Hiển thị các bài đăng có nhãn THÔNG TIN MỸ THUẬT SỐ 15-16. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn THÔNG TIN MỸ THUẬT SỐ 15-16. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015

Danh Họa Tô Ngọc Vân - Người Thầy Của Khóa Mỹ Thuật Kháng Chiến


Danh Họa Tô Ngọc Vân - Người Thầy Của Khóa Mỹ Thuật Kháng Chiến
Tháng 10 - 1950, Trường Cao đẳng Mỹ thuật khai giảng khóa đào tạo chính quy đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự chủ trì của vị Hiệu trưởng – họa sĩ danh tiếng Tô Ngô Vân. Khóa học ấy sau này ta thường gọi là “Khóa kháng chiến” ở chiến khu Việt Bắc, Trường Mỹ thuật Việt Nam. Mục đích của trường là đào tạo lớp họa sĩ – cán bộ đem “hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ hội họa của nhân dân…”, bởi vì, chúng ta “nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa”. (Bài Người vẽ của Tô Ngọc Vân đọc tại lê khai giảng Trường Mỹ thuật ở Nghĩa Quân, Phú Thọ, tháng 10 - 1950).
Thầy trò trường Mỹ thuật đi công tác "Sản xuất - Tiết kiệm". Thái Nguyên. 1952
Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đứng ra tổ chức và xây dựng Trường Mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp, là người thầy chủ trì và hướng dẫn toàn bộ công tác chuyên môn và hoạt động của trường. Phải nói rằng, việc thuyết phục “trên” mở lại trường lúc đó là công lao chính của ông, kể từ việc làm thủ tục giấy tờ, mời giảng viên (các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyên Tư Nghiêm, Bùi Trang Chước…), rồi tổ chức trường lớp, soạn chương trình giáo khoa v.v… đều do ông đảm đương. Bởi bản thân ông, trước Cách mạng tháng Tám đã là nhà sư phạm hội họa dầy dạn kinh nghiệm và tràn đầy nhiệt huyết. Trong kháng chiến, năm 1984 chính phủ đã giao cho ông lập lại Trường Mỹ thuật và bổ nhiệm ông làm Giám đốc của trường. Cùng với Ban giảng viên (tức Hội đồng giáo sư) ông tận tình chỉ bảo, nêu những nhận xét rõ ràng và thẳng thắn các bài tập của học viên, đánh giá và khuyến khích mỗi tiến bộ dù nhỏ của từng người, nhờ đó học viên tiến bộ nhanh chóng. Qua 4 năm (1950 - 1954) học tập, thực tập, phục vụ các mặt công tác xã hội, khóa mỹ thuật kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trường đề ra, gắn chặt “học đi đôi với hành”, rèn luyện hình thể và màu sắc, vẽ tranh, bày triển lãm động viên tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ tổ quốc, góp phần nâng cao thị yếu mỹ thuật của nhân dân. Lớp họa sĩ ngày ấy đã tiếp nhận được một trình độ hội họa và thẩm mỹ cơ bản, vững vàng để có có sở tiếp tục phát triển tài năng sau đó.
Và điều này đã nói lên mơ ước của họa sĩ Tô Ngọc Vân là “xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc… để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới” (trang viết của Tô Ngọc Vân). Mơ ước đó của ông đã và đang trở thành hiện thực không ai có thể phủ nhận.
Một buổi học vẽ ngoài trời. Lăng Quán, Tuyên Quang. Ký họa: Ngô Mạnh Lân
Thầy Vân – một họa sĩ tài năng, uyên bác, mẫu mực trong sự chuyển mình, rực rỡ trong nghệ thuật, hết lòng trong đào tạo lớp trẻ  mỹ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước. Công lao to lớn ấy thuộc về  “Danh họa Tô Ngọc Vân – Người thầy của khóa Mỹ thuật kháng chiến”.
N.M.L.Tháng 10 - 1950, Trường Cao đẳng Mỹ thuật khai giảng khóa đào tạo chính quy đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự chủ trì của vị Hiệu trưởng – họa sĩ danh tiếng Tô Ngô Vân. Khóa học ấy sau này ta thường gọi là “Khóa kháng chiến” ở chiến khu Việt Bắc, Trường Mỹ thuật Việt Nam. Mục đích của trường là đào tạo lớp họa sĩ – cán bộ đem “hội họa phụng sự nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn để nâng cao trình độ hội họa của nhân dân…”, bởi vì, chúng ta “nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta trả lại nhân dân bằng hội họa”. (Bài Người vẽ của Tô Ngọc Vân đọc tại lê khai giảng Trường Mỹ thuật ở Nghĩa Quân, Phú Thọ, tháng 10 - 1950).
Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đứng ra tổ chức và xây dựng Trường Mỹ thuật thời kháng chiến chống Pháp, là người thầy chủ trì và hướng dẫn toàn bộ công tác chuyên môn và hoạt động của trường. Phải nói rằng, việc thuyết phục “trên” mở lại trường lúc đó là công lao chính của ông, kể từ việc làm thủ tục giấy tờ, mời giảng viên (các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyên Tư Nghiêm, Bùi Trang Chước…), rồi tổ chức trường lớp, soạn chương trình giáo khoa v.v… đều do ông đảm đương. Bởi bản thân ông, trước Cách mạng tháng Tám đã là nhà sư phạm hội họa dầy dạn kinh nghiệm và tràn đầy nhiệt huyết. Trong kháng chiến, năm 1984 chính phủ đã giao cho ông lập lại Trường Mỹ thuật và bổ nhiệm ông làm Giám đốc của trường. Cùng với Ban giảng viên (tức Hội đồng giáo sư) ông tận tình chỉ bảo, nêu những nhận xét rõ ràng và thẳng thắn các bài tập của học viên, đánh giá và khuyến khích mỗi tiến bộ dù nhỏ của từng người, nhờ đó học viên tiến bộ nhanh chóng. Qua 4 năm (1950 - 1954) học tập, thực tập, phục vụ các mặt công tác xã hội, khóa mỹ thuật kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trường đề ra, gắn chặt “học đi đôi với hành”, rèn luyện hình thể và màu sắc, vẽ tranh, bày triển lãm động viên tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ tổ quốc, góp phần nâng cao thị yếu mỹ thuật của nhân dân. Lớp họa sĩ ngày ấy đã tiếp nhận được một trình độ hội họa và thẩm mỹ cơ bản, vững vàng để có có sở tiếp tục phát triển tài năng sau đó.
Và điều này đã nói lên mơ ước của họa sĩ Tô Ngọc Vân là “xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc… để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới” (trang viết của Tô Ngọc Vân). Mơ ước đó của ông đã và đang trở thành hiện thực không ai có thể phủ nhận.
Thầy Vân – một họa sĩ tài năng, uyên bác, mẫu mực trong sự chuyển mình, rực rỡ trong nghệ thuật, hết lòng trong đào tạo lớp trẻ  mỹ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước. Công lao to lớn ấy thuộc về  “Danh họa Tô Ngọc Vân – Người thầy của khóa Mỹ thuật kháng chiến”.
Lê Bá Thanh
read more...

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Đại học Tp.HCM: INGRES Trong Tiền Sảnh Của Ngôi Nhà Hội Họa Hiện Đại

Đại học Tp.HCM: INGRES Trong Tiền Sảnh Của Ngôi Nhà Hội Họa Hiện Đại

Kẻ tò mò, bị bệnh thần kinh, lập dị… là những tố chất đã kết tụ và ngự trị trong Ingres với những dồn nén và ám ảnh về những cuồng si trong trí qua hình tượng phụ nữ khỏa thân đẹp tuyệt trần của ông. Hai triển lãm có ý nghĩa đặc biệt ở Louvre và Montauban trong năm 2006, đã giới thiệu chi tiết tất cả những đặc sắc và cảm hứng thăng hoa của bậc thầy Ingres qua nét vẽ gợi cảm bằng những đường cong uốn lượn, thanh tú, nhẹ nhàng.


