Mỹ thuật Việt Nam: NHÀ MỒ CỦA NGƯỜI GIA RAI ARÁP - TRANG TRÍ VÀ ĐIÊU KHẮC
Lê Bá Thanh - SG 2004
Tây nguyên! Một dải bao la, với núi rừng trùng điệp trải dọc theo mé tây Trường Sơn. Trên khoảng đất rộng lớn ấy, có đến hơn hai mươi tộc người sinh sống, trong đó có người Gia rai. Các tộc người ở đây có truyền thống văn hóa khá phong phú và đa dạng biểu hiện đậm nhất ở các lễ hội, trong đó các biểu hiện nghệ thuật được phát huy mạnh mẽ như: ca múa nhạc. Nghệ thuật tạo hình với các nhóm hoa văn đa dạng trên trang phục, nghệ thuật điêu khắc trang trí được thể hiện cầu kỳ trên cây nêu đâm trâu cùng các công cụ lao động đã thể hiện được tài năng và cảm quan thẩm mỹ, công phu thuần phác – giản dị phản ánh một cuộc sống mãnh liệt, cố vươn lên như rừng cây như núi đá và một phần như muốn hòa vào với thiên nhiên trùng điệp của núi rừng Tây nguyên.
Những người chủ của các di sản văn hóa nghệ thuật có giá trị ấy đồng thời cũng là những con người đã và đang sáng tạo nên di sản văn hóa dân gian phong phú và nhuần nhị. Trong cuộc sống cộng đồng của các buôn làng, các sinh hoạt hội hè kèm theo các nghi lễ thờ cúng đồng thời cũng là những dịp hoạt động văn hóa, văn nghệ độc đáo. Thể hiện những biểu hiện của nếp sống và tín ngưỡng tôn giáo. Đây có lẽ là sức sống của con người , của văn hóa xã hội Tây nguyên.
Ảnh internet
Với những nét văn hóa và tín ngưỡng độc đáo đó, có lẽ độc đáo nhát lại là thế giới dành cho người chết. Với tộc người Gia rai, đặc biệt là nhóm Gia rai Arap thì thế giới này không có gì khác với thế giới của người sống. Tuy đối lập với nó chủ yếu là phương hướng: nơi chôn người chết của từng làng thường là một cánh rừng thưa ở phía Tây của khu người sống cư trú: Người chết, sau một thời gian tạm trú tại nghĩa địa làng, trong ngôi “nhà mả” của mình, sau lễ “bỏ mả” người chết sẽ dứt khoát ra đi về nơi cư trú vĩnh viễn của họ, đây là một thế giới chưa phải đã được miêu tả một cách thực chính xác, nhưng thường được hiểu là ở xa hơn nữa về phía Tây để rồi từ đó không còn liên quan gì với thế giới của người sống.
Ảnh internet
Việc dứt khoát với người chết, trả người chết về với núi rừng, mà không cần nuối tiếc viện đến hình thức thờ phụng như các tộc người khác ở miền xuôi, từng cộng đồng làng ở Tây nguyên, nhất là các tộc người Bắc Tây nguyên vẫn tạm giữ người thân của mình lại trong một không gian gần gũi với không gian của người sống, để có đủ thì giờ để bày tỏ hết tình thương mến một lần cuối. Họ bày tỏ bằng các lễ vật hàng ngày, bằng mọi khả năng của trí tưởng tượng và sáng tạo thẩm mỹ, từ kiến trúc nhà mồ, đến trang trí trên nóc nhà mồ, từ “tượng mồ” đứng vây quanh “nhà mồ” đến tiếng chiêng, nhịp múa, đến các sinh hoạt hàng ngày mà người dân Tây nguyên thường thể hiện trên nhà mồ, đặc biệt là nóc và các “tượng mả”.
Ảnh internet
Ở người Gia Rai, Ba Na… nhà mồ không những là nơi trú ngụ của người chết mà nhà mồ luôn gắn liền với lễ bỏ mả, các tộc người Tây nguyên, đặc biệt là người Bắc Tây nguyên, họ luôn tổ chức chu đáo long trọng lễ thức này, các nhà mồ cũng được dựng lên một cách công phu bằng tất cả sức học và sự sáng tạo của các nghệ nhân với một lòng thương tiếc, cung kính nên ngôi nhà mồ thường là một công trình nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc hoành tráng và độc đáo.
