Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

NGHỆ THUẬT NỮ QUYỀN TRONG THẾ KỈ 20 VÀ 21


NGHỆ THUẬT NỮ QUYỀN TRONG THẾ KỈ 20 VÀ 21



Hà Vũ Trọng dịch và giới thiệu



Từ đầu thế kỉ 20, đã có nhiều nghệ sĩ nữ trong nghệ thuật tiền phong, họ tạo được những phong cách riêng trong các trường cao đẳng nghệ thuật Nga. Thập niên 1920 đã chứng kiến tranh và tượng của các nghệ sĩ nữ trong mọi lĩnh vực nghệ thuật thị giác, từ chủ đề khoả thân nam cho đến trừu tượng. Trong thập niên 1930 và 1940, một số nghệ nữ đã tìm tới chủ nghĩa Siêu thực, tác phẩm của họ đặt nặng vào tính ẩn dụ thị giác cùng trí tưởng tượng thi vị đã được xem là quan trọng hơn cả mặt kĩ thuật.
Tuy vậy, sau Thế Chiến Hai, vào những năm 50, chỉ một vài nghệ sĩ nữ thành công do những mối liên hệ cá nhân với những nghệ sĩ nam và giới phê bình để tạo tên tuổi cho mình trong hoạ phái Trừu tượng Biểu hiện ở Hoa Kì. Thập niên 1960 cho thấy sự mở rộng triệt để về quan niệm nghệ thuật với sự đáp ứng ngày càng gia tăng những phong cách đa dạng: Nghệ thuật Đại chúng (Pop Art), Nghệ thuật Ảo thị (Op Art), Nghệ thuật Khái niệm (Concept Art), Nghệ thuật Địa hình (Land Art), Nghệ thuật Tối thiểu (Minimal Art), Happenings và Fluxus (Ngẫu diễn và Lưu hành), Nghệ thuật Hành vi (Performance) và Nghệ thuật Thân thể (Body Art) – tất cả xuất hiện gần như đồng thời và mọi phong cách đều có sự đóng góp tiêu biểu của gương mặt nữ giới. Chính từ không khí “quật khởi” đặc trưng vào cuối những năm 1960 do tác động của chiến tranh Việt Nam, đã tạo ra động lực phục hồi cho chủ nghĩa nữ quyền. Những nghệ sĩ nữ đi tuyến đầu dẹp bỏ những chướng ngại trong cuộc tranh đấu giành những cơ hội bình đẳng với nam giới trong những học viện, họ tự tổ chức triển lãm riêng, tự điều hành gallery và xây dựng các lớp học nghệ thuật tự trị. Họ cũng tìm cách sử dụng những phương tiện chính trị để xuyên phá những cơ cấu do nam giới ngự trị. Đặc biệt các nghệ sĩ nữ trong nghệ thuật Hành vi đã chứng minh sự tự tin và tự quyết đối với thân thể của mình.
Trong những năm 1970, giới nghệ sĩ nữ tìm cách thu hút sự quan tâm, đồng thời lột bỏ những khuôn sáo xã hội khiến họ lệ thuộc vào giới tính của mình. Những năm 1980, trái lại, là một thập niên của sự vỡ mộng với đa số nghệ sĩ nữ: những dị biệt giới tính chứng tỏ khả năng khó dịch chuyển và tiếp tục tồn tại, trong khi đó, trong phạm vi nghệ thuật cũng như những phạm vi khác, hi vọng được giải phóng còn nằm ngoài tầm có thể đạt tới. Một thế hệ phụ nữ trẻ hơn và tự ý thức đã xây dựng trên những thành tựu của các nhà nữ quyền, họ tự dấn mình bằng một phương thức mang tính giễu cợt hơn với những vấn đề giới tính và bản sắc.
Cuối cùng, trong những năm 1990, các nghệ sĩ nữ đương đại đã có được những cuộc triển lãm cá nhân ở ngay trong những “ngôi đền thiêng” nhất của thế giới nghệ thuật, thậm chí có những nghệ sĩ nữ đạt được tác phẩm với những giá cao nhất trong thị trường nghệ thuật. Về nhiếp ảnh, đã có sự bùng nổ chưa từng thấy, vì đây là một chất liệu nghệ thuật độc lập cho phép nhiều phụ nữ tạo tên tuổi cho mình với góc nhìn thế giới mang tính chủ quan cao độ qua ống kính. Cũng kể từ cuối những năm 1990, các nghệ sĩ nữ ngày càng sử dụng phương tiện số hoá.
Thiên niên kỉ mới đang chứng kiến sự thiết lập tại các học viện nghệ thuật những ghế của ngành “giới tính học” để khảo sát phê phán về ý nghĩa giới tính (chẳng hạn, giới tính như là một biểu hiện mang tính xã hội hơn là sinh học) đã đang trở nên ngày càng mang tính trung tâm trong nghệ thuật.
Loạt bài về các nghệ sĩ nữ quyền, chủ yếu dựa vào cuốn Women Artists (do Uta Grosenick biên tập, Nxb Taschen, 2003), đưa ra một bằng chứng đầy ấn tượng về “nghệ thuật của nữ giới” – theo nghĩa nghệ thuật do phụ nữ tạo ra – không nhất thiết đồng nhất nghệ thuật nữ giới hoặc nữ quyền. Có nhiều lối tiếp cận nghệ thuật và những khả năng biểu hiện trong nghệ thuật của nữ giới cũng nhiều bằng con số nghệ sĩ nữ. Vì lí do này, sự chọn lựa một số nhỏ những nghệ sĩ nữ tiêu biểu để trình bày ở đây, chủ yếu từ thế giới phương Tây, với một vài người châu Á như Nhật Bản, Việt Nam, chủ yếu là những cá nhân mà nghệ thuật đã tạo được những dấu ấn lâu dài tới nghệ thuật thế kỉ 20, và họ tiếp tục ảnh hưởng đến nghệ thuật - của nam giới cũng như nữ giới – khi bước vào thế kỉ 21.
*


