Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

CON HỔ TRONG MĨ THUẬT CỔ VIỆT NAM


CON HỔ TRONG MĨ THUẬT CỔ VIỆT NAM


Lê Bá Thanh

Hổ là con vật bản địa, song tính hung dữ, hay ăn thịt sống - kể cả người, nên mọi người sợ gọi hổ là "ông Ba mươi", gán cho hổ những sức mạnh siêu phàm trừ được ma tà, vì thế mà hổ đã đi vào tín ngưỡng dân gian như một sức mạnh phi thường, nên người ta thờ hổ dưới dạng tranh tết và đắp nổi ở trước cửa đền và là con vật đã từ lâu được tôn thờ. Và danh xưng của hổ cũng được thần thánh hóa là Ngài, là Ông.

Mặc dù chỉ đứng hạng ba trong tử vi Ðông phương, (sau cả chuột nhắt và trâu) nhưng hổ ta lại có nhiều biệt danh nhất. Ngoài "bí danh" là Dần trong lịch tử vi, hổ thường được gọi vắn tắt, đơn giản như: cọp, hổ, hùm hay tiger (tiếng Anh), tigre (tiếng Pháp). Còn trang trọng hơn một chút thì là: ông Mễnh, ông Ba Mươi, ông Kễnh, ông Mun, ông Cà Um, ...

Theo khoa học lẫn truyền thuyết dân gian, Hổ vốn có họ hàng với cả Sư Tử, Báo lẫn loài Mèo. Cũng vì thế, Hổ được phép nhận danh hiệu "Chúa Tể Sơn Lâm" tại những nơi ông anh họ Sư Tử vắng mặt.


Hổ trong dân gian
Hổ thường được nhắc đến trong nhiều câu tục ngữ thông dụng. Câu "hùm dữ chẳng ăn thịt con" nhắc đến tình thương con bao la của các bậc cha mẹ. Dù con cái có lầm lỗi gì thì cha mẹ cũng tha thứ bỏ qua. Câu "cọp chết để da, người chết để tiếng" khuyên ta phải biết rèn luyện để trở thành người hữu ích, làm rạng rỡ cho cha mẹ. Câu "sa vào miệng cọp" ám chỉ tình trạng nguy hiểm, ngặt nghèo. Còn khi gặp cảnh oái oăm, tiến tới cũng khổ mà rút lui cũng chẳng xong thì câu "lỡ leo lưng cọp" rất thích hợp. Khi thất cơ lỡ vận, có tài nhưng bị kẻ tiểu nhân cản trở khiến không thi thố được tài năng, người ta thường tự than rằng "hổ xuống bình nguyên bị chó lờn". Câu "hổ phụ sinh hổ tử, lân mẫu xuất lân nhi" thường được dùng để khen tặng khi con cháu xuất sắc làm vinh hiển tông môn. Còn câu "hổ phụ sinh khuyển tử" ngụ ý chê trách dòng họ suy vong, con cháu suy đồi. Diễn tả sự cạnh tranh thi đua tài nghệ, người ta thường dùng câu "long tranh, hổ đấu". Câu "hổ khẩu dư sanh" có thể diễn nôm na là đã ở miệng cọp mà còn sống sót. Ý nói thoát khỏi nơi nguy hiểm. Ám chỉ sự anh hùng, bất khuất thì có câu "hổ tử hùng tâm tại" (hổ chết nhưng tính anh hùng vẫn còn). Tương tự như câu "bần cùng sinh đạo tặc" là "hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm". Hiểu nôm na là cọp đói gặp người thì ăn thịt, người túng thì sinh lòng trộm cướp. Còn ám chỉ những kẻ ưa dựa uy danh người khác thì có câu "hồ dã hổ uy" (cáo mượn oai hùm). Kế "điệu hổ ly sơn" (dụ cọp ra khỏi núi) thường được áp dụng trong binh pháp khi dụ địch rời khỏi sào huyệt để tiêu diệt.

