Minh triết vô cùng là thượng đế !
Nguồn: Chôm Văn Chỉa
MỖ MUỐN ĐẬP CHO NÁT CÁI BÀI NÀY QUÁ MÀ CHƯA CÓ THỜI GIAN. HỤHỤHỤ!!!
Nhân đọc bài "Minh Triết Nguyễn Trãi" của tác giả Mai Thục với tựa là "ĐI TÌM MỘT CÁCH SỐNG HẲN HOI" (đăng trên mạng An Việt tháng 01/10 và NewVietArt.com) được chọn làm đề tài (?) vào dịp Hội thảo khoa học lần II trong khuôn khổ đề tài “Minh triết trong tiến trình lịch sử Văn hóa Việt Nam", mà Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt đã tổ chức vào ngày 24-9-2009 tại cố đô Huế ; tôi cảm thấy có phận sự viết bài này để khẳng định rằng Minh Triết là cái biết vô cùng, nên còn gọi là Đạo, là Chân Lý, là Thượng Đế. Tôi nói rõ là khẳng định chứ không là phản biện bài "Minh Triết Nguyễn Trãi" của tác giả Mai Thục, vì Minh Triết không phải là một đối tượng như một đề tài để biện luận hay đi tìm định nghĩa, mà hai chữ Minh Triết tự nó đã bao hàm cái nguồn gốc và cứu cánh của con người, cũng như của vạn vật vũ trụ rồi. Tương tự, như khi đi tìm hiểu ánh sáng người ta cũng chỉ có thể định nghĩa bằng khoa vật lý học : ánh sáng là sự di chuyển của "photon", một phân tử của điện từ (a particle of electromagnetic radiation) với vận tốc ánh sáng là gần 300 000 cây số một giây (km/s), chứ cái định nghĩa của ánh sáng không làm cho tỏ ra thêm ánh sáng được, vì ánh sáng tự nó đã sáng rồi. Nên nếu ai còn đi tìm định nghĩa cho Minh Triết thì cũng giống như mù, vì chưa thấy được ánh sáng và tôi không ngần ngại để khẳng định Minh Triết là ánh sáng của Đạo hay nói cách khác Minh Triết là Đạo ! Vì vậy không thể nói Minh Triết của Chúa, của Phật, của Nguyễn Trãi hay của bất cứ ai, nhưng phải hiểu Minh Triết là ánh sáng nơi vạn vật vũ trụ, do đó tiền nhân mới nói là "trí tri tại cách vật" ! Cho nên nếu ai tự cho mình là triết gia mà còn hy vọng đi tìm minh triết qua hội thảo kiểu như "Biết đâu cuối cùng Hội Thảo Minh Triết 3 sẽ đi đến tư tưởng Hồ Chí Minh và Minh Triết Hồ Chí Minh là định hướng cho XHCN Việt Nam.", thì tôi cũng chỉ biết nói theo kiểu bồi bếp để đừng nói "bồi bút" là "end water say" hay "finir l'eau dire" tức là "hết nước nói" !!!
