Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ VIỆT NAM. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LỊCH SỬ VIỆT NAM. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ( SÀI GÒN - GIA ĐỊNH)

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ( SÀI GÒN - GIA ĐỊNH)
 
Đất Sài Gòn - Gia Định là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là "cơ cấu kiến trúc" Việt - Hoa - Châu Âu. Vì trên 300 năm trước, Bến Nghé – Sài Gòn xưa là nơi tiếp nhận các nguồn lưu dân từ Trung, Bắc đến lập nghiệp, rồi các di dân người Hoa vào định cư ở Biên Hòa, Mỹ Tho cùng hội tụ với dân cư bản địa. Sau đó, Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước. Tính giao thoa hội tụ của những người cần cù vượt khó, hội tụ tài năng và sức lực cả nước đã biến Sài Gòn thành một phức thể văn hóa thông qua phong tục, tập quán, cách thức ăn mặc, sinh hoạt, ma chay, cưới hỏi; tinh thần đoàn kết dân tộc, năng động sáng tạo; kiên cường bất khuất, lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường; tinh thần tương thân tương ái; tính chất hòa đồng, nhạy cảm, dễ tiếp cận và hòa nhập; cá tính bộc trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài... vốn là truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc và người dân thành phố.
1. Kiến trúc tại thành phố Hồ Chí Minh
a. Sơ lược lịch sử kiến trúc Sài Gòn-Gia Định
Kiến trúc dưới thời Nguyễn
Xem xét các tài liệu có thư tịch cổ, cũng như các bản đồ và những công trình khảo cứu về Gia Định-Sài Gòn xưa chúng ta sẽ bắt gặp những trang viết về "Cổ tích Gia Định".Những công trình kiến trúc thời Nguyễn hiện lên trên bản đồ của Oliver de Puymanul vẽ năm 1790 là thành Quy hình bát quái do Gia Long xây dựng năm 1790. Thành này còn có tên là Gia Định Kinh hay Phiên An Thành.

Thành Quy là căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi năm 1833. Năm 1835, đàn áp cuộc khởi nghĩa xong, Minh Mạng hạ lệnh phá hủy toàn bộ thành xây theo kiểu Vauban này và 1836 lại ra lệnh xây một thành khác ở Đông Bắc thành cũ, gọi là thành Phụng, tức là thành Gia Định. Thành này bị thực dân Pháp tấn công vào năm 1859 và phá hủy. Dấu vết duy nhất ngày nay còn lại là bức tranh vẽ ảnh giặc Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.
Kiến trúc miếu Việt
Từ mặt bằng của thành Gia Định, vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã liên tiếp mọc lên những công trình kiến trúc phương Tây (Nhà thờ Đức Bà (1877-1880). Pháp đình, dinh Thống đốc, Nhà Bưu chính, Nhà hát, Chợ Bến Thành, dinh Nôrôdôm). Cùng số phận với thành Gia Định, một số ngôi chùa lớn bị thực dân Pháp chiếm làm đồn bốt phòng ngự, chống lại những trận phản công của nghĩa quân kháng chiến xuất phát từ vùng đại đồn Chí Hòa mà chúng gọi là chiến tuyến "chùa chiền" digne des pagodes). Đó là chùa Khải Tường đền Hiển Trưng (ở thành Ôma), chùa Kiếng Phước, chùa Cây Mai trải dài từ vùng tiếp cận thành Gia Định (nay là trường Lê Quí Đôn) đến Phú Lâm. Ngày nay những dấu vết ấy chỉ còn sót lại một pho tượng Phật gỗ để ở Bảo tàng Lịch sử.