INGRES(Jean Auguste Dominique), 1780-1867

Lời nói của bậc thầy Ingres với người thừa kế xuất sắc nhất của mình là Degas, đầy vẻ phóng khoáng: “Nét bút chì phải dạo chơi trên giấy như một chú ruồi trên tấm kính”. Trong một công thức hiển nhiên và nghịch lý, Ingres đã nói về tranh của ông: như là cái nhìn (tấm kính) phải sờ mó được (con ruồi). Điều này có nghĩa là đường nét khi vẽ không biết đích xác đi về đâu nhưng nó tạo được những điểm nhìn làm thay đổi diện tích bề mặt bức tranh. Toàn bộ nền hội họa hiện đại đều đã tập trung vào ông, người mà vào thời đó, đã được nhìn nhận ở một câu đả kích nhức nhối: “Ingres chính là một người Trung Quốc đi lạc trên những đường phố Athènes”. Người ta, vào thời ấy, đã không biết gì về “một người Trung Quốc” mà người Trung Quốc này lại lạc lối ở Athènes, thì rõ là không ai hiểu được gì cả. Điều đó cũng giống như người ta đã cho ông là không bắt kịp sự trong sáng, rõ ràng của chủ nghĩa cổ điển. Trước phản đối của mọi người về hội họa của ông có còn tuân thủ những khuôn thước của nghệ thuật cổ điển (“Nhiếp ảnh thì thật đẹp, nhưng không bàn đến ở đây”) ông đã phản ứng dữ dội và phẫn nộ phát biểu cả với Delacroix rằng: “Với hội họa thì những đầu máy xe lửa cũng không nhìn thấy gì hết”. Ingres là họa sĩ hiện đại hơn hết, và như Rimbaud (Arthur Rimbaud, 1854 – 1891, Nhà thơ Pháp): “hoàn toàn hiện đại”. Đó là một “sự khuấy động”, có thể sử dụng từ ngữ này của Baudelaire (Charles Baudelaire, 1821 – 1867, nhà thơ Pháp) trong nhận định về cái đẹp của thế kỷ XIX: “Một bậc thầy của những đường cong gợi cảm, thanh thoát, người đã cởi bỏ chiếc áo ngực của phụ nữ!”, câu nói vui về Ingres của Giám đốc mỹ thuật Bảo tàng Louvre, Stéphane Guégan, và ông còn nói thêm: “Cuối cùng thì Ingres hiện đại hơn cả Delacroix, người vẫn còn đang mơ về một sự thống nhất hài hòa của hội họa. Thực thế, Ingres đã làm một việc tập hợp, sắp xếp và kết dán những hình mẫu lộn xộn, rải rác, tập trung làm rõ một chi tiết nào đó, mà đôi khi nó làm ảnh hưởng đến tổng thể bức tranh. Picasso mỗi khi trở lại lâu đài Vauvenargues của mình đã không bao giờ bỏ sót việc đến thăm lại, nhìn ngắm lại người u mê lộng lẩy của Ingres: tác phẩm Jupiter và Thétis ở Bảo tàng Aix-en-Provence (minh họa ngang bên cạnh). Lúc tham quan Bảo tàng Louvre, Barnett Newman, khi đối diện với Người đàn bà trong nhà tắm ở Valpinçon đã thốt lên: “Tôi yêu thích kiểu thức này khi ông ta thể nghiệm ở đơn sắc”.

TÌNH CUỒNG SI CỦA MỘT KẺ TÒ MÒ


Nữ phục vụ nhà tắm (còn gọi là "Người đàn bà trong nhà tắm ở Valpincon). 1808. Sơn dầu. 146x97cm. Chi tiết của vết cắt bằng dao và nét vẽ bằng tay  


LUCIO FONTANA.Concetto Spaziale. Attese. 1962. Sơn dầu. 65x50cm

Chúng ta trở lại với con ruồi – như là cây bút chì, trên một tấm kính – như là tờ giấy. Trong nghệ thuật cổ điển, tấm kính tạo nên vết cắt trong suốt, rõ ràng, ngăn cách giữa người xem và tác phẩm cũng như nội dung hư cấu của bức tranh đó. Tấm kính này thì lạnh lẽo bởi vì nó kiến tạo nên một khoảng cách thị giác không thể vượt qua.


Nghiên cứu cho tác phẩm "Nhà tắm". Chì tha. 62x49cm. Bản vẽ đã cho thấy một Ingres cuồng nhiệt, hỗn độn và mạnh mẽ. Hình vẽ biểu lộ sự gần gũi với Delacroix và trực tiếp ảnh hưởng đến "Những người nữ phục vụ nhà tắm" của Degas

Đối với Ingres, nó là một bức vách trong trẻo một cách kỳ lạ. Bức tranh Nhà tắm là một nhà chứa tưởng tượng (trang 25). Toàn bộ tác phẩm của Ingres gần như chỉ là những khuê phòng, những nhà chứa lạ lùng. Tình cuồng si của kẻ tò mò, của người tâm thần và ức chế. Sự kỳ ảo của ông không bao giờ sờ mó được. Đó là một thứ điện ảnh hư cấu. Bóng nhẵn, lạnh buốt. Những tấm lụa sáng bóng qua nét vẽ của Ingres như đốt cháy mắt nhìn bởi tuyết và những hình tượng phụ nữ khỏa thân của ông giống như cẩm thạch. Ta có thể nói, những tác phẩm đó hết sức “hàn lâm” và vượt thời gian. Sự diễn tả nhẹ nhàng, mịn màng đã chinh phục hoàn toàn người xem trong trạng thái bị ám ảnh đầy khêu gợi, những tác phẩm của ông biểu lộ những xúc động chết chóc, mang nặng xúc cảm hoa tình. Paul Claudel còn đi xa hơn, đó là phẩm chất Nhà tắm của “chiếc bánh mật”. Đáng tiếc rằng lúc đó những hình vẽ gợi cảm của Ingres đã không làm triển lãm ở Paris, không tổ chức bởi Adrien Goetz tại Montauban, thành phố quê hương của họa sĩ (nơi mà người ta rất chú trọng đến những kỹ thuật lắp ghép như ông). Ta thấy rõ rằng Ingres đã đi sâu trong thế giới hội họa gợi tình đến mức “dâm họa” (Ingres, cũng như Courbet, đều đã táo bạo tìm về nguồn gốc vũ trụ, nguồn gốc thế tục để diễn tả). Tuy nhiên, có một con ruồi… nó lao lên mặt phẳng diện tích và nhả nước bọt trên lớp biểu bì mà nó đã nghe thấy được bằng sự mò mẫm, thăm dò. Lộ trình phong cách của Ingres là quanh co, uốn lượn với một chút điên dại. Những cảm giác đã khẳng định hội họa của ông, khẳng định được ước vọng chân thực của ông, thần tình ái của ông đã hiện lên trong nét vẽ. Sự khát khao của ông đó là tình cuồng si, mà sự thèm khát đó đã được thêm vào trong tác phẩm Cung phi một đốt xương sống lưng căng phồng, nuột nà của Thétis. Ta có thể nói về nội dung “nâng hình” này, bởi vào thời đại của Ingres, những tiêu chuẩn của cái đẹp Hy – La là thống trị tuyệt đối và còn đối kháng lại với những tìm tòi của Manet, của Picasso. Nhưng hình vẽ của Ingres biểu lộ tình cảm trong sáng và nóng bỏng sự nhiệt thành hơn là sự nâng hình. Tất cả đã nói lên sự hội tụ của các yếu tố: hình dáng, sắc độ, đường viền giới hạn hình bên trong và hình xung quanh cũng như màu sắc. Đó chính là kết tinh của sự đam mê cháy bỏng và kỹ thuật điêu luyện, đã làm rung động người xem qua những hình đẹp và những dáng hay. Không ngạc nhiên khi Degas và Picasso hay Matisse và Wesselman đều chịu ảnh hưởng của Ingres.

