CON TRÂU TRÊN TIỀN GIẤY Ở VIỆT NAM
Tiền tệ luôn gắn liền với lịch sử của một đất nước. Sự thăng trầm, biến động của một quốc gia luôn làm thay đổi bộ mặt của tiền tệ, để phù hợp với nhu cầu kinh tế, nhu cầu của lịch sử. Trong một số tờ tiền giấy Việt Nam từ 1945 trở đi, hình ảnh nông nghiệp đặc trưng đó có lẽ không thể thiếu hình ảnh con trâu bởi con trâu luôn gắn với nông nghiệp mà cho đến ngày nay nó hầu như là bạn thân thiết của con người.
Sau khi tuyên ngôn độc lập, ngày 31/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị định về việc phát hành tiền Việt Nam của chính phủ mới thay cho tiền Đông Dương của thời kỳ Pháp thuộc. Và ngày 30/11/1946, sau một thời gian chuẩn bị, tờ giấy bạc Việt Nam mới chính thức ra đời. Lúc đó, bộ trưởng Tài chính là ông Phạm Văn Đồng chịu trách nhiệm về việc in ấn tiền giấy cùng với ông Nguyễn Khắc Cư, phó giám đốc nhà in ngân hàng.
Đồng tiền đầu tiên được in bằng máy in li-tô Vì vậy, nếu xét về mức độ tinh xảo của đồng tiền thì còn khá thô sơ, nhưng đã khắc họa được lịch sử đấu tranh của dân tộc, giấy bạc đã mang được những dấu ấn độc đáo về tạo hình cũng như nét đặc trưng văn hóa.
Trong đó, đề tài nông nghiệp đó, không thể thiếu hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau được khắc họa trên tờ 100 đồng. Tờ tiền này được phân công cho ba người vẽ, đó là: kiến trúc sư Lương Văn Tuất và ông Đào Văn Trung, cán bộ cũ ở Sở Địa đồ chuyên vẽ diềm trang trí và kẻ chữ, họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ hình giữa. Hình mặt trước là con trâu cày. Mặt sau là hình người nông dân vác cuốc và người thợ nề cầm cái bay, tượng trưng nông nghiệp và xây dựng. Mẫu tờ bạc này phải to gấp ba lần kích thước thật. Ba màu xanh, vàng, nâu là chủ đạo. Tâm điểm của đồng bạc chính là con trâu, thật khỏe mạnh, thật thanh thoát và sống động. Khi tờ giấy bạc 100 đồng được lưu hành, có lẽ nó cũng truyền tải được cái tâm người vẽ nên người dân lúc ấy gọi đồng bạc đó là “con trâu xanh”. (H1a, 1b) Sau khi toàn quốc kháng chiến, việc liên lạc giữa địa phương và Trung ương có nhiều khó khăn, nên Trung ương cho phép Trung bộ và Nam bộ phát hành tiền riêng của vùng mình. Từ năm 1946, tiền Việt Nam được phát hành ở 2 miền Bắc và Nam.
Ở miền Bắc, tờ 20 đồng với gam màu nóng ấm, mặt trước là hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau là cảnh nông dân ra đồng với người đàn ông dắt con trâu đi đủng đình, 2 trẻ em và một đàn bà quang ghánh phía sau. Tất cả được vẽ viền tả khối đều khiến cho khi nhìn chúng ta thấy như tất cả đều được chạm nổi. (H2a,2b).
Tờ 50 đồng phát hành năm 1947 cũng với hình ảnh cụ Hồ ở giữa, số 50 được nhấn mạnh hai bên, mặt sau của đồng tiền có viền đậm và to, ở chính giữa là bố cục gọn gàng, chắc khỏe, gồm người, trâu mạnh mẽ. (H3a, 3b).
Tờ 10 đồng phát hành năm 1955 tinh sảo, có màu sắc nhã nhặn, mặt trước vẫn là hình cụ Hồ, măt sau là hình ảnh những chú bò đang bừa ruộng với bố cục được dàn trải khắp mặt của đồng tiền. (H4a, 4b).
Năm 1958, Ngân hang Quốc gia Việt Nam phát hành tờ 1 đồng có hình cột cờ ở mặt trước, vì vậy nên được gọi là “tờ cột cờ”. Mặt sau là hình ảnh hoa văn cổ, chính giữa vẫn là đề tài nông nghiệp mà hình ảnh chú trâu vẫn cần mẫn cày bừa được bố cục gọn trong long hình Quốc huy. (H5a, 5b)
Ở Nam Bộ, từ năm 1948 cho đến năm 1952, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành tiền giấy với nhiều mệnh giá có cấu trúc khác nhau và được lưu hành ở các tỉnh Hà Tiên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Thủ Biên (tức Biên Hòa Thủ Dầu Một), Vĩnh trà (Vĩnh Long Trà Vinh) được phát hành tín phiếu, phiếu đổi chác, phiếu tiếp tế.... Các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Châu Hà (Long Xuyên Châu Đốc Hà Tiên); các tỉnh Vĩnh Trà (Vĩnh Long Trà Vinh) và Bến Tre; tỉnh Mỹ Tho có loại giấy bạc Cụ Hồ chỉ lưu hành trong tỉnh.
