Hiển thị các bài đăng có nhãn my. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn my. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Tranh khắc gỗ



Tranh khắc gỗ
Lê Bá Thanh
Tranh khắc gỗ còn gọi là khắc mộc bản. Kỹ thuật in nổi, về nguyên tắc rất đơn giản, là một trong những phương pháp lâu đời nhất của loài người để giữ lại những ý tưởng về hình ảnh. Trong các kỹ thuật in nổi khắc gỗ là phương pháp in lâu đời nhất. Người Babylon và người Ai Cập đã từng in con dấu làm bằng gỗ khắc nổi trên đất sét mềm, tại Trung Quốc ngay từ thế kỷ IV người ta đã biết dùng mực quét lên những tảng đá có khắc chữ và chà giấy lên để in ra.

Trong thời nhà Đường (618 – 907) tranh vẽ và chữ kèm theo (trên cùng một bản in) đã được in ra bằng các bản in gỗ, sách in bằng bản khắc gỗ cũng đã được biết đến từ thế kỷ IX, trong khi loại này ở châu Âu mãi đến thế kỷ XV mới xuất hiện. Quyển sách lâu đời nhất in bằng bản khắc gỗ được biết đến bao gồm sáu trang với các bản khắc gỗ nhỏ cho nửa trang một là quyển Kinh Kim Cương (tiếng Anh Diamond Sutra) ra đời vào năm 868.

Từ rất xa xưa người Việt ta đã sử dụng những bản gỗ để khắc bản in dùng vào việc in kinh sách của nhà chùa hay triều đình ở những bản in kinh Phật, ngoài phần kinh nghĩa đôi khi còn có in kèm những hình vẽ giản đơn.






Bản khắc kinh Phật


Sau này khắc gỗ phát triển hơn và được ưa dùng để khắc tranh thờ, tranh treo chơi với hy vọng phồn thực như tranh Đông Hồ. Một bức tranh Đông Hồ có năm màu thì thường sử dụng sáu bản in gồm năm bản màu và một bản nét. Bản nét thường được in sau cùng. Gỗ được sử dụng để làm bản in thường là những loại gỗ mềm và dai thớ, như gỗ thị, gỗ lòng mực. Ván in được bào nhẵn và phẳng, tùy theo yêu cầu của kích thước tranh in mà chọn ván in to hay nhỏ. Trước hết họa sĩ phải chuyển lên mặt ván in những hình vẽ (ngược với phác thảo) sau đó dùng dao và đục máng cắt bỏ những phần phải có màu trắng trên tranh. Tiếp theo, bôi mực vào bề mặt ván in rồi đặt lên bề mặt này một tờ giấy, họa sĩ dùng lô, giẻ hoặc tay ấn vào phía sau tờ giấy, khi nhấc tờ giấy khỏi mặt ván in họa sĩ đã có được một hình ảnh ngược với hình vẽ trên mặt ván in nhưng lại là hình vẽ thuận với phác thảo.



















Một số họa sĩ không dừng lại ở kỹ thuật cơ bản đó mà còn rạch, nạo... bề mặt gỗ bằng những dụng cụ tự chế để tạo nên một bề mặt phong phú về chất. Đôi khi họa sĩ tận dụng ngay những thớ gỗ tự nhiên và với cách này bề mặt tranh sẽ có được những nét quyến rũ nhẹ nhàng, rất tự nhiên. Đặc điểm của tranh khắc gỗ là đậm đà, khỏe khoắn và đơn giản. Tuy nhiên không phải là không thể tạo nên những nét khắc tinh tế.

Tranh khắc gỗ Nhật Bản rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới với những đường nét hết sức tinh tế bên cạnh những mảng đậm và chắc khỏe. Nghệ thuật tranh khắc gỗ Nhật Bản có thể nói là những bài thơ trong sáng trữ tình*.


























Ở Việt Nam ngoài tranh khắc gỗ dân gian, các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng có những tìm tòi cải tiến kỹ thuật và đã đạt được những thành công nhất định.







Họa sĩ Trần Văn Cẩn với bức Gội đầu thể hiện một đường nét khắc gỗ hết sức mềm mại, tinh tế nhưng vẫn ẩn chứa chất khỏe khoắn của người phụ nữ. Mái tóc được ông tập trung diễn đạt vừa tinh tế, lại vừa lung linh như nâng đỡ, phối hợp tài tình làm nổi bật thêm phần tinh tế và mềm mại cho những nét biểu đạt đường cong cơ thể. Màu sắc hài hòa và ấm áp dung dị lạ thường. Qua tranh ông người ta có thể cảm nhận được những nét kế thừa nghệ thuật khắc gỗ truyền thống lại vừa có cái gì đó mới lạ của riêng Trần Văn Cẩn.

Các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Phạm Văn Đôn, Trần Huy Oánh ... cùng nhiều họa sĩ khác đã đem lại cho diện mạo tranh khắc gỗ Việt Nam những đổi mới giàu sức sống và cực kỳ phong phú.

Để tạo nên một bản in gỗ người ta dùng dao cắt các phần không in ra khỏi một mảnh gỗ đã được bào nhẵn, các phần nổi sau đó được quét màu lên và mang đi in hoặc bằng tay dùng một búa là (tiếng Đức Falzbein) chà lên hay bằng máy in.

















Cách tạo bản khắc gỗ là thông thường gỗ được cắt thành một mảnh dầy từ 2 đến 4 cm có sợi chạy theo chiều của hình (cắt dài). Mảnh gỗ được bào, mài và làm nhẵn cho đến khi bề mặt hoàn toàn phẳng có thể được phủ một lớp sơn nền, thường là một lớp phấn trắng mỏng. Theo thông lệ bản vẽ trước của nghệ sĩ được mang đặt lên lớp phấn này rồi dùng nhiều loại dao cắt theo các đường vẽ trước. Người ta không cắt thẳng đứng mà cắt hai lần, một lần cắt nghiêng từ đường vẽ ra ngoài và một lần nghiêng ngược lại rồi tách dăm bào ra. Trong phương pháp gọi là cắt đường đen này việc tạo hình được tiến hành bằng đường nét đen trên nền trắng.








Sau đấy bản in khắc gỗ đã hoàn chỉnh được phết mực in lên bằng một quả banh tròn tẩm mực to bằng nắm tay hay thường hơn là bằng một con lăn.

In: người ta in bằng cách ép lên bản khắc gỗ một tờ giấy có khả năng hút nước tức là không có pha keo vì thế mà hút mực và đã được làm ẩm một ít (hoặc là ngược lại ép bản gỗ lên giấy). Có thể dùng một trái banh lăn trên tờ giấy hay dùng một cây cọ quét lên để tạo lực cần thiết ép giấy sát vào bản in gỗ. Thông thường nhất là bản in được in bằng máy in sách (máy ép in nổi) có thể ép đều lực lên bản in gỗ và giấy. Sau mỗi lần in phải quét mực lại cho bản in khắc gỗ.

Dụng cụ trang bị cơ bản của một người khắc gỗ bao gồm dao khắc dùng để khắc các đường thẳng và song song, dao trổ dùng để tạo rãnh hình chữ V, cây đục bán nguyệt để cắt bỏ đi những phần lớn không phải in, dao mỏng dùng để khắc các đường viền...

Một số nhà khắc gỗ chỉ sử dụng các cây đục bán nguyệt nhỏ và lớn chứ không dùng đến những dụng cụ như dao nhỏ. Ngày nay người ta cũng sử dụng các dụng cụ hiện đại như máy phay. HAP Grieshaber còn dùng đến cả máy cưa trong các bản khắc gỗ rất lớn của ông.

read more...