Thường thì một nhà mồ là một ngôi mộ, mỗi ngôi mộ được chôn hàng chục người nên nhà mồ thường chiếm một khu đất rộng lớn, như vậy thì nhà mồ thường phải từ 3 đến 3,5m và dài khoảng 8 đến 12m, tính cả không gian bên ngoài thì nhà mồ có chu vi là khoảng 50 đến 60m2. Kiến trúc nhà mồ thường được dựng bằng gỗ, lồ ô, nứa, lá… Tuy nhiên, qua bàn tay khéo của các nghệ nhân mà mỗi ngôi nhà đã trở thành một công trình nghệ thuật độc đáo. Ở đây, nhà mồ còn được gắn liền với nghệ thuật trang trí khá công phu với một cảm quan thẩm mỹ độc đáo. Kỹ thuật kiến trúc nhà mồ chủ yếu là sử dụng các chạc, dây rừng để cài buộc, chống đỡ và ếp. Để đảm bảo độ chắc chắn, các tay giằng và các chống chéo từ những góc liên kết của rường cột, bên cạnh những sợi mây, song được buộc chặt. Về nguyên liệu kiến trúc là sự khai thác tại chỗ, việc sơ chế những bộ phận chi tiết của ngôi nhà đến việc lắp ráp để có một công trình vững chắc chỉ bằng các công cụ sơ đẳng như rìu và sà gạc (chà gạc) để chặt gỗ và vót tre, nứa, liềm để cắt cỏ tranh, dao lá trúc để vót nan trang trí. Trong kiến trúc, nếu như nhà rông và nhà ở được xây cất theo lối kiến trúc nhà sàn, lấy sàn làm mặt bằng sinh hoạt thì nhà mồ lại được dựng theo lối nhà trệt, nhưng cả nhà mồ cho đến nhà ở, nhà rông… thường được dựng với kết cấu, kỹ thuật rường cột liên kết 3 chiều giữa lòng cột đứng với xà dọc, xà ngang, có lẽ với kết cấu rường cột này của người dân Tây nguyên là nét độc đáo trong truyền thống kiến trúc nhà cửa ở Trường Sơn – Tây nguyên. Trong “nhà mồ” mỗi vĩ cột của khung nhà, chỉ có hai cây cột chính, ngôi nhà có lòng khá rộng đủ để chứa được những vật dụng dành cho người chết. Nếu như bộ khung nhà được cất hoàn toàn bằng gỗ thì bộ xương mái lại hoàn toàn bằng tre, lồ ô… cái lợi chủ yếu là lồ ô… kết cấu phần mái lại có một lớp kèo giả phân bố cách nhau khoảng 80 đến 100m tựa lên cây đòn nóc và đòn tay ở hai đầu quá giang. Tựa lên đòn tay là một lớp rui sau đó mái được ụp bằng phên nứa đan nong mốc có những hình hoa văn kỷ hà. Nói chung kiến trúc nhà mồ khá đơn giản, đơn giản nhất là ở chỗ, người Tây nguyên không phải đục mộng để lắp ghép mà chỉ dùng dây, chạc ba mà ngôi nhà vẫn chắc chắn, khoẻ mạnh.
Ngoài ra, cái đặc trưng và độc đáo nhất của kiến trúc nhà mồ còn được trang trí bằng những hoa văn vẽ trên mái, với hai mảng màu cơ bản là trắng và đỏ trở nên một điểm nhấn ấm nóng giữa một màu xanh bát ngát của núi rừng. Trên điểm nhấn ấy là dải trang trí dọc theo đường nóc cho nhà và thêm phần sống động.
Toàn bộ đường nóc của nhà mồ được làm bằng một tấm gỗ (Pơ lang) dài, (đôi khi là đan bằng lồ ô…) chiều dầy của tấm gỗ này khoảng 20cm, khúc gỗ được đẻo gọt thành tấm gỗ thích hợp cho nóc mồ. Sau đó, phác họa những hoa văn trên mặt gỗ, sau đó dùng phương pháp đục thông gỗ. Nói chung, để trang trí cho nhà mồ các dân tộc Bắc Tây nguyên, đặc biệt là người Gia Rai, Ba Na thường sử dụng các kỹ thuật khác nhau như: vẽ hoa văn trên mái, đục thông để tạo hoa văn, khắc, cắt khi tạo hình trang trí trên đường nóc đan hoa văn bằng lồ ô… tất cả các công cụ thực hiện chỉ bằng chiếc rìu và sà gạc (chà gạc) nên đòi hỏi ở người nghệ nhân sự khéo léo, tính kiên trì và óc sáng tạo cao. Sau nữa, để vẽ và thực hiện các hoa văn đòi hỏi người thợ phải am hiểu về phong tục tập quán, nên người nghệ nhân thường là người già có nhiều hiểu biết và cũng chính người già này đóng vai trò chủ yếu trong việc sáng tạo và hoàn thiện toàn bộ dải trang trí đường nóc. Hoa văn tạo có bố cục như một đường diềm. Sự kết hợp giữa các hình chữ nhật rồi sắp xếp từng phần của đề án thành một tác phẩm hoàn chỉnh nhưng không có sự bắt đầu và chấm dứt. Nên khi nằm trong bố cục đó, từng mô típ hoa văn cứ nối tiếp nhau và nếu gắn từng dải hoa văn này với dải khác thì ta sẽ thấy các dải hoa văn phủ kín cả nóc của nóc nhà mồ. Chạy dọc theo mái nhà mồ, các nhóm bố cục hình chữ nhật có phần khu biệt nhưng được nối nhau trong một thể thống nhất. Toàn bộ đường nóc giờ đây như một hình chữ nhật và lại được chia ra nhiều hình chữ nhất xếp cạnh nhau, mỗi hình là một đồ án chứa một tổ hợp môtíp khác nhau thật hoàn hảo, nếu xét thổng thể thì là một bố cục của nhiều hình chữ nhật, lại thêm phần hoàn hảo hơn. Ngoài ra, để phá đi những cứng nhắc, khô khan, họ biết điểm xuyết vào giữa của hai đề án những đường số dọc để tạo hiệu quả nghệ thuật, làm mềm mại trở lại. Cũng như các dải hoa văn dệt, đan hay kẽ, những môtíp hoa văn của nóc nhà mồ được tạo bằng phương pháp đục thủng được bố trí trong các ô hình chữ nhật. Đây có thể là truyền thống của nghệ thuật trang trí người Tây nguyên nói chung, Bắc Tây nguyên nói riêng. Tây nguyên đó là tạo hoa văn thành nhiều ô nhỏ và kết hợp thành dải.
