Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Lê Bá Thanh: NGÔI NHÀ DÀI CỦA NGƯỜI K’HO Ở LÂM ĐỒNG





Lê Bá Thanh: NGÔI NHÀ DÀI CỦA NGƯỜI K’HO Ở LÂM ĐỒNG



Lê Bá Thanh
Khảo sát và viết năm 2003

Người K’ho ở Lâm Đồng thuộc ngữ hệ Môn – Kh’mer. Từ K’ho là tên gọi chung cho một tộc người có nhiều nhánh khác nhau và có những đặc trưng văn hóa, trình độ phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, các nhóm đó là: Chil, Lạt, Nộp, Srê, Cờdòn, Tố La…
Các nhóm K’ho cư trú phân bố ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, một phần là do đặc thù văn hóa, một phần là do đặc thù về phương thức sản xuất cũng như sự đặc thù về kinh tế, tín ngưỡng dân gian… Nhưng các địa bàn cư trú chính của các nhóm người này thường tập trung với mật độ cao ở các vùng: người Srê sống tập trung ở huyện Di Linh, nhóm Nộp ở phía nam Di Linh, Gia Bắc, San Điền… nhóm Chil, Lạt ở Lạc Dương…
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào sự phân bố lâu dài của các nhóm mà sinh hoạt kinh tế – truyền thống cũng phụ thuộc vào sự phân bố người. Về cơ bản, có 2 loại: các nhóm Chil, Lạt, Cờdòn, Tố La… là cư dân thuần nương rẫy, nhóm Srê làm ruộng nước… từ đó mà trang phục, ăn uống, vật dụng lao động và đặc biệt là nhà cửa có sự khác nhau tuy không nhiều nhưng cũng nói lên được sự đặc trưng vùng miền và sắc tộc.
Nhà ở của người K’ho là tài sản chung của bon làng hoặc dòng họ và do công sức chung tạo nên. Mỗi gia đình được phân chia các khoảng để ăn, ngủ và sinh hoạt theo từng bếp, riêng biệt. Nếu trong dòng họ có sự phát triển thêm, người ta nối thêm vào nhà dài một khoảng sân cho các gia đình mới sinh sống.
Vì vậy, khi nhìn vào ngôi nhà dài K’ho và quan sát xem trong nhà có bao nhiêu bếp thì có thể biết được có bấy nhiêu gia đình chung sống trong đó.

