Hiển thị các bài đăng có nhãn TẢN MẠN VỀ LÁ CẢI. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TẢN MẠN VỀ LÁ CẢI. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Lê Thị Liên Hoan, An ninh thế giới, cướp, giết, hiếp dâm, mua dâm, bán dâm, giết người: Phần I: Sự ra đời của báo lá cải (phỏng vấn một con sâu)


Lê Thị Liên Hoan, An ninh thế giới, cướp, giết, hiếp dâm, mua dâm, bán dâm, giết người: Phần I: Sự ra đời của báo lá cải (phỏng vấn một con sâu)

Phóng viên: Thưa anh, trong ngôn ngữ thế giới có một từ “lá cải” để chỉ những tờ báo chuyên khai thác những chuyện vụn vặt, những sự kiện đời tư, v.v, đúng không ạ?

- Sâu: Đúng. Và ở Việt Nam, hiện tượng lá cải đã ra đời khoảng chục năm nay, và đang trong thời kỳ phát triển.

- Phóng viên: Đến mức rực rỡ?

- Sâu: Chưa đâu. Nhưng có lẽ cũng… nhanh thôi.

- Phóng viên: Thưa anh, nếu như cái gì cũng có mặt trái của nó, thì mặt trái của báo chí chính là báo lá cải. Nói vậy được không ạ?

- Sâu: Cũng được. Nhưng tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nên cố gắng suy nghĩ một cách không lá cải về vấn đề này.

- Phóng viên: Vâng. Theo anh thì lịch sử lá cải ở ta bắt nguồn từ đâu?

- Sâu: Nói một cách thẳng thắn thì từ cuộc sống. Xưa nay, chúng ta thường cố tình hiểu chữ ấy một cách cao quý. Như vậy cũng tốt thôi. Và chúng ta luôn luôn muốn miêu tả cuộc sống theo góc độ chính thống. Như vậy càng tốt hơn nữa.

Hậu quả sau khi đọc Lá Cải. Minh họa Lê Tâm.


- Phóng viên: Tôi đồng ý.

- Sâu: Nhưng sự sống chỉ tồn tại khi nó phát triển, mà phát triển thì phải đa dạng, đúng không nào?

- Phóng viên: Đúng ạ.

- Sâu: Một đòi hỏi chân chính của bạn đọc là muốn nhìn xã hội dưới nhiều góc độ. Và một số góc độ trong đó, xét theo quan điểm chính thống, nếu không có hại cũng chẳng hay ho gì.

- Phóng viên: Ví dụ?

- Sâu: Ví dụ như một nghệ sĩ biểu diễn như thế nào thì rất đáng quan tâm. Nhưng anh ta hay chị ta ăn gì, ly dị ai, yêu ai hoặc nuôi thứ chó mèo nào thì rõ ràng chẳng liên quan tới nghệ thuật.

- Phóng viên: Và báo lá cải đã khai thác chuyện đó.

- Sâu: Đúng vậy. Hơn thế nữa, họ còn phát hiện ra những chuyện ấy bán được, dễ dàng thu thập được và thậm chí có thể làm cho một số kẻ nổi tiếng được.

- Phóng viên: Từ rụt rè, dò dẫm, lá cải nhanh chóng biến thành tự đắc và tự tin.

- Sâu: Chính xác. Lá cải Việt Nam phát triển sau, nhưng nó may mắn sinh ra trong thời kỳ Internet đang lan rộng toàn cầu, thành ra như được chắp cánh. Lá cải đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và… chất lượng.

- Phóng viên: Ta có nên dùng từ “chất lượng” ở đây chăng?

- Sâu: Có chứ. Nếu như ma túy có loại một, loại hai thì lá cải tiếc thay cũng thế. Những phóng viên chuyên săn tin lá cải đã có độ nhạy cảm nhanh đến không ngờ, khiến tôi cũng ngạc nhiên. Hậu quả là một bài bình luận sâu sắc, phân tích cho đàng hoàng thì rất hiếm, nhưng những sự kiện vớ vẩn thì đầy. Nào ca sĩ thay áo, nào cầu thủ xịt nước hoa, sự đa dạng, phong phú lẫn… trơ tráo của lá cải ngày càng tăng, ngày càng đậm nét và ngày càng quá quắt.

- Phóng viên: Suy cho cùng, phải chăng đấy là cái giá phải trả của tất cả những ai nổi tiếng?

- Sâu: Không phải như thế. Điều đó tôi sẽ bàn kỹ trong một bài khác. Trong số này, chúng ta chỉ nói tới lịch sử ra đời “non trẻ” của báo lá cải Việt Nam, và phân tích nguyên nhân khi nó có vẻ đang phát triển mạnh mẽ.