Trong các thời kì phong kiến ở Việt Nam, nếu rồng được dùng làm biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì hổ thường được xem như biểu tượng của các bậc quan lại. Ðiều này có thể thấy rõ trong những từ ngữ còn lưu truyền đến ngày nay. Như "hổ trướng" ám chỉ trướng phủ của vị chủ tướng khi xuất chinh. "Hổ phù" chỉ lệnh bài của chủ tướng, có hình đầu hổ. Còn từ "long đàm, hổ huyệt" (đầm của rồng, sào huyệt của hổ) ám chỉ nơi quan trọng, căn cứ địa nguy hiểm. "Hổ khẩu" nghĩa đen là miệng hổ, nghĩa bóng chỉ nơi trọng yếu. "Hổ cứ" cũng được dùng để chỉ nơi quan trọng, nguy hiểm, địa thế hiểm yếu. Từ "hổ lang" thường dùng để ám chỉ lòng dạ độc ác như cọp và chó sói. Còn những vị thư sinh ngày xưa thì chỉ mơ ước một ngày "bảng hổ đề danh" để có thể "vi quy bái tổ", làm rạng rỡ tông môn.

Về kinh nghiệm xử thế, các bậc tiền nhân đã gói gọn trong câu: "Họa hổ, họa bì, nan họa cốt. Tri nhân, tri diện, bất tri tâm", khuyên ta nên cẩn trọng trong việc giao thiệp, đừng vội cả tin theo bề ngoài mà có ngày phải hối tiếc. Câu "dưỡng hổ di hoạn" (nuôi cọp khiến sau này gặp nạn) có ý nghĩa tương tự như "nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà"; thường áp dụng trong trường hợp tự mình gieo họa cho mình. Ðể chế riễu những kẻ ưa khiếp sợ uy lực thì có câu "đàm hổ biến sắc" (nghe nói đến cọp thì đổi sắc mặt). Hay chê trách những kẻ bất tài, không thể làm việc lớn được thì người ta thường dùng câu "họa hổ loại cẩu" (vẽ con cọp mà lại giống con chó). Câu "nam thực như hổ, nữ thực như miêu" diễn tả xác đáng lối ăn uống của hai phe. Nhưng cũng có khi được đem ra dùng để ... nhắc khéo phe kẹp tóc nên ăn uống từ tốn, nhỏ nhẹ theo kiểu "cọng giá cắn đôi". Chứ đừng trổ tài "nam thực như hổ, nữ thực ... hơn nam" thì phe húi cua phải chạy dài, chào thua.


Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam

Trong mỹ thuật, hổ tuy hung dữ nhưng lại được dựng thành biểu tượng qua nhiều chất liệu của tạo hình: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy... có ở hầu khắp các công trình: đền, miếu, đình, lăng mộ v.v... Nhưng hình tượng hổ được biết đến nhiều nhất qua điêu khắc đình làng với motif trang trí sinh động và hồn nhiên nhưng lại rất uy nghi, oai vệ trong từng dáng điệu, cử chỉ được lột tả trong các bức trang trí, tranh đủ thể loại.

Từ tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ cho đến hổ trên điêu khắc đình làng, từ hổ trong tranh dân gian như “tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) ngày xưa cho đến các đền thờ hổ ở nam bộ như đình Bình Thủy ở Cần Thơ, đình Tân Hưng ở Cà mau… đã cho ta thấy rõ điều đó.

Nói chung, hổ là con vật đại diện cho sức mạnh nhưng so với các con vật khác thì hổ lại là loài vật ít xuất hiện hơn trong nghệ thuật cổ của Việt Nam. Tuy nhiên, sự suất hiện của hổ thì lại không tập trung ở một thowqif đại nào nhất định mà có sự suất hiện dàn trải theo từng thời kì.