Eva Hesse: Kẻ tuẫn đạo trong nghệ thuật






Eva Hesse sinh năm 1930 ở Hamburg (Đức), lớn lên ở New York, xuất hiện với tư cách là một trong những nghệ sĩ cách tân nhất và ảnh hưởng nhất trong những năm 1960 và còn đang tiếp tục gây cảm hứng và ảnh hưởng lâu dài, do tác phẩm chủ yếu chứa đựng những phẩm chất diễn cảm và gợi tưởng sâu xa.
Cuộc đời của nhà điêu khắc người Hoa Kì gốc Đức này được đánh dấu bằng những bi kịch, với tuổi thơ dưới thời Đức Quốc Xã, cha mẹ li dị, người mẹ tự sát, cái chết trẻ của cha, hôn nhân tan vỡ, và cuối cùng Hesse chết sớm vào năm 1970 do bệnh u não. Một năm trước khi chết, Hesse còn ngồi trên xe lăn và vẫn tạo ra một loạt tác phẩm gây ngạc nhiên. Riêng khoảng một thời kì ngắn từ 1965 đến 1970, năng suất điêu khắc của Hesse lên tới khoảng 70 tác phẩm. Với khối lượng tác phẩm này, Hesse đã lên tiếng diễn giải lại những mẫu mực của nghệ thuật Đại chúng và Tối thiểu (Minimalism) lúc đó đang là những trào lưu ảnh hưởng lớn trong nghệ thuật – qua việc sử dụng những phương thức chế tạo từ những vật liệu kĩ nghệ, sản xuất hàng loạt, mô phỏng, vỉ lưới, khối vuông… Tác phẩm của Eva Hesse khó nắm bắt, một phần do cô thường dùng những vật liệu mềm, dẻo, trong mờ, gần như có kết cấu hữu cơ, như sợi thuỷ tinh, nhựa, mủ và cao su, ống phẫu thuật, và dây thừng. Chúng có thể lôi cuốn về mặt thẩm mĩ và được cho là đẹp, nhưng đồng thời chúng cũng hàm ý vật chất đã bị cách li khỏi thể xác. Phản ứng của những người tới xem triển lãm tác phẩm của Hesse, họ cảm nhận vừa về mặt tâm lí vừa về mặt vật lí. Chẳng hạn, tác phẩm Accession (Tiếp cận), 1968, một khối vuông thép mạ mở ra ở phần nóc, có vô số những ống cao su giống như lông mọc bên trong. Các bức ảnh chụp cũng cho thấy người nghệ sĩ tương tác với tác phẩm của mình, như trong một bức hình người ta thấy cô đang vuốt ve phần bên trong của Accsession II, còn trong một bức khác cô đang nằm trên một trường kỉ, dây thừng rối che phủ thân thể như tự phô bày có tính hài hước, và qua nụ cười của Hesse, rõ ràng ám chỉ đến một phần nghi thức mang tính phân tâm học. Tác phẩm điêu khắc của Hesse đặc biệt bằng mủ và sợi thuỷ tinh có một tính cộng hưởng vượt qua những ranh giới của nghệ thuật Tối thiểu mà Hesse vốn bắt nguồn từ đó. Cuộc triển lãm cá nhân Chain Polymer đột phá ở New York năm 1968 đã là một bước ngoặt trong nghệ thuật Hoa Kì kể từ thời hậu chiến.