- Phóng viên: Để tôi thử nói nhé. Nếu nhìn trên diện rộng thì xã hội chúng ta đang ở giai đoạn bùng nổ, và tất cả những cái mới, cả xấu và tốt, đều được đón nhận một cách ngạc nhiên, háo hức và hồ hởi. Hiện tượng tin tức lá cải cũng chẳng phải ngoại lệ.

- Sâu: Đúng vậy. Chúng ta hay nói công chúng là thông minh và công bằng. Nhưng công chúng ở một mức độ nào đó cũng luôn cần hướng dẫn, giáo dục, ít ra ở một số trường hợp. Tin tức lá cải thoạt nhìn chẳng có vẻ làm hại ai cả. Nó có vẻ là những hiện tượng khách quan được nhìn dưới những góc độ lạ lùng, khiến cho một bộ phận người đọc say mê. Nói cách khác, đưa tin cũng là một nghệ thuật mà trong nghệ thuật thì tính giải trí luôn có vị trí cao, luôn hấp dẫn.

- Phóng viên: Tôi hiểu.

- Sâu: Nhưng nếu ta xét một cách nghiêm khắc thì ma túy cũng hấp dẫn đấy thôi, và tác hại của nó đâu còn ai nghi ngờ.

- Phóng viên: Có thể sự lá cải là một thứ ma túy của dư luận được không?

- Sâu: Cũng có thể được. Ít ra cũng có thể coi đấy là thuốc lá hay rượu, không bất hợp pháp hoàn toàn, lúc đầu thì gây kích thích nhưng xơi nhiều cơ thể về lâu dài sẽ dẫn tới ung thư. Nhưng ta hãy quay lại vấn đề sự ra đời của lá cải. Nó gần như là một đòi hỏi tất yếu. Thế mới đau.

- Phóng viên: Vâng. Nó là hậu quả không thể tránh khỏi của một nền kinh tế thị trường, trong đó người ta nhận thấy tin tức cũng là hàng hóa.

- Sâu: Nói một cách khoa học thì đó rõ ràng là hàng hóa chứ còn nghi ngờ gì nữa. Mà đã là hàng hóa thì lập tức có hàng lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng. Nhưng thực tế đã chứng minh chúng vẫn có thể bán được giá cao nếu quảng cáo tốt, nếu ra đời đúng thời điểm và nếu như hàng thật không chịu thay đổi mẫu mã.

- Phóng viên: Tôi hiểu.

- Sâu: Điều oái oăm nằm ở chỗ tại chợ, rau cải dù có vẻ ”sang” đến mấy, suy cho cùng chỉ nằm ở quầy rau, thì báo lá cải của chúng ta không thế. Sự lá cải đầu tiên không tồn tại độc lập, mà là một thực thể ký sinh. Có nghĩa là, chúng được để chung với những món hàng cao cấp khác. Vấn đề phức tạp ở chỗ ấy và gay go cũng ở chỗ ấy.

- Phóng viên: Ký sinh?

- Sâu: Vâng. Nếu để ý kỹ, anh sẽ thấy các báo lá cải ban đầu không có nhãn mác riêng. Chúng là một dạng “công ty con”, một thứ “phụ lục” . Chúng nấp dưới các danh nghĩa lớn và chịu sự che chở của các danh nghĩa lớn, ở một mức độ nào đó.

- Phóng viên: Như vậy tốt hay xấu?

- Sâu: Khoan bàn tới tốt hay xấu, nhưng như vậy là khác thường. Nhưng sự che đậy, tất nhiên cũng sẽ chẳng kéo dài lâu. Một số “lá cải” sẽ ngày càng chuyên nghiệp và muốn xuất hiện công khai. Điều đó hóa ra lại có mặt tốt.

- Phóng viên:
Tốt ư?

- Sâu: Đúng thế! Theo ý tôi, một con sâu, thì chúng ta không có gì phải sợ lá cải. Cái mà chúng ta sợ là sự lập lờ của chúng. Nhưng chuyện ấy sẽ nói ở phần sau!


Theo Lê Thị Liên Hoan

(ANTG)
read more...

