Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Sơn Thủy Họa

Sơn Thủy Họa

đăng 21:29 31-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 21:52 15-12-2013 ]
Tranh sơn thủy hay Tranh phong cảnh là những bức tranh vẽ lên cảnh quan sông, núi khi thì hùng vĩ, khi thì tĩnh lặng. Đây là loại tranh tiêu biểu nhất của Trung Quốc.
Để thể hiện được một ngọn núi hay một dãy núi thì các hoạ gia phải có góc nhìn từ rất xa để bao quát toàn cảnh. Vì vậy, tranh sơn thủy thường chia thành 3 chủ đề/bố cục: Cao Viễn, Bình Viễn và Thâm Viễn.
Còn nước trong tranh có khi là khe suối trên núi hay là một khoảng thác ghềnh, một khúc sông nước mênh mong tuỳ theo bố cục chung của bức tranh. Dưới đây là ba bố cục chính của tranh sơn thuỷ.
1) Cao Viễn
Tranh phong thủy theo bố cục cao diễn hiện ra trước mắt ta một phong cảnh cao cả và hùng vĩ. Núi được dùng làm nội dung chủ đạo. Trong tranh ta thấy đỉnh núi cao vút, trùng trùng điệp điệp và được nhìn từ rất xa, toàn cảnh thể hiện từ đỉnh núi trải dài xuống dưới; tiêu điểm/điểm nhấn của bức tranh có thể thay đổi và xuất hiện từ đỉnh núi xuống chân núi. Bên dưới là hai bức theo bố cục cao viễn.
 



《秋山晚翠圖》五代 關仝 
Thu sơn vãn thúy đồ - Quan Đồng (Ngũ Đại)


谿山行旅圖  北宋 范寬 
Khuê Sơn Hành Lữ Đồ - Phạm Khoan (Bắc Tống)

2) Bình Viễn

Tranh Bình Viễn vẽ ra trước mắt ta một phong cảnh mênh mong, xa xăm. Chữ Bình ẩn chứa hai nghĩa là bằng phẳng và yên bình. Núi trong tranh không cao, tác giả dùng phần Thủy làm nội dung chủ đạo nên ta sẽ thấy bức tranh mênh mong sông nước và xa xa là dãy núi lô nhô, chập chùng hay bên cạnh là một phần của ngọn núi cao. Trong tranh thường có cảnh con thuyển và ngư phủ hay các "ông tiên" đang chơi cờ, bình thơ ở các mỏn đá.


《秋江待渡图》元 盛懋
Thu giang đãi độ đồ - Thịnh Mậu (Nguyên)



《洞庭渔隐图》元 吴镇
Đổng Đình Ngư Ẩn Đồ - Ngô Trân (Nguyên)


3) Thâm Viễn

Phong cảnh nhìn từ trên cao xuống thể hiện không gian sâu rộng. Tranh thường hiện ra các thung lũng, hang động trong núi nên mang vẽ u tịch, huyền bí hoặc hiểm trở; là những nơi mà các ẩn sĩ hay tìm đến để lánh đời!


《玉洞仙缘图》明 仇英 
Ngọc Đổng Tiên Duyên Đồ - Cừ Anh (Thời Minh)




《杏花茅屋图》明 唐寅 
Hạnh Hoa Mao Ốc Đồ - Đường Dần (Minh)




Hoa điểu họa

đăng 20:54 20-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 06:56 02-04-2015 ]
Hoa Điểu Họa 花鳥畫 rất phong phú và đa dạng. Nội dung của thể loại này là chim chóc, hoa cỏ hay các loài vật. Tùy theo sở thích hay sở trường của họa gia mà họ chọn một hoặc một vài loài vật cụ thể để sáng tác.


