Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA NGHỆ THUẬT ĐỒ ĐỒNG VƯƠNG QUỐC ĐIỀN, VÂN NAM VÀ ĐÔNG SƠN.

SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA NGHỆ THUẬT ĐỒ ĐỒNG VƯƠNG QUỐC ĐIỀN, VÂN NAM VÀ ĐÔNG SƠN.
(Phần 1)
Nguyễn Xuân Quang.

.VÀI NÉT TỔNG QUÁT VỀ VƯƠNG QUỐC ĐIỀN
.Lịch Sử
Theo các tài liệu khảo cổ học Vương quốc Điền là một nước theo hình thức bộ tộc thành lập bởi một nhóm sắc dân ở Vân Nam xuất hiện vào khoảng giữa thời Chiến Quốc (Warring States, 461-221 Trước Tây Lịch) và Tiền Hán. Họ sống quanh hồ Điền gọi là Dianchi (Điền Trì, Ao Điền) tỉnh Vân Nam. Người Điền lần đầu tiên được nhắc tới trong Sử Ký của Tư Mã Thiên (145-90 Trước Tây Lịch). Theo Sử Ký, quyển 116, Tây Nam Di liệt truyệnthì Trang Kiểu tướng nước Sở, vào khoảng năm 279 Trước Tây Lịch được Sở Khoảnh Tương Vương sai xuống chiếm khu vực Vân Nam ngày nay. Trong khi ông hoàn thành nhiệm vụ thì nước Sở bị Tần đánh bại vào năm 277 Trước Tây Lịch. Trang Kiểu ở lại tự xưng vương làm vua nước Điền với tước hiệu là Trang vương (2).
Vương quốc Điền về sau bị nhà Hán chiếm dưới thời Hán Vũ Đế vào khoảng năm 109 Trước Tây Lịch để lập ra Ích Châu (Yizhou). Dưới chính sách Hán hóa và theo Hoàng Ý Lục trong Điền Quốc Sử thì Vương quốc Điền bị diệt vong vào khoảng năm 115 Trước Tây Lịch. Vương quốc Điền bị chôn vùi vào lãng quên vì thời đó Vân Nam được coi là vùng của Nam Man, xứ của mọi rợ (1).
Vương quốc Điền biến mất và dân xứ Điền đi đâu, còn là một bí ẩn. Qua đồ đồng Điền chỉ còn thấy còn lại những nét giống với các sắc tộc khác ngày nay đang sống ở Vân Nam như trống đồng, các tĩnh vật, mô đống (mounds) Lahu, khăn quàng của người Yi…
Tháng 3 năm 1955, giới khảo cổ học Trung Quốc điều tra một số vật đồng cổ rất lạ bán ở chợ Chim-Hoa ở Côn Minh dẫn tới thấy nguồn gốc các vật này ở Núi Thạch Trại (Shizhaishan) ở Quận Jinning. Sự khai quật bắt đầu. Từ năm 1955 tới 1999 khai quật trên 1000 ngôi mộ cổ đào tìm được khoàng 12.000 mẫu vật ở vùng trung và bắc tỉnh Vân Nam thuộc địa bàn của Vương quốc Điền.
Di chỉ quan trong nhất của văn hóa đồng cổ Vương quốc Điền là khu Mộ Số 6 của một vị vua Điền ở Thạch Trại Sơn.
Hình khai quật khu Mộ Số 6 của một vị vua Điền ở Thạch Trại Sơn (Shizhaishan) ở Quận Jinning, Bảo Tàng Viện Tỉnh Vân Nam. Lưu ý ở góc trái trên có vật đựng vỏ ốc sứ hình trống đồng và vật hình trống đồng dùng làm chân đế cho một tượng người cầm gậy (ảnh của tác giả).
Sự khám phá ra các cổ vật này đã vén lên tấm màn bí mật cho thấy Vương quốc Điền có một nền văn hóa cao thật là huy hoàng, cho thấy Vân Nam không phải là đất mọi rợ. Bảo Tàng Tỉnh Vân Nam ngày nay cũng đã xác nhận điểm này bằng giấy trắng mực đen. Như thế văn hóa của đại tộc Đông Sơn bao gồm cả văn hóa Điền, ở cạnh hay chung quanh nước Điền phải tự nó có một nền văn hóa Đông Sơn huy hoàng là chuyện tất nhiên.
Một trong những vật quí giá nhất là chiếc ấn vàng Điền vương chi ấn của vua Điền xác thực sự có mặt của Vương quốc Điền ở Vân Nam. Dòng chữ khắc trên ấn này được viết bằng kiểu triện thư cho thấy ấn vàng do hoàng đế nhà Hán ban cho. Tư Mã Thiên cũng ghi chép rằng người Điền là một trong hai nhóm địa phương nhận được ấn vàng nhà Hán, nhóm còn lại là Dạ Lang (2).
Các khảo cổ vật này phơi bầy ra mọi sắc thái, mọi phương diện của văn hóa Vương quốc Điền như phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhà cửa, nếp sống hàng ngày, ăn mặc trang sức, canh nông, chăn nuôi, dệt cửi, tiểu công nghệ, quân sự (khí giới, kỵ binh…), giải trí… và quan trọng, cột trụ vào bậc nhất của tiểu công nghệ là sự rèn đúc kim khí trong đó văn hóa đồ đồng cổ nổi tiếng và mang một sắc thái đặc thù của Vương quốc Điền.