Về màu sắc, người Gia Rai, Ba Na và các tộc người khác ở Bắc Tây nguyên thường lấy trong thiên nhiên. Từ lâu kỹ thuật đan hoa văn trên mái nhà mồ do quá cầu kỳ, mất nhiều công sức, dần dần họ chuyển sang hình thức vẽ hoa văn trên mái đan bằng nan hoặc trên tấm vải trắng phủ lên mái, màu sắc chủ yếu là màu đỏ. Để tạo ra màu đỏ, họ tìm loại đá non có màu đỏ, củ pơ – pe giã nhuyễn mài ra thành bột lấy nhựa trộn với bột đá, trêm nước nứa, tạo thành màu đỏ nhạt. Sau đó lấy thanh lồ ô vót tròn và nhọn, đập dập đầu để làm bút vẽ rồi tô màu vào chỗ cần thiết. Màu nền của hoa văn là thành phần không thể thiếu của bố cục. Ở trang trí mái nhà mồ, họ thường để màu trắng ngà của nan lồ ô hoặc vải trắng làm nền, nếu là hoa văn đục thuỷ thì màu nền lại phụ thuộc vào chính yếu tố tự nhiên của ngôi nhà và các yếu tố xung quanh. Đường nóc ở vị trí cao nhất của ngôi nhà nên màu nền có thể là màu trời, màu xanh cây hay màu của núi hay màu nắng… đây có lẽ là cái đẹp của đường nóc nhà mồ, nó còn đẹp hơn, hiệu quả hơn khi các mùa thay đổi, nắng mưa, sáng tối thay đổi. Đây là dải hoa văn trang trí hàm chứa nhiều nội dung liên quan đến tín ngưỡng dân gian của các dân tộc Tây nguyên, lại được đặt long trọng ở vị trí cao nhất của mái nhà mồ. Tuy vậy, nhìn vào trong tín đường nóc ta có thể nhận thấy hoa văn thường là những đồ vật hay động vật, con người… là chủ đạo. Các nhóm trang trí như là riêng biệt nhưng lại hòa quyện với nhau. Hoạt động của con người, muôn thú, thiên nhiên được khắc họa trên đường nóc mái nhà diễn ra trong ngày lễ bỏ mả. Những đồ án này hoàn toàn là những hoạt động thể hiện cao độ, đi vào tâm thức các tộc người Tây nguyên và được thể hiện trên nóc.
Sự độc đáo của nhà mồ, đó là dải trang trí trên nóc, nếu xét về toàn cục thì ngoài dải trang trí trên nóc, nổi bật nhất có lẽ là các “tượng mồ”. Các “tượng mồ” này được sắp xếp bao quanh nhà mồ như một hàng rào nên khi vào khu nhà mồ ta như được chiêm ngưỡng cả một phòng triển lãm lớn về nghệ thuật sắp đặt và cả về lịch sử của các tộc người Tây nguyên. Ở trên mỗi tượng, ngôn ngữ điêu khắc và phong cách – mô típ nghệ thuật đa dạng và phong phú. Các pho tượng đơn giản về hình khối, đường nét, khoẻ mạnh với những nhát rìu, lại tăng phần sống động cho các pho tượng. Sự hồn nhiên hiện trên từng khuôn mặt như phá vỡ đi cái bí ẩn và huyền ảo của núi rừng Tây nguyên. Các bức tượng không lớn nhưng tính hoành tráng của mỗi bức lùng kết hợp với nhau trong một quần thể tạo thành một tác phẩm lớn hài hòa với cây lá, đất và con người, cho ta cảm giác như thiên nhiên và con người hoà quyện và đồng nhất với nhau. Trong tổng thể của quần thể, tượng có nhiều kích cỡ, nhiều phong cách, có bức thật khái quát, có bức lại rất hiện thực, có tượng lại mang dáng vẻ trừu tượng khó hiểu, có tượng lại có vẻ tự nhiên như cây, như đá. Tất cả đều chứng tỏ rằng, các tộc người Bắc Tây nguyên đã có một quá trình lịch sử phát triển lâu dài và có những biển đổi không ngừng trong đời sống xã hội cũng như trong đời sống và ngôn ngữ nghệ thuật, mà ở đây tượng mồ như những nhân chứng của sự phát triển đó. Chỉ tiếc rằng sau lễ bỏ mả thì người ta cũng bỏ luôn “nhà mồ” mặc cho mưa gió bào mòn và mục nát dần đi những gì đã hiện diện. Cái hiện tồn cũng chỉ là các nhà mồ mới, nhưng ở đây với thẩm mỹ dân gian và phong tục tập quán lâu đời, nên những truyền thống đó có lẽ không thể mất đi mà được đan xen giữa cũ và mới, giữa cái bản chất tộc người đến cái mà dân làng quan sát được. Cũng từ chuyện đan xen này mà việc giải mã những hệ thống biểu tượng cũng như nội dung tư tưởng hay sự phát triển của văn hóa tộc người càng trở nên phức tạp. Sự phức tạp đó còn ở cả cách giải thích nội dung, nguồn gốc các tượng của các tộc người khác nhau. Chính vì vậy nên trước khi bóc tách và phân tích chúng ta cần tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ và nội dung phản ảnh của tượng mồ một cách cụ thể trên bình diện con người và vùng đất. Theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh thì tượng mồ có ba chức năng: “1/. Tượng mồ dùng để tô điểm mồ cho đẹp; 2/. Những tượng mồ là những người đi hầu người chết; 3/. Những tượng mồ có tác dụng làm cho không khí hôm bỏ mả thêm vui nhộn”. Nhưng theo tôi các tộc người Bắc Tây nguyên, đặc biệt là tộc người Gia Rai nhóm Gia Rai Aráp, họ là những người trồng trọt tìm nguồn sống giữa sự âm u hoang vắng của núi rừng nên họ có những ứng xử với thiên nhiên một cách hài hòa, lúc nhập vào như hòa quyện, lúc tách ra những đối phó với tự nhiên, đây có lẽ là cách ứng xử hai mặt của họ vậy. Thái độ sống đó đã in dấu lên từng khía cạnh của nếp sống tộc người và là tiền đề trực tiếp của mối hoà đồng giữa con người với thiên nhiên hoang dã bao quanh họ. Đây có thể là đầu mối không thể thiếu trong cách sử xự trung thực mà đa số các tộc người Tây nguyên nói chung không ngừng biểu lộ trong cuộc sống hàng ngày như: trung thực với bản thân; trung thực với hành động; với thiên nhiên và con người; trung thực cả trong mối quan hệ với tự nhiên. Vì vậy nên người chết hay thế giới của người chết vẫn được đặt ngang