Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Tục thờ sinh thực khí qua các hội làng Việt cổ


Ảnh: "sinh thực khí" mọc tự nhiên trong động Phong Nha, Quảng Bình
Ở vùng Phú Thọ, Yên Bái dọc sông Hồng đã hình thành, tồn tại và bảo lưu được những hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân Việt cổ với tục thờ sinh thực khí.
Xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba, thờ dâm thần, đẽo gỗ thành hình đàn ông, đàn bà… đặt lên trên cao, trước cửa đình, ngày vào đám, dân xã cùng nhau xúm lạy ở dưới. Trước cách mạng tháng Tám, ở Dị Nậu (tên nôm là Kẻ Núc), huyện Tam Nông, có tục “cướp kén” được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Trước ngày vào hội dân làng cho chôn hai cây tre ở hai bên sân đình, trên ngọn tre có treo các bộ kén. Mỗi bộ kén gồm một chiếc mo cau rạch ở giữa (tượng trưng cho vật âm), và một chiếc chày ngắn bằng gỗ vông, một đầu tước xơ xớp ra (tượng trưng cho vật dương) đúng 12 giờ trưa (chính ngọ) ông chủ tế đứng trước cửa đình đọc một bài cầu chúc những điều may mắn. Sau đó người ta rung cây tre cho kén rơi xuống, trong tiếng trống chuông rộn vang cùng tiếng reo hò, dân làng xô nhau tranh cướp kén để cầu may cho cả năm.
JPEG - 28.8 kb
Thạp đồng Đào Thịnh, Yên Bái, có tượng 4 đôi trai gái ân ái trên nắp
Làng Danh Hựu, huyện Tam Nông, có tục lệ vào ngày Tết, dân làng làm lều tre bằng lá chuối, dưới lều có treo những cặp giống của đàn ông được đẽo bằng gỗ vông hoặc gỗ xoan và của đàn bà bằng mo cau. Một hình thức của nghi lễ cầu sinh thực khí được gọi là múa mo hoặc cướp bông, cướp gươm, vẫn được tổ chức ở các làng trên đất Phú Thọ như: Chu Hóa, Hà Thạch (Lâm Thao); Đào Xá, La Phù (Thanh Thủy); Đông Viên (Cẩm Khê)… Nghi thức này được tổ chức vào mùa xuân, trong cảnh tưng bừng náo nhiệt của hội làng, ông chủ tế khấn cáo trước ban thờ Thành Hoàng rồi hạ bông gươm xuống, đem ra cửa đình (đền) tung ra cho mọi người tranh cướp. Người ta tin rằng, cướp được bông sẽ sinh con gái, cướp được gươm sẽ sinh con trai.
Trong hội làng Khúc Lạc, huyện Cẩm Khê, cặp giống của đàn ông và đàn bà được gọi là “Nõ - Nường”. Hàng năm, vào tối ngày 26 tháng giêng dân làng rước đủ cặp 36 cái “Nõ - Nường” được làm bằng gỗ cùng với những nghi thức và những bài hát cổ được sử dụng trong lễ cúng tế. Lễ tế xong các cặp Nõ - Nường được đổ ra cho dân làng tranh cướp. Mọi người tin rằng việc sinh con trai hay gái trong năm sẽ tùy thuộc vào cái giống mà họ cướp được.
Trên địa bàn huyện Lâm Thao, làng Tứ Xã (tên Nôm là Kẻ Gát) có miếu Trám, nơi thờ bản thổ nữ thần, tên húy là Thanh, người con gái có công lập ra xóm Trám. Trong miếu có để thờ hai vật giống của nam nữ được đẽo bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất đẹp. Vào đúng 12 giờ đêm, ngày 11 tháng giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ mật, còn gọi là lễ “linh tinh tình phộc” - tức là lễ cầu sinh thực khí. Có một đôi nam nữ cầm hai vật giống đứng trước ban thờ, sau mỗi lần hô của ông chủ tế, đôi nam nữ cầm vật giống bằng gỗ chạm vào nhau. Sau nghi lễ này, dân làng tổ chức hát ví giao duyên, trai gái được tự do đùa nghịch nhau quanh miếu suốt đêm…
Có thể thấy, tục thờ sinh thực khí qua các hội làng trên vùng trung du đất Tổ, chính là mong ước cầu cho sự sinh sôi phát triển của cộng đồng, của con người, là một nghi lễ rất phổ biến vẫn được duy trì ở nhiều làng quê. Qua quá trình phát triển của lịch sử - văn hóa và xã hội, một số tình tiết quá ư “phác thực” được phản ánh một cách hồn nhiên trong giai đoạn đầu đã bị xóa đi, thay vào đó là những nghi lễ, tục hèm, là những vật tượng trưng làm bằng các chất liệu: gỗ, tre, mo cau. Trong những nghi lễ diễn ra ấy, những cặp “Nõ - Nường”, những vật giống “Âm dương” là trung tâm của ngày hội, đây là nghi thức mang tính tín ngưỡng rõ rệt. Tính chất tín ngưỡng này chính là điều kiện của sự tồn tại và bảo lưu của tục lệ. Xoay quanh tín ngưỡng đó, là hàng loạt sinh hoạt có tính chất hội hè như: cảnh rước sách, hát xướng, hát giao duyên, cảnh tranh cướp… và đặc biệt là sự tham gia của những đôi nam nữ, càng làm cho hội làng thêm phần sống động. Tuy nhiên, qua các nghi lễ trong hội làng ấy, chúng ta không thấy có những hành động tính giao, mà thay vào đó là những lời hát giao duyên tình tứ, lời nói được sử dụng tượng trưng để thay cho hành động.
Phạm Hoàng Oanh (PTO)

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

1 nhận xét: on "Tục thờ sinh thực khí qua các hội làng Việt cổ"

Hàn time nói...

À anh có ảnh cái nhồn trong động phong nha kẻ bàng đới, tiếc là hồi đó anh nghèo, chụp máy du lịch nên nó không net mái!

Đăng nhận xét