CƯỚP, GIẾT HIẾP VÀ TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỐNG

CƯỚP, GIẾT HIẾP VÀ TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỐNG
Ngăn chặn nguy cơ bị giành hết thị trường: báo Chính Thống quyết tâm đập tan báo Lá Cải

Không biết quan điểm quản lý báo chí thế nào, mà mỗi ngày mỗi nở rộ các loại báo đưa thông tin kiểu giật gân câu khách, hoặc tô đậm các vụ án trộm cướp giết hiếp. Theo ngôn ngữ thông thường, thì các loại báo này gọi là báo lá cải. Cứ nhìn vào sạp báo tại thị trường TPHCM, thì báo lá cải thu hút độc giả ghê gớm, giữ thế thượng phong trong cạnh tranh với báo chính thống. Đã có nhiều cuộc họp giao ban báo chí tại TPHCM, các lãnh đạo không ngớt kêu ca về sự bành trướng của báo lá cải. Sau khi tạp chí Người Làm Báo phát ra chuyên đề “Dẹp báo lá cải – Tại sao không?” thì báo Phụ Nữ TPHCM lập tức hưởng ứng với loạt bài dưới dạng “Vấn đề xã hội”. Phải nói thật, bài báo của nhóm phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM hơi non tay, lẽ ra không để lại ấn tượng gì cho bạn đọc. Thế nhưng, đột ngột sự tẻ nhạt của bài “Choáng váng với báo lá cải” được sinh động nhờ thái độ phản ứng vội vàng của ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật. Từ nay đến ngày 21-6 chắc chắn sẽ còn nhiều tờ báo chính thống "vào cuộc" xuống tay nện báo lá cải, cứ hồi hộp mà chờ xem. Hay đấy, vui đấy, lắm trò đấy!


Ma trận truyền thông
Kỳ 1: Choáng váng với báo “lá cải”

PN - LTS: Chỉ trong vài tháng, truyền thông Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt phụ bản, ấn bản trực thuộc các cơ quan báo chí và nhiều trang thông tin điện tử hoạt động như một tờ báo hoặc những trang núp bóng báo chí. Thực trạng này không phải cơ quan chức năng không biết. Nhưng thật lạ lùng là Bộ Thông tin - Truyền thông chưa hề có động thái nào kiểm tra, xử phạt. 21/6 - Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam sắp đến, Báo Phụ Nữ thực hiện chuyên đề này như một lời cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức truyền thông, những biến tướng dị dạng của báo chí, mong các cơ quan chức năng thực hiện chức năng quản lý, định hướng báo chí của mình.


Với cách làm báo theo kiểu giật gân, câu khách quá mức, một số tờ báo như Đời sống và Pháp luật, Đời sống và Pháp luật tuần, Hôn nhân và Pháp luật thứ 7, Đang yêu, Tuổi trẻ và Đời sống, Người đưa tin, Cuộc sống, Gia đình và Cuộc sống... và các trang tin điện tử như Eva.vn, 24h.com, Yahoo!... khiến người đọc không khỏi choáng váng. Dường như những người làm nội dung các tờ báo này chỉ đua nhau biến trang báo “càng lá cải càng tốt” để câu khách, bất chấp tính định hướng dư luận và giáo dục của báo chí, bỏ qua thuần phong mỹ tục Việt Nam.