清 陳書 歲朝麗景 
Tuế triều lệ cảnh - Trần Thư (thanh) 

    Ý nghĩa biểu trưng của tranh Hoa Điểu: 
    Để hiểu về tranh hoa điểu ta cần biết qua các ý nghĩa biểu trưng của các loại hoa cỏ, loài vật theo quan điểm, phong tục của người Trung Hoa. Thông thường người ta phân nội dung tranh Hoa Điểu ra thành các chủ đề, trong mỗi chủ đề các họa gia sẽ vẽ một hoặc một số vật biểu trưng để gửi gắm tình cảm, tâm tư của mình vào đó. Dưới đây là các chủ đề chính của tranh hoa điểu. 

a/ Hoa Hủy:
    Hủy 卉 là tên gọi chung các thứ cỏ. Như kì hoa dị hủy 奇花異卉 hoa kì cỏ lạ. Hoa Hủy là nói chung về các loài hoa cỏ, cây cối làm nội dung chính trong bức tranh. 

    Hoa có một địa vị rất đặc biệt trong đời sống văn hóa. Hoa có thể làm đại diện cho một nước gọi là Quốc Hoa. Mỗi loại hoa phổ biến thường biểu trưng cho một ý nghĩa trong đời sống tinh thần, hội họa cũng lấy đó mà làm nguồn cảm hứng sáng tác. Ý nghĩa biểu trưng thường dựa vào hai đặc điểm chính, hoặc là do bản thân điều kiện sống trong thiên nhiên hay vẽ đẹp của chúng, hoặc là do tên gọi (phát âm) của nó khiến ta liên tưởng tới sự tốt đẹp trong cuộc sống. 
    Ý nghĩa biểu trưng của một số loại hoa, trái và cây cối thường thấy trong hội họa Trung Hoa: 

  • Hoa Mẫu Đơn: ngoài vẽ đẹp lộng lẫy, rực rỡ vốn có, hoa mẫu đơn còn tượng trưng cho sự phú quý. 
  • Hoa Sen: ngoài nét đẹp tinh khiết, giản dị, Sen còn nói lên cái bản chất 'gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn' 
  • Trái Đào tiên: thể hiện sự tường tồn, đắc thọ. 
  • Cây ngô đồng: trong thi ca, cây ngô đồng thuộc loại cây quí phái, hoa của nó là “vương giả chi hoa”. Còn thân cây thì to lớn sừng sửng giữa trời. 

Hoa Mẫu Đơn



Cây Ngô Đồng nở rộ trước sân điện Hữu Vu, kinh thành Huế. 
Nghe nói cây Ngô Đồng này được nhà Nguyễn mang từ Quảng Châu về trồng.


    Tứ Quân Tử 四君子: đây là chủ đề nổi bậc nhất và được nhiều người ưa thích trong nhóm tranh Hoa Hủy. Tứ Quân Tử là bốn loài Mai, Lan, Trúc và Cúc梅蘭竹菊. Mỗi loại có một đức tính đặc trưng và rất gần với các đức tính của người Quân Tử theo quan điểm Nho Giáo. 
  • Mai: hoa mai nở rộ vào đầu xuân sau khi đã chịu đựng cái giá lạnh của mùa đông. 
  • Lan: diễm kiều mãnh mai, hoa của nó lâu tàn có hương thơm kính đáo 
  • Trúc: thân cây ngay thẳng, thể hiện tinh thần tiết tháo trước gió mưa nghiệt ngã. 
  • Cúc: sau khi trải qua một đợt nắng khắc nghiệt của mùa hè nhiều loại rụng lá trơ trọi vào mùa thu thì cúc lại đua nhau nở hoa, tô điểm cho đời bằng nhiều màu sắc khác nhau. 

四君子 Tứ Quân Tử 

    Ngoài ra, Cúc và Mai còn được ca ngợi cùng với cây Tùng. Người xưa gọi là Tuế hàn tam hữu 歲寒三友 (ba người bạn khi trời lạnh). Mặc dù trong mùa sương tuyết các cây khác đều không chịu đựng nổi, sơ sát nhưng Tùng, Cúc, Mai vẫn sừng sửng tốt tuơi. 



b/ Trùng Ngư 蟲魚 

    Các loài ong, bướm, cá tôm ... gọi chung là Trùng Ngư cũng là những nguồn cảm hứng để các họa gia sáng tác. 