.Những Đặc Điểm Chính Của Xã Hội, Văn Hóa Điền
Vân Nam là giao điểm của phần lục địa Nam Á, của bán đảo Trung Á, cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng và của Trung Quốc nội địa. Vân Nam là trục giao thương với Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, Trung Hoa. Vì thế từ thời cổ cao nguyên Vân Nam là giao lộ, là điểm giao lưu của nhiều nền văn hóa. Qua các khảo cổ vật về đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc, agate, đồng… cho thấy nhiều nhóm người Nam, Tây Á sống ở Vương quốc Điền và họ rất sung túc, giầu sang.
.Xã hội, văn hóa mang tính võ biền.
Nét nổi trội nhất của văn hóa Điền là tính du mục, võ biền.
Du mục thấy qua các đồ đồng với nghệ thuật cao về cưỡi ngựa, săn bắn, cảnh chăn nuôi có tầm vóc lớn với từng đàn bò. Chứng cứ khảo cổ học cho thấy ngựa được người Điền thuần hóa rất sớm vào khoảng thế kỷ 6 Trước Tây Lịch.
Về tính võ biền, Điền có một lực lượng kỵ binh hùng hậu với các bộ yên cương bằng đồng, sắt, có cả mũ sắt, áo giáp. Vủ khí có đủ loại. Đồ đồng cũng diễn tả cảnh chiến trận, giết người, chặt đầu kẻ thù là những người tóc dài đuôi ngựa… Những chứng tích này cho thấy Vương quốc Điền là một tộc “ngoại lai”, có văn hóa du mục xa lạ, sống thù nghịch với các tộc láng giềng trong đó có các tộc của Bách Việt nghiêng về tâm linh và nông nghiệp.
Iaroslav Lebedynsky và Victor Mair cho rằng tính du mục và võ biền này có thể bị ảnh hưởng của Scythia (người Scythian hay Scyths là người Ba Tư cổ, một tộc du mục cưỡi ngựa sống ở các đồng cỏ). Các cảnh săn bắn, cưỡi ngựa giống người Caucase. Các cảnh động vật như hổ, báo tấn công bò cũng gợi cho người ta nhớ tới nghệ thuật Scythia kể cả về chủ đề lẫn phối cảnh. Hai tác giả này cho rằng một số người Scythia có thể đã di cư tới khu vực Vân Nam sau khi họ bị người Nguyệt Chi (người Trung Á Cổ) xua đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình trong  thế ký thứ 2 Trước Tây Lịch (2). Đối với tôi, qua ngôn ngữ học, ngôn ngữ Điền có liên quan tới các ngôn ngữ Tạng Miến (2) nên phải có ít nhiều ảnh hưởng cùa văn hóa du mục Tạng-Mông Cổ. Bằng chứng như đã nói ở trên là một vài nét văn hóa Điền ngày nay còn thấy ở tộc Yi ở Vân Nam như trống đồng (xem bài viết Trống Đồng Nam Trung Hoa trong các số blog tới), mô đống Lahu, khăn quàng… Tộc Yi này cũng nói tiếng Tạng-Miến.
.Xã hội nông nghiệp
Bên dưới nét du mục võ biền cũng thấy một nền văn hóa nông nghiệp được coi như là nền tảng của xã hội Điền. Nông nghiệp phát triến cao thấy qua các đồ đồng về nông cụ như cuốc, xẻng, lưỡi gặt… Văn hóa nông nghiệp gắn liền với lễ cầu được mùa, sản xuất nhiều liên hệ với tín ngưỡng phồn thực như thấy qua một chiếc xẻng có cán là bộ phận sinh dục nam:
Một chiếc xẻng có cán là dương vật, Viện Bảo Tàng Tỉnh Vân Nam (ảnh của tác giả).
Chiếc xẻng này có thể dùng trong lễ cầu mùa hay dùng động thổ, gieo hạt vào dịp lễ làm mùa mới để cầu được mùa. Trong nhiều tín ngưỡng dương vật biểu tượng cho được mùa, sản xuất, sinh sản nhiều như người Mường thường cắm các “que bông” mang hình ảnh dương vật ở bờ ruộng (Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử Hừng Việt) và tinh khí đàn ông được coi như một thứ hạt giống mầu nhiệm giúp được mùa. Không thấy hình ảnh bộ phận sinh dục nữ trong các nông cụ. Điều này cũng dễ hiểu vì văn hóa Điền có một khuôn mặt võ biền, “macho” ngự trị.
Xã hội nông nghiệp gắn liền với nước, mưa, thần mưa, cầu đảo thấy qua các trống đồng có những tượng cóc/ếch như đặc biệt nhất ở một trống đồng dùng làm vật đựng vỏ ốc sứ trên mặt trống chỉ có một con ếch nằm ở tâm trống trên mặt trời đĩa tròn (xem hình ở phần vật đựng vỏ ốc sứ ở dưới). Ếch được thờ phượng thấy trên một mũi lao thờ:
Tượng ếch trên một mũi lao (nguồn 1).
