Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

HOA SƠN BÍCH HỌA- NỘI DUNG VÀ GIẢ THIẾT




HOA SƠN BÍCH HỌA- NỘI DUNG VÀ GIẢ THIẾT
Lê Bá Thanh
Bích họa là những bức tranh được miêu tả trên vách các hang động hay vách đá lần đầu tiên được tìm thấy ở Châu Âu, chủ yếu được sáng tạo vào cuối thời kỳ đồ đá cũ đến thời đại đồ sắt sớm, các nội dung thường miêu tả nhiều đến cuộc sống săn bắn, hình ảnh phản ánh thường là động vật hoang dã như: gia súc, gia cầm,...  các tác phẩm đó phần nào phản ánh tư duy, trí tuệ cũng như thẩm mĩ của tổ tiên con người trong cuộc sống, là cơ sở nghiên cứu quan trọng tìm ra nguồn gốc, sự phát triển của mỗi tộc người. Vì vậy, các tác phẩm này đã trở nên vô cùng quý giá, là cơ sở vững chắc nhất, là chìa khóa để chúng ta khám phá cuộc sống của tổ tiên loài người. Việc phát hiện ra Bích Họa Hoa Sơn là một bức ngoặt quan trọng bù đắp vào những chỗ khuyết trong nghệ thuật bích họa và thêm phần làm phong phú nguồn tư liệu cho nghiên cứu lịch sử, quan trọng hơn nữa là đã góp phần vào kho tư liệu nghệ thuật tạo hình  quý giá thế giới.
Về Bích họa Hoa Sơn, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ, văn hóa của cả Trung Quốc và Việt Nam đều cho rằng là sản phẩm của người Lạc Việt cổ (tổ tiên của Choang hiện nay) những khắc họa đồ án hoa văn có ý nghĩa thần bí trên vách núi Hoa Sơn. Ở đây, Bích họa Hoa Sơn được hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ những bích họa trên sườn núi Hoa Sơn thuộc khu tự trị người Choang ở Ninh Minh, Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc. Theo nghĩa rộng, khi nói đến Bích họa Hoa Sơn, ai cũng hiểu là đề cập đến công việc khảo cổ ở Bằng Tường, Long Châu, Sùng Tả, Ninh Minh, Phù Tuy, Đại Tân... tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nơi đã tìm thấy các bích họa trên vách núi nằm bên trái lưu vực sông các quận khu vực tập trung người dân tộc Choang. Vì Bích họa khá lớn về quy mô cũng như sự phức tạp của các chân dung và sự nguy hiểm khi bích họa nằm cheo leo trên sườn núi nên mọi người  lấy tên Bích họa Hoa Sơn làm danh từ chung để chỉ công việc khảo cổ ở khu vực rộng lớn này làm tên gọi chung. (Hình 1)
 Vài nét về Bích họa Hoa Sơn
Về địa danh, Hoa Sơn nằm ở bên trái bờ sông Đà Long huyện Ninh Minh, cách thị trấn Ninh Minh khoảng 25km, cách thành phố Nam Ninh khoảng 180km. Ở đây, Bích họa được hiện diện trên sườn dốc đứng với độ cao 260 mét.  (Hình 2)
Về kích thước, bức bích họa dài 220m, cao 45m và có hơn 1.800 nhân vật. Về tạo hình, Bích họa là một tổ hợp các motip tạo hình với bố cục rõ rang, mạch lạc. Ở giữa bức tranh có hình ảnh người, hình ảnh thú, những thứ như (hoa văn trống dồng hoặc la đồng, vòng đầu của con dao...). Chân dung cao nhất ở trung tâm bức tranh cao 2,4 mét, nhỏ nhất là 30 cm, đa số các nhân vật có kích thước trung bình cao 60 cm; Các nhân vật ở giữa bức tranh cao 1,5 mét, hai chân dang rộng như cái xiên, hai tay dang rộng bằng nhau, và người đứng đầu có hình dạng như một quả núi. Các bức chân dung giống như những con ếch trong tư thế bơi dưới nước. Toàn bố cục tranh, có chân dung to, cao nhất ở trung tâm đang cầm kiếm, có đeo vòng nguyệt quế ở trên đầu nên các nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là người chỉ huy hoặc là thầy phù thủy. Vây xung quanh nhân vật to lớn đeo vòng nguyệt quế là những nhân vật nhỏ có những vẻ mặt khác nhau nhưng cân đối trên mặt tranh.