TÌNH YÊU, HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH: GIẬT GÂN VÀ ĐỊNH HƯỚNG... NGƯỢC!
Tờ Hôn nhân và Pháp luật thứ 7 (ấn phẩm phụ của báo Đời sống và Pháp luật) nhanh chóng bán chạy khi “ra sạp” vào đầu năm 2011, với cách giật tựa, đưa hình ảnh, chuyển tải thông tin khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Trang 2 của tờ này có chuyên trang “Chuyện hòa giải”, có vẻ như sẽ cung cấp cho bạn đọc những kinh nghiệm vượt qua mâu thuẫn gia đình, nhưng thực tế, nội dung khá ngây ngô và giật gân một cách vụng về đến buồn cười. Số 24 (tháng 3/2012), chuyên trang này có bài “Gia đình nứt vỡ vì chồng nghiện ngập đem cả nồi quấy cháo của con đi bán”. Bài báo kể về câu chuyện một người vợ phát hiện chồng nghiện ma túy, đòi chia tay. Cán bộ hòa giải ở địa phương tìm đến khuyên can, và người chồng đang trong quá trình cai nghiện. Chuyện chỉ đơn giản là vậy nhưng được người viết “tán hươu tán vượn” thành một trang báo gần 2.000 chữ, và “giật” chi tiết “anh chồng bán cả nồi quấy cháo cho con để lấy tiền mua ma túy” thành tựa, để gây “cảm giác lạ” cho người đọc.
Không chỉ sử dụng các chi tiết “rẻ tiền” để câu khách, các báo “lá cải” còn đi ngược định hướng thẩm mỹ, trái thuần phong mỹ tục khi tung hê những câu chuyện “ngược đời”. Tờ Đang yêu (Đặc san của báo Phụ nữ Thủ đô) số 17 (ngày 28/2/2012) có bài “Kiếp chồng chung của hai chị em họ”. Bài viết kể về một người đàn ông ở Hải Dương chung sống với hai chị em họ, cùng những tình tiết ly kỳ. Câu chuyện toát lên tinh thần “vẫn cơm lành canh ngọt dù hai người phụ nữ cùng chung một mái nhà với kiếp chồng chung”. Ai cũng biết điều này trái pháp luật, đi ngược thuần phong mỹ tục VN, nhưng bài báo vẫn “hoành tráng” chiếm trọn một trang cùng hai bức ảnh sống động của nhân vật.
Điều đáng lo ngại, các “vườn cải” vẫn không ngừng “ươm mầm cỏ dại” với cấp độ ngày càng cao. Tờ Gia đình và Cuộc sống (ấn phẩm của báo Gia đình Việt Nam) số 3, ra ngày 22/5/2012 có bài “Mối tình ngang trái của chàng trai đồng tính yêu nhầm cháu ruột mình”. Có thể, bài báo kích thích trí tò mò của độc giả, nhưng khó mà đong đếm được tác hại của nó đối với tâm hồn người đọc. Cũng ở số báo này, một bài báo ở trang 18 có tựa dài và kỳ quặc chưa từng thấy: “Bí mật đắng lòng sau vụ việc hai cha con ôm nhau treo cổ tự sát ở Tây Ninh: Lá thư tuyệt mệnh tố cáo người vợ lăng loàn vạch ngực khêu gợi đám đàn ông”.
Khi các báo “lá cải” cạnh tranh quyết liệt thị phần, có vẻ như đang diễn ra chuyện mạnh ai nấy “cải”, và cấp độ giật gân đang bị đẩy lên đến mức cao nhất. Thử tưởng tượng, nếu các thành viên trong một gia đình cầm số báo ngày 22/5 của tờ Người đưa tin (ấn phẩm hàng ngày của báo Đời sống và Pháp luật) lên đọc, sẽ cảm giác thế nào khi ập vào mắt là bài “Yêu râu xanh hiếp dâm con rồi dùng dao chém mẹ”?
TS Đinh Phương Duy - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM nhận định: “Nội dung chuyển tải trên các phương tiện truyền thông có tác dụng ám thị nhận thức, tình cảm và hành vi của độc giả, đặc biệt là đối với giới trẻ, những người rất năng động, nhạy bén với điều mới mẻ. Những nội dung mang tính giật gân, thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng có thể gây hại cho nhiều người, thậm chí có thể làm cho ai đó tìm đến cái chết. Những nội dung “nhạy cảm” hoặc dung tục mang tính câu khách có thể làm không ít người ngộ nhận về giá trị của mình và của xã hội, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục những giá trị nhân văn lành mạnh phù hợp với chuẩn mực xã hội, làm quá trình phát triển, hoàn thiện nhân cách của các bạn trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực”.