Lưu ý con vật có ngón dài và trên hai đùi và người có các chữ viết nòng nọc vòng tròn-que hình sóng cuộn cho thấy đây là con ếch. Cây lao với tượng ếch này có thể là một tế khí dùng trong lễ gọi mưa, cầu đảo.
Hình dáng bò nổi trội nhất trong các thú vật, có khi thấy dưới hình thức vật tổ, thú biểu ở các nhà thờ phượng, vật thờ, có khi lại thấy như là một vật hiến tế nhưng không thấy hỉnh bò dùng trong canh tác… Bò là một nét cá biệt của văn hóa Điền. Vì Điền theo nông nghiệp làm ruộng nước sống quanh hồ Điền mà không thấy hình dáng trâu nước như thấy trong các xã hội nông nghiệp ruộng nước của các tộc Bách Việt lân bang. Điền là nước duy nhất trong vùng tôn vinh bò trong khi các tộc khác của Bách Việt tôn vinh trâu. Sự tôn vinh bò hơn trâu trong một xã hội làm ruộng nước quanh ao hồ có thể là:
.Tộc Điền có một ngành Lửa  như thấy qua vật tổ chim Cắt, chim Việt, Hươu Sừng, chim cốc, chim trĩ lửa. Đây là chim thú của ngành dương lửa ứng với thần mặt trời Viêm Đế của Viêm Việt (xem dưới). Vì thế họ mới thờ bò là con vật có sừng mang dương tính chỉ sống trên cạn (nên nhớ Trang Kiểu người lập Vương quốc Điền là gốc người Sở Việt).
.Bò đã du nhập từ một nền văn hóa ngoại lai vào văn hóa Điền. Như đã biết vị trí của Điền nằm ở trục giao lưu của nhiều nền văn hóa vì thế bò có thể đến từ Ấn-Độ tôn thờ bò hay đến từ miền Cận Đông, Lưỡng Hà thờ bò như thần mặt trời…
Tóm lại văn hóa Vương quốc Điền có nét chính là du mục pha trộn với nông nghiệp.
Đồ Đồng Điền và Đồ Đồng Đông Sơn.
Đồ đồng Điền có từ thời Chiến Quốc tới nhà Tần (221-206 TTL) và Hán (206 TTL-220 STL) rất tinh xảo, đa dạng, chế tạo từ đồng thiếc. Họ sử dụng cả phương pháp ráp mảnh lẫn phương pháp khuôn sáp tan chẩy.
Chủ điểm của bài viết này là nghệ thuật đồng cổ của Vương quốc Điền liên hệ với văn hóa đồ đồng Đông Sơn, văn hóa Bách Việt, còn các diện khác chỉ xin nói phớt qua khi cần.
Qua những điều vừa nói, ta hiểu rất rõ là đồ đồng Vương quốc Điền có thể bị ảnh hưởng và đã thu nhập nhiều motifs văn hóa từ khắp các ngả đường văn hóa mà họ giao lưu với. Như thấy rất rõ là văn hóa đồ đồng cùa Vương quốc Điền có một khuôn mặt của văn hóa vùng đồng cỏ (grassland) của vòng đai văn hóa du mục từ Âu-Á, Tây Tạng, Mông Cổ, vùng đồng cỏ Danube… như cưỡi ngựa săn bắn, chăn nuôi thú vật,  hình các thú hoang như cọp, nai, báo…… và hiển nhiên văn hóa đồng của Vương quốc Điền cũng phải liên hệ với văn hóa đồng cổ Đông Sơn, của văn hóa  Bách Việt (vì Vân Nam nằm trong địa bàn của Bách Việt, người lập quốc là Trang Kiểu vốn gốc Sở Việt).  Nhiều cổ vật đồng từ các rìu thờ, trống đồng, vật đựng mang sắc thái văn hóa Đông Sơn. Dĩ nhiên với tính tự cao tự đại có từ ngàn xưa, các nhà khảo cổ Trung Quốc cho là văn hóa Đông Sơn chịu ảnh hưởng hay do văn hóa đồ đồng Điền lan xuống phía nam.
A. Một Vài Thứ Đồ Đồng Điền Mang Mầu Sắc Đông Sơn, Bách Việt.
Có nhiều loại đồng cổ Điền mang mầu sắc của văn hóa Đông Sơn. Xin chỉ giới hạn nói tới những loại tiêu biểu.
1. Những Vật Đựng Vỏ Ốc Sứ (cowrie containers)
Hiện đào tìm thấy được 60 vật đựng vỏ ốc sứ (1). Những vật đựng này đã giúp văn hóa đồng cổ Vương quốc Điền nổi tiếng. Thế giới thích đồ đồng Điền phần lớn vì những hình tượng ba chiều được gắn lên các đồ vật nhất là những vật đựng vỏ ốc sứ. Các nắp làm bằng đồng thiếc được gắn vào các tượng nổi ba chiều hình người và các cấu trúc nhỏ, mô tả các cảnh khác nhau từ cuộc sống của người Điền như săn bắn, cấy hái, dệt vải, nhảy múa, đàn hát cho tới các cảnh hiến tế người, chiến tranh với cảnh người Điền chặt đầu kẻ thù của mình (những người để tóc đuôi ngựa dài).