Từ thuở nhỏ, Eva Hesse đã tự xem mình là một nghệ sĩ. Vào tuổi 16, cô đã viết cho cha: “Con là một nghệ sĩ, con chắc rằng mình luôn cảm thấy và muốn trở nên hơi khác với đa số mọi người”. Hesse học nghệ thuật ứng dụng từ năm 1957 đến 1959 ở trường Nghệ thuật và Kiến trúc Yale. Trong môi trường nghệ thuật New York, bước đột phá có tính quyết định trong sự nghiệp của Hesse khiến cô chuyển từ hội hoạ Trừu tượng Biểu hiện sang tác phẩm ba chiều. Tuy vậy thời gian 1964-65 ở Đức, cùng với chồng là nhà điêu khắc Tom Doyle đã dùng một xưởng chế tạo vải để làm xưởng nghệ thuật, Hesse đã tạo ra một loạt những tác phẩm đồ hoạ mang phong cách siêu thực kết hợp phương tiện cơ khí và hữu cơ, cũng như sử dụng các vật liệu như thạch cao, giấy bồi, vải, dây thừng kết hợp với tô sơn. Nhiều yếu tố mang ngụ ý về sự chuyển động trong không gian bao quanh, chẳng hạn sợi dây thừng tím trong Up the Down Road(Lên đường dốc xuống), 1965, nhan đề ở đây có tính điển hình, nêu lên sự nghịch lí thường thấy trong những nhan đề của Hesse. Đó như là con trỏ về một khủng hoảng cá nhân được ghi chép trong nhật kí của Hesse, và cũng biểu lộ sự bất an khi trở về xứ sở đã gây ra vụ Lò thiêu, mà từ đó cha mẹ Hesse đã phải đào thoát năm 1939.
Chuyến trở lại New York năm 1965 đánh dấu thời khởi đầu giai đoạn ổn định của Hesse tới tư cách là nhà điêu khắc. Một trong những phát biểu ý nghĩa nhất của thời kì này là tác phẩm Hang Up (Treo lên), 1966, là một cái khung lớn trống không, được băng bó, và móc một sợi dây thép ra ngoài. Hesse đã phát biểu rằng Hang Up là một trong những tác phẩm tuyệt nhất của mình: “Đó chính là lần đầu tiên ý tưởng về sự phi lí hay cảm xúc cực độ được mở tung”. Giống như nhiều tác phẩm cuối đời, thật khó xác định đó là bức tranh hay tác phẩm điêu khắc, chẳng hạn đối với Contigent(Tiếp liên) 1969, tám tấm vải cotton nhúng mủ và treo song song thẳng góc với vách tường; hoặc trong Right After(Liền sau đó), 1969, là sự sắp xếp dây sợi thuỷ tinh nhúng nhựa, được móc treo lên trần. Nhan đề Right After nhắc đến tác phẩm này được tạo ra sau một cuộc giải phẫu vì chứng bệnh u não, sau đó đã dẫn tới cái chết của Eva Hesse vào tháng 5, 1970.
Những nhật kí của Eva Hesse đã sớm được công bố và xuất bản sau cái chết của Hesse, và như một nhu cầu phê bình nghệ thuật cần đến kẻ tuẫn đạo, từ đó Eva Hesse đã được xem là một huyền thoại. Suốt một thời gian dài, chính những bi kịch cuộc đời của Hesse và tình trạng tâm thần và sức khoẻ của cô, đã dẫn đến những lối diễn giải về tác phẩm của cô, và có khuynh hướng xem như là biểu hiện về kinh nghiệm đặc biệt của người phụ nữ, nhưng một giải thích công bằng hơn về những ảnh hưởng, những quan hệ và ý nghĩa tác phẩm của Hesse lại mang tính phức hợp nghệ thuật, xã hội và lịch sử.







Accession III (Tiếp cận), 1967.68, sợi thuỷ tinh, ống plastic, 80 x 80 x 80 cm















Repetition Nineteen III, 1968, sợi thuỷ tinh, nhựa polyester, 19 bộ phận, mỗi cao khoảng 50cm, đường kính khoảng 30cm
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "NGHỆ THUẬT NỮ QUYỀN TRONG THẾ KỈ 20 VÀ 21"

Đăng nhận xét