Vì qua bài "Minh Triết và Chính Trị", tôi đã viết "Người ta thường lạm dụng từ ngữ cách vô minh khi dùng hai chữ Minh Triết với nghĩa như một đối tượng và lẫn lộn nghĩa của hai danh từ triết học và triết lý." Vì vậy mà tôi cần phải nhấn mạnh lại ở đây Minh Triết giống như "ngôi sao lạ" dẫn đường chỉ Đạo và đồng thời là ĐẠO viết hoa. Cho tới nay, hầu hết ai cũng tưởng là mọi vật dưới bầu trời này được soi sáng bởi ánh sáng mặt trời, mặt trăng, bởi các vì tinh tú hay các nguồn ánh sáng như đèn đuốc, v.v..., nhưng đúng ra là mọi vật đều tự nó sáng như mặt trời hay các tinh tú, vì khoa quang học ngày nay đã chứng minh được đều đó qua kỹ thuật chụp hình trong đêm tối không có chút ánh sáng, với kỹ thuật hồng ngoại tuyến (infrarouge). Một ví dụ khác có lẽ hiển nhiên hơn cho mọi người mà chắc ai cũng đã thấy, là con đom đóm sáng chớp chớp, bay bay lơ lửng dưới trời tối đen như đêm 30, tự thân nó sáng chứ đâu có cái gì rọi vào cho nó sáng đâu ! Điều đó chứng tỏ là mọi sự vật đều tự nó sáng với những độ sáng yếu hay mạnh khác nhau, tùy theo sự phát điện (émanation) của nó và tùy theo khả năng tiếp nhận những làn sóng điện phát ra đó nơi mỗi người, chứ không do bất cứ nguồn sáng bên ngoài chiếu vào. Do đó, vì nhục ảnh và vô minh nên hầu hết người ta tưởng lầm là đồ vật thấy được là do sự phản chiếu của một nguồn ánh sáng bên ngoài ! Tư tưởng cũng vậy, nên khi nói câu tục ngữ"gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" thì tự nhiên liền gợi hình "mực tự nó đen, đèn tự nó sáng". Do đó, như tôi đã cắt nghĩa hai chữ Minh Triết tự nó là ánh sáng, vì khi đi tìm hiểu về cái gốc chữ Nho là cách viết của chữ Minh được viết với bộ "nhật" (mặt trời) kép với bộ "nguyệt" (mặt trăng) thì ai cũng hiểu Minh tự nhiên nghĩa là sáng, là tỏ rõ như mặt trời ban ngày, mặt trăng ban đêm. Vì vậy Minh tức là sáng tỏ, hay tự làm cho sáng như nghĩa của chữ "minh Minh Đức", tinh tuyền linh diệu sáng láng bao la, còn có nghĩa là "tính mệnh" tức là tia sáng đã phú bẩm nơi thẩm cung tâm hồn con người. Hay nói cách khác hơn thế nữa, là chính cái Tính bản nhiên con người, nhưng đồng thời cũng là Thiên lý, một thứ Thiên lý nội khởi, do đó mới nói "thiên lý tại nhân tâm".
Còn chữ Triết được viết ở trên với bộ "thủ" (tay) bên trái, kép với bộ "cân" (đo lường, cân nhắc) bên phải, và kép với bộ "khẩu" ở dưới, thì Triết có nghĩa là tài tác sáng tạo, nghĩ ra, làm ra, viết ra bằng cái tay và nói ra bằng cái miệng với sự xem xét đo lường cân nhắc cẩn thận. Nên từ đó có thể suy diễn nôm na nguyên nghĩa của hai chữ Minh Triết là ánh sáng của mọi sự (vạn vật) cần làm cho sáng tỏ ra bằng tư tưởng, lời nói và hành động.
Nhưng làm thế nào cho sáng tỏ mọi sự qua tư tưởng, lời nói và hành động nếu không phải là làm sáng cái nghĩa tiềm ẩn của mọi sự vật (trí tri tại cách vật) nơi tiềm thức của con người ? Vì khi hiểu biết được trọn vạn vật (tri chu hồ vạn vật nhi Đạo) thì biết sống thích nghi với nghĩa (tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai) tức là biết sống với ánh sáng của vạn vật trong sự tương quan, tương đồng, tương liên, tương đối, tương ứng, tương giao, tương kết,... để tương Hòa với Toàn thể là thiên địa vũ trụ vạn vật, còn gọi là Nhất thể hay Đạo thể. Vì vậy, Triết còn có nghĩa là "triệt" tức là sự hiểu biết "triệt thượng triệt hạ", từ thấu trên cao xuống triệt để (dưới thấp) đều thông suốt mà không hề khúc mắc, ứ đọng hay bế tắc. Do đó mà trong Kinh Thư có câu : "tri nhân tắc triết" có nghĩa là "biết người tất nhiên là triết" vậy.