Về hình dạng những vật đựng này được chia ra làm 4 loại:
-a. Hình vật đựng thông thường
Loại này có hình trông giống những vật đựng thông thường như những chiếc thạp, bình…
-b. Hình trụ tròn
Loại này có hình giống chiếc thạp đồng hay chiếc trống đồng hình trụ tròn có hay không có chân tương đương với trống Nguyễn Xuân Quang loại II (loại trống này không có trong phân loại của Heger) của đại tộc Đông Sơn mang nghĩa cực Dương (Male principle), tượng Lửa (Fire element) hay Trục Thế Giới.
Vật đựng vỏ ốc sứ hình thạp trụ tròn hay trống đồng hình trụ ống Nguyễn Xuân Quang II, Bảo Tàng Viện Tỉnh Vân Nam (ảnh của tác giả).
-c. Hình trống đồng
Có thể lấy một trống đồng có sẵn rồi bịt kín đáy, khoét bỏ mặt trống thay vào đó một nắp đậy trên có trang trí các hình tượng ba chiều. Thân trống vẫn giữ nguyên các trang trí cũ của trống hoặc gắn thêm các tượng hỉnh ba chiều (thường là thú vật như hổ, bò, hươu…).  Có thêm chân hay không. Như trên đã nói vật đựng hình trụ tròn hai đầu loe ra có thể đó là một trống đồng hình trụ tròn Nguyễn Xuân Quang loại II. Nhưng rõ nhất là lấy các loại trống đồng hình Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI tức Heger I. Những trống này mang trọn ý nghĩa Vũ Trụ Tạo Sinh, trống biểu của Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống), Vũ Trụ giáo.
Vật đựng loại này dĩ nhiên giữ nguyên hình trống đồng, thường là loại trống Cây Nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI.
Ví dụ trống dùng làm vật đựng vỏ ốc sứ trên nắp diễn tả một cảnh hiến tế người dưới sự chủ tọa của một nữ lưu hoàng tộc được che lọng.
cowrie container 2
Vật đựng vỏ ốc sứ trên nắp có các hình tượng diễn tả một cảnh hiến tế (206 BC-25 AD, khu mộ Số 20, Trại Thạch Sơn) (1).
Lưu ý trụ cao ở tâm trống là phần nối dài của trục trống tức Trục Thế Giới dùng làm đường để đưa tế vật lên Thượng Thế.
d- Trống đồng biến cải.
Giản tiện nhất là không phải sửa đổi gì cả chỉ cần lật ngược một chiếc trống để ở dưới dùng làm vật đựng và lấy một chiếc trống khác để ở phía trên dùng như một chiếc nắp đậy:
Vật đựng vỏ ốc sứ gồm hai trống đồng chồng lên nhau, trống dưới lật ngược dùng làm vật đựng, trống trên để nguyên dùng làm nắp đậy. Lưu ý có một tượng cóc/ếch nằm ở tâm trống (1).
Cũng có thể lấy hai hay ba chiếc trống đồng loại Cây Nấm Vũ Trụ này chồng lên nhau. Mặt trống ở trên thay bằng một nắp đậy. Đáy trống trên hàn xuống mặt trống ở dưới (cũng đã được đục lấy đi). Đáy hàn kín lại. Đôi khi có gắn thêm chân. Cũng có thể chiếc trống trên cùng dùng như một nắp đậy.
Vật đựng vỏ ốc sứ do hai trống đồng Cây Nấm Vũ Trụ chồng lên nhau, Bảo Tàng Viện Tỉnh Vân Nam (nguồn 1).
Hình người cưỡi ngựa mạ vàng có tác giả cho là thần mặt trời (Madanjeet Singh, The Sun, Symbol of Power and Life, UNESCO, 1993).
Xin lưu ý
Các vật đựng vỏ ốc sứ thường dùng trống đồng Cây nấm Vũ Trụ Nguyễn Xuân Quang VI (Heger I) vì trong Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống) có Trục Thế Giới thông thương Tam Thế nên có thể chuyển được lễ vật, vật hay người hiến tế tới các thần linh ở cả Tam Thế.
2. Trống đồng
Có một số nhỏ trống tìm thấy ở Vương quốc Điền mang nguyên vẹn mầu sắc của trống đồng nòng nọc, âm dương của đại tộc Đông Sơn (xem dưới).
3. Tế Khí (ceremonial weapons) và Khí Giới (war weapons).
Tế khí bao gồm những vật dụng và khí giới để thờ phượng hay dùng trong các giáo vụ như tế lễ, hiến tế. Khí giới dùng trong chiến tranh nhiều khi cũng mang biểu tượng thần bí hay tộc biểu.
Vắn tắt chỉ xin nêu ra một vài ví dụ điển hình bằng đổ đổng về sự tương quan giữa tế khí và khí giới của văn hóa Điền và văn hóa của đại tộc Đông Sơn.
-Rìu Việt
Điền cũng có những rìu Việt (xem chi tiết trong bài Rìu Việt ở Nam Mỹ Châu).
Rìu hình đầu chim có mắt và mỏ rìu.
Rìu hình đầu chim, có mỏ rìu, Bảo Tàng Viện Tỉnh Vân Nam (ảnh của tác giả).