tầm quan trọng như thế giới của người sống. Chính vì thế mà chức năng của khu nhà mồ nói chung, tượng mồ nói riêng không có gì khác hơn là phục vụ cho những nhu cầu của người chết, như người Việt có câu “trần sao âm vậy” nên việc làm nhà mồ, tượng mồ cũng như sắm sửa cho người chết bước sang thế giới kh1c được đầy đủ hơn. Chính vì thế mà có lẽ quan niệm về chức năng của tượng mồ “những tượng mồ là những người đi hầu người chết” là có lý hơn cả và mang đầy chất nhân văn hơn. Ngoài ra tượng mồ còn mang trong mình một chức năng, một tình cảm trừu mến của người sống đối với người chết. Từ những nét khái quát về tâm lý tộc người và sự đặc trưng của vùng đất đó, mà có thể thấy được sự đan xen, đan cài giữa nhiều hình thức, nhiều bút pháp trong một quần thể tượng. Ở đây, có thể nói “cái quá khứ – hiện tại và tương lai” được hòa quện mang tính phi thời gian, phi không gian mà chỉ còn là một sự biểu hiện, sự phơi bày một cách trung thực vốn có của người dân. Tính chất “ đồng hiện” đó trong tư tưởng đưôc thoải mái bộc lộ, bởi ở họ, không có một sự phân chia rạch ròi để loại bỏ hay tiếp thu, mà ở đó, cái cũ được sống trong hình thức mới, cái mới được sống trong hình thức cũ. Các bức tượng nói nên nguồn gốc con người “ những hình ảnh thể hiện sự sinh thành” được bố trí cùng những bức tượng anh bộ đội, lính Pháp, lính Mỹ, nhiều khi còn có cả máy bay, xe hơi… một cách vô tư mà không có một sự sàng lọc hay tách bạch nào. Tất cả nói nên sự dung hợp, thêm vào những yếu tố mới làm phong phú hơn cho quần thể tượng cũng như nhà mồ. Một điều đáng chú ý ở đây là : cái chuyền thống văn hóa, cái ý niệm và bản chất tộc người không mất đi mà lại càng rõ hơn, càng như biểu lộ một cách trung thực. Tuy rằng, trong quần thể tượng đó: mỗi một thể loại đều có một bút pháp, một phong cách thể hiện riêng. Những bức tượng thể hiện sự sinh thành là một hệ thống hình tượng đặc trưng. Các bức tượng đó gồm nhiều nhân vật khác nhau như: tượng mưu tả một cặp nam nữ đang giao phối ; tượng người đàn bà chữa với cái bụng to tròn ; tượng những đứa trẻ mới ra đời ngồi cuốn tròn nư chiếc bào thai non. Ở những bức tượng này có một cách bố trí rất lý thú, tượng nam nữ giao phối được đặt hai bên cửa ra vào của nhà mồ; tượng người đàn bà chửa thường được dựng ở hàng rào ; các cột góc của hàng rào được bố trí những tượng người ngồi xổm, hai khỉu tay chống vào đầu gối, hai bàn tay ôm lấy má, loại tượng này có hình dáng như một hài nhi, nhưng có thể cũng không phải là một hài nhi mà còn có tên là “ khỉ” (Kra ). Những bức tượng về sự sinh thành này thể hiện một tư tưởng một khái niệm chung của cả cộng đồng người Gia Rai, nên những con người được thể hiện bằng điêu khắc không phải là một con người cụ thể mà là những con người nói chung mang tính khái quát. Nếu nhìn từ góc độ tạo hình thì những loại tượng này được tạc bằng cách gợi tả ghi ý với những mảng lớn phẳng, khoẻ mạnh mang tính hình học, làm cho tất cả các bộ phận, các chi tiết của cơ thể đều như gắn chặt vào những khối hình học trên mỗi thân tượng. Ở những tượng này không hề có một khối cong để diễn tả các khối nổi hoặc chìm của cơ thể con người một cách chi tiết mà tất cả đều tan biến vào những khối đặc hoặc những nét lớn. Mặt khác, toàn bộ thân tượng được khái quát hoá cao độ và được chia làm ra ba khu vực chính: đầu; cổ và thân, ở mỗi phần chính của cơ thể, các bộ phận được tạo bằng khối lớn để phân biệt mặt mũi, tai… người ta vạch chéo sâu vào hình khối để tạo hình mặt, hai đường cong và sâu ở hai bên là tai, từ đầu xuống thon dần rồi nở ra, gợi ý cho ta biết đó là cổ. Tay và chân cũng được diễn tả bằng những vạch sâu như vậy. Những bức tượng đầy khái quát, những chi tiết đầy giảm lược và cô đọng bằng nét, khối lớn, nhiều chi tiết bị mất đi hay bị lờ đi nhưng nó vẫn cứ gợi lên hình tượng con người thật sinh động. Những bức tượng đầy khái quát này được đan xen vào với những tượng người, muôn thú, đồ vật và các cảnh sinh hoạt cho ta cảm giác sống động như các tầng lớp con người được sống chung trong một thời khắc cụ thể. Việc sắp đặt này cũng cho thấy một sự phát triển có nguyên tắc trong nghệ thuật tạo hình dân gian, đó là một tiến triển từ sự khái quát hóa hình tượng đến sự mô tả những hình ảnh cụ thể, những hoạt động cụ thể. Ơ những tượng cụ thể này, người Gia Rai Aráp đã thể hiện khung cảnh lễ bỏ mả bằng nghệ thuật tạo hình để làm không gian nghệ thuật cho tượng mồ. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các tượng mộ và trang trí đường nóc khiến cho cả hai có quan hệ mật thiết với nhau tạo thành một tổng thể khó tách bạch. Các hoạt động của con người được thể hiện trên mái bằng trang trí cùng với những tượng sinh hoạt cụ thể này mang một biểu hiện diễn tả lại những sinh hoạt đời thường cũng như sinh hoạt văn hóa càng trở nên sinh động hơn. Các khối điêu khắc không còn là sự khái quát hình học nữa mà đã chuyển thành những khối cong mềm mại và sống động. Các bộ phận như chân, tay, mặt mũi được rõ ràng hơn, các mảng khối vừa như khái quát, vừa như tả thực khiến cho các tượng như sống động mà cũng đầy bí ẩn.
