Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

BÀN VỀ POPART



BÀN VỀ POPART

Lê Thị Thanh Thủy

Pop art ra đời tại Anh và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ, với thực tiễn tiêu dùng và văn hóa đại chúng. Thuật ngữ “Pop Art” xuất hiện từ ngòi bút của nhà phê bình người Anh Lawrence Alloway vào cuối những năm 1950 để mô tả những gì ông thấy với sự thay đổi dịch chuyển của những vấn đề đương đại và kỹ thuật trong nghệ thuật, nhưng từ pop đã xuất hiện trên trên vài bức tranh cắt dán của Richard Hamilton “Điều gì đã làm cho căn phòng trở nên hấp dẫn”(1956) Được cắt ghép từ những hình ảnh trên tạp chí .Bức ảnh này được phóng đúng tỉ lệ thật và được đặt ngay lối vào triển lãm” Đây là ngày mai” tổ chức tại Anh năm (1956) hay của Paolozzi “Tôi từng là đồ chơi của một người giàu”(1947)



Nghệ thuật pop ra đời đã làm rối tung các giá trị mỹ học, theo quan điểm của rất nhiều người và các nghệ sĩ lúc bấy giờ nghệ thuật pop chỉ là một nghệ thuật khiếm khuyết, in dấu lặp đi lặp lại và không có khoảng cách văn hóa. Harold Rosenberg, một nhà phê bình có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại đã mô tả “giống như một trò đùa mà kém hài hước…”

Ý tưởng cơ bản đằng sau nghệ thuật Pop Art là tạo ra một hình thức nghệ thuật với ý nghĩa ngay lập tức. Điều này trái ngược với các tác phẩm sơn dầu , được thẩm định bởi các chuyên gia về nghệ thuật và được mọi người ngưỡng mộ. Để đạt mục đích ngay lập tức Các nhà nghệ sĩ pop art lấy cảm hứng từ điện ảnh, truyện tranh, quảng cáo, những minh hoạ trên các tạp chí, những trò chơi dân gian, các hội chợ phiên hay những chiếc ô tô. …Họ thể hiện tác phẩm bằng những kỹ thuật hiện đại nhất của công nghiệp và thương mại. Họ vẽ bằng chất liệu Acrylique, cắt dán và những vật liệu lạ lùng khác. Việc in ấn hàng lọat cũng là một phương pháp sáng tác của họ. họ đặc biệt xem ưu điểm quan trọng của PopArt là tính sản xuất hàng loạt trong văn hóa đô thị.Màu sắc của PopArt thường sử dụng những gam màu tươi mới, phần lớn là những gam màu bậc 1, những màu sắc chói. Đây là điểm nổi bật, đặc trưng và ấn tượng mạnh của POPART.





Song điều đó không có nghĩa là pop không mang những giá trị mỹ học nội tại và xa rời với giới thượng lưu nghệ thuật. Sở dĩ người ta gọi nó là bình dân bởi nó gắn liền với một xã hội mà phương tiện truyền thông đã trở thành một nguồn cảm hứng vô tận người ta không biến nó trở thành một thứ trừu tượng hóa mà tuân theo những chuẩn mực do các phương tiện truyền thông và quảng cáo đặt ra. Năm 1957 R. Hamilton đã đưa ra một lý thuyết, theo ông pop “là bình dân ,với thời gian ngắn và dễ bị lãng quên , rẻ, sản xuất hàng loạt, dành cho tuổi trẻ, mang tính chất tinh thần, giới tính , kỹ xảo, lôi cuốn gắn với kinh doanh lớn” như vậy sự ra đời của nó trong một xã hội toàn cầu hóa kinh tế với những người đỡ đầu là các tập đoàn kinh tế lớn thì mục đích đầu tiên của nó hướng tới là đáp ứng nhu cầu của thị trường kinh tế rộng lớn ,chủ yếu là những thanh niên thuộc giai cấp bình dân,tầng lớp mà giải trí chiếm một vị trí rất quan trọng



Thật nghịch lý, trong sự gia tốc của pop các “dessign” đã thực sự nhận ra rằng đó không chỉ là thương mại, mà còn là một hình thức sáng tạo mới, đưa nó lên sự phát triển đạt tới đỉnh cao mỹ học của nó và vươn ra khắp thế giới trở thành văn hóa pop . Chúng ta biết rằng pop art ra đời cùng với làn sóng hippie một hành vi phản kháng xã hội , giải phóng phụ nữ, chống phân biệt chủng tộc, nhưng đã biết xuất phát từ cuộc nổi dậy ấy để tạo ra một tập hợp những hoạt động nghệ thuật, nó là một bước ngoặc về phong cách sống về tinh thần của xã hội, nói như nhà xã hội học Henri Piere Jeudy đó là” Sự biến hóa của bạo lực xã hội thành mỹ học” .cũng như thế, văn hóa pop nhằm phản ánh xã hội sung túc sau chiến tranh,bằng ngôn ngữ đời thường, những bức vẽ đơn giản, dể đọc, dể hiểu, những nhân vật và đồ vật trong tranh thì được thể hiện bằng những màu sắc sống động và đưa đến một sự tiếp cận mới đối với thực tiễn. sự ghi nhận đơn giản, một sự ghi nhận thuần túy một xã hội tiêu thụvà những giá trị mới đang hình thành-con đẻ của chính nền xã hội đó.