Rìu này mang hình ảnh và ý nghĩa rìu đầu chim rìu, chim cắt, chim Việt ở dạng nguyên sơ.
Về sau rìu đầu chim, rìu chim cắt gọi là Rìu Việt (Yue ax) thấy rõ hơn.
Rìu Việt bằng đồng đầu chim Rìu, chim Cắt, Viện Bảo Tàng Tỉnh Vân Nam (ảnh của tác giả).
Lưu ý rìu hình đầu chim rìu, chim cắt có mắt đang há mỏ, cả hai phần mỏ tận cùng đều “phụ đề” bằng lưỡi rìu có ý nói cho biết là mỏ rìu. Phần sau đầu chim mang hình ảnh mũ sừng của chim cắt (hornbills). Rìu Việt này mang hình ảnh chim Rìu, chim Việt rất rõ.
Ngoài ra còn các loại rìu khác mang vóc dáng của các loại rìu Đông Sơn, đặc biệt nhất là những chiếc rìu hình chiếc ủng, chiếc “bốt” (boot-shaped) giống như rìu Đông Sơn loại này.
Cũng có những chiếc dao găm có trang trí giống như ở dao găm Đông Sơn cùng loại.
Trang trí hình người mang âm tính (có thể là Mẹ Đời sinh tạo hay âm thần sinh tử) (1 và ảnh của tác giả).
Dĩ nhiên hãy còn nhiều thứ linh tinh khác của các đồ đồng Điền mang mầu sắc của đồ đồng Đông Sơn.
B. Sự Tương Quan Giữa Đồ Đồng Điền và Đông Sơn.
Như trên đã thấy văn hóa Vương quốc Điền giao lưu với nhiểu ngả đường văn hóa từ khắp nơi, hiển nhiên có sự giao lưu với văn hóa của đại tộc Đông Sơn, với Bách Việt  vì họ có thể là một tộc Bách Việt hay họ ở ngay bên cạnh hoặc trong lòng Bách Việt.
Như thế ta thấy ngay các đồ đồng Điền mang mầu sắc Đông Sơn nằm một trong những trường hợp sau đây:
-Vương quốc Điền là một tộc Bách Việt hay có một chi tộc Bách Việt.
Các đồ đồng Điền mang mầu sắc của đại tộc Đông Sơn là do tộc này làm ra.
-Tước đoạt hay nhận lấy của người Đông Sơn, Bách Việt.
Họ chiếm lấy hay cưỡng đoạt qua chiến lợi phẩm hay nhận lấy qua những cống phẩm: các vật này do người Đông Sơn, Bách Việt làm ra.
-Giao thương mua bán.
Đồ đồng Điền này cũng có nguồn gốc của đại tộc Đông Sơn như trên.
-Đồ đồng Điền mang mầu sắc Đông Sơn do họ tự chế tạo ra.
Trường hợp này có hai vấn đề cần phải xét tới.
Một là có nguồn gốc của người Điền.
Văn hóa đồ đồng mang mầu sắc Đông Sơn tại Vương quốc Điền đã bị ảnh hưởng của văn hóa đồ đồng Điền. Hiện nay các nhà khảo cổ Trung Quốc (vốn tính tự cao tự đại) cho rằng văn hóa đồ đồng Điền là nguyên gốc đã ảnh hưởng lên văn hóa Đông Sơn. Họ viết rõ ràng điều này và trưng bầy trong Viện Bảo Tàng Tỉnh Vân Nam.
Hai là có nguồn gốc của đại tộc Đông Sơn.
Đồ đồng Điền đã bị ảnh hưởng văn hóa của đại tộc Đông Sơn, Bách Việt. Những vật này có nguồn gốc Điền nhưng mang nét văn hóa lai chùng Điền-Đông Sơn. Họ chỉ lấy những gì của văn hóa của đại tộc Đông Sơn thích hợp với văn hóa Điền, để đem dùng vào những chức vụ hợp với văn hóa của Điền như dùng trống đồng nòng nọc, âm dương làm Trục Thế Giới, làm vật đựng dâng cúng như một cái đậu (biến thể của Trục Thế Giới), (xem dưới).
Đây là vấn đề chúng ta sẽ mổ xẻ hôm nay xem sao.
Để hiểu rõ sự tương quan này chúng ta hãy so sánh những nét chính của hai nền văn hóa.
Như đã biết qua các tác phẩm và các bài viết của tôi cốt lõi của văn hóa Đại Tộc Việt là Vũ Trụ Tạo Sinh có tín ngưỡng là Vũ Trụ giáo dựa trên nguyên lý lưỡng hợp nòng nọc, âm dương  Chim-Rắn, Tiên-Rồng và trống đồng của đại tộc Đông Sơn là trống trống nòng nọc, âm dương diễn đạt Vũ Trụ Tạo Sinh, là trống biểu của Vũ Trụ giáo, là cốt lõi của văn hóa Đại Tộc Việt (Bách Việt), là bộ sử đồng của Đại Tộc Việt, là bộ Dịch đồng bằng hình của Đại Tộc Việt. Như vậy ta hãy tìm xem Vũ Trụ giáo có trong văn hóa Điền không? Nếu có, nó có chính thống như trong văn hóa Đông Sơn không?
Vũ Trụ giáo trong văn hóa Điền qua các cổ vật đồng Điền.