Bên cạnh đó, các tượng có chủ đề mới cũng được dựng lên hòa lẫn vào quần thể mang một tính động và trạng thái mới đầy sinh lực. các lính Pháp, lính Mỹ, học sinh, sinh viên, xe tăng, máy bay… được thể hiện bằng cách tả thực vui nhộn.
Nếu xét về tổng thể tượng, từ những bức tượng đầy khái quát đến những bức tượng mang dáng vẻ hiện thực cho đến các tượng vui nhộn miêu tả những hoạt động đang diễn ra này, thì đây có thể là sự phát triển của một vòng đời người. Mặt khác, nó còn mang tính chất như là những thế hệ hay sự phát triển xã hội, nói đúng hơn theo quan niệm về thế giới của Phật giáo thì cái “quá khứ – hiện tại – tương lai” đã in sâu trong sâu thẳm tư tưởng, ý niệm của người dân Gia Rai. Tất cả được đồng hiện trở về một cách tài tình trong một không gian, thời gian nhất định làm cho khu nhà mồ như sống động mà huyền bí.
Thời gian trôi đi, người chết đều dứt khoát ra đi vĩnh viễn, nhà mồ không được người sống quan tâm đến nữa, để rồi tất cả nhà mồ, tượng mồ và các vật dụng cũng lần lượt mục nát, ra đi theo bước chân người chết. Để rồi, những nhà mồ mới được dựng lên tuy không mô phỏng nhưng kiểu thức đó, phong cách đó vẫn cứ hiện diện và duy trì. Tuy rằng mỗi thời đại có sự phát triển mới, mỗi thời đại có thêm một cách nhìn, một cách thể hiện mới, nhưng cách thể hiện, cách nhìn và quan niệm cũ vẫn không mất đi mà ngược lại chúng lại liên tục tồn tại. Ởđây, cái truyền thống xưa vẫn tiếp tục duy trì ở nhiều tượng mồ và nhà mồ hiện đại. Ngay ở những cột tượng mồ hiện đại vẫn ánh lên những dấu ấn của một thời xa xưa. Có màu sắc sặc sỡ của sơn tổng hợp ngày nay đôi khi được vẽ lên cả tượng những cái bản chất và bản lĩnh văn hóa đó vẫn như hóa thân vào từng cột tượng, từng mái nhà một cách mạnh mẽ.
Và cũng từ đây một điều quan trọng được người Gia Rai tiếp thu và duy trì rất mãnh liệt, đó là “thế giới của người chết được đặt ngang tầm thế giới của người sống” nên những khu nhà mồ mới hiện tại và tương lai càng có sự thêm vào những hình tượng, những mô típ mới và chúng lại được đứng bên cạnh và ngang hàng với cái cũ. Điều quan trọng thứ hai luôn luôn tồn tại, đó là: đặc trưng ghi ý “đồng hiện” của hệ thống hình tượng nên tất cả sẽ lại được đồng hiện trở về trong một thời khắc, thời gian và không gian nhất định. Vì vậy mà bản chất tộc người, cái ý niệm văn hóa , các hình tượng nghệ thuật khó mà phai nhạt mà có lẽ càng sâu đậm trong tâm hồn con người tộc người Gia Rai nhóm Gia Rai Aráp.
Do vậy, từ những gì đã nêu, nếu phát huy những điều quan trọng như đã nói thì truyền thống nhà mồ và tượng mồ Gia Rai sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc hòa nhập với cuộc sống mới, cái hình thức cũ của hình tượng vẫn được duy trì một cách mạnh mẽ hơn ở hình thức mới trong một thời đại mới.
Mời tham khảo thêm từ: http://cpd.vn/news/printpreview/tabid/84/newsid/457/Default.aspx
Từ Chi và khát vọng còn dang dở về mặt trời Đông Sơn trên Tây Nguyên
15:36 06/06/11
cpd.vn: TS. Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, là học trò của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi. Ông cũng là một người bạn thân thiết của gia đình cụ Từ nhiều năm nay. Kỷ niệm 16 năm ngày mất của nhà dân tộc học đáng kính này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài viết của ông về những ký niệm và nỗi niềm trăn trở với người Thầy, người đồng nghiệp đi trước ấy.
Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, tôi vẫn giở một đôi trang ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, như chúng tôi vẫn thường gọi là cụ Từ, ra xem, để nhớ về Ông. Những lúc ấy nếu có một ông Bụt xuất hiện trước mặt và hỏi tôi ước gì, thì tôi sẽ trả lời rằng, tôi cần một khoảng thời gian chừng 5 năm và một món tiền tối thiểu, để có thể mang theo tài liệu về nhà mồ, tượng mồ do cụ Từ ghi chép, trở lại Tây Nguyên để thử đọc và thử làm sáng tỏ phần nào ý tưởng của Ông. Nhưng, thật tiếc, đấy chỉ là một điều ước và trước mặt tôi chả có ông Bụt nào…Tôi đành viết bài này dành tặng bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ học trò của Cụ và mong ở những đời sau có ai đó sẽ cần biết…
I. Những ghi chép về nhà mồ, tượng mồ của người Bana và người Giarai trong di cảo của cụ Từ Chi
Thời gian trôi thật nhanh, dường như chỉ mới một thoáng thôi, thế mà nhà Dân tộc học Từ Chi đã xa vắng anh em, bạn bè, đồng nghiệp, học trò … 16 năm rồi! Khi cụ Từ ra đi, một phần gia tài mà ông để lại cho ngành dân tộc học là kho di cảo. Thành thực mà nói, trong tâm niệm của bà Tuất, vợ của cụ Từ thì đấy chỉ là một đống giấy lộn. “Trước lúc mất, ông Từ không có một lời dặn dò gì về “đống giấy lộn” này, do vậy nếu ông Thiệu thích thì chở về nhặt được cái gì thì nhặt (lời bà Tuất). Thú thực, bối cảnh như vừa đề cập đã đặt tôi vào một tình trạng khó xử. Tôi biết, đây là kho di cảo quý của một bậc thầy lớn, đáng kính, nhưng bởi 3 lý do: một là về chuyên môn, lúc đó tôi không còn trẻ và đã có lối đi riêng; mặt khác, ngoài lời nói miệng của bà Tuất, số di cảo này không có bất kỳ một loại giấy tờ mang tính pháp lý nào đi kèm; thứ nữa là lúc đó, cá nhân tôi không có đủ cơ sở vật chất để có thể bảo quản chúng… nên tôi đã lựa chọn “cách an toàn”: đưa chúng về lưu ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - nơi mà cụ Từ có mối quan hệ “sâu, xưa”. Tiếc rằng, sau thời kỳ GS. Phạm Đức Dương làm Viện trưởng,Viện Nghiên cứu Đông Nam Á không còn quan tâm tới những nghiên cứu chuyên sâu trên địa bàn Việt Nam. Bởi thế, sau khi tuyển chọn các cuốn sách nhập vào thư viện, phần di cảo của cụ Từ không được xử lý để bảo quản. Thật may mắn đúng lúc khó khăn ấy, có một nữ giáo sư người Anh đến Việt Nam để nghiên cứu “tri thức dân tộc học”. Sau khi tìm hiểu thân thế và sự nghiệp dân tộc học của cụ Từ, bà được xem và lấy làm chua xót vì những di cảo mà ông để lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Bà hứa sẽ giúp tôi tìm kiếm một nguồn tài trợ nho nhỏ để tạm thời ngăn chặn sự xuống cấp của kho tư liệu đang diễn ra nhanh chóng. May mắn hơn, khi lời hứa vừa đề cập chưa đủ thời gian để thực hiện thì PGS.TS Nguyễn Văn Huy vào cuộc. Với tư cách là giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lúc bấy giờ, ông Huy đã đề xuất ý tưởng đưa di cảo của cụ Từ về Bảo tàng của ông không chỉ để bảo quản mà còn coi đó là nguồn nguyên liệu chính để tổ chức một cuộc trưng bày chuyên để: “Từ Chi - Nhà Dân tộc học”. Ngay lúc bấy giờ, tôi tin ông Huy không phải là người nói chơi, và đúng như niềm tin của tôi, tiếp đó không chỉ di cảo của cụ Từ được chuyển về bảo quản trong Bảo tàng Dân tộc học VN mà lần đầu tiên ở Việt Nam một cuộc trưng bày rất hấp dẫn về cuộc đời của một nhà nghiên cứu bình thường (mà không phải là một lãnh tụ hay một vị khai quốc công thần, hoặc một anh hùng kiệt xuất nào đó như vẫn thường quan niệm) đã được tổ chức rất thành công - một chương mở đầu tuyệt vời cho một ý tưởng lớn của ông Huy về sự thể hiện trách nhiệm và sự trân trọng của người đời sau đối với các di sản trí tuệ mà các bậc tiền nhân để lại.
Trở lại với kho di cảo của cụ Từ, trong “mớ tư liệu lộn xộn” viết tay trên vở học sinh và đủ loại giấy tận dụng có được thời “bao cấp”, có 3 vấn đề được đề cập khá tập trung: 1. Lịch sử hình thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi; 2.Tài liệu dân tộc học về người Mường; 3.Về nhà mồ, tượng mồ của người Bana và của người Giarai.