SEX: "PHÔ" VÀ TỤC!
Những thông tin liên quan đến “chuyện phòng the”, có lẽ được các “vườn cải” đầu tư nhiều nhất. Bên cạnh báo in, các báo mạng cũng đang ầm ĩ với mức độ "phô" hơn nhiều. Rất khó để tìm được một nội dung “ngay ngắn” ở trang Phunutoday.vn - một trong những trang tin điện tử đang "được lòng" đông đảo người xem. Ngày 25/5/2012, chuyên mục Chia sẻ, hiển thị trên trang nhất của Phunutoday.vn “giật” lên hàng loạt bài mà chỉ cần đọc tựa đã choáng: Chán chồng, tôi tìm đến phi công trẻ; Dân văn phòng gần như ai cũng ngoại tình; Thỏa mãn với cùng lúc ba người, tôi ghê tởm chính mình; Tôi thỏa dục vọng với sếp và cả đối tác của sếp... Tờ Cuộc sống (ấn phẩm của báo Nhân đạo và Đời sống), số 3, ra ngày 21/5/2012 không ngại bung hình bán nude của nam người mẫu Hà Việt Dũng ra gần hết trang nhất, minh họa cho bài “Tình dục cầu danh”.
Tháng 5/2012, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã thống kê hàng loạt bài vi phạm các quy chuẩn báo chí, có nhắc đến một số bài: “Đứa cháu bệnh hoạn không cưa đổ mợ thì đốt chợ khiến cả xã xém đi ở đợ” hay “Những cuộc đời lụi tàn hậu khoảnh khắc càn quấy tốc váy hoa hậu Đại học Sư phạm” (ấn phẩm Pháp luật và Thời đại, số 32, tháng 5/2012); “Lời sám hối của một phụ nữ chơi trò đùa cợt với thân xác đàn ông” (Cảnh sát toàn cầu - số 69, tháng 5/2012); “Gặp lại cháu bé 5 tuổi bị xâm hại tình dục bị vứt bỏ tại chùa Bồ Đề: Choáng váng trước tội ác thú tính của kẻ đội lốt người”. Ấn phẩm Hôn nhân và Pháp luật thứ 7 cũng bị “điểm mặt” với bài “Nỗi oan của người vợ khi có con với người chồng yếu khoản ấy”, “Phạm tội hiếp dâm vì một chữ yêu khờ dại...”. Thật khó tưởng tượng, những nội dung như vậy lại có thể xuất hiện trên mặt báo!
Gần đây, chuyện kỹ thuật chốn phòng the cũng được các báo “giải trí” khai thác mạnh mẽ, đặc biệt là các trang mạng. Trang 24h.com.vn không ngại đưa ra những đề tài rất nhảm nhí, như “Bị em chồng bắt gặp lúc ái ân” (kể lại chuyện đang ái ân với chồng thì bất ngờ em chồng bước vào), “Quần lót hình chú mèo Đôrêmon” (kể chuyện đang ái ân với người tình, bị mẹ phát hiện); “Báo động cháy ở chung cư” (kể chuyện cả hai chuẩn bị ân ái thì chuông báo cháy reo, cả hai quấn khăn tháo chạy, bị mọi người nhìn chằm chằm)...
Với văn hóa người Việt, chuyện chăn gối vẫn được liệt vào chuyện thầm kín, tế nhị. Trong khi các báo chính thống vẫn cố gắng nói tránh, nói gần nói xa, thì các báo “giải trí” không ngại thể hiện sự trần trụi, khiến độc giả đỏ mặt khi tiếp cận.

CHUYỆN VỤ ÁN: CÂU KHÁCH BẰNG MỌI GIÁ
“Dù “lá cải”, tuyên truyền sai pháp luật, mô tả tình tiết vụ án “lệch” nhưng rất khó “bắt giò” các tờ báo này. Họ khéo léo ghi tắt tên nhân vật, có khi chỉ là một chữ T., chữ H., địa danh thì chung chung, và thêm thắt tình huống ly kỳ để câu khách. Đáng nói, “thủ thuật” này rất khó bắt lỗi vì người bị họ quy lỗi là… “hung thủ” đã bị bắt vào tù, hoặc đã bị xử án. Người bị “bôi tro” không có cơ hội để phân trần, chỉ người đọc, dù được cảm giác “no mắt, đầy tai” nhưng thật sự thiệt thòi vì bị thông tin sai lệch làm hoang mang, lo sợ”, luật sư Phạm Lĩnh Sơn, Phó Văn phòng Trợ giúp pháp lý phụ nữ số 6 đánh giá như vậy về những thông tin liên quan đến vấn đề pháp luật trên các báo “lá cải”.
Vụ án vừa xảy ra, chưa có quyết định khởi tố bị can, chưa có kết luận điều tra nhưng các “vườn cải” đua nhau khai thác, thêm thắt tình tiết, phỏng vấn luật sư, các chuyên gia để dự đoán, thậm chí “kết luận” thay cho tòa án! Ngày 14/7, một vụ án mạng xảy ra ở P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM. Trang tin điện tử VnExpress đưa tin có đoạn: “kẻ giết người là bạn thân của nạn nhân, gần đây đến nhà chơi, xảy ra một số mất mát, nên đã bị cha của nạn nhân (cũng là một người đã bị giết trong vụ này) cấm cản…”. Ngay sau đó, các báo mạng nhao nhao “vào cuộc”. Có báo “luận” ngay: “Bị ngăn cản tình yêu, kẻ đồng tính giết cha bạn tình!”. Bà Lê Thị Mỹ Duyên - Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Quy, Q.7, TP.HCM cho biết: “Sự bới móc của báo chí đã khiến nạn nhân không thể sống nổi ở nơi cư trú cũ. Để tránh lời đàm tiếu của thiên hạ rằng mình là kẻ đồng tính, chị phải về nhà mẹ ruột lánh nạn. Chị từ chối gặp gỡ phóng viên vì không muốn “bị đưa lên báo” một lần nữa, dù chỉ để thanh minh”.
Là một “nạn nhân” thường xuyên được những tờ “lá cải” trích đăng ý kiến, nhận định ở góc độ pháp luật trước các vụ án nghiêm trọng, luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn luật sư TP.HCM bức xúc: “Có lần tôi tình cờ đọc được bài viết của một tác giả đăng trên báo mạng, họ đã tự “gom” các câu trả lời tư vấn pháp luật của tôi có chung đề tài trên báo in để đưa thành một box minh họa cho bài viết của mình. Điều đáng nói là họ biên tập, chỉnh sửa không đúng với quan điểm của tôi. Ngoài ra, văn bản pháp luật thường được điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế và người tuyên truyền pháp luật phải cập nhật liên tục, nên việc các báo mạng lấy lại ý kiến trả lời của các luật sư hoặc chuyên gia pháp luật từ nhiều năm trước sẽ dễ bị lạc hậu và sai luật”.
Ngoài chức năng truyền thông, báo chí có lợi thế đặc biệt trong việc định hướng dư luận xã hội và tham gia vào quá trình giáo dục thẩm mỹ, hình thành phong cách ứng xử xã hội. Do vậy, tình trạng "bùng nổ" của báo chí "lá cải" đang tạo nên mối lo ngại lớn cho toàn xã hội.