Con hổ đầu tiên và xưa nhất trong mỹ thuật cổ Việt nam có lẽ đã suất hiệntrong một số lăng thời Trần và thời Lê như ượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ có thể tạc cùng năm xây lăng 1264 là tượng hổ sớm nhất của kỷ nguyên độc lập tự chủ còn lại đến nay. Theo Lê Quý Đôn ở thế kỷ XVIII tả lại trong Kiến văn tiểu lục thì ở đó có "hổ đá, chim đá, giơi đá và bình phong bằng đá". Dân địa phương cho biết trước kia ở bốn phương đông - tây - nam - bắc có các tượng thanh long, bạch hổ, chu tước và huyền vũ mà họ gọi là dần - sàng - nong - nia, nhưng về sau chỉ còn có ông dần tức tượng con hổ, đã đưa về bày ở sân Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.Tượng hổ ở thế nằm tự nhiên hơi nghiêng về bên trái, gắn liền thân với bệ thành một khối, đang nghỉ ngơi song đầu nghển cao quan sát. Tượng dài 143cm cao 75cm rộng64cm. Trong tư thế nằm dễ chồm dậy, các chân được gấp lại đưa về đằng trước, cái đuôi dài cũng quặt về cùng phía xuôi chiều để cùng hòa đồng một tuyến. Khác những con thú trên đi vào nghệ thuật tượng tròn với tư cách đã thuần hóa, gần gũi mọi người, còn con hổ trong thực tế - nhất là trong xã hội xưa hiếm có chuyện nuôi dạy hổ làm xiếc, thì con vật này thường ở trạng thái hoang dã và do đó rất hung dữ. Vậy mà con hổ trong điêu khắc lại rất hiền. Sớm và cũng đẹp nhất là con hổ ở lăng Trần Thủ Độ thuộc thời Trần, nó nằm thư thái như vật nuôi, và do đó rất hiền. Sang thời Lê sơ, hổ vào lăng mộ ở Lam Sơn, chuyển sang thế ngồi, dáng khôi hài gần như con cóc khổng lồ. Từ thời Lê trung hưng về sau, hổ ít xuất hiện thành tượng tròn độc lập, mà thường ở dạng phù điêu chạm nổi gắn đắp lên mặt tường và mang ý nghĩa sức mạnh nghành võ, là thần tướng trấn trừ ma quỷ.








Hổ nằm (Đình Lỗ Hạnh ở thôn Lỗ, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đình được dựng vào thời Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 (1576). Nghệ thuật trang trí bên trong đình đạt giá trị điêu luyện với các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, các hoạt cảnh của con người. Đặc biệt là bức phù điêu “Hổ nằm), với bố cục nằm gọn trong một tấm gỗ nhưng có dáng vẻ thoải mái như muốn bung ra chứ không co cụm… Đường nét điêu khắc khỏe mạnh, phóng khoáng mà dứt khoát đã nói lên dduwwocj sức mạnh của “Chúa sơn lâm”. Đáng chú ý nhất là khuôn mặt của hổ, ở đây tác giả đã diễn tả được sự hung dữ, sự khỏe mạnh trong từng chi tiết. Với đôi mắt tròn mở to, miệng rộng… đã toát lên quyền uy của sức mạnh.







Hổ (Đất nung) Chùa Đậu (tên chữ: Thành Đạo tự), cuối thế kỉ 16 là một ngôi chùa ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Khác với hình tượng hổ trên đình làng, hổ ở đây lại có dáng vẻ khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bố cục được diến tả hoàn chỉnh, đường nét khỏe khoắn và đang gần như chồm lên con mồi sau khi quan sát







Đình Tây Đằng ở huyện Ba Vì, Hà Nội (Thế kỷ XVI) được coi là ngôi đình cổ nhất iệt Nam cũng là một ngôi đình độc đáo với những trang trí phong phú. Ở đây, hình tượng con hổ được miêu tả công phu và sinh động thông qua đề tài “Võ sĩ đấu hổ” hay bức “Tóm đuôi hổ” phản ánh sinh động đời sống, lao động, săn bắt của người dân nơi thôn dã ngày trước. Với những nét đục giản dị nhưng có hồn mà người nghệ nhân đã khắc họa được đầy đủ một cuộc đấu, thể hiện được sự dũng mãnh của cả hổ và võ sĩ.













Tại đình Phương Châu, thuộc thôn Phương Châu, xã Phú Phương, huyện Ba Vì, Hà Nội (nửa cuối thế kỷ XVII). Bức chạm khắc trang trí “Người cưỡi hổ” dưới đầu dư, ở hai cột gian bên ưới bàn tay tài hoa khéo léo, bộ óc thông minh, sáng tạo của các nghệ nhân đương thời, hình ảnh hổ xuất hiện với dáng vẻ bị người thợ săn ngự trị, hình ảnh oai phong, lẫm liệt của người cưỡi cùng sự dũng mảnh của con hổ được miêu tả một cách phóng khoáng, dũng mãnh.