THẦN KINH VÀ ĐAM MÊ
Bằng một từ, hình vẽ của Ingres thì hết sức mãnh liệt: “phải kết thúc bởi sự điên loạn và cuồng si”, ông ta đã nói: “Nếu đối nghịch với Delacroix theo những tiêu chuẩn “nâng hình”, phá cách và màu sắc thì thật là ngu ngốc”. Một nghệ sĩ lớn luôn hợp nhất được cả hai. Delacroix, họa sĩ của màu lục và đỏ, đã suy nghĩ rằng người ta cần phải có thể “vẽ một con người trong khoảng thời gian rơi từ mái nhà xuống” và Ingres là một người thích dùng màu chói sáng. Ở Bảo tàng Louvre có ký họa của Ingres Roger giải cứu Angélique (1819) trong đó người đàn bà khỏa thân bị trói ở mảng đơn sắc đỏ… “người ta không chết vì nóng, ông ta nói, người ta chết vì lạnh”. Và cũng như thế, câu nói tuyệt vời về đường nét “phải căng như là dội bom, phải mềm mại như cái giỏ chứa đựng hình dáng”. Mỗi khi người ta tán dương nghệ thuật vẽ chân dung của ông thì ông như cáu điên lên. Vì đối với ông ta phác họa chân dung giai cấp tư sản cũng có nghĩa là đề cập đến lịch sử và vinh quang của thế kỷ đã có


INGRES. Jupiter và Thestis.1811. Sơn dầu. 327x260cm  


PABLO PICASSO. Hình nghiên cứu dựa theo tranh Jupiter và Thestis của Ingres. Bút dạ. 27x37cm.

được những nhà khoa học như: Michelet, Auguste Comte và Sainte-Beuve… từ phần dưới thấp. Cá nhân chủ nghĩa, tự kỷ quá đáng của giai cấp trung lưu đã chiếm đoạt mọi quyền hành làm cho ông tức giận và chán ngán. Ông không ưa một ai, công chúng xa lánh ông, còn giai cấp quý tộc thì mâu thuẫn với ông. Ông là một người tư sản không bao giờ chịu nổi lời nói của giai cấp quý tộc: “tác phẩm hội họa, chính là vinh hoa của nghệ thuật”, một nhận định mang đầy tính thương mại, còn ông thì cho rằng: “tác phẩm hội họa, chính là sự cao cả của nghệ thuật”. Vậy là nó đã vô ý thức đối lập nhau, như bên cạnh hình người quá chi tiết của Ông Bertin (1832), một ông chủ nhà xuất bản, là tấm lưng trần của người nữ phục vụ trong nhà tắm Valpinçon. Sấp và ngữa. Thẳng mặt (ngữa), với y phục trang trọng, sự mạnh mẽ đầy nam tính. Xoay lưng (sấp), là đường cong mềm mại của một người nữ lõa thể. Thẳng mặt, một quý tộc tiếng tăm có thể được phô bày từng nét trên mặt của ông ta cho đến những tỳ vết nhỏ nhất. Chiếc lưng của người nữ phục vụ (người mẫu) trong tư thế giấu tên giấu mặt, không ai biết, chiếm một bề mặt diện tích lớn – “Valpinçon” chính là tên của người sở hữu bức tranh! Người đàn bà là hàng hóa. Bức tranh cũng vậy. Phải có tất cả thiên tài như Ingres để chuyển đổi cả hai bằng một cái gì đó thăng hoa. Ông là một người bị cô lập, luôn giận dữ, luôn bất mãn (ông đã thốt lên: “tuổi già của tôi sẽ trả thù cho tôi”), ông tranh luận không mệt mỏi, đồng thời là nhà mô phạm độc đoán, người đã chỉnh sửa những hình vẽ cho học trò của mình bằng những đường rạch, cào của móng tay và bắt học trò phải quay đầu lại, không được nhìn khi họ đang đi ngang qua trước một tác phẩm của Rubens ở Bảo tàng Louvre. Ingres, quả thật, là một họa sĩ lập dị và thánh thiện! Theo Kant (Emmanuel Kant, 1724 – 1804, nhà triết học Đức): “Trong nghệ thuật chỉ có được sự thăng hoa khi nào lý trí sáng suốt và tình cảm dữ dội không còn hợp nhất, không gặp gỡ nhau. Và, những điều nghịch lý trong tác phẩm của Ingres là ở chỗ đó, căng thẳng và nhịp nhàng, giữa sự mạnh mẽ của mảng và uốn lượn của đường nét, giữa màu và hình, giữa bị sắc cuồng lõa thể và cái vỏ bề ngoài của giới trưởng giả, quý tộc”.

Nguyễn Văn Minh (Dịch từ tạp chí Beaux Arts, 2/2006)
read more...

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

Văn hóa- Nghệ thuật Tây Nguyên: Thổ Cẩm Ê Đê

Văn hóa- Nghệ thuật Tây Nguyên, xay dung doi song van hoa, diem chuan dai hoc van hoa, van hoa phi vat the, cong ty van hoa viet, van hoa hoc duong, chuc nang van hoa, di san van hoa vat the, van hoa co dai, phimkinh van hoa : Thổ Cẩm Ê Đê 
Tác giả: Hồ Thị Diệu Thúy
Nghiên cứu viên, Viện Văn hóa Nghệ thuật, Phân viện tại Tp.HCM


Một mẫu trang phục của người Ê Đê

Ơ vùng Tây Nguyên trước kia vẫn tồn tại một tập tục truyền thống khá đặc biệt, đó là trong các lễ cưới hỏi, người con gái luôn tự tay dệt các tấm chăn, áo, khố, thổ cẩm để làm quà tặng họ hàng nhà chồng. Có lẽ vì vậy mà đồng bào dân tộc ít người sống trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên hầu như đều biết ít nhiều về nghề dệt thổ cẩm. Nổi bật và được nhiều người biết tới có lẽ phải kể đến thổ cẩm và những hoa văn trang trí trên thổ cẩm Êđê.
Nguyên liệu dệt của người Êđê là cây bông (tiếng Êđê gọi là Blang). Quả bông đem về được bóc vỏ, tách riêng lõi và phơi trên những nong tre lớn. Người ta tách hạt, bật cho bông tơi xốp rồi se lại thành những con bông, từ con bông lại kéo thành sợi thô (tức là sợi chưa qua quy trình nhuộm)
Màu sắc
Trang phục Êđê truyền thống vốn có 5 màu cơ bản: đỏ (hrah), đen (yadu), vàng (cakni), xanh (yapiek) và trắng (kỗ), màu xanh lục có xuất hiện song rất hiếm. Để tạo nên bốn sắc màu chủ đạo: đen, đỏ, vàng, xanh trên tấm thổ cẩm, người phụ nữ Êđê đã tìm nguyên liệu tạo màu từ các loại lá rễ cây rừng.
Từ tháng bảy, họ đã vào rừng hái lá krum già để chuẩn bị thuốc nhuộm. Họ phơi vỏ ốc suối thật khô, nung lên, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Sợi nhuộm từ hỗn hợp nước lá – vôi ốc sẽ có màu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp trên nước lá knung giã nhỏ, nấu trong nồi chàm sẽ cho ra chất sợi màu đen bóng mịn, giặt không phai, phơi nắng không bay màu. Màu đen của người Eđê được xem là một trong những màu đen đẹp về sắc và độ bền.
Màu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên. Tuy vậy, màu đỏ của người Eđê không tươi mà chỉ đậm hơn màu đất nung một chút. Sản phẩm dệt màu đỏ được coi trọng hơn hết. Những tấm thổ cẩm đỏ rực thường dùng để trang trí trong các lễ hội, những buổi cúng Giàng chứ không được cắt may thành những món đồ gia dụng.
Màu vàng được nhuộm từ củ nghệ. Người ta chọn những củ già, mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt nước nhuộm. Khi phơi sợi, họ sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ sạch các vụn màu, vỏ cây.
Khung dệt của người Eđê là kiểu khung dệt Indonesien, nói một cách đơn giản, là về hình thức dệt vải của người Eđê không khác gì việc đan lát (các nhà dân tộc học gọi đây là kỹ thuật đan luồn sợi).