NGHI ANH – TRẦN TRIỀU




NHÀ BÁO HUỲNH DŨNG NHÂN (PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TP.HCM, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NGHỀ BÁO):
Không thể để mặc cho quy luật “có cầu có cung”, “tự sinh tự diệt”
Tôi không hiểu vì sao trong giai đoạn chủ trương quy hoạch báo chí mà lại ra đời hàng loạt tờ phụ trương, phụ bản ảnh hưởng uy tín chung của giới làm báo. Lẽ nào thị hiếu của bạn đọc chỉ đơn giản như thế? Vì sao những tờ báo ấy vẫn sinh sôi nảy nở dù nhiều người có trách nhiệm đã lên tiếng phê phán và nêu ra nhiều biện pháp chấn chỉnh?
Quy luật của thông tin là hễ “ấn” vào đầu nhiều lần thì nội dung càng in đậm. Nhóm độc giả dễ bị tác động nhất là những người không có khả năng lựa chọn thông tin, chưa phân định được đúng - sai, thiện - ác, tốt - xấu (trẻ em, người có trình độ thấp). Khoảng cách giữa nhận thức và hành động là rất ngắn.
Tuy nhiên, phải công nhận các báo giải trí này sinh ra để bù đắp một phần thông tin bị bỏ qua, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa thông tin. Vấn đề ở chỗ không ít tờ, bài báo có cách khai thác “trần trụi”, liều lượng và mức độ đi quá xa. Nhiều người cho rằng đến khi hết “cầu” thì các tờ báo dạng này sẽ tự mất đi. Thiết nghĩ, không nên bị động như thế. Một thông tin quá đà hoặc lệch chuẩn có thể để lại “di chứng” dai dẳng nơi người đọc. Các cơ quan quản lý báo chí phải cương quyết vào cuộc bằng quy trình quản lý chặt chẽ. Mặt khác, ta không nên vội trách, mà hệ thống báo chí phải thay đổi, hoàn thiện để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của người đọc. Anh đứng đắn, sạch sẽ, chỉn chu nhưng chán phèo thì không thể ngăn được độc giả quay lưng tìm “món mới”.

TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT:
Căn cứ nào bảo báo chúng tôi “lá cải”?
Chiều 24/5/2012, chúng tôi hẹn phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng- Trưởng văn phòng đại diện Báo Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia VN). Phóng viên đặt vấn đề: “Một số người cho rằng tờ Đời sống và Pháp luật cùng một số ấn phẩm phụ như Hôn nhân và Pháp luật thứ 7, Người đưa tin… đang dần “lá cải” hóa để thu hút bạn đọc…”, bất ngờ, ông Nguyễn Tiến Thanh (Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật), lúc này đang ngồi ở bàn làm việc bên cạnh, chen ngang cuộc phỏng vấn. Ông nổi giận cho rằng “phóng viên Báo Phụ Nữ TP đặt vấn đề sai” và chỉ đạo ông Dũng ngưng ngay cuộc phỏng vấn. Ông Thanh “quát tháo”: “Báo Đời sống và Pháp luật hoạt động với tôn chỉ khác, không làm theo kiểu “lá cải”, người ta lấy căn cứ nào dám bảo báo của chúng tôi “lá cải”?”. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP: “Riêng trong tháng 5/2012, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã chỉ ra nhiều tin bài của Báo Đời sống và Pháp luật, đã vi phạm Nghị định 51…”. Ông Thanh tiếp tục cắt ngang: “Đó là chuyện của Sở, họ có quyền thống kê”. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP: “Thưa ông, còn những ấn phẩm phụ của Đời sống và Pháp luật như Hôn nhân và Pháp luật, Người đưa tin thì thế nào?”. Ông Thanh vẫn chưa hết nóng giận, tuyên bố từ chối trả lời phỏng vấn.
read more...