Khác với đình Phương Châu, (Đình Chảy thuộc thôn Chảy, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm là một trong ít ngôi đình thời Hậu Lê còn lại trên đất Hà Nam thờ Ngũ vị Thành hoàng: Lôi Công (thời Lý Nam Đế)

Nghệ thuật chạm khắc gỗ ở đình Chảy nổi bật hơn cả vẫn là các bức chạm trên con rường gian hồi bên phải có bức phù điêu miêu tả cảnh ly, hổ đánh nhau. Ở một bức khác gian bên cạnh thì chạm khắc cảnh con voi đang xông lên, dùng vòi cuốn lôi con hổ. Con hổ như gầm gừ, nhe răng, giơ nanh vuốt chống lại. Có một người đàn ông đóng khố, cởi trần nép mình trên lưng voi; còn một người khác, cũng cởi trần đóng khố nấp sau, ôm giữ đuôi con voi như mượn sự che chở. Tại toà Tiền đường còn có bức chạm người đánh nhau với hổ. Một tráng sỹ nét mặt bình thản như không hề sợ sệt, tay trái cầm mộc đỡ, tay phải cầm dao ngắn, trong tư thế trụ vững, nhè đâm con hổ; trên vành khố còn dắt một con dao khác dự phòng. Con hổ chồm lên muốn vồ lấy con người. Cuộc chiến chưa phân người thắng, kẻ bại.

Rõ ràng là, trong cuộc chiến sinh tử trên, con người, con ly, con ngựa và con voi đứng cùng chiến tuyến, riêng con hổ một bên. Lẽ đương nhiên, con người coi con hổ là kẻ ác, kẻ thù; con ly, con ngựa, con voi là bạn, chi tình cuộc sống.













Bức “Tướng cưỡi hổ” tại đình Chu Quyến thuộc làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội (cuối thế kỷ XVII) là một trong những nét đặc sắc mà ở đó hình tượng con người được tạo các công phu. Hình tượng người thể hiện trên các bức chạm với khuôn mặt tròn đều đặn, đầu búi tó (ở mảng chạm trên ván gió cung thờ), qua các hoạt cảnh cưỡi voi, tướng cưỡi ngựa, đặc biệt là bức “Tướng cưỡi hổ” với nét chạm mềm mại: đầu to, mặt tròn, môi dày, mắt nhỏ, tai to, dáng mập đang cưỡi trên lưng chú hổ cũng mập mạp không kém.







Bức trang trí “Bắn hổ” Đình làng Thổ Tang thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc được tạo dựng từ thế kỷ XVII. Là một trong những ngôi đình đạt đến đỉnh cao về mỹ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian thời Hậu Lê. Hiện đình còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ hết sức tinh tế, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: Thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về chu trình: lao động - làm ăn - hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân ta thời Lê Trung Hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp thứ tự theo chu trình đó. Bước vào cửa đình thì thấy ngay bức chạm đầu tiên là "ngày hội xuống đồng" (lễ tịch điền) rồi đến bức "bắn hổ" để bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Bức “Bắn hổ” diễn tả một người đàn ông đóng khố đang ôm súng chỉa thẳng vào con hổ. Với sức mạnh và trí thômg minh của con người, đã lấn át hẳn sức mạnh lấn lướt của con hổ, khiến cho con hổ chỉ còn nằm cuộn tròn ngoan ngoãn như chú mèo con trong bố cục tranh.







Bức phù điêu “thuần phục hổ” Đình Vị Hạ ở thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam, 1685. Đây là ngôi đình có nhiều mảng chạm khắc có tính nghệ thuật cao thể hiện ở sự phong phú, đa dạng của đề tài, cùng phong cách thể hiện độc đáo. Ngoài những mô típ phổ biến thường gặp ở nhiều di tích như "Tứ linh", "Tứ quý", nghê chầu, họa chanh, chữ thọ, những đồ thờ tự, câu đối, đại tự… ở ngôi đình này còn có một số mảng chạm khắc độc đáo.

Đặc biệt tại đây, trên bức chạm ở mang mê cốn, nghệ nhân dân gian đã sáng tạo một đề tài rất lạ. Chính giữa bức chạm là hổ phù, mây tản, lá hoả. Bên phải hổ phù chạm cảnh người đóng khố đang cưỡi trên lưng thú. Bên trái là cảnh người phụ nữ tay trái đang ghì con nhỏ vào lòng cho bú, còn tay kia như đang vắt sữa. Con vừa mải mê bú, vừa giơ chân trước giữa bầu sữa mẹ.