Các chùa, miếu, đền thờ xây dựng từ thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 cũng bị chiến tranh và thời gian phá hủy phần lớn. Đến nay số công trình kiến trúc theo phong cách Việt còn sót lại là quá ít. Trong số đó, hầu hết đều được trùng tu lại trong những năm bản lề của thế kỷ trước và thế kỷ này. Đó là Chùa Trường Thọ ở Gò Vấp, Chùa Tứ Ân, Chùa Gò (Phụng Sơn Tự) chùa Giác Viên ở quận 11, chùa Giác Lâm ở Quận Tân Bình, chùa Phước Tường ở huyện Thủ Đức. Ngoài ra có thể kể một vài ngôi nhà cổ của tư nhân như bà Tư Lân, nhà Nguyễn Phú Đường ở Nhà Bè, nhà ông Mười Tiết ở Thủ Đức.
Kiến trúc đền chùa Hoa
Trước khi những công trình kiến trúc kiểu phương Tây có mặt ở đất Sài Gòn, nơi đây ngoài các công trình của người Việt, còn có các công trình xây dựng của người Hoa. Những công trình lớn của người Hoa là đền miếu-thường là trụ sở của các bang và được gọi là Hội quán-đã làm cho diện mạo phố xá của xứ này, nhất là vùng Chợ Lớn có vẻ riêng. Xem xét tường tận những đền miếu của người Hoa, hình thức kiến trúc khác với hình thức kiến trúc của người Việt, song công trình chạm trổ bên trong bao gồm các bao lam, các phù điêu trên kèo, cột, đầu đao, xiên trích có không ít những sản phẩm do thợ người Việt tạo tác. Đặc biệt những hội quán của người Minh Hương như Gia Thạch hội quán (đường Trần Hưng Đạo-quận 5). Nghĩa Nhuận quán (đường Nguyễn Văn Khoẻ-quận 5). Phước An hội quán (đường Hùng Vương) là những công trình kiến trúc-mỹ thuật thuần Việt Nam.

Những công trình kiến trúc của họ Nguyễn ở Gia Định kinh, cùng với đền chùa miếu mạo của người Việt, người Hoa đến nay hầu như đã bị khuất lấp bởi các kiến trúc tân kỳ theo phong cách phương Tây. Không chỉ những dinh thự, công sở mà những khu thương mại và cơ sở công nghiệp đã phát triển với một tốc độ và qui mô đủ để đưa những kiến trúc ấy vào hàng thứ yếu, làm đổi thay về cơ bản kết cấu kiến trúc Sài Gòn-Gia Định.
Kiến trúc giai đọan 1954-1975
Trong những thập niên đầu thuộc nửa sau thế kỷ này, suốt từ 1954-1975, đồng thời với sự xuất hiện các thương xá, ngân hàng, khách sạn, nhà thờ và hàng loạt các công trình công cộng. Ở Sài Gòn cũng xuất hiện một số kiến trúc, phỏng theo các kiến trúc Việt Nam cổ, tất nhiên là với vật liệu xây dựng mới và cách tân khá nhiều.

Thời kỳ này, những năm đầu các đền miếu của một số hội tương tế như đền thờ Trần Hưng Đạo, đền Thánh Mẫu Phủ Giấy và đền thờ Hai Bà Trưng (Bình Thạnh), đền Sài Sơn (một ở đường Lê Văn Sĩ và một ở đường Nguyễn Thiện Thuật), Đằng Giang Linh từ (tức đền thờ Quan Bơ ở quận 4) và sau năm 1963, khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, hàng loạt các chùa Phật mới được xây dựng và một số chùa cũ được trùng tu lại. Đáng kể trong số này có chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Một Cột (Thủ Đức), chùa Phước Hòa (Quận 3), chùa Pháp Hội (quận 10)....
b. Vài đặc điểm cơ bản của kiến trúc nghệ thuật
Đặc điểm kiến trúc
Những công trình kiến trúc trong vài thập niên qua tuy có để ý tìm về đặc trưng riêng trong kiến trúc truyền thống song thực sự đã biến đổi khác xưa rất nhiều. Phong cách kiến trúc truyền thống cũng như những công trình điêu khắc đậm đà bản sắc dân tộc còn được bảo lưu đầy đủ có lẽ là chùa Trường Thọ, chùa Từ Ân và qui mô nhất là chùa Giác Lâm, kế đó là chùa Giác Viên, chùa Gò (Phụng Sơn Tự) và một số ngôi nhà cổ ở rải rác khắp các huyện ngoại thành.