Đối với việc tạo hoa văn, công việc đòi hỏi người dệt phải nắm bắt ý đồ từ khi mắc sợi. Mỗi loại hoa văn có số sợi dọc, sợi ngang, kỹ thuật nâng và hạ sợi hoàn toàn khác nhau. Thông thường trên một khổ vải rộng 0,9 m, người Eđê tạo những đường diềm nhỏ ở hai đầu biên vải. Phần hoa văn chính tập trung cách biên một chút, rộng khoảng 20 – 30cm và một số đường trang trí nhỏ chạy giữa thân vải.
Nền vải Eđê nhìn chung không sáng và sặc sỡ như vải của các tộc người phía Bắc hoặc người Mnông lân cận. Màu vải hầu như đen hoặc chàm sẫm. Nổi trên nền tối đó là những dải màu tương phản như đỏ, vàng nhưng do độ mảnh mai của các đường diềm nên sự tương phản mạnh mẽ lại trở nên khá chìm lắng. Trong những bộ trang phục Eđê, màu sậm làm tăng tính trang nghiêm, đứng đắn, còn màu vàng, đỏ lại mạnh mẽ, lôi cuốn sự chú ý. Sự phối màu giữa đỏ - đen, đỏ - chàm sẫm, đen – vàng khiến dải hoa văn tạo nên hiệu ứng sinh động, là điểm nhấn của cả bộ trang phục.
Hoa văn
Dải hoa văn chiếm diện tích từ 1/4 đến 1/3 bề mặt vải, gồm những chuỗi họa tiết, lá cây, con thú được cách điệu dưới dạng hình học chạy dài liên tục suốt chiều dài vải như: hoa văn rau dớn, cối giã gạo… ước tính có khoảng 48 loại hoa văn thường gặp. Ngoài ra còn có các loại đường thẳng, đường dích dắc, cong, gãy nằm song song theo dải hoa văn.







Đỉnh cao của nghệ thuật trang trí hoa văn trên nền vải Eđê là kỹ thuật kteh. Chỉ những bộ lễ phục Eđê ngày xưa mới sử dụng kỹ thuật thêu tay này để trang trí. Kỹ thuật kteh thể hiện trên một khổ vải hẹp từ 5 - 6cm, gồm hai màu chính là đỏ và trắng – gọi là đêc. Những hoa văn bố trí trên đêc luôn đăng đối hài hòa. Một chuỗi những hạt cườm “ktơr adũ” màu trắng sáng xếp san sát trên phần biên. Đêc được may hoặc kết đè lên phần vải cần trang trí như chân khố, chân váy,…
Hoa văn còn là tiêu chuẩn để đồng bào Eđê phân loại trang phục. Họ gọi tên các bộ váy áo dựa vào loại hình hoa văn. Nam giới có các loại khố kpinteh, kpindrai, kpindruech thêu dệt những dải hoa văn có giá trị, ngoài ra còn có hai loại kpinmlang và kpinbăn trang trí đơn giản. Trên váy áo nữ giới hoa văn tập trung ở gấu váy, gấu áo, đường viền tay. Với váy nữ có 3 loại yêngdí, yêngkdruech piek (váy hoa xanh) và yêng đêc (váy có hoa văn đêc). Đi đôi cùng váy khố là các loại áo nam nữ như ao kor (áo cụt tay), ao đrêc ănk đrai (áo hoa con rồng), ao đêc krưk grự (áo hoa đại bàng dang cánh). Trên mỗi vai áo nữ đính những hàng hoa, kim sa thành dải từ 15 - 25cm. Những điểm nối nách áo, viền váy, viền khố được kết chỉ đỏ trang trí đè lên các điểm nối.
Ngay như về mặt nguyên liệu, mỗi mùa thu hoạch quả blang, người ta chỉ sản xuất ra một khối lượng sợi nhất định. Quy trình nhuộm màu truyền thống mặc dù mang lại hiệu quả bền, đẹp nhưng màu sắc thiếu sự tươi mới, bắt mắt khách hàng. Thế nên, không chỉ riêng thổ cẩm Eđê mà các sản phẩm dệt truyền thống đều có sự cải tiến thay đổi cho phù hợp với thị trường sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, quá trình này đã dẫn tới xu hướng người dệt tự thay dổi hình thức thổ cẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng và dần dần tự đánh mất bản sắc của chính mình - những đặc điểm riêng có của thổ cẩm Eđê, những quan niệm thẩm mỹ, cá tính sáng tạo của tộc người Eđê.

H.T.D.T.
read more...

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Nghề Curator Và Nghệ Thuật Đương Đại

Mỹ thuật Việt Nam hiện đại: Nghề Curator Và Nghệ Thuật Đương Đại
Trang Thanh Hiền- Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam




LÊ THỊ VIỆT HÀ. Vỡ. Sắp đặt tại S.O.C

Nghề curator (quản lí, tổ chức triển lãm) được biết đến ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, khái niệm chính xác về nghề này như thế nào vẫn là điều mơ hồ với đại đa số dân chúng Việt Nam, thậm chí với chính các nghệ sĩ. Việc không có các curator chuyên nghiệp là thiệt thòi lớn đối với mỹ thuật đương đại Việt Nam, trong việc xác định vị trí của nó ở chính Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt nó là một thiệt thòi không nhỏ đối với thế hệ các họa sĩ trẻ Việt Nam. Bởi nghệ thuật ngày nay không chỉ dừng lại ở các bức tranh hội họa đơn thuần được treo trên tường, mà nghệ thuật đương đại chiếm lĩnh cả không gian thưởng ngoạn quanh nó.
Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy thiếu vai trò của những curator cho các triển lãm nghệ thuật đương đại đến vậy . Và ở đâu đấy, người ta nói đến một sự độc quyền nào đó của một vài người đang đứng ra đảm trách nhiệm vụ này. Rồi lại có những phản ứng của một số nghệ sĩ đương đại không đồng tình bởi curator này độc tôn cho chỉ một nhóm nghệ sĩ và gạt bỏ những nghệ sĩ khác. Điều đó có nghĩa khi không có một đội ngũ curator khác nhau thì các triển lãm cũng thiếu đi sự đa dạng của cái nhìn hay quan điểm nghệ thuật đa dạng để thiết lập nên những góc nhìn. Và thiếu đến nỗi tất cả những trung tâm muốn tổ chức các hoạt động về nghệ thuật đương đại, khi không biết nhờ cậy đến ai, thì lại dồn vào vai chỉ một người, cũng có nghĩa chỉ có một gu thẩm mỹ, một cách lựa chọn. Do đó chỉ có một số họa sĩ trẻ nào đó được co cụm lại thành một nhóm chuyên triển lãm, còn các nhóm khác, những người khác lại phải tự thân vận động. Bởi vậy, tình trạng những gương mặt quen thuộc thường xuyên xuất hiện như không có sự thay đổi nào cả. Không cộng nhập thêm những người mới và cũng chẳng có những ý tưởng mới, cách triển lãm mới.
Vai trò của curator trong nghệ thuật đương đại
Có lẽ không cần đến một curator thì các triển lãm ở Việt Nam vẫn được tổ chức không hề hấn gì. Tuy nhiên chúng chỉ giống như việc góp gạo thổi cơm chung mà thôi. Cho dù đó là triển lãm mang tầm quốc gia hay của một nhóm nghệ sĩ cho đến cả những triển lãm Việt Nam đi nước ngoài. Dường như không có một ý tưởng nào cả và ngoài mục đích là triển lãm một cách thuần tuý là bán tranh. Cách thức chọn tranh cũng vậy, hoàn toàn cảm tính, hoặc do quen biết. Triển lãm toàn quốc năm 2000 đã được nhìn nhận như một hội chợ mang tính phong trào là chủ yếu, tính chuyên nghiệp là thứ yếu. Người ta cũng sẽ không nghi ngại rằng triển lãm toàn quốc năm nay (2005) vẫn đi theo cái vết xe đó, bởi dường như không có một sự thay đổi nào cả trong cung cách tổ chức. Cho dù không ít các ý kiến nói rằng cần phải tổ chức chúng như những Biennal nghệ thuật. Và một điều quan trọng có lẽ chưa người làm tổ chức nào nghĩ đến là vai trò giáo dục, hay hướng dẫn của một triển lãm kể cả những triển lãm đương đại. Do đó điều thường xuyên được nghe những lời than phiền từ các nghệ sĩ cũng như người tổ chức rằng nghệ thuật Việt Nam nói chung không có công chúng huống chi là “khó hiểu như nghệ thuật đương đại”.
Điều này cho thấy vai trò của các curator không phải nhỏ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đặc biệt khi nghệ thuật ngày nay đã không còn đơn giản là việc treo những bức tranh lên như thế nào. Với các loại hình đa phương tiện mới, thì vai trò của người curator càng quan trọng. Làm thế nào để nghệ thuật đương đại nói riêng có công chúng, và làm thế nào để vấn đề các nghệ sĩ đương đại đặt ra không chỉ dành riêng cho một nhóm người mà được sự quan tâm chung của toàn xã hội (?). Làm thế nào để các phương tiện thông tin đại chúng đánh giá một cách đúng đắn và khách quan về các loại hình nghệ thuật này mà không phải là nhìn từ một con mắt sống sượng qua các hiện tượng biểu hiện.


Sắp đặt của Trần Lương tại Richard F.Brush Art Gallery, Mỹ. 2000

Do đó, trách nhiệm của một curator là vô cùng quan trọng. Nếu nghệ thuật đương đại đặt vai trò của ý tưởng lên trước, có tính quyết định cơ bản đối với hình thức của tác phẩm, thì đối với một triển lãm đương đại nó cũng có vai trò không kém. Ngoài ra họ còn là người kết nối các họa sĩ trẻ lại với nhau trong một môi trường nghệ thuật mới. Lựa chọn những ai, và đặt ra cách làm việc như thế nào cho hợp lý. Tuy rằng, nghệ thuật đương đại Việt Nam mới chỉ cập nhật được khoảng hơn chục năm trở lại đây, nhưng nó cũng đã có những sự phân hoá nhất định. Điều mà các nhà phê bình thường định danh là các phong cách như nghệ thuật có khuynh hướng dân gian, hay nghệ thuật ý niệm… Như vậy đối với việc tập hợp họa sĩ và tổ chức triển lãm một cách chuyên nghiệp đã cần đặt ra những vấn đề khác nhau. Chúng ta chưa làm được điều này, nên triển lãm của Việt Nam thường lỗ chỗ, thường thì các nghệ sĩ tự tập hợp lại với nhau để triển lãm. Chỉ trừ một số các triển lãm có sự tham gia của các quản lý người nước ngoài, ví dụ triển lãm ở số 30, Hàng Than. Thường các chủ đề ý tưởng được đặt ra khá rõ ràng đối với các triển lãm chung của nhiều tác giả. Từ việc có ý tưởng cho đến việc tạo nên một triển lãm là một con đường dài. Các ý tưởng của họa sĩ có thể có những điểm chung nhưng vẫn là những tiếng nói đơn lẻ. Người làm curator còn phải bao quát được nhiều khía cạnh khác như: xã hội, con người chứ không chỉ riêng nghệ thuật. Nên curator không chỉ là người có năng lực tổng quan để có thể trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện cùng tồn tại trong một không gian sao cho hiệu quả nhất. Họ còn là người trung gian chuyển tải các ý tưởng để công chúng có thể hiểu được nghệ thuật là gì. Họ cũng là người đi tìm các nguồn tài chính cho các cuộc triển lãm bởi nghệ thuật đương đại đa phần là phi lợi nhuận. Cuối cùng là phổ biến các thông tin triển lãm bằng con đường truyền thông, đây là trách nhiệm nặng nề nhất của các curator. Đặc biệt trước yêu cầu càng ngày càng cao của xã hội và thế giới, thì nhà tổ chức phải là người có cái nhìn đa chiều về nghệ sĩ và người thưởng ngoạn. Họ là người quyết định hiệu quả triển lãm như thế nào, có thu hút được công chúng quan tâm hay không, có nâng cao được tầm hiểu biết về nghệ thuật hay không. Cũng có nghĩa họ chính là một mắt xích quan trọng trong việc xã hội hóa nghệ thuật ngoài vấn đề của các nhà giáo dục. Do đó việc xây dựng và đào tạo đội ngũ curator cũng là một chiến lược quan trọng trong việc phát triển nghệ thuật.
Hệ thống bảo tàng và nghệ thuật đương đại:
Đây là vấn đề thứ hai chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết này. Mới xem qua thì tưởng chừng nghề curator và vấn đề các bảo tàng chẳng có gì liên quan với nhau. Bởi đơn giản là từ trước tới giờ chúng ta chưa bao giờ có một cách làm hay cái nhìn đồng bộ. Việc trưng bày các bảo tàng ở Việt Nam nhìn đi nhìn lại thì không khác bao xa với thể thức các nhà truyền thống, cho dù đó là Bảo tàng nghệ thuật hay lịch sử, quân đội. Bảo tàng nào cũng đều có phòng trưng bày các triển lãm không cố định. Nhưng lại không có một curator chuyên nghiệp để tổ chức cho các hoạt động của phòng triển lãm này. Do đó chúng có chức năng giống với các nhà triển lãm đơn thuần. Đâu thuê triển lãm thì tổ chức, tất nhiên là có kiểm duyệt. Đối tượng tham quan của bảo tàng phần nhiều là dành cho du lịch và khách ngoại quốc. Với người Việt, dường như việc đến bảo tàng không nằm trong các lịch trình đi chơi, tham quan của đại đa số người dân. Bởi đơn giản các bảo tàng (ngoại trừ bảo tàng duy nhất là Bảo tàng Dân tộc học) dường như không làm gì để cuốn hút quảng đại quần chúng và biến nhu cầu đến thưởng thức nghệ thuật, tham gia vào các hoạt động của họ thành nhu cầu thường xuyên. Đồng thời ở đó cũng không có các hoạt động để tạo nguồn lượng khách tham quan tương lai.
Để đạt được điều này, việc đặt mục tiêu giáo dục lên hàng đầu là một cách làm vô cùng phổ biến của đa phần các bảo tàng trên thế giới, cho dù đó là bảo tàng đương đại hay bảo tàng cổ điển. Ra vào các trung tâm như Pompidou, Bảo tàng Louvre hay các Nationnal museum ở các nước trên thế giới hàng ngày chính là các học sinh phổ thông. Họ đến đấy để học cả những môn học khác mà không chỉ riêng nghệ thuật. Điều này đã làm nên thói quen đến bảo tàng của tất cả mọi người chứ không chỉ một nhóm hay một giới quan tâm đến nghệ thuật. Như vậy muốn nghệ thuật có được công chúng thì bảo tàng nói chung và nghệ thuật nói riêng cần sự nỗ lực từ rất nhiều phía. Từ chương trình giáo dục ở trường phổ thông, từ hoạt động của các bảo tàng, nhà triển lãm, từ những người làm quản lý tổ chức triển lãm nghệ thuật (curator)… Tức luôn cần phải nghĩ đến thế hệ tương lai trong mọi hoạt động thì hiệu quả của việc làm triển lãm hay làm bảo tàng, làm giáo dục mới có được thành quả lâu dài góp phần thúc đẩy sự phát triển. Càng giáo dục trẻ em hiểu thế nào là nghệ thuật càng sớm thì càng tốt, bởi chúng là thế hệ nghệ sĩ cũng như công chúng tương lai của nghệ thuật và các Bảo tàng.