Vắn tắt xin nhắc lại Vũ Trụ Tạo Sinh: nguyên khởi đi từ Hư Vô hay Vô Cực. Tiếp đến cực hóa, có nòng nọc, âm dương nhưng còn quyện vào nhau gọi là Trứng Vũ Trụ hay Thái Cực. Phân cực, Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi cực dương và cực âm. Kế tiếp lưỡng nghi giao hòa tạo ra Bốn Nguyên Sinh Động Lực Chính hay Tứ Tượng. Tứ Tượng âm và dương liên tác sinh ra vũ trụ, muôn sinh được chia ra Tam Thế (Thượng Thế, Trung Thế và Hạ Thế). Trục nối thông thương Tam Thế là Trục Thế Giới.  Tam Thế và Trục Thế Giới được diễn tả bằng một cây gọi là Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống).
Sau đây xin nói qua một vài nét chính Vũ Trụ giáo trong văn hóa Điền thấy qua cổ vật đồng Điền.
.Lưỡng Hợp Chim-Rắn
Dạng lưỡng hợp chim rắn thấy ở một cán rìu đồng:
Chim rắn thấy ở một cán rìu đồng (nguồn 1).
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc cho con chim này là chim công vì trên người có vẩy như vẩy cá. Theo tôi đây là chim cốc. Chim cốc thường thấy đứng duỗi cánh phơi nắng vì nó không có bộ phận dầu bôi vào lông cho không bị ướt như loài vịt nên khi lặn xuống nước lông bị ướt sũng phải đứng xoải cánh rộng ra phơi nắng cho lông khô. Mỏ chim ở đây cũng có móc (hook) nhọn đặc thù của loài cốc để bắt cá. Hình vẩy cá trên người chim chỉ là một thứ diễn tả, một thứ “phụ đề” cho biết  đây là loài chim bắt cá, chim nước, sống được dưới nước như cá. Chim cốc có mầu đen biểu tượng cho nước thái âm có mỏ cứng nhọn mang dương, có loài mỏ như phi tiêu dùng đâm cá nên Anh ngữ gọi là chim phi tiêu (darter). Việt ngữ cốc biến âm với Cọc (vật nhọn, dương…), Anh ngữ cormorant có cor- = cọc. Nên chim cốc là chim nọc nước, nước dương, chim biểu tượng cho lửa nước, mặt trời dòng nước (một chi của Lạc Long Quân) (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).
Rắn ở đây là rắn nước (rắn không có trang trí gì biểu tượng cho nước), ở đây thấy rất rõ vì người rắn gợn sóng.
Vậy chim và rắn ở đây mang biểu tượng lưỡng hợp của một tộc Nước.
.Lưỡng Nghi
Đồ đồng Điền có rất nhiều vật mang tính cách thờ phượng chim và rắn riêng rẽ biểu tượng cho hai cực nòng nọc, âm dương, lưỡng nghi.
Thờ rắn thấy rõ qua:
-Trụ bảng hiệu chi tộc
Một ngôi nhà bằng đồng mang tính cách thờ phượng của đại tộc rắn có trụ bảng hiệu hình chiếc rìu có biểu tượng rắn ở trước cổng nhà.
Một ngôi nhà thờ phượng có trụ bảng hiệu hình chiếc rìu có biểu tượng rắn ở trước cổng nhà (nguồn 1).
-Trục Thế Giới
Trong một cảnh hiến tế người trên nắp một vật đựng vỏ ốc sứ có Trục Thế Giới với hình rắn quấn quanh:
Một cảnh hiến tế người trên nắp một vật đựng vỏ ốc sứ có Trục Thế Giới với hình rắn quấn quanh (nguồn 1).
Lưu ý trụ nằm giữa tâm mặt trống có chiếc trống đồng nhỏ dùng làm chân trụ, phụ đề thêm cho biết trụ là Trục Thế Giới.
-Cán kiếm thờ
Hình rắn ở một cán kiếm thờ mạ vàng:
Cán kiếm thờ mạ vàng đầu rắn (nguồn 1).
Thờ chim thấy rõ qua;
-Rìu Việt đầu chim cắt đã nói ở trên.
-Chim cắt, chim trĩ, chim bìm bìm:
Thấy trên hình vẽ chi tiết ở một vật đựng vỏ ốc sứ:
Hình vẽ chi tiết trang trí một phía của một vật đựng vỏ ốc sứ (nguồn 1).
Ta thấy rất rõ ở trống bên trên, vành chim có mỏ to, có mũ sừng đang bay là chim cắt, chim  lửa thái dương lưỡng hợp với rắn nước thái âm ở đế trống. Đây là một dạng lưỡng hợp Chim-Rắn, Tiên Rồng.
-các hình tượng chim khác như công, cốc… Nhưng rất hiếm thấy hình bóng cò.