Chân dung có phong cách cổ xưa, thô sơ, có lực. Tất cả các chân dung được vẽ bằng chất liệu đất màu đỏ, mặc dù chịu nhiều sự tàn phá của tự nhiên trong nhiều năm nhưng tất cả vẫn sống động, rõ ràng.
Toàn bộ dốc vách đá thẳng đứng Hoa Sơn được vẽ đầy các chân dung bằng đất màu đỏ. Chân dung thường được nhìn ở phía chính diện và tư thế nghiêng hẳn sang bên trái hoặc phải. Hầu hết các chân dung đều có hai tay giơ cao, hai chân dang rộng mở ra như cái xiên đứng vững tạo thành hình vuông với mặt đất. Mặt bên chân dung hai tay duỗi căng, hai chân nhỏ nhảy kiểu ngồi xổm như kiểu chiến binh đang tập võ hoặc đang nhảy múa theo điệu nhạc như cuồng vũ hoan ca giống như những cảnh thổ dân trên thế giới nhảy múa quanh đống lửa.
Về niên đại, Bích họa Hoa Sơn đã có trước thời Đông Hán, cách ngày nay khoảng 2.000 năm lịch sử trở lên. Và đến ngày nay, hàng nghìn năm đã trôi qua, với một lịch sử lâu dài v của tổ tiên người Choang tổ tiên của dân tộc Choang với một chiều dài lịch sử thăng trầm với những cuộc đấu tranh với thiên nhiên, với các tộc người xung quanh và điều đó đã khiến cho diện mạo tộc người thay đổi, văn hóa nay cũng đã khác nhưng Bích họa Hoa Sơn có quy mô lớn và đầy tính nghệ thuật trên sườn núi, thông qua không gian, thời gian, qua lịch sử lâu dài hàng, trải qua sự xói mòn của mưa gió, của sấm sét, đến nay những bích họa đó vẫn còn màu sắc rực rỡ, phong thái sống động, phong cách độc đáo và độc lập với nghệ thuật thế giới và được coi là một bí ẩn trong kỹ thuật sử dụng màu sắc mà đến nay vẫn chưa có lời giải.
Vậy tổ tiên của dân tộc Choang vẽ những bích họa lớn trên vách núi với ý định gì? Một số chuyên gia, học giả sau khi trải qua khảo sát tại hiện trường đã cho rằng đây là tiệc mừng thắng lợi, hoặc là lễ mừng vụ gặt thắng lợi hay thao luyện hoặc đi săn cái gì đó, đây vẫn là là những ý kiến khác nhau mà chưa có kết luận chính thức nào được công bố nên hiện nay vẫn còn là một bí ẩn. Bích họa trên vách đá Hoa Sơn của dân tộc Choang là kho tàng nghệ thuật thực sự, nó thô sơ và khỏe mạnh về đường nét, bút pháp cũng như phong cách khá cổ xưa, thần thái của các nhân vật sống động như thật, phản ánh thị hiếu thẩm mỹ và những tiêu chuẩn nghệ thuật linh hoạt đã đạt đến chuẩn mực trong nghệ thuật tạo hình của người Choang cổ đại. Nhiều học giả, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu đã công nhận: Bích họa Hoa Sơn có sự phân bố rộng rãi và được vẽ ở địa điểm dốc đứng, mặt tranh hùng vĩ đồ sộ. Tranh được vẽ trong điều kiện khó khăn nguy hiểm, trong lịch sử nghệ thuật thế giới rất hiếm thấy nên đã được đưa vào kho tàng nghệ thuật tranh tường độc đáo nhất, đã nổi tiếng trên toàn thế giới về thể loại bích họa.