Hình ảnh trang trí cũng tương tự như giấy bạc do Trung Ương phát hành, duy có điểm khác là trên giấy bạc có hai chữ ký: Chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến Nam Bộ (Phạm Văn Bạch) đại diện Bộ trưởng Tài chính; và Giám đốc Ngân khố Nam Bộ - đại diện Tổng giám đốc Ngân khố Quốc gia.
Chất liệu của giấy bạc Cụ Hồ được in ấn trên loại giấy tự sản xuất bằng chất liệu rơm rạ nên giấy bạc còn thô ráp, mộc mạc, và được in bằng cách thủ công, màu sắc của từng đồng tiền không giống nhau bởi mỗi lần in thủ công như vậy thì màu sắc lại có sự thay đổi, thế mà tràn ngập niềm vui, mọi người ai ai cũng cố gắng bán buôn thu vào cho cho được đồng tiền có ảnh Cụ Hồ cất kỹ nơi túi áo trong của mình, mỗi khi giặc càn bố đem chôn dấu thật cẩn thận. Có vùng giá trị sử dụng bạc Cụ Hồ còn ngang bằng với tiền Đông Dương xanh ngoài thành. Vẫn với hình tượng con trâu đi trước, cái cày theo sau đó, các họa sỹ lại khắc họa được tinh thần sản xuất hăng say của người nông dân. Tờ 5 đồng phát hành năm 1948 lưu hành trong tỉnh Mỹ Tho có chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (chữ Quốc Ngữ và chữ Hán), có ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh Công- Nông- Binh, trận Giồng Dứa. Trên tờ giấy bạc còn có chữ số Á Rập, chữ Quốc Ngữ, chữ Hán chỉ mệnh giá. Đặc biệt là hai chữ ký: Chủ tịch Ủy Ban Khán Chiến hành chính, đại diện Bộ Tài chính; và Giám đốc Ngân khố Nam Bộ đại diện Tổng giám đốc Ngân khố quốc gia. Về hình thức, vẫn còn lộ ra những nét khắc mộc mạc trên giấy thô khiến ta thấy như đây không phải tiền nhưng chính ở tinh thần và nhiệm vụ chiến lược của đất nước là tích cực sản xuất tăng gia chống lại giặc đói mà đồng tiền ở Nam Bộ như có sự lưu hành mãnh liệt. Hình ảnh nông nghiệp lại được khắc họa nhiều trên những đồng tiền Nam Bộ, trong đó hình ảnh con trâu được xuất hiện nhiều.(H6)
Giai đoạn từ 1950 đến 1975 mảng đề tài nông nghiệp là hình ảnh về những hợp tác xã nông nghiệp làm việc có năng suất cao. Không còn một hai người nông dân làm việc riêng lẻ trên cánh đồng, mà giờ đây, là những cô gái, trạc tuổi nhau, cùng hăng say lao động, mỗi người một việc, nhưng rất đông vui, rộn ràng. Bức tranh nông nghiệp Việt Nam trở nên có một khí sắc mới. Từ đây mọi người đã đoàn kết nhau lại, dùng sức mạnh tập thể để làm được những công việc lớn lao. Quê hương năm tấn với những mô hình cấy lúa thẳng hàng lên tranh vừa đẹp về đường nét lại đẹp về nội dung. Tất cả như những mô hình sản xuất mới, con người mới đang là quê hương mang vẻ đẹp thật mới lạ, ấm áp. Kỹ thuật in tiền giấy ở giai đoạn này đã tiến bộ rõ rệt, tạo nên những bức tranh tinh xảo, sống động, nhiều sắc độ. Sự phát triển của hình thức và nội dung của những bức tranh đã phản ánh được chân thực sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tiến lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Tờ 10 đồng phát hành năm 1952, quy định lưu hành ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long Châu Hà, tờ tiền này có tiến bộ nhiều hơn về mặt màu sắc cũng như kỹ thuật khắc nên nhìn tổng thể đã bớt đi tính thô mộc mà thay vào đó là sự hài hòa, tinh sảo. Đề tài vẫn là nông nghiệp với con trâu vẫn than thiết như ngày nào và vẫn được thể hiện khỏe mạnh như một biểu tượng cho sự phát triển. (H7)
Tờ 20 đồng cũng phát hành năm 1952 lại có hình ảnh lạc quan và thanh bình với hình ảnh trẻ con cưỡi trâu, người lớn thì vẫn chăm chú lao động. (H8a, 8b)