Như vậy có thể nói Minh Triết là sự hiểu biết cùng tận để làm sáng tỏ ý nghĩa Tận, Kỳ, Tính nơi con người. Vì phải là "tận kỳ tính" mới bao hàm được đủ ba đức tính : nhân bản, nhập thể, hiện thực, và còn thêm được yếu tố Tâm linh nằm trong chữ Tính (ghép bởi bộ "tâm" và bộ "sinh") tức là ánh sáng hay là làn sóng mênh mông sáng láng tràn ngập vũ trụ mà con người có nghĩa vụ phải tham dự vào và khi đã hiện thực tới nơi cái Tính, thì không những biết người mà biết luôn cả trời đất muôn vật nữa "tận kỳ tính tắc tri thiên, tri địa, tri nhân cập vật giả". Do đó sự hiểu biết vô cùng là Minh Triết, tức là Ánh Sáng, là Sự Sống, là Chân Lý, là Đạo để làm Người, cho Thành Nhân qua tha nhân và cùng với"thiên địa vũ trụ vạn vật nhất thể" vậy !
Vì vậy Minh Triết tức là ĐẠO với nền tảng bất di bất dịch là"nhất âm nhất dương chị vị Đạo", là Nguyên lý mẹ với "lưỡng cực tính" là nền tảng của vạn vật vũ trụ theo quy luật tiến hóa tất yếu siêu việt của Càn Khôn, đó là "nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản". Nói cách khác Đạo là tất cả, hay tất cả là Đạo, nên để có thể hiểu biết Đạo tôi nghĩ không còn cách diễn tả nào xúc tích và rõ nghĩa hơn những câu mà sách Trung Dung đã đúc kết như sau :
Thiên mệnh chi vị Tính.
Suất Tính chi vị Đạo.
Tu Đạo chi vị giáo.
Đạo dã giả bất khả tu du ly dã.
Khả ly phi Đạo dã.
Thị cố quân tử giới thận hồ kỳ sở bất đổ.
Khủng cụ hồ kỳ sở bất văn.
Mạc hiện hồ ẩn, mạc hiển hồ vi.
Cố quân tử thận kỳ độc dã.
Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung.
Phát nhi giai trúng tiết, vị chi Hòa.
Trung dã giả, thiên hạ chi đại bổn dã.
Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt Đạo dã.
Chí trung hòa thiên địa chi vị yên.
Vạn vật dục yên.
dịch nghĩa:
Mệnh trời gọi là Tính.
Noi theo Tính gọi là Đạo.
Tu Đạo gọi là giáo.
Đã là Đạo không thể ly lìa giây phút.
Ly lìa được không phải là Đạo.
Vì thế quân tử thận trọng chỗ không thấy được.
Lo sợ điều mình không nghe thấy.
Không gì hiện rõ bằng cái ẩn tàng.
Không gì tỏ rõ bằng cái tế vi.
Mừng, giận, sầu, vui chưa phát ra gọi là Trung.
Phát ra trúng tiết gọi là Hòa.
Trung là cái gốc lớn trong thiên hạ.
Hòa là chỗ đạt Đạo.
Chí Trung Hòa : Trời đất đặt vào đúng vị trí, vạn vật được nuôi dưỡng.