Một số giả thiết
Một số học giả cho rằng những bích họa Hoa Sơn là bằng chứng của một buổi cúng tế có liên quan đến thần thánh. Cảnh sinh động ở đây ban đầu được cho là phản ánh việc các pháp sư, thầy mo thời nguyên thủy đang tế thủy thần và khẩn cầu cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, đó là di sản văn hóa của người Lạc Việt - tổ tiên của người Choang. Loại trừ hình tượng nhân vật bên ngoài, ở bên cạnh nhân vật trung tâm còn có chó, chim, thuyền, dao, kiếm, trống... Nhân vật trung tâm cao lớn là trung tâm của bích họa, hai tay giơ cao, cong đến tận khỉu, hai chân mở rộng như chiếc xiên như hình con ếch, quanh nhân vật trung tâm có số lượng lớn các nhân vật có kích thước nhỏ, mặt bên là kiểu ngồi xổm, hình dáng cơ thể đầy đủ, kiểu tóc thay đổi, biến hóa phong phú, khung cảnh to lớn, hùng vĩ, họa pháp đơn giản, phong phú rực rỡ, nguy nga hùng tráng. Họ tổ chức buổi tế lễ lớn như vậy để thỉnh cầu thủy thần phù hộ mùa vụ tốt đẹp và phù hộ sinh sôi thịnh vượng. (Hình 3)
Theo lịch sử và truyền thuyết của dân tộc Choang, một số học giả người Choang như dân tộc học, văn hóa dân gian, xã hội học, tâm lý học dân tộc thì những nghiên cứu vốn có như đặc điểm và hành vi, chẳng hạn như biểu tượng totem, kết hợp với nhóm hình ảnh bích họa trên vách, họ cho rằng bức bích họa trên vách núi là thể hiện theo huyền thoại, cổ sử "cầm lôi đồ long" (giết rồng bắt sấm) nói về B Bá một nhân vật anh hùng kiểm soát đại hồng thủy, sáng tạo trời đất trong sáng thế ký của người Choang (Hình 4). Nhà nhân chủng học Ba Lan Bronislaw Malinowski cho biết: Đối với các cuộc khủng hoảng, phù thủy cũng có thể làm cho một người hay một vài người trở thành một cơ quan hay lãnh đạo của một bộ lạc cách để giúp người dân tự tổ chức." . Vì vậy, các nhân vật trung tâm của bích họa trên vách núi đặc biệt to lớn, có thể là nhân vật anh hùng Bố Bá, hoặc là pháp sư, phù thủy là những lời giải thích phù hợp nhất.
Nội dung  thờ phụng thủy thần của người Lạc Việt:
Những bức bích họa ở Hoa Sơn được các nhà khảo cổ phát hiện nhưng chưa có kết luận chính thức về niên đại. Nhưng ít nhất cũng có niên đại từ 2 đến 3 nghìn năm trước. Từ các hiện vật được tìm thấy trên bích họa của văn hóa Lạc Việt, về nội dung có thể được suy ra là người Lạc Việt tôn thờ thủy thần. Cái gọi là " - Lạc" là "鸟田- điểu điền" (Chim đất), là văn minh lúa nước; "“ - Việt" là đề cập đến nền văn minh đồ đồng. "Lạc Việt" là nền văn minh lúa nước, văn minh đồng thau. (Hình 5)
2.000 năm trước, người Lạc Việt sống hai bên bờ sông đã phát minh ra công nghệ đóng thuyền, chiếc thuyền đầu tiên được làm bằng gỗ và thường có con chim đậu ở mũi thuyền. Nhưng khi mọi người ngồi lên thuyền, dòng nước ở con song này thường chảy xiết và nhấn chìm thuyền. Theo thời gian, mọi người đã tìm ra cách bảo vệ thuyền đi an toàn, bình an, nên họ đã bắt đầu phát triển tục thờ cúng thủy thần trong những khu vực dễ có nguy cơ xảy ra tai nạn. Thời này vẫn còn sơ khai, chưa có đền thờ, vì vậy nó sẽ là hành động, nghi thức cúng tế những người thiệt mạng được vẽ bằng màu đỏ, để triệu hồi linh hồn ở dòng sông, để an toàn đường thủy cho mọi người mưu sinh trên thuyền. Nghi thức uốn cong cánh tay, nâng đầu gối kiểu hình "con ếch" là một biểu tượng của hành động của người Lạc Việt cổ. Hành động này cũng lặp lại nhiều nhất trong bức bích họa, đến bây giờ mọi người vẫn tiếp tục sử dụng. Ngày nay tại huyện Long An, Quảng Tây mỗi năm vẫn tiến hành lễ cúng lúa ngày 6 tháng 6 "六月六稻神节", các nghi lễ và nội dung rất giống các nghi lễ trên bức bích họa. Và mọi người nghĩ và tôn thờ Thủy thần, bởi Thủy thần là mẹ của "Lúa nước", và mỗi năm đều thờ cúng "Thần lúa” để được bảo vệ bình an cho thu hoạch.
Hoa sơn Bích Họa, thể hiện điệu múa Sư Công của người Choang?