Nguồn tài liệu về Lịch sử hình thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi nằm dưới dạng những bản nháp và các bản ghi chép (viết tay) bằng tiếng Pháp. Nhiều trang được viết chồng lên nhau chằng chịt. Theo như tôi được biết, trong thời gian dạy học ở Ghi nê ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cả đọc tư liệu, trao đổi với các chuyên gia và trực tiếp khảo sát trên thực địa về sự hình thành các quốc gia cổ đại ở lục địa đen. Mục đích của ông là chuẩn bị tài liệu để sang Liên Xô, làm luận văn phó tiến sỹ. Nghe đâu đơn xin học của ông không được chấp nhận vì lí do thành phần xuất thân. Có lẽ vì vậy nên những tài liệu quý giá, hấp dẫn mà ông đã bỏ ra rất nhiều trí tuệ và công sức để có được cũng được ông đưa về Việt Nam, nhưng ông chẳng chẳng mặn mà gì với chúng. Thật đáng tiếc! Ngoài giá trị tư liệu về sự hình thành các quốc gia cổ đại ở châu Phi, qua cách nhìn của một học giả Việt Nam, nguồn tài liệu này còn phản ánh quá trình và phương pháp tự học, tự đào tạo rất bài bản của ông về dân tộc học
Phải nói, trong kho di cảo của cụ Từ, nguồn tài liệu dân tộc học về người Mường ở Hòa Bình có số lượng nhiều nhất, được ghi chép cẩn trọng và tỷ mỹ trong các cuốn vở học trò. Tài liệu cho thấy quá trình làm việc lâu dài và cực kỳ nghiêm túc trên thực địa của cụ Từ. Trong đó có những cuốn sổ ghi chép “tài liệu thô” khi thăm hỏi dân tộc học, và có những cuốn do ông viết lại ngay trên thực địa, trong cùng chuyến điền dã (trong đó bao gồm tài liệu thô, kèm theo những nhận xét, ghi chú và cảm xúc của người đi điền dã). Đặc biệt thú vị là có những hệ thống sổ ghi chép về cùng một nội dung nghiên cứu từ cùng một đối tượng, tại một điểm nghiên cứu, nhưng được thực hiện trong nhiều thời điểm khác nhau trong một năm hoặc nhiều năm. Ngoài các giá trị của tài liệu về văn hóa/lối sống của người Mường còn được lưu lại trong các trang ghi chép, có thể nói đây là hệ thống các sổ tay điền dã mẫu mực cho thấy cách thức làm việc cần mẫn, khoa học, tỷ mỹ của những người theo trường phái đề cao nguồn tư liệu thực địa trong nghiên cứu dân tộc học từ thế kỷ trước, do André Leroi Gourhan đề xuất và Georges Condominas - một người bạn lớn của cụ Từ - là một trong những môn đệ. Nguồn di cảo này cũng là chất liệu chính làm nên sự thành công cuộc trưng bày “Từ Chi: nhà Dân tộc học”. Đa phần các nội dung trong nguồn tài liệu này đã được cụ Từ khai thác sử dụng trong các công trình nghiên cứu xuất sắc gắn liền với tên tuổi của ông về người Mường. Nhưng, ẩn tàng trong từng trang ghi chép về văn hóa/lối sống thô mộc của người Mường vẫn hiện lên mộc cách đậm đặc, có thể khai thác cho các công trình nghiên cứu khác sau này. Hơn thế, hệ thống sổ ghi chép này của ông đúng là những giáo cụ trực quan sinh động, đắt giá về cách tiếp cận và các phương pháp làm việc cụ thể trên thực địa cho các thế hệ học trò đời sau.
So với nhóm tài liệu về người Mường, nhóm di cảo về nhà mồ, tượng mồ của người Bana, người Giarai không nhiều và mới chỉ là những ghi chép vội vàng trên thực địa, chưa được ông hệ thống lại. Có thể nói lúc sinh thời cụ Từ luôn bị ám ảnh về tục thờ mặt trời của các cư dân nông nghiệp. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và dày công giải mã đồ họa hình mặt trời trên trống đồng Đông
Sơn[1].Việc giải mã hoa văn Mường theo ông là đã đi vào ngũ cụt. Bên ngoài ánh hào quang của sự thành công về việc chỉ ra được mối liên hệ giữa các mô típ đồ họa trong hoa văn Mường trên đồ dệt với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn, ở các điểm: một số mô típ ở hai thời kỳ lịch sử rất xa nhau lại rất tương đồng; một dạng được dệt trên mặt vải theo các băng dài, dạng khác đựợc tạo tác theo đường tròn trên nguyên liệu đồng bằng kỹ thuật đúc... Nhưng, bởi tính ước lệ rất cao của cả hoa văn trên trống đồng lẫn hoa văn trên đồ vải Mường mà cụ Từ cho rằng rất khó đọc ý tưởng của người xưa gửi gắm lên đấy, nhắt là về “tục thờ mặt trời”. Lúc ông đang trăn trở thì miền nam giải phóng, Từ Chi có cơ hội trở lại Tây Nguyên (phiên dịch cho Condominas) và tận mắt nhìn lại nhà mồ, tượng mồ. Theo ông, trên thế giới, nền văn hóa, nhà mồ, tượng mồ bằng gỗ xuất hiện tương đối đồng dạng ở 3 khu vực: Châu Phi, ngoài các đảo thuộc Thái Bình Dương và khu vực Tây Nguyên (bao gồm cả nam, hạ Lào và đông bắc Cămpuchia). Ở mỗi khu vực, tượng mồ có những đặc điểm riêng: tính quái đản ở Châu Phi, tính cổ điển ở Melanesia và tính thô phác ở Tây Nguyên. Chính đặc điểm thô phác ấy đã thu hút cụ Từ: có thể dễ hơn khi đọc ý tưởng của người xưa đã gửi gắm lên đấy so với cách thể hiện các ý tưởng khi đã có tính ước lệ cao trên hoa văn Mừơng và trên trống đồng Đông Sơn Chăng?
Đáng tiếc là cơ hội để để Từ Chi trở lại Tây Nguyên xuất hiện rất muộn mằn. Vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, ông mới có dịp trở lại Tây Nguyên với sự thu xếp của một người bạn - ông Sanh, hồi đó là giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Giai đoạn đầu ông đã khá thành công với việc hoàn thành cuốn sách “Hoa Văn các dân tộc Giarai - Bana”.