MELLA JARRSMA. Nơi ở của tôi. Sắp đặt tại S.O.C

Đến đây ta thấy rằng rất cần sự hiện diện vai trò của các curator. Và không chỉ curator hoạt động trên một lĩnh vực mà đa dạng trong các lĩnh vực nghệ thuật. Chính đội ngũ này sẽ làm hoạt động của các Bảo tàng trở nên sống chứ không chỉ là một nơi thụ động chờ người đến thuê phòng triển lãm như ở ta hiện nay. Chưa bao giờ Bảo tàng Mỹ thuật tổ chức được một cuộc nói chuyện hay chiếu phim giới thiệu về nghệ thuật hay một loại hình nghệ thuật nào đó (cho dù là mỹ thuật cổ hay cận, hiện đại, đương đại) cho mọi đối tượng không riêng giới mỹ thuật. Và như thế đương nhiên là không bao giờ có các buổi nói chuyện khi diễn ra các triển lãm, ngoại trừ họp báo. Bởi đơn giản là các triển lãm này không thuộc chương trình chủ động của Bảo tàng, mà là sự ký kết giữa người thuê và người cho thuê.
Ngoài ra ở Việt Nam, cho đến tận bây giờ việc chưa có một bảo tàng nghệ thuật đương đại là một sai lầm nghiêm trọng với xã hội và nghệ thuật Việt Nam. Không có bảo tàng đương đại đồng nghĩa với việc chúng ta không có một đối trọng cơ bản để tiếp nhận và phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam. Các sự kiện, tác phẩm đương đại không được lưu giữ, thất thoát ra nước ngoài, hoặc biến mất cùng thời gian bởi đặc trưng của nghệ thuật đương đại thường là diễn ra chỉ trong một khoảng thời gian nhất định (như perfomance art). Cho dù một vài năm trở lại đây Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có lưu tâm đến vấn đề này và mới bắt đầu mở cửa để triển lãm các tác phẩm nghệ thuật có tính đương đại. Các nghệ sĩ làm xong tác phẩm có thể cũng có những phương tiện lưu giữ như video hay các hình thức ảnh chụp cá nhân. Nhưng điều quan trọng cần thiết là bảo quản, lưu giữ chúng một cách hệ thống. Điều này rất cần đến vai trò của bảo tàng. Việc chưa có bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng như những người làm công việc lưu giữ các tác phẩm của các họa sĩ trẻ, (có thể ngày nay chưa thành danh, nhưng các tác phẩm của họ lại có một giá trị tốt, cũng như một tiềm năng nghệ thuật, điều mà các curator phải có khả năng phát hiện) đồng nghĩa với việc chúng ta đã để chảy máu chất xám trong suốt hơn 10 năm nghệ thuật đương đại Việt Nam hình thành và phát triển. Tất nhiên ở đây tôi không phủ nhận là hàng năm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn tiếp tục làm giàu có bộ sưu tập tranh của bảo tàng hàng năm, nhưng họ sưu tầm như thế nào chẳng ai hay. Bởi lẽ không có phòng trưng bày cho các tác phẩm mới đó. Họ mua về xếp trong kho, bao giờ có kế hoạch trưng bày thì đem ra. Nhưng cái kế hoạch trưng bày này dễ phải đến hơn chục năm nữa may ra mới được lập. Có những tác phẩm mà họa sĩ biết mình được bảo tàng mua nhưng mua xong rồi chẳng bào giờ có thể tìm kiếm được nó trong việc trưng bày cả.
Sai lầm khác không kém phần quan trọng đối với xã hội chính là giá trị giáo dục thế hệ tương lai thông qua các hoạt động nghệ thuật đương đại. Điều này tuy là chức năng chung của mọi loại hình bảo tàng cho dù có phải là nghệ thuật đương đại hay không, nhưng đối với các loại hình nghệ thuật mới, tính chất gần gũi cũng như tiếng nói phản ảnh các vấn đề đương đại sẽ giúp con người có thể xích lại gần nhau hơn. Bảo tàng đương đại sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xã hội hoá nghệ thuật. Đồng thời nó cũng sẽ là cửa ngõ để tiếp nhận giao lưu với các loại hình đương đại thế giới vào Việt Nam. Đây là điều hết sức cần thiết bởi lẽ hiện nay nghệ thuật thế giới chiếm 70% là các loại hình mới, còn 30% còn lại dành cho các thể loại nghệ thuật giá vẽ. Đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay, việc không có một bảo tàng cho nghệ thuật đương đại đã làm hạn chế, và đẩy nghệ thuật đương đại Việt Nam ra ngoài lề, khi trên thế giới nó đang chiếm vai trò chính thống. Bảo tàng này sẽ đánh dấu cho các sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam và đem đến những cơ hội để tổ chức các liên hoan nghệ thuật quốc tế. Như thế có nghĩa xoá đi các khoảng cách, mở rộng tầm nhìn cho các nghệ sĩ Việt Nam. Muốn có được điều này thì chúng ta trước hết phải có được những nhà tổ chức, quản lý có tầm nhìn chiến lược, tức các curator chuyên nghiệp.
T.T.H.
read more...

Mỹ thuật thế giới hiện đại: Công Xưởng Mỹ Thuật Trung Hoa

Mỹ thuật thế giới hiện đại: Công Xưởng Mỹ Thuật Trung Hoa 
Điền Thanh
(sưu tầm & giới thiệu theo bài China’s Art Factory cua Jessica Au, đăng trên tạp chí Newsweek, ngày 20 – 11- 2006 và bài China Celebrates the Year of the Art Market cua Carol Vogel, đăng trên Thời Báo New York ngày 25 - 12 - 2006)  