Con trâu trên tiền giấy Đông Dương
Năm 1946, Pháp trở lại chiếm Đông Dương, trong thời gian từ năm 1946-1954 ở các vùng Pháp chiếm, tiền do Ngân Hàng Đông Dương phát hành được sử dụng ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, một loại tiền khác do Viện Phát Hành chỉ được dùng ở một nước nhất định, hoặc Việt Nam, hoặc Lào hoặc Campuchia. Những hình ảnh sử dụng trên đồng tiền là những hình ảnh đặc trưng của ba nước như: thắng cảnh, thiếu nữ… cũng như những sinh hoạt đặc trưng trong đời sống người dân địa phương. Hình ảnh nông nghiệp xuất hiện ít hơn. Tờ 200 đồng phát hành năm 1954 sử dụng ở cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia được in bằng bốn thứ tiếng: tiếng Việt, Tiếng Pháp, tiếng Lào và tiếng Campuchia. Phía trái có in hình vua Bảo Đại. Mặt sau là những hình ảnh đặc trưng của văn hóa ba nước Đông Dương như: Voi là biểu tượng của văn hóa Lào (Đất nước triệu voi), ở chính giữa là hình hoa văn Angkor, biểu thị cho kiến trúc Angkor vĩ đại của Campuchia, bên phải là hình ảnh hai con trâu đang cày, biểu hiện cho văn hóa lúa nước Việt Nam. Tất cả ba đặc trưng đó đã làm cho bố cục của tờ tiền thêm phần cân đối. (H9a, 9b)
Con trâu trên tiền giấy của Chế độ Việt Nam Cộng hoà 1954 – 1975
Năm 1954, Mĩ can thiệp vào Việt Nam và đã dựng lên ở Miền Nam nước ta một chính quyền gọi là Việt Nam Cộng Hòa.
Ngay sau đó chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam rồi lần lượt phát hành hàng loạt mẫu tiền giấy. Những mẫu tiền giấy này được in ở Mĩ với chất lượng cao hơn hẳn tiền giấy Đông Dương trước đó. Hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, chữ viết Việt Nam hoàn toàn được đưa vào các mẫu tiền và không bị pha tạp như trước. Ở các tờ tiền, măt sau có rất nhiều hình ảnh nông nghiệp mà con trâu đã hiện diện nhiều như: Tờ 5 đồng phát hành năm 1955, mặt trước là hình ảnh chim phượng hoàng làm tâm điểm, mặt sau là hình ảnh con trâu đang bừa trong một thửa ruộng rộng mênh mông. (H10a, 10b)
Tờ 5 đồng thứ hai có gam màu ấm nóng, mặt trước là cảnh ngôi nhà lá, mặt sau bên trái là hình ảnh con trâu đang cày.
Tờ 20 đồng phát hành cùng năm 1955 lại khắc họa cảnh làng quê yên bình ở mặt trước, măt sau vẫn là hình ảnh con trâu đang cùng với nông dân lao động. (H11a, 11b)
Tờ 50 đồng phát hành năm 1956, ở mặt trước lại diễn tả cảnh phơi lúa, mặt sau là hình ảnh thân thuộc giữa chú bé và con trâu, sự thân thương, trìu mến giữa người và trâu được diễn tả sống động và chiếm hết một nửa phía trái tờ tiền. (H12a, 12b)
Vẫn là những hình ảnh lao động quen thuộc, vẫn là hình ảnh con trâu được lặp lại, ở tờ 20 đồng phát hành năm 1962 ở mặt trước là hình ảnh người phụ nữ đang xúc đất, mặt sau là hình ảnh chiếc xe với hai chú bò đang thong dong chở củi. (H13a, 13b)
Tờ 500 đồng lại in hình dinh Norodom tức (dinh toàn quyền Đông Dương) thời Pháp và là dinh Độc Lập thời kì này với màu sắc xanh đậm, mặt sau in hình hai chú trâu đang cày. (H14a, 14b)
Tờ 1000 đồng là lớn nhất của chế độ Sài Gòn được phát hành năm 1975, với hình chú bò hiền lành, to khỏe. Đây cũng là tờ tiền cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng Hòa tồn tại hơn hai mươi năm. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của quân và dân ta thì chính quyền này hoàn toàn bị tan rã. (H15)
0 nhận xét: on "CON TRÂU TRÊN TIỀN GIẤY Ở VIỆT NAM"
Đăng nhận xét