Văn hóa pop , qua những ngôi sao (điện ảnh, âm nhạc)và những thần tượng của nó đã khởi xướng nên một lối sống gấp,hưởng thụ “tôi thích chết hơn là sự già nua”(diễn viên Jemes Dean) vượt qua những giới hạn đã được chấp nhận, hợp mốt , luôn sáng tạo và đưa ra ý kiến của mình mà không coi đó là quá nghiêm túc, theo một thứ ngôn ngữ tiếng lóng mà người ta gọi là ngôn ngữ pop. Như vậy từ bước khởi đầu là một thứ hàng hóa phù du, những năm 60 của thế kỉ XX pop art đã thấm đẫm không khí phản văn hóa và nội dung của nó tiến gần với những tiêu chuẩn nghệ thuật của văn hóa cao, nhưng vẫn không mất đi giá trị mua bán trong bối cảnh tư bản chủ nghĩa.



Andy Warhol (1928 – 1987)Ông là người Czech (Tiệp) nghệ sĩ tiên phong cho trường phái này tại Mỹ .Nghệ thuật của Andy Warhol đã loại bỏ ranh giới giữa nghệ thuật và nghệ thuật thương mại. Các nghệ sĩ pop art không tự coi mình là họa sĩ như như quan niệm của các nghệ sĩ trước đó, mà sử dụng các các kĩ thuật thương mại và tạo ra các tác phẩm nghệ thuật được sản xuất bằng máy với các hình thức bóng mượt.

Andy Warhol cho rằng “ Tôi không có cảm giác đang thể hiện những biểu tượng sex chính yếu của thời đại khi vẽ Mariluyn hay E, Taylor. Tôi coi Mariluyn như một kẻ bất kỳ, tôi thể hiện màu sắc mạnh mẽ chỉ vì đối với tôi những màu ấy cũng đẹp như chính Mariluyn


Jasper Johns (1930)Ông sinh ra và lớn lên ở bang South Carolina (Mỹ).Quốc kỳ Mỹ là loạt tranh nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm được coi như một phần phản ứng của ông trước thái độ hững hờ của số đông nghệ sĩ Mỹ suốt thời gian chiến tranh lạnh.


Lá cờ được sao chép một cách trung thực đến từng chi tiết và tỉ lệ cũng được tuân thủ thể hiện trên khổ vải. Johns nói về tác phẩm này: “Dùng Quốc Kỳ Mỹ làm chất liệu, bản thân tôi không phải tìm tòi ý tưởng mà chỉ tạo ra những vật thể tương tự như là mục đích sáng tác, những điều mà người ta đã biết trước. Sự lựa chọn này đã tạo cho tôi một chỗ đứng để tạo ra tác phẩm nghệ thuật ở những tầm cao hơn hẳn.”

. Robert Rauschenberg(1925). Ông sinh ra và lớn lên ở Texas. Rauscherberg là người sáng tạo ra “hội họa kết hợp” (Combine Painting) sử dụng cắt dán, hội họa và đồ vật 3 chiều, nhờ sự kết hợp đó mà sự ngăn cách giữa con người, hội họa và đồ vật giảm đi.



Robert nói “Tôi nghĩ rằng mình không ngừng gắn bó với nhiệm vụ đánh thức sự nhạy cảm của công chúng. Tôi mong rằng những sang tác của tôi sẽ làm bạn thay đổi cách uy nghĩ, không phải vì bản thân nghệ thuật, cũng không phải vì từng tác phẩm riêng lẽ, mà chỉnh là vì lợi ích của sự cùng tồn tại trong một môi trường tổng thể.

Không giống như phong trào Dada tiêu cực, với mục đích phá hoại các giá trị cổ điển, dơ cao ngọn cờ lên án cuộc chiến tranh thế giới I. Pop Art tìm kiếm sự phản ánh của các giá trị xã hội và môi trường nơi nó sinh ra. Họ muốn đại chúng hóa bằng chủ đề gần gũi với cuộc sống hằng ngày nên khai thác hình ảnh từ tivi, tạp chí, truyện tranh nhằm tố cáo làn sóng duy vật và thị trường tiêu thụ, chính vì thế họ đã tìm đến những biểu tượng đời thường với một hình thức bắt mắt.

Nếu như Dada nổi loạn bằng cách tôn vinh “ý tưởng đằng sau các tác phẩm nghệ thuật” để đi tìm một sự tự do mà thực chất chất là một con đường rơi vào ngõ cụt, thì nghệ sĩ của Pop-Art tiếp tục truyền thống của “Nghệ thuật ý tưởng” . Tuy nhiên Pop Art tích cực hơn khi quan tâm nhiều hơn cách tạo ra các hình thức thể hiện mới, bằng việc sử dụng các phương pháp mới, hình ảnh mới hơn,biến những thứ hư vô ,bất động thành chất liêu nghệ thuật ,đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng “Nghệ thuật cần tương hợp toàn ven với cuộc sống mà chẳng có gì cần tương hợp với nghệ thuật”(R. Rauschenberg)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lịch sử hội họa

Đồ án tốt nghiệp của Phan Dương Tuyết Trinh– Khóa M2001

Sự ra đời của văn hóa pop_Bertrand Lemonnier

Nghệ thuật modec và hậu modec_lê Thanh Đức

Câu chuyện nghệ thuật hội họa từ thời tiền sử tới hiện đại_Sister Wendy Beckett
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "BÀN VỀ POPART"

Đăng nhận xét