Một số học giả cho rằng: Các tạo hình nhân vật trong bích họa Hoa Sơn của dân tộc Choang đang nhảy múa, tạo dáng, mặt nạ, mũ, kiếm có sự tương đồng khác thường . Biểu hiện như sau: Đầu tiên, Nội dung của Bích Họa Hoa Sơn có nội dung phản ánh các điệu múa Sư Công (Hình 6a, b)
Thứ nhất, tổ tiên dân tộc Choang cổ đại cho rằng thiên tai nhân họa đe dọa đối với chí mạng của mọi người, họ không thể hiểu được các hiện tượng tự nhiên và họ không thể chinh phục nên sinh ra thuyết "vạn vật hữu linh", nên các hiện tượng tự nhiên được họ coi như các vị thần, như thần đất, thần trời, thần nước, sơn thần, Từ sự tôn sùng tự nhiên phát triển đến sùng bái thần linh. Mọi lễ hội dân gian quan trọng, bắt buộc phải mời Sư Công chủ trì nghi thức cúng tế, Sư Công làm những hành động trung gian giữa thần và người, đeo mặt nạ, đóng vai vị thần, vui vẻ hát múa, tế trời đất, cầu tứ phương. Múa hát với mục đích cầu xin thánh thần ban phúc cho một vụ thu hoạch lúa bội thu, người, vật bình an, xã tắc thái bình.
Thứ hai, trên bích họa có rất nhiều hình ảnh là các ký hiệu cho thấy giống với các đạo cụ mà Sư Công sử dụng để nhảy múa. Các nhà nghiên cứu cho rằng các hình ảnh trên Bích họa cho thấy đây là điệu múa chiêng của dân tộc Choang "Hát đồng phải lên đồng, lên đồng phải nhập giá”. Ở đây và cả trong ca vũ truyền thống của người Choang, mặt nạ là một trong những đặc trưng chủ yếu trong múa Sư Công nên khi múa, phải hóa trang theo hình tướng vị thần đại diện, nhằm thể hiện bầu không khí thần bí, ám thị thần nhập thể xác. Người và thần tương thông với nhau, trời và đất kết nối với nhau, múa Sư Công còn phải dựa vào trống "nhạc", lấy trống "nhạc" đệm cho múa. Bởi múa Sư Công là vũ điệu sử dụng đạo cụ trống, "tất cả loại múa lên đồng đều phải sử dụng công cụ của thần linh". Múa Sư Công không thể tách rời các pháp khí như dao, kiếm... để trấn ma trừ tà, tiêu tan tai họa và bệnh dịch. Bích Họa Hoa Sơn trên vách đá có rất nhiều hình tượng trống, chẳng hạn như: trống đồng, chuông... Nhân vật chính là thủ lĩnh đều đeo vòng dao trên đầu, rất nhiều người đeo mặt nạ che phủ toàn bộ khuôn mặt, mặt nạ có ba mắt, bốn mắt, rất giống với phù thủy.
Thứ ba, các nhân vật tạo hình trên Bích họa Hoa Sơn là đặc trưng của phong cách tạo hình múa Sư Công của dân tộc Choang, điển hình nhất là tạo hình kiểu múa ếch, dáng ngồi xổm, hai tay gập lại và giơ lên hai bên. "Ếch xanh kêu, nước mưa tới", trong tín ngưỡng dân gian Choang, ếch xanh là vị thần có địa vị trung tâm trong tâm thức người dân, trong nghệ thuật tạo hình, ếch là vị thần đặc trưng của dân tộc Choang và đây là hình ảnh totem phản ánh nhận thức, hầu hết hàng nghìn hình ảnh trên Bích Họa Hoa Sơn đều có các nhân vật được thể hiện theo phong cáchn này, đặc biệt chân dung nhân vật chính ở trên cao là một phong cách "ếch" điển hình. (Hình 7a, b) Như vậy, chúng ta có thể thấy rõ múa Sư Công của dân tộc Choang được thể hiện khá rõ trên vách đá Hoa Sơn, các nhân vật gần như giống hệt nhau về phong cách và hình dáng. Múa Sư Công là của người Choang mà tổ tiên của họ chính là người Lạc Việt cổ xưa, là một nghi lễ tế thần, là những "hóa thạch sống" của các điệu nhảy cổ xưa còn tồn tại đến nay, và đây cũng là vật chứng chứng inh rằng văn hóa Lạc Việt cũng chính là khởi nguồn cho văn hóa Trung Hoa này nay..
Văn hóa Lạc Việt là nguồn gốc quan trọng của Văn hóa Trung Hoa
Văn hóa lúa nước, văn hóa trống đồng, văn hóa nham họa, Lạc Việt cổ đại, rồng mẹ đầy huyền thoại... những điều ấy lấp đầy tình cảm và thi vị vừa mang màu sắc thần bí say mê của con người vừa mang tính sinh động trong minh chứng lịch sử. "Văn hóa Lạc Việt là sự khởi đầu quan trọng cho văn hóa Trung Hoa". Nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc Tạ Thọ Cầu (là nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nhiều năm, cùng với vốn thượng tầng văn hóa phong phú), ông nói: Lạc Việt là tổ tiên chung của các dân tộc bản địa khác nhau của miền Nam Trung Hoa, từ xa xưa hơn mười nghìn năm trước ở thời đại đồ đá mới họ đã biết trồng lúa nước, lúa mạch..., và bây giờ cuộc sống của người dân, sinh hoạt, nhà cửa, quần áo vẫn còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa Lạc Việt.