Cướp, hiếp, giết

Cướp, hiếp, giết
Thảm họa báo lá cải


Gần đây, tại TPHCM xuất hiện nhiều ấn phẩm (thường là phụ trương) báo chí mang danh nghĩa “pháp luật, xã hội, cuộc sống” nhưng nội dung chủ yếu sa đà vào phản ánh “tư, tình, tội” với văn phong giật gân, câu khách. Nếu tiếp tục thiếu kiên quyết trong quản lý và xử lý sẽ là “lực đẩy” để một số cơ quan báo chí chạy theo lợi nhuận, sinh sôi, nảy nở “báo lá cải”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2010, một nhóm phóng viên đã thành lập một công ty truyền thông (đặt trụ sở tại Hà Nội) để “mua măng sét” thực hiện các ấn phẩm “báo lá cải” nhằm mục đích bán báo, chủ yếu tại khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam. Trong khi các cơ quan báo chí phải phát huy giá trị xã hội trong điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thì các “báo lá cải” lại thỏa sức “câu” bạn đọc bằng các thông tin trơ trẽn về tư, tình, tiền, tù tội, vi phạm nhiều quy định của Luật Báo chí nhưng không thấy cơ quan quản lý báo chí xử lý.

THẢM HỌA BÁO LÁ CẢI
ĐƯỜNG LAM

Độc giả bị... đầu độc
Đời tư, tình dục, tội ác là 3 “bầu sữa” được các ấn phẩm vắt đi vắt lại làm đề tài cho báo. Bí quyết đầu tiên để câu khách là hàng loạt title bài dài lê thê được “giật” kèm những tính từ rất “tâm trạng” của nhân vật như: nức nở, sững sờ, vật vã, tơi tả, đắng lòng… đến cảm giác, nhận định của tác giả “gào” lên như: sốc, chết điếng, hãi hùng, lạnh người, rùng rợn…
Đ.Y – đặc san của báo PNTĐ có “sologan” ngay trang nhất là “Những câu chuyện hạnh phúc gia đình”, dưới mỗi trang báo luôn có danh ngôn bất hủ về tình yêu. Tuy nhiên, đặc san này lại dày đặc các bài viết “rùng rợn” về tình yêu – hôn nhân – gia đình.
Cùng với việc “giật” tilte một cách phóng túng, các bài viết chủ yếu được “nghe kể”, thông tin một chiều với tinh thần “thông cảm, ủng hộ, tán đồng” cái xấu. Người đọc băn khoăn, phải chăng báo lại khen “gia đình trọn vẹn”, ngầm quảng cáo cho lối sống không lành mạnh của một phụ nữ khi cặp bồ, ở cùng nhà cùng lúc với hai chàng trai - bài “Người phụ nữ vừa có người yêu vừa có nhân tình”, số 15.
Không kém cạnh, các ấn phẩm như: TT&ĐS, CS, CCPL, PL&TĐ… cũng đua nhau đăng tải nhiều bài về tư - tình - tội, không phù hợp thuần phong mỹ tục. Hãi hùng nhất trong việc “trồng cải” là “tập đoàn” báo ĐS&PL với 4 ấn phẩm “con, cháu”. Đáng chú ý, tờ báo chính là ĐS&PL chỉ được xuất bản 4 số/tuần thì ấn phẩm phụ NĐT lại được cấp phép xuất bản hàng ngày! Có số lượng hùng hậu, “tập đoàn” này làm mưa làm gió với những thông tin trơ trẽn, thô tục về tư, tình, tiền, tù tội.
Đơn cử ở ấn phẩm HN&PL, tác giả vô tư tô đậm những hiện tượng xã hội cần lên án khiến người đọc hoang mang không hiểu vai trò của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể ở đâu mà để tình trạng “người phụ nữ bị gã chồng nghiện ngập bạo hành và bắt hầu hạ cả “bồ” của chồng”. Không thấy nhà báo đưa ra cách giải quyết, tư vấn cho những nạn nhân phải làm gì khi rơi vào cảnh bị xâm phạm tính mạng và tài sản. Nếu nhà báo trao đổi với chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư để nêu ra cách giải quyết đúng pháp luật thì ít nhiều, sau khi người đọc “đắng lòng” bởi các câu chuyện không vui trên, sẽ học hỏi được điều gì đó trong cách giải quyết vấn đề theo pháp luật cũng như có tác dụng răn đe những kẻ nào toan có hành động tương tự.
Ngay cả tờ ĐS&PL, bạn đọc cũng “ngã ngửa” khi báo phác họa bức tranh xã hội VN quả là dễ sợ, đủ chuyện cướp – giết – hiếp với giọng văn vô cảm và bỏ lửng, không hề thấy nhà báo phân tích việc nào đúng, việc nào trái pháp luật; hung thủ có khả năng phạm tội gì, điều luật nào; nạn nhân có thể vận dụng luật pháp để giải quyết vấn đề theo cách nào…
Trước sự tung hoành với các thông tin “lá cải”, cơ quan chức năng TPHCM đã vào cuộc và phát hiện ấn phẩm HN&PL không hề ghi giấy phép xuất bản theo quy định của Luật Báo chí và báo ĐS&PL lại có tới 2 văn phòng đại diện hoàn toàn riêng biệt để sản xuất nội dung tại TPHCM.