Bức “Rồng cuộn hổ ngồi” Đình Lộc Dư, Hà Tây, (TK17). Là một bức chạm lộng có bố cục được chia làm hai nhóm song song, mỗi nhóm đầu có ba yếu (Con người, con hổ, con rồng) nó đại diện cho ba yếu tố trong vũ trụ, đó là “Thiên, địa, nhân”. “Rồng cuộn hổ ngồi” là các khái niệm thuộc ngành địa lý học phong thuỷ phương Đông, chỉ rõ một vùng đất nào có thế đất như trên được coi là đắc địa, hội tụ những ưu tiên năng lượng của trời đất. Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ Bốn chữ rồng cuộn hổ ngồi là bắt nguồn từ đây. Bức phù điêu “Rồng cuộn hổ ngồi” được chạm lộng với những nét chạm mang tính khái quát hóa cao, về tỉ lệ tuy không cân xứng nhưng với lối diễn tả khỏe khoắn nên bức chạm vẫn để lại cái hồn mộc mạc và sống động.






Trong mĩ thuật dân gian, hổ cũng luôn luôn xuất hiện và cũng được biểu hiện như những motif trang trí quan trọng khác trong đời sống cũng như trong các thời kì. “Con hổ bằng gốm” của làng gốm Bát trành là một ví dụ. Con hổ được tạo tác từ thời Lê Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1717 – 1786).
Vào thế kỷ 15–17 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gốm xuất khẩu Việt Nam, trong đó ở phía bắc có hai trung tâm quan trọng và nổi tiếng là Bát Tràng và Chu Đậu- Mỹ Xá (các xã Minh Tân, Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Bước sang cuối thế kỷ 17& đầu thế kỷ 18, việc xuất khẩu và buôn bán đồ gốm Việt Nam ở Đông Nam Á bị giảm sút nhanh chóng vì sau khi Đài Loan được giải phóng (1684) và triều Thanh bãi bỏ chính sách cấm vượt biển buôn bán với nước ngoài.
Các sản phẩm gốm bát Tràng đa dạng và phong phú. Độc đáo về hình dáng cũng như nước men. Trong các sản phẩm đó, đáng chú ý nhất là “Tượng hổ bằng gốm do thợ gốm làng Bát Tràng làm thời Cảnh Hưng”, với đặc điểm như đuôi dài mềm mại, hai mắt tròn và ở vị trí gần mũi, miệng rộng nhưng lại không khiến cho con hổ thêm phần hung dữ mà ngược lại, con hổ lại rất hiền lành. Ngoài ra, con hổ còn đẹp bởi nước men óng, rạn kết hợp với những vằn nâu, cho người xem thấy được sự hài hòa của màu sắc trầm.



Con hổ trong tranh dân gian
Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam, hình tượng con hổ được biết đến nhiều nhất qua các thế hệ , đó là tranh “Ngũ hổ” của phố Hàng Trống (Hà Nội) ngày xưa.

Tranh Ngũ hổ Hàng Trống có kích cỡ 0,55m x 0,75m. Tranh vẽ năm con hổ được bố cục đông đầy, cân đối trên mặt giấy. Mỗi con một dáng vẻ: con thì đứng, con thì ngồi, con cưỡi mây lướt gió... Đây là loại tranh khắc gỗ in trên giấy. Nhưng cách thức của dòng tranh Hàng Trống là chỉ in bản nét rồi dùng bút lông tô màu. Trong quá trình tô màu, các nghệ nhân đã vờn chuyển màu, tạo độ đậm, nhạt, sáng, tối. Nên các nhân vật trong tranh không còn là mảng bẹt như cách thể hiện của các dòng tranh đương thời. Với bút pháp diễn tả ấy, các nhân vật đã "nổi khối". Đồng thời với việc vờn chuyển diễn tả khối này, các nghệ nhân còn đi sâu vào việc phát huy khả năng diễn tả của nét. Cùng với những nét được khắc in qua bản gỗ, khi cần nhấn, đẩy các chi tiết, các nghệ nhân Hàng Trống không ngần ngại dùng bút để nẩy, tỉa. Với cách thức sáng tạo của riêng mình, các nghệ nhân Hàng Trống không chỉ tạo nên nét riêng cho dòng tranh, mà đã làm bật lên sức sống nội tại của nhân vật. Điều này người xem rất dễ dàng nhận thấy thông qua các nhân vật hổ: những khối thân chắc khỏe, những dáng ngồi, thế đứng đường bệ, oai phong đặc biệt những chiếc đuôi như đang ve vẩy hoặc uốn vồng lên để đập xuống đất mà bật chồm lên. Và những con mắt hổ hừng hực nội lực của loài mãnh chúa.