Nhưng đến giai đoạn sau, khi chuyển sang tìm hiểu về nhà mồ và tượng mồ thì ông đã đổ bệnh. Sự mỏi mệt đã hằn lên trong những trang tài liệu ghi chép vội vàng của ông. Thật đáng tiếc ông không còn đủ sức lực, đủ thời gian đề “làm lại” các trang tài liệu điền dã theo cách mà ông từng làm như những cuốn sổ điền dã về người Mường. Đáng tiếc nữa là người đi cùng ông - TS. Ngô Văn Doanh, cũng là một đệ tử của ông nhưng vốn được đào tạo ngành lịch sử mỹ thuật ở Liên Xô nên không chia sẽ được nhiều với cách tiếp cận dân tộc học/nhân học văn hóa kiểu Từ Chi, bởi vậy mà hai cuốn sách, liên quan tới các nghiên cứu về nhà mồ và tượng mồ trong các chuyến nghiên cứu của Từ Chi, là sản phẩm đặt hàng phải trả cho Sở Văn hóa thông tin tỉnh Gia lai - Kon Tum mà ông Doanh phải đảm nhận viết và đã được xuất bản[2], mới chỉ là những ghi chép theo cách của ông Doanh xung quanh quan niệm về cõi sống, cõi chết của người bản địa, các nghi lễ và các hoạt động liên quan đến tang ma của người Giarai và người Bana. Còn những tri thức và những tư liệu do chính tay Từ Chi ghi chép còn chưa được phản ánh vào các cuốn sách ấy. Thật đáng tiếc về một ý tưởng lớn của một nhà nghiên cứu lớn còn dang dỡ! Nhưng trong cái họa lớn, vẫn còn có cái phúc nhỏ nhoi, đến nay một phần những ghi chép của ông còn được bảo quản trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…
II. Nhận xét những hình trang trí trên mái một ngôi nhà mồ của người Giarai ở Tây Nguyên (một đoạn trích những ghi chép từ Sổ tay điền dã của Nguyễn Từ Chi)
Nhà mồ của người Gia rai ở Tây Nguyên có nhiều dạng mái: mái dài, mái tròn nhô cột cút lên ở chính giữa mái cao… Ngôi nhà mà chúng tôi đang đề cập thuộc loại nhà mái cao, bằng tôn. Các hình trang trí được tạo ra bởi các nét màu trên tôn.
9. Nhận xét cuối
Ẩn hiện trong tổng thể trang trí trên mái của một ngôi nhà mồ của người Giarai ở Tây Nguyên, có thể gợi cho chúng ta những quan niệm khởi nguyên của vũ trụ. Vũ trụ như một cái cây lớn được chia làm 3 thế giới:
- Thế giới bên trên (tầng 1) là thế giới của các thiên thể, mà ở đó mặt trời là chúa tể.
- Trần gian, nơi mà cây vũ trụ nở hoa kết trái, là nơi sinh thành ra muôn loài, là nơi đang hàng ngày hàng giờ cuộc sống đời thường đang tiếp tục.
- Thế giới bên dưới, là thế giới của các loài thủy quái (rồng, rắn, cá sấu...). Nhưng đây cũng chính là mẹ - đất, mẹ đất nằm im lìm và trước những tác động của cha - trời (như sấm, chớp, nắng, mưa...) mẹ đất đã, đang và sẽ sinh ra muôn loài.
Như đã đề cập từ đầu, chép lại một đoạn sổ điền dã của cụ Từ, tôi vừa như thầm tưởng nhớ về Ông, hồi tưởng lại phần nào ý tưởng lớn lúc sinh thời của Ông, vừa hy vọng có ai đó, nhất là các bạn trẻ, có thể chia sẽ, và dũng cảm chuẩn bị hành trang tiếp bước, đi nốt đoạn đường mà Ông còn dang dỡ....
Nguyễn Duy Thiệu
{Bài đã đăng trên Tạp chí Dân tộc học, số 2(170) năm 2011. Trang 55-61}
[1]. Mặt trời là một trong những yếu tố chính trong VŨ TRỤ, tạo nên sự sống cho muôn loài, từ cổ xưa đã được các cư dân, nhất là cư dân nông nghiệp tôn thờ. Trong cuộc đời nghiên cứu của mình, cụ Từ rất quan tâm đến các tín ngưỡng thờ mặt trời. Ngoài 2 tác phẩm 01. Hoa văn Mường (Nxb. VHDT, Hà Nội, 1978); 02. Hoa văn các dân tộc Giarai-Bana (Sở Văn hóa thông tin Gia Lai-Kon Tum, xuất bản 1986) - những tác phẩm mả trong đó cụ Từ đã giành nhiều công sức để tìm hiểu mối liên hệ giữa các mô típ hoa văn trên đồ vãi với hoa văn trên trống đồng Đông Sơn đặc biệt là mô típ MẶT TRỜI.- Cụ còn viết một loạt bài chuyên về tín ngưỡng thờ mặt trời của các cư dân nông nghiệp. Ví dụ: Làng xã Hương Sơn (ghi chép dân tộc học), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 140, 141/ 1971; 02. Mặt trời với nghi lễ trên nương của người Mãng (Mạng Ư); Sức sống Đông Sơn, Tạp chí VHNT (Trong sưu tập Góp phần Nghiên cứu Văn hóa và tộc người, Nxb. VHDT. Hà Nội, 2003), v.v…
[2]. Ngô Văn Doanh ,
- Lễ bỏ mả Bắc Tây Nguyên. Nxb. Văn hóa dân tộc. Hà nội, 1995.
- Nhà mồ và tượng mồ Giarai Bơ hnar. Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao tỉnh Gia Lai và Viện Đông Nam Á, 1993.
[3].Ở loại nhà mồ mái cao, tròn của người Giarai, cột Cút- cột chính của ngôi nhà nhô lên chính giữa mái. Tại phần cột Cút tiếp xúc với mái, người dân tạc háng (quang) của nữ dâm thần Kroih, trông rất năng động và hoành tráng.
0 nhận xét: on "Mỹ thuật Việt Nam: NHÀ MỒ CỦA NGƯỜI GIA RAI ARÁP - TRANG TRÍ VÀ ĐIÊU KHẮC"
Đăng nhận xét