Tứ Tượng
Ở hình trên ta thấy chim cắt ở tang trống có một khuôn mặt biểu tượng cho tượng Lửa thái dương; hươu sừng ở thân trống biểu tượng cho Đất dương thiếu dương; ở đế trống rắn biểu tượng cho thái âm Nước và báo đốm vòng tròn có chấm (đang đuổi con thỏ) biểu tượng cho thiếu âm Gió (xem ở hình mặt trống bên kia ở dưới). Đây là tứ tượng dương ngành dương thái dương. Ở trống dưới, vành chim trĩ ở tang trống biểu tượng cho thái dương Lửa ngành nòng âm, bò sừng biểu tượng cho thiếu dương Đất ngành âm; hổ biểu tượng cho thiếu âm Gió thế gian ngành âm và chim nước (bìm bìm, xem dưới) biểu tượng cho thái âm Nước ngành âm. Đây là  tứ tượng dương ngành âm thái dương. Hợp lại ta có bát tượng dương và âm ngành thái dương tương ứng với tám quẻ của Dịch thái dương. Dịch dương này thích hợp với tính võ biền của văn hóa Vương quốc Điền.
.Tam Thế
Khái niệm Tam Thế thấy rõ ở hình trên.
Đây là hình vẽ lại một vật đựng vỏ ốc sứ do hai trống đồng biến cải tạo thành. Ở chiếc trống trên (có thể dùng làm nắp) ta thấy rất rõ ở tang trống có vành hình chim cắt, chim rìu, chim Việt có mỏ lớn và mũ sừng đang bay biểu tượng cho Thượng Thế ngành dương, lửa [tương ứng với ngành thần mặt trời Viêm Đế có chim biểu là chim Khương (Khương là Sừng, là họ của Viêm Đế),  chim Khướng (tên Mường gọi chim cắt), chim Cắt, chim (mũ) sừng hornbill và với Viêm Việt có Việt có một nghỉa là Rìu]. Thân trống có cảnh săn bắn có hình hai loài hươu sừng, một loài lông đậm đốm nhỏ nằm phía trước mang dương tính và một loài lông mầu sáng (như trăng) nhiều đốm rỗng mang âm tính. Hươu là loài thú bốn chân sống trên mặt đất là thú biểu của cõi giữa thế gian Trung Thế. Hai loại hươu mang hai tính âm dương biểu tượng cho hai vùng đất âm (vùng thấp có nước), dương (đất khô vùng cao). Đặc biệt ở thân trống có hình nổi hươu sừng cho biết trống này có khuôn mặt chủ là Hươu sừng đất thế gian. Đế trống có vành các thú vật mang âm tính không có sừng và rắn cũng mang âm tính. Hình cành lá trông như một loài rong nước mang âm tính. Rắn biểu tượng cho âm thế, Hạ Thế.
Ở trống này ta thấy có hình bóng của Tam Thế. Sự hiện diện của chim cắt (chim sừng) và của hươu sửng cho thấy đây là Tam Thế của ngành dương thái dương, lửa, mặt trời ứng với Viêm Đế có họ Khương (Sừng).
Ở trống dưới, vành tang trống có hình chim trĩ đang bay, đuôi có 3 giải lông dài như phướn bay trong gió. Số 3 là số Đoài diển tả theo chữ viết nòng nọc vòng tròn-que là IIO (thái dương II ngành âm O, lửa âm) có IO, thiếu âm, nguyên thể của khí gió. Mào chim trĩ này có hình túi gió. Chim trĩ gió thái dương ngành âm này biểu tượng cho Thượng Thế ngành âm thái dương. Thân trống có hình thú bốn chân bò và hổ. Bò có sừng sống trên đất biểu tượng cho đất dương và hổ không có sừng, thuộc họ nhà mèo, có một khuôn mặt biểu tượng cho âm, nữ nên là biểu tượng cho đất âm. Thân trống còn có gắn các tượng hình nổi bò, cho thấy bò biểu tượng cho vủng đất dương ngành âm mang tính chủ.
Đế trống có vành chim chạy trên mặt đất có mào và lông đuôi hình móc nước, sóng cuộn  (hình móc ngửa lên) mang âm tính (ngược lại nếu có hình móc úp xuống thì mang dương tính lửa như thấy ở hình chim công). Đây là một loài chim nước. Ở phía mặt bên kia trống có hình một con chim nước này đang ăn con rắn.
Mặt phía bên kia của vật đựng vỏ ốc sứ có hình chim nước đang ăn rắn ở đế của trống ở dưới (nguồn 1).
Loài chim nước này ăn rắn có thể thuộc loài chim bìm bìm (bìm bìm liên hệ với lụt: bìm bìm kêu, nước lớn, có lụt và bìm bìm cũng ăn rắn. Lúc có lụt, rắn bò ra khỏi hang là lúc ta nghe thấy bìm bìm kêu nhiều nhất).
Dù là chim gì thì chim nước này cũng biểu tượng cho cõi trời vùng đất âm của Hạ Thế (chim đứng trên đất biểu tượng cho vùng trời cõi đất). Xin nhắc lại mỗi Thế lại chia ra làm ba tiểu thế, ba cõi: trên, giữa và dưới (Giải Đọc Trống Đồng Nòng Nọc, Âm Dương Đông Nam Á).