Màu sắc trong tranh Ngũ hổ là một thế giới hòa sắc, lộng lẫy, uy linh. Nhưng nó vẫn được khu biệt với năm màu: xanh, đỏ, trắng, vàng, đen trên năm nhân vật. Lối dùng màu này của các nghệ nhân Hàng Trống thể hiện rõ một hàm ý, mang triết lý sâu xa của quan niệm dân gian truyền thống:

Hoàng hổ: Con hổ ngồi chỉnh trện giữa tranh được vẽ vờn bằng màu vàng, tượng trưng cho hành thổ - ứng với trung ương chính điện.

Thanh hổ: Con hổ được vẽ bằng màu xanh là tượng trưng cho hành Mộc, ứng với phương Đông.

Bạch hổ: Con hổ được vẽ bằng màu trắng là hành Kim ứng với phương Tây.

Xích hổ: Con hổ được vẽ bằng màu đỏ là hành Hỏa ứng với phương Nam.

Hắc hổ: Con hổ được vẽ bằng màu đen là hành Thủy ứng với phương Bắc.

Như vậy 5 nhân vật hổ, được thể hiện bằng 5 màu: đỏ, đen, vàng, xanh, trắng, mang một ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành. Quan niệm cách thể hiện hình, màu mang tính ước lệ, tượng trưng này trong nghệ thuật dân gian xưa là rất phổ biến.

Ngoài “Ngũ hổ” trong tranh hàng trống thì “con hổ” trong tranh dân gian Làng Sình cũng không kém phần nổi tiếng và đặc sắc.







Tuy rằng tranh Làng Sình chủ yếu là tranh phục vụ tín ngưỡng nhưng sự đặc sắc cũng như ngôn ngữ nghệ thuật cũng có phần biểu cảm riêng. Vì thế nêntranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh miền Bắc (như Ðông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống), một thời đã lưu hành khắp vùng Thuận - Quảng. Sình là tên nôm của làng Lại Ân, cách Huế chừng 7km về phía Ðông Bắc. Sách Ô châu cận lục ra đời hồi thế kỷ 16 đã nói đến Lại Ân như một địa danh trù phú.

Suôi về phương Nam, hình tượng con hổ cũng rất nổi tiếng trong đề tài “Ông Địa” như “Ông địa ngồi bên cọp cầm cuốn sách Thổ Địa” (H14a,b) Ông Địa là hình tượng thờ thần giữ đất, giữ nhà (còn gọi là Thổ Địa) rất phổ biến ở Nam Bộ. Hầu như trong mỗi gia đình người Việt (khác với người Hoa) đều có đặt tượng thờ Ông Địa ở 1 góc nhà, phía trước có cái bát nhang, kế bên có dĩa dựng trái cây (thường là 1 nải chuối). Thờ cùng Ông Địa có thể còn có Ông Thần Tài (cầu tài vận), hay Di Lặc (cầu an lạc, vui vẻ hạnh phúc).













Ông Địa được nhiều người buôn bán người Việt thờ ngay tại nợi buôn bán (tiệm, sạp, thậm chí là ở ngay tại vỉa hè nơi buôn bán hàng ngày). Nhiều người thường đốt 1 điếu thuốc lá cắm vào tay Ông như thể cho Ông hút. Mỗi sáng hay được dịp buôn may bán đắt nhiều người thường biếu thêm cho Ông 1 ly café sữa nóng! Dần trở thành tập tục quan niệm gắn Ông Địa với cafe và thuốc lá.

Nói chung, trong tín ngưỡng dân gian, hổ được coi là con vật linh thứ hai sau rồng. Theo quan niệm của các triều đại phong kiến, long, ly, quy, phượng là những con vật linh (Tứ linh), còn con hổ tuy dân gian coi là “chúa sơn lâm” nhưng lại hoang dã, không chịu thuần phục. Nên các triều đình phong kiến luôn coi hổ là “tặc” (giặc).

Trong dòng chảy của mĩ thuật Việt Nam từ xưa đến nay, con hổ tuy hung dữ nhưng cũng đã góp phần làm nên sự phong phú cũng như sự sống động trong đời sống nghệ thuật của người dân. Từ đình làng cho đến tranh dân gian, từ tranh thờ cho đến tranh tín ngưỡng cũng đều xuất hiện hình ảnh con hổ một cách sinh động và mạnh mẽ.



Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "CON HỔ TRONG MĨ THUẬT CỔ VIỆT NAM"

Đăng nhận xét