錢選 - 荷塘早秋图 
Hà Đường Tảo Thu Đồ - Tiễn Tuyển


紅鯉魚 Hồng Lý Ngư 



c/ Điểu Thú 鳥獸 
    Tranh vẽ các loài Gia cầm, Gia súc và các Động vật hoang dã được xếp vào chủ đề Điểu Thú. 


寫生珍禽圖 - 黃荃 
Tả Sinh Trân Cầm Đồ - Hoàng Thuyên (Ngũ Đại) 


八駿圖 - 郎世寧
Bát Tuấn Đồ - Lang Thế Ninh
c/ Linh Vật 靈物 
    Linh: là thần linh. Khí tinh anh của khí dương gọi là thần 神, khí tinh anh của khí âm gọi là linh 靈, ý nói vật gì được khí tinh anh đúc lại hơn cả trong các vật cùng loài với nó vậy. Người là giống linh hơn cả muôn vật, con kỳ lân, con phượng hoàng (phụng), con rùa, con rồng gọi là tứ linh 四靈 (bốn giống linh trong loài vật) Người ta cũng gắn cho mỗi con vật một hay một vài ý nghĩa nào đó, phần lớn là do niềm tin về tín ngưỡng. 


龍鳳呈祥
Long Phượng Trình Tường


    Tuy có những tiểu loại về tranh Hoa điểu nhưng khi sáng tác, các Họa gia hay kết hợp cây cỏ, điểu thú, trùng ngư lại để tạo nên một chủ đề nào đó cho bước tranh có một ý nghĩa riêng. 


陈之佛 鹤寿图
Trần Chi Phật - Hạc Thọ Đồ


Công bút họa

đăng 21:23 14-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 22:22 20-07-2013 ]
Công Bút Họa được chia thành 2 loại:
a/ Bạch miêu họa 白描畫
Bạch miêu họa hay Công bút bạch miêu 工筆白描 là những bức tranh vẽ đường nét rõ ràng, chi li, dùng đơn sắc. Loại tranh này xuất hiện rất sớm ở Trường Sa tỉnh Hồ Nam thời chiến quốc. 
Bức Ngũ Mã Đồ của Lý Công Lân 
thời Bắc Tống đánh dấu cho sự phát triển toàn diện của thể loại này.


Một con ngựa trong số Ngũ Mã Đồ

Bức Vân Long Đồ của Trần Dung là một ví dụ khác của thể loại này.


《雲龍圖》 南宋 陳容 
Vân Long Đồ - Trần Dung (Nam Tống) 

b/ Trọng thải họa 重綵畫
Trọng thải họa hay Công bút trọng thải 工筆重綵 là loại tranh lấy ngũ sắc làm quan trọng. Việc phối màu và đường nét đạt đến mức tinh vi, sắc sảo. 




閑情 – 趙國經、王美芳 
Nhàn tình – Triệu Quốc Kinh và Vương Mỹ Phương

Có thể nói trọng thải họa tạo nên sức quyến rũ mạnh mẽ, đặc biệt thể loại này thường dùng để vẽ mỹ nhân hay các bức tranh hoa lá cây cỏ đầy sắc màu.

芙蓉錦雞圖
Phù Dung Cầm Kê Đồ
Tống Huy Tông (Nam Tống)

Tả ý họa

đăng 08:07 14-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 22:23 20-07-2013 ]
Miêu 描 : Phỏng vẽ, nghĩa là trông bức vẽ nào hay chữ nào mà vẽ phỏng ra, viết phỏng ra cho giống vậy. Tả 寫: Phỏng theo nét bút. Như vẽ theo tấm ảnh đã chụp ra gọi là tả chân 寫真, vẽ theo hình vóc loài vật sống gọi là tả sinh 寫生. 
Ý 意: Ý chí. trong lòng toan tính gì gọi là ý. Trong văn thơ có chỗ để ý vào mà không nói rõ gọi là ngụ ý 寓意. 

Như vậy: 
Miêu tả là dùng nét vẽ hoặc lời văn mà vẽ lại, viết lại những điều mình thấy. 
Tả ý là Phỏng bằng nét bút theo ý chí của mình. 