Ta thấy vật đựng vỏ ốc sứ gồm hai trống đồng chồng lên nhau ở đây diễn tả Tam Thế của họ thái dương gồm ngành dương thái dương có vành chim cắt đang bay ở tang trống (ứng với Viêm Đế) và ngành âm thái dương có vành chim trĩ gió đang bay ở tang trống (ứng với khuôn mặt thái dương của ngành nòng thái dương Thần Nông). Ở đây đều diễn tả khuôn mặt lửa, thái dương của hai ngành nòng nọc, âm dương. Điểm này cũng dễ hiểu vì trống biểu tượng cho phía dương, lửa, mặt trời thái dương (trống có một nghĩa là trống, đực) và võ biền là tính chủ của Vương quốc Điền.
Trục Thế Giới
Ta cũng thấy rõ khi chồng hai trống lên thành một thứ trụ, cột, dàn, đế cao dùng để các vật dâng cúng tế vật hay diễn tả một thứ gì thiêng liêng, cao quý  thì chúng có mang một khuôn mặt của Trục Thế Giới. Và ta cũng đã thấy các trục ở tâm trống trong cảnh hiến tế mang hình ảnh Trục Thế Giới.
Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống)
Trục Thế Giới ở nhiều nền văn hóa cũng dùng như Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống). Trong văn hóa Vương quốc Điền cũng vậy.
Ở một trống có cảnh diễn tả tục đâm bò tế trời đất. Trụ cột đâm bò mang hình ảnh Cây Vũ Trụ (Cây Tam Thế, Cây Đời Sống), trong có Trục Thế Giới dùng làm phương tiện để dâng cúng lễ vật bò tới Tam Thế.
Tục đâm bò hiến tế trên thân một trống đồng (nguồn 1).
Lưu ý Cây Tam Thế (Cây Vũ Trụ, Cây Đời Sống) có hai vòng tròn ở hai đỉnh đường chéo ngang hình thoi biểu tượng cho lưỡng nghi, bốn vòng tròn ở hai đỉnh đường chéo đứng hình thoi biểu tượng cho tứ tượng. Lưỡng nghi, tứ tượng, sinh ra Tam Thế được diễn tả bằng ba tầng phía trên hình thoi. Phần dưới cột trâu là một phần của Trục Thế Giới nối liền Tam Thế.
Thờ Mặt Trời
Thờ mặt trời nằm trong Vũ Trụ giáo thuộc ngành nọc dương. Khi xã hội loài người chuyển qua thời phụ quyền, nhất là phụ quyền cực đoan hay trong văn hóa võ biền, đạo thờ mặt trời thống lĩnh. Vương quốc Điền có văn hóa du mục, võ biền, hiếu chiến nên thờ phượng mặt trời là chuyện tất nhiên. Sự thờ phương mặt trời của Vương quốc Điền thấy qua:
-Tục tế lễ đu bay quanh trục thế giới.
Trên thân một trống đồng có hình diễn tả một tục tế lễ đu bay quay một trục trên có hình mặt trời. Những người hóa trang chim có trang phục đầu lông chim tỏa sáng như mặt trời.
Tục tế lễ đu bay quanh trục mặt trời ở một thân trống đồng (nguồn 1 và ảnh của tác giả chụp hình vẽ chi tiết tại Viện Bảo Tàng Tỉnh Vân Nam).
Tục này cũng thấy ở các tộc thờ mặt trời ở Trung Mỹ như Maya, Aztec.
-Như đã thấy ở trên, hình người cưỡi ngựa mạ vàng trên nắp một vật đựng vỏ ốc sứ có tác giả cho là thần mặt trời.
-Họ có trống đồng nên cũng thờ mặt trời qua trống đồng.
Tục Hiến Tế Người
Hiến tế người là một khuôn mặt của sự thờ phương mặt trời như ta thấy rõ các cảnh tế người, dùng máu người, trái tim người dâng cúng thần mặt trời ở các tộc thổ dân châu Mỹ như Aztec, Maya, Inca… Có rất nhiều cảnh tế người trong đồ đống Điền (xem các phần viết liên hệ).  Tế người cũng có thể dâng cúng các vị thần khác ví dụ như thần chiến tranh thấy qua cảnh treo người ở một mũi lao:
Cảnh treo người trên một mũi lao đồng (nguồn 1).
Mũi lao này là một mũi lao thờ, có thể là thờ thần chiến tranh với cảnh hiến tế người.
Như thế ta thấy rõ Vũ Trụ Tạo Sinh, Vũ Trụ giáo cũng có trong văn hóa Vương quốc Điền. Trong đó có hình ảnh lưỡng hợp chim cốc-rắn nước của ngành nước  ứng với Lạc Long Quân và chim cắt-rắn nước ứng với ngành lửa Âu Cơ của Âu-Lạc Tiên Rồng.
Bây giờ câu hỏi được nêu ra là Vũ Trụ giáo trên đồ đồng Điền và của đại tộc Đông Sơn ai chính thống hơn ai? Từ đó tay sẽ có câu trả lời là văn hóa đồng Điền ảnh hưởng lên văn hóa của đại tộc Đông Sơn như các nhà khảo cổ học Trung Quốc đang rêu rao với thế giới hay ngược lại văn hóa của đại tộc Đông Sơn đã ảnh hưởng lên văn hóa đồ đồng Điền.
(còn tiếp).

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA NGHỆ THUẬT ĐỒ ĐỒNG VƯƠNG QUỐC ĐIỀN, VÂN NAM VÀ ĐÔNG SƠN."

Đăng nhận xét