Hai chữ Tính và Mệnh ở ngay câu đầu có nhiều nghĩa, nhưng thông thường ai cũng hiểu theo nghĩa thông dụng là tính nết, tính khí và mệnh được hiểu là vận số có tính cách hạn hẹp vào một phần, một số mà mọi người quen gọi là số mệnh. Nhưng thật ra nghĩa uyên nguyên của hai chữ này rất cao siêu :
"Chữ Tính cũng như chữ Mệnh có nhiều nghĩa. Chữ Tính mà Tuân Tử cho là xấu là tính hậu thiên có thể gọi là tính khí, tính tình nặng phần sinh (lý) nhẹ phần tâm (linh). Chữ Tính ghép bởi hai bộ sinh và tâm: nhưng tâm phải trùm cảnh (sinh) thì mới là Tính. Đó chính là Tính mà Mạnh Tử bảo là tốt, là tính tiên thiên, có thể gọi là Thiên tính, hoặc là Tính mệnh mà ta có thể nói liều lượng pha độ phải là ba tâm hai sinh theo câu Kinh Dịch là "tham thiên lưỡng địa". Ở đây chúng ta sẽ theo nghĩa này, như được nói tới trong sách Trung Dung: "thiên mệnh chi vị Tính, suất Tính chi vị đạo": Tính tức là Mệnh Trời, sống theo Tính tức là Đạo. Như thế Tính là Mệnh, Mệnh là Tính. Có khác nhau về quan niệm của chúng ta: cùng một ánh linh quang nếu xét về đàng xuất phát ra do Thiên thì gọi là Mệnh, khi phú bẩm vào con người thì gọi là Tính." (Kim-Định/NC)
Nói cách khác, chữ Mệnh có tính chất phổ biến như mệnh lệnh hay là Luật càn khôn bao la cũng gọi là Tiết điệu uyên nguyên nhưng chưa hiện hình vào một vật nào, còn gọi là Tâm. Nên Tâm phải được hiểu với nghĩa bao la vô biên vì chưa nhập vào sinh (hữu hạn). Một khi Tâm đã nhập vào sinh thì gọi là Tính và đặc tính còn trinh nguyên chưa có hình tích nào, đến lúc tiếp cận ngoại vật mà tác động thì gọi là Tình. Nên có thể nói Tình là cửa của Tâm. Như vậy Tình cũng chính là sự vận chuyển của luồng linh lực bao la nhưng xuyên qua người, thể hiện qua ý muốn và chí đeo đuổi để bày tỏ ra thái độ, cử chỉ hay hành động thì gọi là tình. Do đó chữ Mệnh có cả hai nghĩa : một mệnh bao la như Luật trời đất, tức mệnh lệnh phổ biến chung cho một loài, và một tư riêng đúng hợp cho một vật một người gọi là phần, hay là số mệnh.
"Trong đồng văn triết lý ở đây, thì dĩ nhiên phải hiểu theo nghĩa uyên nguyên của nó. Khi ta nghe câu "các chính tính mệnh bảo hợp thái hòa" (Quẻ Kiền) thì phải hiểu muôn vật cố giữ đúng được cái tính thuần nhiên tinh tuyền trời phú cho thì mới bảo toàn được nền Thái hòa: hòa sinh với tâm (ta quen nói hồn với xác). Khi hoàn bị được thì gọi là "tận kỳ tính" tức là đạt mệnh, hợp với thái cực. Đó là cứu cánh con người và mục phiêu của khoa siêu hình trung thực phải chú vào vấn đề tính mệnh, tức giúp cho con người hiện thực được cùng cực như vậy." (Kim-Định/NC)
Phần cốt lỏi của sách Trung Dung chỉ vắn tắt có vậy nhưng sức chứa mênh mông cả vũ trụ y như Kinh Dịch : Thiên Địa ở đây là âm dương, Thiên trong Địa ngoài.
Trong là Trung : là Tâm là Tính. Ngoài là Dung thông, Hòa hợp. Theo đó mà suy ra thì là vô tận, vô biên, vô chung vô thủy, chẳng bao giờ cùng nhưng lại kết tinh vào ba chữ Chí Trung Hòa. Vì vậy, mỗi câu trên là một chân lý nhưng đúc kết lại có ba điều nền tảng nổi bật vì đó là ánh sáng của Minh Triết :
1/ Thiên mệnh chi vị Tính, có nghĩa Thiên mệnh là chính Tính con người. Câu này, nói lên con người có bản chất Thiên Tính, nên được gọi là Nhân Tính hay là Tính Bản Nhiên, tức con người được quan niệm ngang hàng với Thiên là Trời, do đó mới gọi là "thiên nhân", "thiên dân", "thiên tử" chứ không chỉ có vua mới là con trời. Nên :
"Khi nói con người là Hội là Giao là Trung thì ngầm hiểu rằng nó phải ở giữa hai cái gì đó : thưa là ở giữa Trời với Đất, ở giữa âm với dương (âm dương chi giao) nên cái định tính của nó là quân thiên, tức sự thăng bằng cao cả nhất giữa Trời cùng Đất. Vậy chứ quân thiên ở đây không nên hiểu là một phụ tính thêm sau, có hay không cũng được, mà là thứ quân bình cấu tạo nên con người y như dưỡng khí với khinh khí cấu tạo nên nước vậy. Cái đức Thiên với Địa (thiên địa chi đức) không phải là phụ tính của người nhưng chính là yếu tố cấu tạo ra con người nên không thể lìa khỏi dù chỉ một giây (bất khả tu du ly dã) hễ lìa ra là hết người. Vậy mối quân thiên cũng gọi là Trung Dung chính là yếu tính đó" (Kim-Định)
2/ Đưa con người lên bậc tham thông (thiên nhân tương dữ) : vì là Nhân ngang hàng với Trời Đất nên đồng ngôi, đồng tài, đồng phận, đồng sức để đồng hành tham dự với Trời Đất, đó là quan niệm tuyệt vời về con người và phải được ý thức như vậy thì mới có thể là con người cao cả vô biên. Vì vậy nho sĩ anh hùng cách mạng Trần Cao Vân đã đề cao nền đạo lý cân đối về con người qua bài vịnh Tam Tài như sau :
"Trời Đất sinh Ta có ý không?