Tả ý họa寫意畫 là phỏng vẽ một bức tranh theo ý của tác giả. Loại tranh này ngày nay còn gọi là Tranh Ấn Tượng, có các đặc điểm: 
- Tác giả dùng phép cường điệu để tạo sự thu hút mà không phải tuân theo qui tắc nào; 
- Bức tranh trực tiếp biểu hiện cảm xúc, cá tính của tác giả;
- Đường nét, bố cục của bức tranh có thể là đại khái gọi là đại tả ý họa 大寫意畫 hoặc chi tiết gọi là tiểu tả ý họa 小寫意畫
大寫意畫
Đại tả ý họa


李白行吟圖 - 宋 梁楷 
Lý Bạch Hành Ngâm Đồ - Lương Khải đời Tống


六祖斫竹图 - 樑楷
Lục Tổ Chước Trúc Đồ; - Lương Khải

Với những đường nét đơn sơ, Lương Khải tiên sinh họa nên hai nhân vật nổi tiếng đồng thời cho ta thấy được cái hồn của nhân vật trong tranh.
小寫意畫
Tiểu tả ý họa


明 朱瞻基 武侯高卧图 
Minh Chu Chiêm Cơ - Vũ Hầu Cao ngọa đồ

Bức trên vẽ con chim chi tiết, nhành cây thì đơn sơ. Bức dưới vẽ khóm trúc và gương mặt của nhân vật chi li hơn so với tranh Đại tả ý họa. 

Bích Họa

đăng 07:32 14-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 20:48 21-07-2013 ]
Bích Họa xuất hiện từ rất sớm trong đời sống thời thượng cổ của người Trung Quốc. Thể loại tranh này có thể chia làm ba nhóm lớn:
1/ Mộ thất bích hoạ. 墓室壁畫 
Các nhà khảo cổ phát hiện nhiều bức bích họa có trên các lăng tẳm, ngôi mộ cổ từ thời đại Tần - Hán. Nội dung bức tranh thường thể hiện các hình ảnh về tâm linh hoặc về các sự kiện, nhân vật…. 



玄武圖 
Huyền vũ đồ 



徐顯秀墓壁畫 
Từ Hiển Tú mộ bích hoạ 



2/ Đôn Hoàng bích họa 敦煌壁畫 

Đặc biệt trong thể loại này có một loạt tranh về Phật giáo được phát hiện trong 492 hang động ở trung tâm thành phố Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc gọi là Đôn Hoàng Bích họa 敦煌壁畫. 


3/ Vĩnh lạc cung bích hoạ 永樂宮壁畫 
Đại diện cho thể loại bích họa được vẽ trong các cung thất. Đây là nơi trình bày nhiều bức tranh trên tường, khởi thủy xây dựng ở trấn Vĩnh Lạc (thuộc tỉnh Sơn Tây) từ năm 1240 thời nhà Nguyên, đến năm 1358 toàn bộ công trình cơ bản hoàn thành.




Thủy mặc họa

đăng 07:00 14-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 17:34 18-07-2013 ]
Thuỷ mặc hoạ  là loại tranh truyền thống của Trung Quốc, còn gọi là Quốc Họa (tức Tranh Nước Trung Quốc) và nó lan truyền sâu rộng trong các nước ở Châu Á. Xưa, mực chỉ có màu đen, ta hay gọi là mực tàu, nhưng ngày nay mực có nhiều màu sắc nên tranh thủy mặc tăng thêm sự quyến rũ và phong phú. Tranh Thủy mặc được vẽ trên giấy hoặc lụa có thể treo lên vách hoặc cuộn lạ thành cuốn nên rất tiện cho việc cất giữ và bảo quản. Có những bức tranh thủy mặc được người chết "mang theo" trong mộ của mình mà đời sau khai quật phát hiện được.
Các họa gia vẽ tranh thủy mặc nổi tiếngVương DuyTô Đông PhaTề Bạch ThạchTừ Bi Hồng