Hình minh họa: Internet
Tuy vậy, nhà ở truyền thống của người K’ho nói chung cũng tương tự như nhà ở của nhiều tộc người khác ở Tây Nguyên. Đó là nhà sàn. Loại nhà sàn dài này về cơ bản, cho đến nay hầu như không còn được sử dụng và ở đây nguyên nhân chính có thể có 2 nguyên nhân: 1/ do tiếp xúc văn hóa với người Kinh dẫn đến sự thay đổi về kết cấu văn hóa và xã hội truyền thống khiến cho ngôi nhà dài phản tác dụng khi mà cái riêng tư đã len lõi vào từng gia đình nhỏ trong nhà dài; 2/ sự thay đổi cơ cấu xã hội, gia đình khi mà nền kinh tế tự cấp tự túc được dần dần thay thế bằng nền kinh tế hàng hóa. Mặc dù đang rất nhỏ nhưng cungx khiến cho ngôi nhà dài mất đi tác dụng và sự từ bỏ ngôi nhà dài là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên cho đến ngày nay, chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nhìn thấy bóng dáng của ngôi nhà dài ở những vùng sâu, vùng xa nhưng rất ít và có nguy cơ mất hẳn.
Bếp của người Mạ. Hình: Internet
Phụ nữ K'ho. Hình: Internet
Nhà sàn dài truyền thống thường cao khoảng 1m – 1,5m so với mặt đất. Lòng nhà khoảng 3 – 3,5m. chiều dài của nhà từ 5 – 8 gian trở lên và còn tuỳ thuộc vào số hộ gia đình nhỏ trong nhà dài là bao nhiêu, bình thường cứ làng nhiều gia đình nhỏ sống nhà dài thì chiều dài của nhà càng dài thêm. Vì vậy mà trước đây có nhà dài cả hơn một trăm mét.
Ở đây, nhà dài là một đặc trưng lớn nhất của người K’ho nhưng cái đặc trưng này nếu xét theo các nhóm riêng biệt thì lại có sự khác nhau, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để phân biệt các nhóm thông qua ngôi nhà dài truyền thống. Nhưng dù dài hay ngắn thì nhà ở của người K’ho có nhiều điểm chung nhất định như: kiến trúc đơn giản, bao gồm: cột nhà (gấy hiu), xà dọc (dong de), xà ngang (roách đi), sàn ngang (bia), dầm sàn dọc (ro pa), đòn móc (roách pơ pung), mè (rơ cág) rui (óp), mái nhà (rơ lang hiu)… Tuy nhiên, nhà của người K’ho chỉ có xà ngang ở hai đầu hồi mà không có xà ngang giữa các gian. Vì vậy mà kết cấu của các phụ kiện cũng thật đơn giản, cột và xà nhà là kết cấu chịu lực chính và kết hợp tạo nên bộ sườn nhà. Ở đây, kết cấu chịu lực là liên kết dọc, đồng thời liên kết này cũng gắn bó các phần của ngôi nhà với nhau chặt chẽ và chắc chắn. Về việc kết nối các phần với nhau nếu người Việt dùng đục đục mọng rồi chốt thì người K’ho lại dùng rìu tạo các khắc lõm (kất) trên đầu cột rồi đặt xà lên rồi dùng dây (knắp) để buộc. Sau đó người ta dùng dây mây để giằng chéo từ 2 đầu của mái nhà để đảm bảo độ chắc chắn. Chỉ đơn giản có vậy mà sự chắc chắn cũng như bền chặt của một ngôi nhà có thời gian khá dài, và cũng như thế mà công năng sử dụng cũng rất cao tuy rằng, kích thước của mỗi gian nhà cũng không được rộng lắm, thông thường từ 2,2 – 2,4m, sân khoảng 3,2 – 3,4m. Ở đây, chiều rộng của ngôi nhà trung bình là như vậy và có phần cố định, còn chiều dài đương nhiên là vô định. Ngôi nhà có kích thước như vậy bởi theo quan niệm của người K’ho thì chiều dài của một gian nhà được tính bằng một sải tay cộng với một cánh tay của người đàn ông.



Dựng nhà:

Trước khi dựng nhà, cũng như các tộc người khác ở Tây Nguyên, người K’ho cũng làm các nghi thức cúng tế thần linh… Họ quan niệm Thần Nđu, vị thần khai sáng là người đã dạy bảo con người biết làm mọi điều, trong đó có làm nhà. Vì vậy, khi làm nhà sẽ có một số điều kiêng cữ: không làm nhà bằng các vật liệu khô, dễ cháy như (gỗ, măng tre…) khi chúng đã khô. Hướng của nhà cũng được chọn rất kỹ, đa số người ta làm theo hướng tránh gió vào mùa mưa, cửa chính của nhà không được quay về hướng Tây, vì đây là hướng của người chết. Khi chọn được miếng đất hợp lý, người ta thực hiện nghi thức hỏi thần đất (Yang tia) khi dựng nhà xong, người ta lại có một nghi thức nữa để cúng Thần nhà (Yeng hiu) bởi mỗi ngôi nhà đều có vị Thần này cai quản. Việc làm nhà của mỗi gia đình được sự giúp đỡ của cả họ hàng và làng xóm với sự phân công công việc chặt chẽ và hợp lý: đàn ông thì lấy gỗ, mây, lồ ô… đẽo cột, dựng nhà, lợp nhà. Phụ nữ thường đánh tranh, đưa tranh, đan lát… Khi làm xong, lễ mừng nhà mới cũng được tiến hành long trọng và được cả bản đến dự. Trước hết người ta dựng bộ sườn. Ở bộ sườn này, trước tiên người ta dựng hai hàng cột chính rồi gác lên những xà dọc, sau đó, trên xà dọc họ gác tiếp xà ngang lên hai đầu và tiến hành buộc dây. Dựng xong những phần trên, người ta mới tiến hành làm dầm sàn ngang rồi dầm sàn dọc. Phần mái người ta tiến hành buộc từng cây lồ ô hoặc gỗ dài theo khoảng cách đều nhau theo chiều dọc của ngôi nhà, khi buộc xong người ta lại tiến hành buộc rui, rui cũng được chia đều theo khoảng cách nhưng được đặt theo chiều ngang. Tiếp theo là đặt mè, mè có kích thước nhỏ được đặt theo chiều dọc và có chức năng làm xương để buộc mái lá. Sau đó tiến hành lợp nhà.

