, bên cạnh là bốn đặc vụ liên bang. Bà bước đi vất vả với cây gậy chống, bước đi khập khiễng do chân phải là chân giả. Trông bà thật phờ phạc và mong manh, Lavely nghĩ vậy. Rõ ràng là bà đang khóc.
“Ước gì tôi có thể giải thích”, Brown nói lắp bắp khi hướng tới thang máy vào chiều tháng Năm hôm đó. “Mọi chuyện liên quan đến thứ đó ở Los Angeles. Tôi đã mắc một sai lầm… Tôi đã fax đi chữ ký của mình”.
Nhớ lại tình tiết câu chuyện hai tháng sau đó, Lavely nói rằng ông không biết bà nói về điều gì. Khi Brown ấn mở cửa thang máy, ông đã hỏi xem liệu mình có thể giúp được điều gì không.
“Tôi cho là không”, Brown trả lời. “À mà có thể có…”
Trước khi bà có thể nói hết câu, cửa thang máy đã khép lại.
Đó là lần cuối cùng mà một người đồng sự của Brown nhìn thấy bà còn sống.
Giới nghệ thuật choáng váng
Việc bắt giữ Roxanna Brown, và cái chết của bà sau đó trong tù, đã gây sốc cho giới nghệ thuật cổ, nơi mà mà đã tiến tới được nhìn nhận như một trong số những chuyên gia uy tín bậc nhất về gốm sứ Thái Lan.
Đối với những người biết bà, thật chẳng có nghĩa lý gì khi bà bị buộc tội, thậm chí là bỏ tù, trong một vụ điều tra buôn lậu quốc tế dẫn đến những cuộc truy quét đối với các viện bảo tàng bị tình nghi ở phía Nam California và nhiều bảo tàng khác. Cuộc đời bà luôn tận tụy với việc nghiên cứu và bảo vệ những kho tàng văn hóa Đông Nam Á lâu đời.
Thậm chí khi còn là một cô gái trẻ lớn lên ở một trang trại nuôi gà ở Illinois, bà đã có lần nói với người anh trai Fred của mình rằng: “Em cảm thấy em chắc hẳn đã sống ở châu Á trong một cuộc đời khác”.
Tại Đại học Columbia, bà học chuyên ngành báo chí nhưng lại cảm thấy bị mê hoặc trước một lớp học về nghệ thuật châu Á. Khi đó hầu như không ai biết tí gì về nghệ thuật gốm sứ Đông Nam Á. Brown nghĩ rằng tấm bằng của bà có thể giúp bà đi ra nước ngoài để trực tiếp nhìn thấy các lò gốm.
Sau khi tốt nghiệp năm 1968, Brown đã ngồi xe môtô gắn máy phóng một mạch từ New York đến Chicago, sau đó vẫy xin đi nhờ một băng môtô đến California. Tại đó bà lên một chiếc máy bay đi Australia, rồi đến Đông Nam Á, quyết tâm theo đuổi trực giác thuở thơ ấu của mình.
Đến tháng Muời hai, cô gái 22 tuổi Brown làm nghề viết văn tự do ở Việt Nam, là một trong những phóng viên cứng trẻ nhất viết về chiến tranh. Đó là chuyến đi đầu tiên của bà tới châu Á, nhưng bà cảm thấy nơi đó như là ngôi nhà thân thuộc của mình vậy.
Hầu hết các nhà báo khác đều sống trong những căn hộ lớn ở Sài Gòn. Brown chuyển đến sống với một gia đình người Việt Nam trong một khu dân cư xoàng xĩnh. Họ dạy bà tiếng Việt và phong tục tập quán địa phương, và bà đóng góp tiền ăn ở khi có thể. Quan hệ đó trở thành một tình bạn lâu dài.
Hấp dẫn và cực kỳ sáng dạ, Brown đã trở thành thành viên của một nhóm nhà báo lúc bấy giờ nổi tiếng với mảng viết về chiến tranh. Theo lời kể của anh trai bà, bà đã có quan hệ hẹn hò trong thời gian ngắn với nhiếp ảnh gia từng giành Giải thưởng Pulitzer là David Hume Kennerly, là bạn với nghệ sỹ kiêm phóng viên báo ảnh Sean Flynn (con trai của Errol) và hay la cà trò chuyện với các phóng viên chiến trường Peter Arnett và David Halberstam.