王维诗意图
Vương Duy Thi Ý Đồ
蘇軾疊嶂詩圖 
Điệp Chướng Thi đồ - Tô Thức

Sơ lược các thể loại tranh Trung Quốc

đăng 01:28 11-07-2013 bởi Lỗ Bình Sơn   [ đã cập nhật 17:33 18-07-2013 ]
    
Hội 繪 là vẽ, Họa 畫 là bức tranh. Hội họa là vẽ một bức tranh. Về từ ngữ thì đơn giản là vậy nhưng để thưởng thức một bức tranh Trung Quốc, trước tiên ta cần biết qua các thể loại tranh. Tuy nhiên, việc phân loại tranh cũng có nhiều cách. Qua tìm hiểu tôi xin phân loại tranh theo ba tiêu chí chính sau:

1/ Phân loại theo chất liệu:
    
    Căn cứ theo chất liệu tạo nên bức tranh thì có hai loại chính:
    a/ Thủy Mặc Họa 水墨畫: Thủy nghĩa là nước, mặc nghĩa là mực. Tranh thủy mặc (đôi khi gọi trại là Tranh Thủy Mạc) là tranh vẽ bằng mực nước.
    b/ Bích Họa 壁畫:  là loại tranh được vẽ trên tường, nó xuất hiện từ rất sớm trong đời sống thời thượng cổ của người Trung Quốc. 


2/ Phân loại theo kỹ pháp
      Kỹ thuật và phương pháp hội họa Trung Quốc rất đa dạng. Dưới gốc độ tổng quát, có hai kỹ pháp 技法 (lấy thủ pháp làm cơ sở) chi phối nền hội họa Trung Quốc và cũng là phương pháp hội họa đặc thù của Phương Đông, đó là: 

    a/ Tả Ý họa 寫意畫:  là phỏng vẽ theo ý của tác giả, loại tranh này ngày nay còn gọi là Tranh Ấn Tượng    b/ Công Bút họa 工筆畫: Là những bức tranh được vẽ tỉ mi công phu và chi tiết, chú trọng vào kỹ thuật. 


3/ Phân loại theo nội dung
    Về nội dung Hội hoạ Trung Hoa thể hiện ba phạm trù bao quát:

    a/ Hoa Điểu họa: Nội dung của tranh hoa điểu rất phong phú, đa dạng như chim chóc, hoa cỏ hay các loài vật. Tùy theo sở thích hay sở trường của họa gia mà họ chọn một hoặc một vài loài vật cụ thể để sáng tác.
    b/ Sơn Thuỷ hoạ 山水畫: Tranh sơn thủy hay Tranh phong cảnh là những bức tranh vẽ lên những cảnh quan sông, núi khi thì hùng vĩ, khi thì tĩnh lặng. Đây là loại tranh tiêu biểu nhất của Trung Quốc.
    c/ Nhân Vật họa 人物畫: Vẽ tranh nhận vật đã có lâu đời, xuất hiện sớm nhất có lẽ từ thời nhà Thương, đó là sự kiện trong Kinh Thư, thiên Duyệt Mệnh說命: vua Cao Tông nhà Thương mộng thấy hiền thần rồi truyền cho vẽ tranh để tìm kiếm khắp trong thiên hạ. Cuối cùng tìm gặp người giống như bức họa tên là Duyệt ở đất Phó Nghiêm, nhà vua bèn lập ông làm Tể Tướng lấy tên đất làm họ nên gọi ông là Phó Duyệt. Nhân vật trong tranh thường là các chân dung nhân vật lịch sử như Danh thần tướng lĩnh, văn nhân thi sĩ, đặc biệt là các bức mỹ nhân.

    Thông qua các nội dung trên mà các hoạ gia trình bày tác phẩm hội hoạ theo một Chủ đề cụ thể như nói về phong tục, tôn giáo tín ngưỡng, các loài vật, hoa cỏ trong thiên nhiên ... Do vậy, trong một bức hoạ có khi thì chỉ vẽ đơn thuần một nội dung, có khi thì tổng hoà các nội dung với nhau làm cho nội dung của bức hoạ phong phú và đa dạng nhưng hàm nghĩa sâu xa.

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Sơn Thủy Họa"

Đăng nhận xét