Đặc điểm chung của các ngôi chùa có những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất cho kiến trúc Gia Định là kiểu nhà "trùng thềm điệp ốc" (hay còn gọi là "trùng thềm trung lương"). Đây cũng là kiểu cách chung cho kiến trúc Đàng Trong thế kỷ 18, 19. Theo đó, mục đích chính là phát triển diện tích nội thất ở chiều sâu bằng cách lắp ghép hai tòa nhà song song liền mái. Kiểu này cũng rất phổ biến trong nông thôn Nam Bộ và thường được gọi là nhà "sắp dọi". Việc sắp đặt như vậy đã thực sự tạo nên một nội thất thống nhất và bên trong thường được phân chia bằng vách ngăn theo các hàng cột để thành chánh điện, nhà tổ và giảng đường.
Mặt khác kiểu "trùng thềm điệp ốc" này đứng về mặt kết cấu bộ vì kèo và sườn nhà mà xét thì chúng xuất phát từ kiểu nhà rường (còn gọi là xuyên trính-ở Nam Bộ gọi là xiên trính). Nói chung kiểu nhà truyền thống của người Việt chủ yếu được trổ cửa theo chiều ngang nên hẹp: do đó việc lắp ghép hai toà nhà song song như vậy nhằm làm cho diện tích nội thất được tận dụng hơn, dễ dàng bày biện hơn, cũng như thuận tiện cho việc tổ chức nghi lễ và tăng thêm tính thâm nghiêm cho không gian nội thất. Ở một số nơi việc mở rộng chiều sâu cũng theo nguyên tắc trên, nhưng giữa các tòa nhà không ghép liền vào nhau mà nối nhau bằng hai nhà cầu dọc, để chừa ở giữa một cái "sân đình". Cái sân trong này có tác dụng làm thoáng gió và hắt ánh sáng vào nội thất. Đó là trường hợp chùa Phụng Sơn. Nghĩa Nhuận hội quán, phần sau giảng đường và nhà khách chùa Giác Lâm.
Tuy nhiên, so với đình chùa miền Bắc và cung điện lăng tẩm ở cố đô Huế, vẻ đẹp kiến trúc của di tích Gia Định-Sài Gòn không có được những mái cong đồ sộ hay qui mô to lớn. Trái lại nhìn bên ngoài rất đơn giản và bình thường. Cái giá trị mỹ thuật có lẽ là những công trình điêu khắc bên trong.
Đặc điểm điêu khắc
Là một thành phố cửa ngõ, sự hội tụ các phái thợ nhiều nơi trong nước, cùng với việc tiếp thu những kỷ xảo và quan niệm về nghệ thuật tạo hình hiện đại đã làm cho điêu khắc chủ yếu trên gỗ ở các di tích kiến trúc nghệ thuật Gia Định-Sài Gòn trải qua từng bước hoàn thiện đáng chú ý.

Tượng tròn
Vẽ tượng tròn, dựa theo niên đại của tác phẩm rất dễ nhận ra những chặng đường phát triển của nghệ thuật tạc tượng. Những tượng ở chùa Trường Thọ, Tập Phước, Bảo An, Từ Ân, Long Nhiễu, Huệ Nghiêm (Thủ Đức)..là tập hợp của thế hệ tượng sớm nhất của đất Gia Định. Đây là những pho tượng còn rất thô sơ. Bố cục tượng không vững thường là bố cục tam giác thiếu cân đối, đầu nhỏ, chân tay dài, mặt nhọn và không có thần, tỉ lệ thân, mặt bất xứng.

Phù điêu
Việc áp dụng luật viễn cận mới triệt để nhất là ở những bức phù điêu chạm trên các hương án chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Một Cột và đền Quan Bơ. Những thắng cảnh trong nước (như chùa Một cột, chùa Thiên Mụ...., những ngói đền thờ danh thắng ở châu Á và những phong cảnh khác đã được thể hiện bằng lối chạm nổi trên gỗ có thiếp vàng trông rất mỹ thuật. Việc tái hiện những kỳ quan "vĩ đại và rực rỡ" của châu Á trên gỗ đạt được kết quả như vậy là một bước tiến so với những kỹ xảo chạm nổi về đề tài cảnh vật và hoa lá cổ điển mà chủ yếu có tính chất trang trí trên các bộ phận cấu thành bộ khung của công trình kiến trúc. Một cách hiển nhiên là những phù điêu trang trí trên cột, kèo, xiên chính v.v... đã tôn vẻ mỹ thuật của các công trình kiến trúc.