Đảo lộn giá trị
Ông Bùi Huy Lan, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Cục Báo chí - Bộ Thông tin – Truyền thông) lý giải: Nguyên nhân chính khiến “báo lá cải” nở rộ như thời gian gần đây là một số cơ quan báo chí, nhà báo đã chạy theo lợi nhuận mà đánh tráo giá trị. Báo chí hoạt động có hai giá trị, thông tin khách quan, chân thực và có tính định hướng để phục vụ sự ổn định, phát triển của xã hội – đó là giá trị xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, báo chí còn có giá trị về kinh tế. Nhưng, kinh tế chỉ là phương tiện, giá trị xã hội mới là mục tiêu mà bất cứ tờ báo nào cũng phải coi trọng, nỗ lực thực hiện. Ngược lại, “báo lá cải” lại đặt lợi nhuận lên làm đầu, coi kinh tế là mục đích, biến tờ báo thành công cụ kiếm tiền, thu lời; báo đã đánh mất đi chức năng thông tin, định hướng và tính chuyên nghiệp, đạo đức người làm báo cũng không còn.
Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM) chia sẻ, trước sự “tấn công” ồ ạt của các “báo lá cải”, chủ yếu thuộc các hội nghề nghiệp, ban ngành của Trung ương, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM đang tăng cường rà soát lại các văn phòng đại diện chưa đảm bảo yêu cầu về giấy phép, cơ sở vật chất, nhân sự... Song, việc cấp phép, quản lý và xử lý các ấn phẩm này lại thuộc trách nhiệm của Bộ Thông tin - Truyền thông. Sở cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông kiến nghị xử lý, gửi trực tiếp tới các cơ quan báo chí có ấn phẩm vi phạm yêu cầu kiểm tra, báo cáo nhưng kết quả… vẫn như cũ. Lờn luật, “báo lá cải” càng ngang nhiên hoành hành.

Cần mạnh tay dẹp “báo lá cải”
“Khuyến khích các báo làm kinh tế nhưng nên ở mức độ và không những không yêu cầu nộp ngân sách nhiều mà cần chăm lo, đầu tư lại cho các tờ báo, nhất là các tờ báo lớn, để nhà báo sống được bằng lương, cơ quan báo chí không phải “sống” vật vờ, tự bơi rồi tìm mọi cách tận thu” - ông Bùi Huy Lan đề xuất.

Còn Thiếu tá Nguyễn Tuấn Việt, Phó trưởng phòng An ninh Báo chí (Cục An ninh Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an) cho rằng: Cần kiên quyết, nghiêm minh trong việc quản lý và xử lý báo chí sai phạm; tránh tình trạng cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có đầy đủ công cụ quản lý trong tay nhưng không xử lý đúng mức đối với các cơ quan báo chí vi phạm. Bộ Thông tin - Truyền thông cần tiến hành thanh tra và xử lý mạnh tay đối với các tờ báo có thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục. Đồng thời, cần sớm có quy hoạch báo chí, ngưng cấp phép đối với những tờ báo hoạt động không hiệu quả, cần mạnh dạn loại bỏ và xử lý người đứng đầu đối với các tờ phụ trương, chuyên đề đã có nhiều sai phạm.

“Quan điểm của Bộ Thông tin - Truyền thông là xử lý kiên quyết. Sau một vài tháng “tự điều chỉnh”, nếu các ấn phẩm “lá cải” không thay đổi, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ có biện pháp nghiêm” - ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) nhấn mạnh.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng
read more...