Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

TÂM XÀ KHẨU PHẬT

TÂM XÀ KHẨU PHẬT

"Con cò mà đi ăn đêm" là một bài ca dao quen thuộc. Trong đó, hình ảnh "con cò" tượng trưng cho người mẹ, người nông dân, là điều ai cũng nhận ra, nhưng hành động, "nhân cách" của cò thì lại là vấn đề còn tranh luận.
Khi phân tích, bình giải bài ca dao này, người ta thường chú trọng hai ý:

1) Câu đầu: Con cò mà đi ăn đêm

2) Hai câu cuối: Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

và có cách đánh giá khác nhau.

- Khen: Ý1: Ca ngợi cò chịu thương, chịu khó, làm lụng vất vả cả ngày lẫn đêm, kiếm sống nuôi con. Đồng thời lên án chế độ phong kiến đã đẩy người nông dân vào cảnh sống cùng cực.

Ý2: Khi chết, muốn được chết trong sạch để khỏi đau lòng tủi hổ cho con.

- Chê: Ý1: Chê trách cò, khi sống làm việc mờ ám.

Ý2: Khi chết thì hèn nhát, qụi lụy, muốn được chết trong sạch mà đổ lỗi cho con.

* Chữ "con" ở cuối bài, cũng có thắc mắc: Con là tôi (cò mẹ) hay con là con của tôi (con của cò mẹ)?

Chú trọng hai ý trên là đúng. Tuy nhiên, muốn hiểu đúng phải chú ý đến tính chỉnh thể của văn bản, như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong tập huấn thay sách ngữ văn "Đặc biệt là phải coi trọng việc nhận thức tác phẩm ở cấp độ bản chất, chỉnh thể" (*)

Trong bài ca dao này, câu mở đề "con cò mà đi ăn đêm" rất quan trọng. Chữ "mà" rất đắt (thi nhãn). Đó là mấu chốt để hiểu ra vấn đề.

"Mà" là một hư từ đặc biệt, có nhiều biến thể. Một số giáo viên thường dị ứng với nó trong nhóm "thì, mà, là" nên đôi khi phớt qua. Tôi nhớ, có giáo viên khi giảng bài này đã thay chữ "Mà" bằng chữ "nó": Con cò nó đi ăn đêm. Như vậy, chưa thấy hết giá trị nghệ thuật của hư từ này.

"Mà" ở đây diễn tả một ý bất thường, một nghịch cảnh. "Đi ăn đêm" là một hành động bất thường của cò. Tập tính của cò là đi ăn ban ngày, bây giờ tự nhiên đi ăn đêm, là, có vấn đề, buộc ta phải chú ý để thấy được diễn biến câu chuyện.

Khi đọc, trọng âm phải đặt ở chữ "mà". Người đọc cảm thấy ngạc nhiên, hỗi ôi về cò, Kèm với thái độ lo lắng, thương xót. "Đi ăn đêm", đúng là một hành vi mờ ám, không thể nào khác. Có thể là đi ăn cắp ăn trộm hoặc là một hành động bất chính khác. Chính "cò" cũng đã thú tội: "Tôi có lòng nào". Nhưng khổ vì chế độ phong kiến đã đẩy người nông dân đến đường cùng. Túng quẩn, vì con phải nhắm mắt làm liều. Đó là cách suy nghĩ còn hạn chế giản đơn, cổ hữu của người nông dân thất học trước đây.

Cò phải làm một việc bất đắc dĩ, việc mà lâu nay nó chưa hề làm, nên thiếu kinh nghiệm . Thiếu kinh nghiệm do đó "đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao" là điều đương nhiên. Làm điều bất chính nên bị bắt là qui luật của xã hội.

Nhưng cái đáng khen của cò ở đây là sự chân thật, chính trực. Có tội, chấp nhận chịu tội. "Tôi có lòng nào ông sẽ xáo măng". Không hèn nhát, quanh co chạy tội. Và điều đáng khâm phục hơn nữa là trước lúc chết đã thẳng thắn đề đạt nguyện vọng về cách chết. "Xáo nước trong, đừng xáo nước đục".

Thân xác này, riêng mình cò, chẳng tiếc. Chết trong nước đục chỉ sợ "đau lòng cò con". Sợ để lại tiếng nhơ cho con cháu, dòng họ mà thôi.

Tư tưởng xuyên suốt bài ca dao là người mẹ, người nông dân Việt Nam suốt đời vì con: sống cũng vì con mà chết cũng vì con... qua hình tượng con cò mà đi ăn đêm. Ôi, cao cả lắm thay, đáng cảm phục lắm thay, người mẹ!!!

Một số bài ca dao sử dụng chữ "mà" theo cấu trúc cú pháp như trên, cũng có thể khai thác theo hướng đó. Ví dụ bài "Con mèo mà trèo cây cau". Mèo thường bắt chuột rình mồi trong nhà. Giờ "mà trèo cây cau" để bắt chuột. Đây là chuyện bất thường.

Điều này, chứng tỏ là mèo đã giết sạch lũ chuột trong nhà, trong vườn, dưới đất. Chỉ còn đôi con lẫn trốn trên cây cau cao ngất cứ điểm cuối cùng, nó vẫn tìm đến "hỏi thăm". Ý đồ của mèo là muốn tận diệt lũ chuột. Giữa chuột và mèo có mối thâm thù truyền kiếp. Như vậy lời "hỏi thăm" của mèo cho ta thấy được bản chất "khẩu phật tâm xà", sự đểu giả quá quắt của nó mà thôi.

Chính chữ "mà’ làm nổi bật được các ý trên. Hiện nay, trong đổi mới cách dạy văn, môn văn được đổi thành ngữ văn, vì vậy người giáo viên khi phân tích bình giảng cũng cần chú ý đến cả hai mặt ngữ - văn "để giúp học sinh nhận thức được giá trị của tác phẩm đúng với tư cách một tác phẩm văn chương".(*)

.............................................

(*) Nguyễn Đình Chú - tài liệu tập huấn thay sách ngữ văn L.7 năm 2003.

Phan Tấn Tô


(Theo Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế)
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "TÂM XÀ KHẨU PHẬT"

Đăng nhận xét