Yue Minjun. Chân dung người Trung Hoa

Những nhà sưu tầm mỹ thuật đương đại Trung Hoa giờ đây có cả một loạt tên mới để biết và để nhớ: đó là tên tuổi của các nghệ sĩ Trung Hoa mà sự nghiệp của họ hiện đang nổi lên như sóng cồn trong một khu vực thị trường vừa mới mẻ, vừa sôi động. Tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là Zhang Xiaogang, với loạt tranh nhan đề “Huyết thống” (Bloodline Series) bao gồm toàn những bức chân dung trong bối cảnh thời kỳ Cách mạng Văn hoá; Yue Minjun, tác giả của những bức chân dung vẽ những người Trung Quốc có bộ mặt rất giống bản thân hoạ sĩ; Zhang Huan, một hoạ sĩ “conceptual”, sáng tác những tác phẩm như “Nâng mực nước ao cá” (đây là một phần của tác phẩm nghệ thuật trình diễn trong đó Zhang đã chụp ảnh một số dân lao động địa phương đứng trong một ao cá cho thấy họ chẳng có tác dụng gì đối với nước ao cả)...
Người ta có thể thấy các tác phẩm này ở các galleries, các hội chợ mỹ thuật, các nhà bán đấu giá... ở nhiều thủ đô các nước ưa chuộng nghệ thuật trên thế giới, giá mỗi tác phẩm này giờ đây đã lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Charles Saatchi, trùm quảng cáo, nhà sưu tầm tác phẩm mỹ thuật và chủ gallery ở Luân Đôn, hiện đang bắt đầu săn lùng và vơ vét các tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Hoa đương đại, ông dự định sẽ tổ chức một cuộc triển lãm các tác phẩm này qui mô nhất, hoành tráng nhất từ trước tới nay, tại gallery mới của ông đang được xây dựng trên đường Kings Road của Luân Đôn.
Henry Howard-Sneyd, Giám đốc kinh doanh của nhà bán đấu giá Sotheby phụ trách Châu Á và Australia, cho biết: “Chỉ trong có một năm, chúng tôi đã bán được các tác phẩm đương đại Trung Hoa trị giá hơn 60 triệu đô la Mỹ, so với con số 15 triệu đô-la năm 2005. Chỉ riêng tháng 4 - 2006, nhà bán đấu giá này đã dành một phiên bán đấu giá đặc biệt tại New York cho thể loại này và đã thu được 13,2 triệu đô la. Từ bấy đến nay, giá tranh các tác phẩm đương đại Trung Hoa cứ tăng lên một cách đều đặn.
Một phiên bán đấu giá hồi tháng 11 vừa qua, tại Hồng Kông, của nhà bán đấu giá Christie dành cho các tác phẩm đượng đại Trung Hoa, đã thu về 68 triệu đô la. Ấy vậy mà các chuyên gia của Christie ở New York và Hồng Kông vẫn còn cho việc đem bán những tác phẩm ấy giới hạn trong phạm vi thể loại hẹp như vậy là một sai lầm, đáng lẽ phải mở rộng phạm vi các phiên đấu giá bao gồm các tác phẩm mỹ thuật cả đương đại lẫn thời hậu chiến thì có thể sẽ lợi hơn nhiều. (Tuy vậy, Sotheby chủ trương dành các phiên bán đấu giá đặc biệt hoàn toàn cho mỹ thuật đương đại Trung Hoa mà thôi!).
Liệu sự bùng nổ về giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa có được bền lâu hay không chưa ai biết rõ. Brett Gorvy, một trong số những người đứng đầu ban chuyên trách mỹ thuật hậu chiến và đương đại trên toàn thế giới của Christie, nhận định: “Mặc dù có thể có người cho rằng đây chỉ là sự phấn khích bộc phát theo “mốt” lần thứ nhất mà thôi, nhưng thực ra đây là một thị trường hoạt động sâu rộng hơn nhiều.” Còn Henry Howard-Sneyd thì cho rằng tổng doanh số các phiên đấu giá các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa tăng cao như vậy là do nhiều năm người ta đánh giá thấp các nghệ sĩ này, chứ không phải là chuyện cứ phát giá tướng lên một cách giả tạo thường thấy trong một số phiên đấu giá.
Cho nên, nếu ta tiên đoán rằng đây chẳng qua chỉ là một bong bóng sắp vỡ tung đến nơi, thì có lẽ đó là một sự đơn giản hoá vấn đề quá mức chăng. Henry Howard-Sneyd kết luận “Trong quá trình nền mỹ thuật đương đại Trung Hoa được quốc tế hoá một cách nhanh chóng, sớm muộn thể nào cũng sẽ có một sự điều chỉnh, và lúc đó giá cả các tác phẩm sẽ đi vào cân bằng, ổn định hơn.” ...
Chân dung một số nghệ sĩ nổi bật hiện nay


Nghệ sĩ Hán Bình với tác phẩm nghệ thuật trình diễn "Dắt cây Cải thảo " 

Lang thang quanh khu Thiên An Môn đông đúc, tấp nập, thể nào ta cũng bắt gặp Hán Bình đang kéo lê một cây cải thảo bằng một dây xích sắt nhỏ. Cây cải thảo của Hán Bình không phải là một cây rau được trình diễn trong một màn. Nó đã được kéo lê trên Vạn lý Trường thành, dọc theo bãi tắm ngoài bờ biển tại thành phố nghỉ mát Tân Hoàng đảo, cả ở chốn thôn dã thanh bình của một ngôi làng tại Tô Châu nữa. “Dắt cây Cải thảo”, cũng như tất cả các tác phẩm khác của Hán Bình, một nghệ sĩ nghệ thuật trình diễn của Trung Hoa ngày nay, là một lời bình luận cay độc về việc nước này hối hả dấn bước trên con đường hiện đại hoá, tôn thờ chủ nghĩa vật chất đến nhầy nhụa. Chàng nghệ sĩ 31 tuổi ấy, tốt nghiệp Viện Mỹ thuật Trung ương của Trung Hoa, trường mỹ thuật hàng đầu của cả nước, nói: “Tôi muốn cho mọi người thấy rõ chúng tôi đang mù quáng lao vào những trò tầm thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi tới mức nào.”
Hán Bình là một cá nhân của cả một thế hệ các nghệ sĩ Trung Hoa trẻ tuổi đang tìm kiếm những phương thức mới lạ, năng động nhằm lý giải cho cuộc bùng nổ kinh tế của đất nước họ. Họ đang loại bỏ những hình ảnh đã quá quen về chính trị và những bức chân dung về Chủ tịch Mao, người đã đưa các bậc tiền bối của họ vào những vị trí nổi bật trên trường quốc tế, thay vào đó họ giới thiệu Trung Hoa là một xã hội đa dạng có hướng tư bản chủ nghĩa. Là sản phẩm của một thế hệ cuồng vọng, đôi ba mươi nghệ sĩ này còn quá trẻ, không nhớ được cảnh náo động đầy hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hoá. Họ cũng không trải qua nỗi sợ hãi bị khủng bố, bị tù đày vì nghệ thuật của họ, như rất nhiều người trong các bậc tiền bối có tinh thần sáng tạo của họ, trong đó có Zhang Xiaogang và Wang Guangyi. Michael Goedhuis, nhà sưu tầm và buôn bán các tác phẩm mỹ thuật đương đại Trung Hoa, nói, “Các nghệ sĩ sáng tác trẻ tuổi của Trung Hoa ngày nay đã có được lòng tự tin, miêu tả một nước Trung Hoa hoàn toàn mới”.