“Tôi đã tìm lại được niềm đam mê môtô gắn máy của mình sau khi mượn được của bà ấy chiếc xe gắn máy 100 phân khối”, theo lời Ted Koppel trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Vào tháng Ba 1969, khi Mỹ bắt đầu thực hiện một chiến dịch oanh kích bí mật ở Campuchia, Brown là một phần của nhóm những nhà báo tự do trẻ tuổi lai vãng quanh Khách sạn Le Royal ở Phnôm Pênh vào các tối, tìm kiếm việc làm, theo lời kể lại của Koppel, khi đó là phóng viên mặt trận 29 tuổi của hãng tin ABC News.
Nhưng ngay từ đầu, đưa tin về chiến tranh chỉ là một cách để Brown nuôi dưỡng niềm đam mê thực thụ của bà: lượm lặt các mảnh gốm vỡ ở các lò gốm cổ nằm rải rác khắp vùng nông thôn Việt Nam. Bà thường dành một vài ngày để viết một bản tin, sáu đó nhảy lên chiếc môtô gắn máy của mình và phóng đi khắp vùng bị chiến tranh tàn phá để tìm những dấu vết còn lại của nghề gốm sứ cổ.
“Bà ấy có lòng quyết tâm mạnh hơn tôi rất nhiều”, Kennerly nói.
Khi quân đội Bắc Việt Nam tràn vào khu phi quân sự trong một cuộc tấn công vào tháng Tư 1972, các xe tải quân sự của quân đội Nam Việt Nam khi tháo chạy đã làm tắc nghẽn tuyến đường cao tốc chính. Đi len lỏi về hướng bắc qua những mớ hỗn đợn trên chiếc xe môtô gắn máy của mình là một phụ nữ Mỹ xinh đẹp, 26 tuổi, trong bộ đồ dã chiến và mũ mềm, theo lời kể lại của cựu phóng viên mặt trận của tạp chí Time là David DeVoss.
DeVoss đã vẫy cờ ra hiệu cho Brown. Liệu bà có biết là mình đang lao vào chốn nguy hiểm?
“Tôi đang đi tới khu Thành Nội”, Brown nói bằng giọng đầy quyết tâm khi hướng tới cung điện hoàng gia cổ ở Huế. “Tôi cần lượm lặt một số sách sử và đồ tạo tác”.
Xét đến những yếu tố nguy hiểm của chiến tranh, DeVoss vô cùng sửng sốt trước vẻ tự tin của Brown. Ông kể lại trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Bà ấy rất bình tĩnh và có một mục đích rõ ràng, và chung quanh bà mọi thứ dường như đều tách bạch rõ ràng”.
Sau đó, Brown sống ở Singapore. Bà đã bắt tay viết luận án thạc sĩ tại Đại học Singapore, dưới sự hướng dẫn của William Willets, một chuyên gia người Anh về nghệ thuật châu Á. Một năm sau đó, bà đến Luân Đôn, học tiếng Việt và hoàn thành tấm bằng thạc sĩ tại Khoa nghiên cứu Đông Phương và châu Phi của Đại học Luân Đôn.
Ảnh Roxanna thời trẻ - Nguồn Latimes
Năm 1977, Brown cho xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình mang tên “Đồ gốm sứ Đông Nam Á: Niên đại và cách nhận dạng”. Nó đã trở thành kinh thánh của một lĩnh vực vừa mới phát triển. Kỹ năng chuyên môn của bà đã khiến bà trở thành tài sản vô giá trong con mắt các nhà sưu tầm tư nhân, những người bắt đầu bay cùng bà vòng quanh thế giới để thẩm định những đồ gốm sứ của họ, theo lời kể của Patricia Cheeseman, một người bạn lâu năm và người đồng hương với bà, người đã gặp Brown ở Lào vào năm 1973.
Brown đã có một thời gian sống ở Hồng Kông, nơi bà làm phó tổng biên tập cho tạp chí danh tiếng Arts in Asia (Nghệ thuật ở châu Á) và đã tổ chức một hội chợ quốc tế về đồ cổ châu Á, điều cho phép bà có điều kiện nghiên cứu hàng ngàn loại gốm sứ hiếm.
“Nghiện ngập”
Theo gia đình bà, còn có một lý do nữa để Brown rời khỏi Hồng Kông vào năm 1979. Giống như nhiều người Mỹ trẻ tuổi ở Đông Nam Á vào thời kỳ đó, bà đã thử dùng ma túy. Nhưng Brown đã “ngập” vào đó, theo người anh họ của bà là Karen Lindner.