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh.
Trời Đất in Ta một chữ Đồng.
Đất nứt, Ta ra, Trời chuyển động.
Ta thay Trời mở Đất mênh mông.
Trời che Đất chở Ta thong thả.
Trời Đất Ta đầy đủ hóa công."
Như thế cho ta thấy quan niệm con người cực kỳ to lớn, to đến nỗi đặt ngang hàng cùng trời đất, hàm ý rằng trời đất có vô biên đi nữa cũng không đàn áp được ta, không bắt ta làm nô lệ ai được cả hay bắt làm tôi tớ của bất cứ thần thánh nào, vì :
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất Ta đây đủ hóa công
hay vì :
Ta cũng đội Trời đạp Đất ở đời
Làm nên động Địa kinh Thiên đùng đùng
3/ Chí Trung Hòa : muốn Hòa là phải đi vào trung tâm cùng cực, cùng tận đến chỗ ẩn vi, tế vi, thì mới có thể bao hàm, chứa đựng, sắp đặt vạn vật đúng nơi đúng chỗ thì mới là sinh thành dưỡng dục, mới phát triển tiến hóa, bởi nguyên lý song trùng lưỡng hợp hay còn gọi là "lưỡng nhất tính" trên nền tảng Tam tài với cơ cấu Ngũ hành, theo quy luật tiến hóa tất yếu siêu việt và bất di bất dịch của Càn Khôn, thì mới đạt Thái Hòa.
Đó là ba chân lý đưa nguyên Nho lên đợt cùng tột của triết lý nhân sinh, nên là tuyệt diệu, là độc nhất vô nhị nên đáng xứng danh Minh Triết, là Đạo Trời và cũng là Đạo Việt.
Do đó người học triết, cho dù có bằng thạc sĩ triết học và là giáo sư môn triết hay viết sách triết có danh tiếng đi nữa (vì loại sách viết với lời hay ý đẹp đọc đi thấy hay nhưng đọc lại chẳng thấy gì, thì vẫn chưa phải là sách triết), mà nếu chưa thấu hiểu được ba chân lý nền tảng mà tôi vừa nói trên thì tự nhiên là còn lẩn quẩn đi tìm cách để định nghĩa Minh Triết như là "một cách sống hẳn hoi" hay bất cứ là gì, hoặc đi gán ghép minh triết với bất cứ luân lý đạo đức nào, thì cũng chưa phải là triết gia vì chưa đạt Minh Triết, tức là chưa có cái biết vô cùng nghĩa là chưa hiểu Đạo ! Vì :
"Cái biết vô cùng, cái Minh Triết vô cùng ấy là Thượng Đế đó con !" (NHTĐ/Chân Lý)
Viết xong ngày 19 tháng 01 năm 2010.
(tức mùng 5 tháng chạp năm Kỷ Sửu)
Nguyễn Sơn Hà
0 nhận xét: on "Minh triết vô cùng là thượng đế !"
Đăng nhận xét