Chiều cao được chia làm 3 phần tương ứng với 3 độ cao khác nhau: gầm sàn là phần dưới cùng thường dùng để chứa củi, nông cụ, vật dụng, cho vật nuôi trú mưa và ngủ đêm. Phần hai là không gian ở của người, phần này là phần chính dùng làm nơi sinh hoạt, chứa đồ. Ở đây, gần bếp lửa ở mỗi gian, phía trên là giàn bếp (lơ rông) dùng để xấy thức ăn, để đồ đan chưa sử dụng, các nông cụ và công cụ trong gia đình, để bắp hoặc lúa… Sát vách đan phía trước là những dàn tre, trên đó để đồ gốm, đồ ăn, dụng cụ nấu ăn, bầu nước… Toàn bộ vách nhà cao chừng 1,4 – 1,6m được tận dụng đẻ gài dao, dụng cụ lao động, dụng cụ dệt vải, treo quần ao, đồ đan lát… Còn phần thứ ba của nhà được coi là phần của Thần linh, nơi đặt bàn thờ thần Lúa và các vị thần khác (Chơ lóng yeng).

Vật liệu làm nhà:
Vật liệu làm nhà được khai thác tại chố bởi rừng vốn đã gắn bó mật thiết với con người nên những vật dụng xung quanh trong tự nhiên được tận dụng triệt để để phục vụ cho cuộc sống. Ở đây, vật liệu chính đề làm nhà là gỗ, tre, nứa, lồ ô, cỏ tranh, dây mây… Gỗ dùng để làm cột, xà dọc, xà ngang, tre, nứa, lồ ô dùng làm nóc, rui, mè,… đan vách… Cỏ tranh để lợp mái, giây mây để buộc… Trước đây, do cuộc sống du canh, du cư nên người ta ít dùng gỗ để làm nhà mà chủ yếu là dùng tre, nứa bởi nó gọn nhẹ, làm nhà nhanh và nói chung là phù hợp với cuộc sống tạm bợ.
Ngày nay, do sự hòa hợp và giao lưu văn hóa với bên ngoài, (chủ yếu là người Việt) ngôi nhà của người K’ho cũng có nhiều người phần cải tiến. Cuộc sống du canh, du cư không còn tồn tại nữa, thay vào đó là sự yên ổn làm ăn nên các vật liệu làm nhà hiện đại đã được người K’ho chuyển tiếp đã thay thế những vật liệu xung quanh, vì vậy nói lên được tính vững chắc của ngôi nhà cũng như tính vững chắc của cuộc sống.
Theo tài liệu điền dã của cán bộ nghiên cứu Trần Đức Hùng tại xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng thì: nhà ở ngày nay của người K’ho đa số làm theo kiểu mới, vật liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ, mái lợp tôn (có cả nhà triệt, tường xây, mái lợp tôn, hoặc ngói). Nhà sàn thì bằng gỗ, chân sàn cao khoảng 80- 90cm phía sau là nhà bếp theo kiểu người kinh (phần nhiều là xây bằng gạch) rồi đến kho lúa làm sàn. Chân sàn nhà thường làm bằng bê tông có kích thước khoảng (40 x40 x80 cm). Gầm sàn dùng để nông cụ, củi, động vật nuôi ở…Cũng là nhà sàn, nhưng nhà sàn ngày nay, ngoài vật liệu hiện đại thì nhà sàn cũng có lan can và hành lang như của ngưpời việt, chiều ngang là chiều dài của nhà cũng có độ dài tương ứngnhư: chiều ngang khoảng 4m, dài khoảng 8m. Đằng sau nhà là kho lúa và nhà bếp. Ngoài ra về nhà ở, ngày nay có đa dạng hơn, sự bố trí không gian tổng thể kiến trúc không nhất thiết phải theo nguyên tắc nào mà phần lớn phụ thuộc vào địa hình của đất, mà có sự bố trí thích hợp. Vì vậy mà sự đa dạng của ngôi nhà, của vật liệu làm nhà cũng nói lên được liều lượng của sự giao lưu về văn hóa.