Bà đã nghiện. Ngay khi công việc kinh doanh đồ cổ đầy hứa hẹn của bà chuẩn bị phát đạt, thì liều lượng ma túy đã vượt ra ngoài khả năng kiểm soát. Những người bạn của bà đã báo cho các nhà chức trách Hồng Kông; họ giam giữ bà trong một thời gian ngắn và sau đó ra lệnh trục xuất bà khỏi nơi này, theo lời anh trai Fred của bà.
Brown viết cho mẹ bà vào tháng Bảy 1979 rằng: “Con không thể giải thích thậm chí cho chính bản thân mình về việc con đã gặp rắc rối với nó như thế nào. Con nghĩ rằng mình chưa bao giờ thực sự có niềm tin vào bản thân – con luôn cảm thấy giống như mình đã lừa gạt mọi người đi đến chỗ nghĩ rằng con lanh lợi hay thú vị hay khỏe mạnh – và con luôn sợ bị mọi người tìm hiểu”.
Với hy vọng chuyển hướng cuộc đời mình, Brown đã đến sống vài tháng ở một ngôi đền Phật Giáo ở Thái Lan.
Có một nhà sư Thái trẻ tuổi, ít tuổi hơn bà rất nhiều, đã quan tâm săn sóc bà trong thời gian bà lui vào ẩn dật và dần phục hồi. Hai người đem lòng yêu nhau. Bà cảm thấy ông ấy đã cứu sống cuộc đời mình, theo lời kể của anh họ của bà Brown là Linder. Ông ấy khâm phục công việc bảo tồn văn hóa Thái của bà.
Khi “Joe” Ngerntongdee hoàn thành thời gian phụng sự trong đền của mình, hai người đã chuyển đến ở tại gia đình của ông ấy tại trong một khu ổ chuột ở ngoại ô Băng Cốc, dựng một ngôi nhà sàn bằng gỗ và không có điện, theo lời Linder, người đã đến thăm ngôi nhà này vài lần.
Họ kết hôn vào năm 1980 theo nghi lễ truyền thống Thái Lan. Gia đình của Joe đến để xin mua lại quyền tự do của Brown. Liner, người họ hàng duy nhất của Brown có mặt khi đó, đã đồng ý trao bà cho nhà trai để đổi lấy một đôi dép tông. Keyes Beech, trưởng phòng đại diện tại Băng Cốc của tờ Los Angeles Times, là phóng viên mặt trận đã nhận được Giải thưởng Pulitzer, đứng ra thay mặt cho cha của Brown.
Các vị sư trong bộ áo cà sa đã tụng kinh nhiều giờ đồng hồ để đổi lấy thuốc lá, sau đó quấn vào đầu và tay của Joe và Roxanna bằng dải ruy băng nghi lễ. Các vị khách phương Tây phải méo mặt ngồi bắt chân chữ ngũ trên sàn gỗ, cố gắng làm sao không hướng gót chân vào mặt các vị khách khác, vì theo văn hóa Thái thì điều này bị coi là cử chỉ xúc phạm.
Gia đình Joe nhanh chóng coi Roxanna như con cháu trong nhà mình. Mẹ Joe đã dạy Roxanna nấu các món đặc sản Thái, và Roxanna đã học nói cả tiếng Thái chính thống lẫn tiếng Thái đường phố một cách khá thành thục.
Hai sau sau, Brown sinh được một con trai. Bà và Joe đặt tên cho con trai là Taweesin “Jaime” Ngerntongdee. Hầu hết bạn bè bà là người Thái, và mặc dù có tiếng là một học giả, bà đã sống đơn giản bằng số tiền kiếm được từ việc dạy tiếng Anh và biên tập cho một tạp chí địa phương.
Theo Cheeseman thì lối sống của bà đã gây sốc cho nhiều người đồng hương của bà đang sống tại Băng Cốc. Nhưng Brown dường như rất hạnh phúc, và an phận.
Nhưng rồi vụ tai nạn đã làm thay đổi tất cả.
Xem tiếp: Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần II)
Tác giả Jason Felch
Thi Thi dịch từ Los Angeles Times
Nguồn: Viettimes
0 nhận xét: on "Gốm sứ Đông Nam Á: Hành trình khổ đau của một học giả mê gốm sứ Đông Nam Á (Phần I)"
Đăng nhận xét