ZENG CHUANXING. Cô dâu mặc áo cưới bằng giấy

Và thế giới đang vét sạch các tác phẩm của họ. Năm ngoái, hai nhà bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật Sotheby và Christie đã bán được hơn 210 triệu đô-la Mỹ các tác phẩm mỹ thuật Châu Á, đại đa số là của Trung Hoa, đó là doanh số kỷ lục của họ. Tại một cuộc bán đấu giá tác phẩm mỹ thuật đương đại tại Christie, Luân Đôn, vào tháng trước, một bức chân dung năm 2006 của hoạ sĩ “mới trình làng” Zeng Chuanxing, vẽ một cô dâu trẻ tuổi, vận chiếc áo cưới bằng giấy, đã gây nên một cuộc tranh mua sổi nổi, cuối cùng ngã giá 164.800 bảng Anh – cao gấp 7 lần giá ước định ban đầu của nhà bán đấu giá. Pilar Ordovas, một chuyên gia về mỹ thuật đương đại Trung Hoa tại Christie cho biết: “Chúng tôi có tới 30 người yết danh, tranh nhau mua tác phẩm này của Zeng Chuanxing. Nó có sức hấp dẫn mọi người đến kỳ lạ!”
Các nhà phê bình mỹ thuật và các chủ galleries đều nhất trí cho rằng các nghệ sĩ trẻ tuổi của Trung Hoa đều đề cập đến các chủ đề xã hội chưa từng được khai thác - kể cả dịch tiêu thụ đầy ham muốn, thèm khát của dân Trung Hoa thời nay. Việc mở rộng cửa và tình trạng lan tràn công nghệ có nghĩa là nghệ thuật nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn và video art nhanh chóng trở thành những phương tiện được chấp nhận đối với thế hệ “click,click” đa phương tiện của nước này, cũng như đối với các nghệ sĩ đương đại trên toàn thế giới.
Các bức ảnh chân dung nhiều tới mức bão hoà do nghệ sĩ nhiếp ảnh Yang Yong chụp các thanh niên thành phố trông mệt mỏi, chán chường bày nhan nhản tại các galleries từ Luân Đôn tới New York. Elaine Ng., biên tập viên tạp chí Mỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương, nói: “Tính chất nhạt nhẽo của cuộc sống thành thị là hình ảnh nổi trội trong nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ tuổi. Nó phản ánh rất trung thực những gì đang điễn ra tại Trung Hoa ngày nay.”
Các nghệ sĩ đến với chủ đề này bằng nhiều ngả đường khác nhau. Chẳng hạn, các bức tranh của Cui Xiuwen miêu tả một nữ sinh bị thương tật trong Tử Cấm thành với cặp mắt thẫn thờ, đờ đẫn thể hiện hùng hồn tuổi thơ ngây của em bị mất và cuộc sống của em bị tách biệt hẳn với cảnh phồn hoa đô hội của nước Trung Hoa hiện đại.
Khung cảnh nền mỹ thuật còn non trẻ của Trung Hoa liên hệ mật thiết với công cuộc tự do hoá ngày càng tăng của nước này, nó cho phép đặc biệt là các ngành nghệ thuật thị giác được tự do thể hiện lớn hơn. Nữ nghệ sĩ Cao Fei, năm nay 28 tuổi, mới đây đã được giải thưởng dành cho các nghệ sĩ trẻ tuổi tài năng nhất của Uli Sigg, nhà sưu tầm mỹ thuật Trung hoa đương đại lớn nhất thế giới, về tác phẩm video art kỳ cục của cô nhan đề “Phản ứng Dây chuyền” (Chain Reaction), quay cảnh các nghệ sĩ vận áo choàng trắng của ngành y tế trình diễn các động tác của những người thợ cơ khí.
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế nhất định đối với thị trường mỹ thuật “bị cháy chợ” của Trung Hoa cùng với tiếng tăm ngày càng nổi như sóng cồn trên trường quốc tế của các nghệ sĩ. Một lý do là, ngày càng có nhiều nghệ sĩ lao vào con đường này chỉ vì đồng tiền. Nữ nghệ sĩ Yu Chen ở Bắc Kinh, nổi tiếng về những bức chân dung các chú bé tí hon vận đồng phục Hồng quân của bà, đồng thời là giảng viên môn hình hoạ trong hơn 20 năm nay tại Viện Mỹ thuật Trung ương, đã nói: “Đầu óc các sinh viên của tôi ngày nay lúc nào cũng chỉ quay cuồng những ý nghĩ liên hệ việc học mỹ thuật với vẽ tranh thương mại để kiếm được nhiều tiền. Hồi tôi còn trẻ, hai vấn đề đó tách biệt hẳn nhau. Thế hệ các hoạ sĩ đầu tiên không bao giờ sáng tác vì tiền cả!”


YANG YONG. Chân dung trong bồn tắm

Thực vậy, ngày nay các nghệ sĩ kiếm được nhiều tiền tới mức một số phụ huynh cố vận động con cái mình thi vào ngành mỹ thuật, chứ không học luật hoặc cơ khí. Và cuộc cạnh tranh diễn ra vô cùng khốc liệt; riêng trong năm học này, Viện Mỹ thuật Trung ương đã nhận được hơn 20.000 đơn xin dự thi. Ấy vậy mà chỉ có khoảng 500 người đã tìm cách vượt qua được kỳ thi tuyển rất chặt chẽ, ngặt nghèo diễn ra trong 2 ngày, bao gồm một bài thực hành kéo dài 4 tiếng đồng hồ, một bài thi viết lý thuyết và một bài thi tiếng Anh, ngoài ra còn phải nộp mẫu các công trình đã sáng tác trước đây. Johnson Chang, chủ HanArt TZ Gallery tại Hồng Kông, nói, “nếu một người trẻ tuổi muốn trở thành hoạ sĩ ở Trung Hoa lúc này, tất cả những gì mà người đó phải làm chỉ là giơ ra cho bố mình xem bản tin mới nhất của nhà bán đấu giá Sotheby là đủ sức thuyết phục rồi.”
Ngày nay, cả các nghệ sĩ lẫn các galleries đều tìm cách kiếm chác từ cuộc bùng nổ này bằng cách sao chép lại một cách vô liêm sỉ những gì mà họ cho là bán chạy nhất. Nếu những bức chân dung Chủ tịch Mao với cái đầu to tướng mà bán chạy thì lập tức họ cũng sẽ vẽ liền rồi trưng bày ngay. Điều này có thể có lý trong một thời gian ngắn, nhưng về lâu dài,có thể nó sẽ là một thảm hoạ đối với nền mỹ thuật đương đại Trung Hoa, theo ý kiến của nhà quan sát lão thành Brian Wallace, người đã điều hành Gallery Xích Môn ở Bắc Kinh từ năm 1991 tới nay. Ông ghi nhận rằng tình hình mỹ thuật ngày nay khác xa so với cách đây 5 năm. Ông nói, “Do quảng cáo rùm beng nhiều như vậy cho nên ta ngày càng khó có thể tìm kiếm được người tài thực sự. Rất nhiều nghệ sĩ đều chạy theo một công thức vì mục đích thương mại.”
Dẫu sao, đó vẫn là một dấu hiệu của thời đại. Trong lúc các xu hướng như “Hội hoạ Vết Sẹo” (Scar Painting) vào cuối những năm 70, chuyên đi sâu vào chủ đề các ký ức đau thương về cuộc Cách mạng Văn hoá, và “Chủ nghĩa hiện thực Yếm thế” (Cynical Realism), nhạo báng tính chất đồng điệu của chính trị với văn hoá đã từng ngự trị khung cảnh nghệ thuật Trung Hoa vào đầu những năm 90, các nghệ sĩ Trung Hoa ngày nay đều miêu tả và phản ánh thương trường Trung Quốc đang ngổn ngang như một mớ bòng bong. Như vậy, họ đã hoàn thành vai trò quan trọng của họ rồi. Hán Bình, người sẽ lại kéo lê cây cải thảo của mình trong màn trình diễn lang thang khắp bang California nước Mỹ vào cuối tháng này, phát biểu: “Tôi không tin rằng nghệ thuật trình diễn của tôi đưa ra được những lời giải đáp cho những câu hỏi lớn của cuộc sống. Nhưng chắc chắn, nó có thể công khai nêu lên nhiều vấn đề khiến mọi người phải suy nghĩ.” Thực vậy, trong bối cảnh cả nước Trung Hoa hiện đang hối hả, hăm hở lao đầu về phía trước, rõ ràng là có vô khối điều khiến người ta phải suy ngẫm, phải băn khoăn!!!

Điền Thanh
(sưu tầm & giới thiệu theo bài China’s Art Factory cua Jessica Au, đăng trên tạp chí Newsweek, ngày 20 – 11- 2006 và bài China Celebrates the Year of the Art Market cua Carol Vogel, đăng trên Thời Báo New York ngày 25 - 12 - 2006)
read more...