Từ đây, trở về với ngôi nhà truyền thống, qua những tư liệu điền dã và nhiều tài liệu tham khảo ta thấy: nhà dài gồm có nhiều ngăn dành cho nhiều cặp vợ chồng cư trú. Ở giữa các gác có một hành lang thông suốt nằm bên ngoài ở sát vách phía trước, để tiện cho việc đi lại của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiều gian giành cho nhiều gia đình và càng nhiều gia đình thì càng nhiều gian nhưng ở giữa ngôi nhà dài đó, bao giờ cũng có một gian chung (pang) nên số gian của nhà dài bao giờ cũng bằng với số hộ nhỏ trong gia đình và thêm một gian nữa. Gian chung được bố trí ở giữa và chia làm hai phần, một phần dùng để cột cúng (long ch’lóng yang), bàn thờ (ch’lóng yang) dưới chân cột cúng để hai ché rượu lớn (ché chồng đ’ rập ngang), (ché vợ đ’rập tét). Bên ngoài dùng để tiếp khách và là nơi ngủ của khách, con trai chưa vợ trong gia đình, ở đây được đặt bếp lửa chung (h nha tơm). Trong nhà dài, ở phía trái sát vách là gian của vơ, chồng chủ nhà, các gian còn lại về phía hai bên d2nh cho các cặp vợ chồng em gái hoặc con gái chủ nhà, theo thứ tự từ coa xuống thấp. Trong mỗi gian, vách phía sau dùng để treo quần áo và để tài sản cá nhân, ở giữa là nơi ngủ. Ở giữa là bếp lửa dùng để sưởi ấm. Bên ngoài có ba cầu thang lên xuống, một cầu thang ở chính giữa, hai bên nhà được bố trí hai cầu thang. Cầu thang giữa được gọi là ( lơ pống pang), hai cầu thang hai bên gọi là (lơ pống cốt). Ở giữa cầu thang chính có khoảng sàn nhỏ rộng khoảng 1,5m, dài 1,2m (pô ráp), chỗ này để dừng chân trước khi vào nhà, cũnglà nơi dùng làm nghi thức rửa chân cho khách trước khi ra về, nếu trong nhà có người chết với ngụ ý không cho người chết theo về nhà.
Nhà dài và kiểu bố trí không gian nhà phổ biến nhất trong tất cả các nhóm người K’ho. Nhưng ở một số trường hợp lại có sự thêm bớt, thay đổi bố trí mặt bằng phòng khách, vì thế mà phần cột cúng, bàn thờ cũng theo đó mà thay đổi.
Ngày nay, sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ, K’ho đã tiếp thu nhiều cái mới từ bên ngoài vào, trong đó có nhiều yếu tố tiến bộ của văn hóa khác tộc mà từ đây, văn hóa vật chất cũng được thay đổi mạnh mẽ, trong đó có ngôi nhà. Nguyên nhân nữa là ngày nay người K’ho sống định canh định cư, một phần do nguyên vật liệu làm nhà khan hiếm nên dẫn đến việc thay đổi vật liệu và cách dựng nhà là điều tất yếu. Vì vậy, sự chuyển đổi từ nhà dài truyền thống sang nhà trệt có lẽ cũng là một tiến bộ và cũng nói lên được cuộc sống mới của người dân nơi đây. Tuy nhiên, được và mất, mọi sự biến đổi đều không tránh khỏi. Nhà sàn dài có nhược điểm và ưu điểm của nó, nhưng ngày nay, khi bị mai một và mất hẳn thì cái nhược và cái ưu cũng một lượt ra đi, thay vào đó là sự tan rã của gia đình truyền thống, các nghi thức, tín ngưỡng liên quan đến ngôi nhà.
Siu Black

Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Lê Bá Thanh: NGÔI NHÀ DÀI CỦA NGƯỜI K’HO Ở LÂM ĐỒNG"

Đăng nhận xét