Tại đoạn sông nơi Bích Họa Hoa Sơn hiện diện cũng xuất hiện và đã vớt được những mẫu vật là cây giáo rất lớn thời kỳ Bách Việt, những con dao to và nhiều vật khác, rất có khả năng khu vực thực hiện nghi lễ này thời kỳ đó là đường đi qua của quân đội. Bởi ở trung tâm bức bích họa, ngoài vị thủ lĩnh, còn có con chó được thể hiện phía trước, cho thấy rằng thủ lĩnh hoặc thầy mo người Lạc Việt tại lễ tế đã ném con chó xuống sông cùng các vật tế. Dao đeo thắt lưng, chân bước như tuấn mã, nhìn lên phía trên hình ảnh nhân vật có dáng dấp của một tướng quân, bên phải tướng quân có hình ảnh trống đồng, phía trước là hình ảnh con chó. Tạ Thọ Cầu nhấn mạnh: Cây giáo lớn của người Lạc Việt được cho là đã có cách đây hơn hai nghìn năm lịch sử của thời đại đồ đồng. Nó xuất hiện trong thời gian, đặc điểm phù hợp với nước Lạc Việt ra đời, là biểu tượng của quyền lực. Là vật khí trong các hoạt động của nghi lễ. Đương thời chỉ có một người cao nhất là thủ lĩnh có thể cầm và sử dụng. Điều này được hiểu rằng hiện nay có rất nhiều hiện vật được thu thập và được cất giữ, trưng bày ở bảo tàng Sùng Tả. (Hình 8)
Tạ Thọ Cầu tin rằng Văn hóa Lạc Việt là một nguồn gốc quan trọng của văn hóa Trung Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa, bởi vì hình trống đồng đã được vẽ trên vách đá, vẽ thành hình buổi lễ tế thần lúa, vẽ thành những vật hữu hình, có thể để lại cho tương lai một di sản quý giá để nghiên cứu và học tập. Nội dung, hình thức, phong cách, thần thái của bức Bích Họa Hoa Sơn cũng có thể là nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật đương đại, và những hình ảnh này đã gây sốc cho thế giới bởi đây là tác phẩm có một không hai đã tồn tại trên hai nghìn năm dưới nắng mưa, bão tố nhưng vẫn không phai mờ.
Tài liệu tham khảo:
1.      Đặng Việt Thuỷ (Chủ biên), 54 dân tộc Việt Nam – là cây một gốc, là con một nhà, Nhà xuất bản: Văn Hoá Thông Tin
2.      Nhiều tác giả, 54 dân tộc Việt Nam, NXB: Thông tấn. 6/2008
3.      Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương. Lịch Sử Trung Quốc Năm Ngàn Năm. Trần Ngọc Thuận dịch. NXB Văn hóa Thông tin, 1997
4.      作者:王柏灿. 壮族饮食文化与壮族医药. 中国民族民间医药, 2004
5.      作者:方素梅. 壮族饮食文化的历史探析. 广西民族研究, 1998
6.      作者:李元君. 美丽的锦绣壮族服饰精/中国民族服饰文化书系. 社:接力. 出版时间: 2012.02.01
Hình 1: Núi Hoa Sơn- nơi hiện diện của Bích họa hơn 2.000 năm trước.
Hình 2: Bích họa gồm hơn 1.800 nhân vật cùng các loại thú, thực vật
Hình 3: qua nhóm nhân vật này, Bích họa được cho là thể hiện các nghi lễ trong truyền thuyết của người Choang
Hình 4: Vị anh hung Bố Bá trong huyền thoại Choang (Tranh minh họa năm 2014
Hình 5: Hoạt cảnh này trên Bích họa giống với một buổi tế Thủy thần
 
Hình 6a,b: Được cho rằng đây là múa Sư Công của người Choang
Hình 7a, b: Điệu múa Sư Công của người Choang ngày nay
Hình 8: Văn hóa Lạc Việt là một nguồn gốc quan trọng của văn hóa Trung Quốc

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "HOA SƠN BÍCH HỌA- NỘI DUNG VÀ GIẢ THIẾT"

Đăng nhận xét