Chạm lộng
So với phù điêu, thể loại chạm lộng chiếm tỉ trọng lớn hơn rất nhiều. Chính những bao lam (cửa võng) ở các hàng cột, những bao lam trang thờ, các bài vị, các bức bình phong cùng với bao lam các bàn thờ, bệ thờ và hương án mới thực sự tạo nên sự tráng lệ và vẻ vàng son huy hoàng của đền miếu và chùa chiền. Qua các di tích đã được khảo sát ở Sài gòn, số lượng tác phẩm chạm lộng phong phú về cả số lượng, đề tài cũng như thủ pháp và phong cách nghệ thuật.

Sự phong phú và đa dạng của kỹ thuật chạm lộng đã tăng cường giá trị nghệ thuật, cho các di tích kiến trúc-nghệ thuật Gia Định-Sài Gòn. Nhiều bức chạm lộng đến nay là đối tượng của sự chiêm ngưỡng và thán phục của nhiều thế hệ nghệ nhân và của khách tham quan (như bao lam Bá điều, bao lam Cửu Longv.v...)
Tiểu tượng và quần tiểu tượng
Ngoài các thể loại trên loại tiểu tượng (tượng tròn và tượng bá phù điêu) kết hợp với chạm lộng thường lại đạt được nghệ thuật cao từ rất sớm hơn thành tựu của tượng tròn. Nếu tượng tròn thế hệ thứ hai mới đạt được sự cân xứng và đường nét chân phương bước đầu thì các tiểu tượng trên các bao lam và nhà tổ chùa Giác Viên đã là những tác phẩm được xử lý có thần thái sống động, đường nét chạm đã chắc tay, bút pháp đã lưu loát, tư thế sinh động và đề tài phong phú.

Với 300 năm hình thành và phát triển, Sài gòn là một thành phố trẻ nhưng cũng có không ít những tài nguyên du lịch nhân văn. Đó là những công trình kiến trúc cổ như Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà hát lớn, Bưu điện, hệ thống các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chùa Bà Thiên Hậu, Tổ Đình Giác Viên...), hệ thống các nhà thờ cổ (Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Thủ Đức...). Nhìn chung, một trong những đặc trưng văn hóa của 300 năm lịch sử đất Sài Gòn - Gia Định, nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là "cơ cấu kiến trúc" Việt - Hoa - Châu Âu. Đó là một tổng thể kiến trúc mà vùng đất này sở hữu được. Có thể nói Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa của đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này là nơi phổ biến chữ quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo đầu tiên của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật... đã tạo cho Sài Gòn từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hóa.

Văn học
Văn học ở Sài Gòn-Gia Ðịnh xưa có thể chia làm hai bộ phận:
a. Văn học dân gian:
Văn học dân gian là bộ phận văn học do quần chúng nhân dân sáng tạo nên. Có thể nói, ngay từ khi những cư dân đầu tiên đến ngụ cư vùng đất này thì văn học dân gian bắt đầu xuất hiện.

Ðến đây đất nước lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

Ðó là nơi:
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Ðịnh-Ðồng Nai thì về
Nhìn một cách tổng quát, văn học dân gian thành phố gồm một số thể loại chính sau đây:
- Ca dao-dân ca: Chiếm một số lượng lớn và phổ biến rộng khắp nơi từ thị tứ đến vùng nông thôn ngoại thành. Ðây là loại sáng tác dân gian thường được cấu theo thể thơ lục bát mang đậm màu sắc dân tộc và được sử dụng trong các hình thức diễn xướng: hát ru, hò, hát đối đáp, lý, nói thơ...
- Vè: Là loại văn vần, có tính tự sự. Cũng như các tỉnh Nam Bộ khác, vè ở thành phố thường xuất hiện dưới các thể vãn 2, vãn 3, vãn 4, vãn 5 (nhất là vãn 4) và một ít sử dụng thể thơ lục bát hoặc biến thể của lục bát.
- Truyện kể: Ở Sài gòn, truyện kể phần lớn là những chuyện về sự tích, đặc biệt các chuyện kể về sấu và cọp, cùng các giai thoại. Thần thoại hầu như không có ở vùng đất này, còn chuyện cổ tích thì chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Các chuyện kể ở thành phố thường giản đơn, ít tình tiết và đặc biệt mang nhiều yếu tố kỳ ảo có tính chất hoang đường.
Ngòai 3 loại chính kể trên, văn học dân gian thành phố còn có tục ngữ và câu đố.
Nhìn chung văn hóa dân gian thành phố mang một số đặc điểm:
- Trước hết, nó vừa có nét riêng của một vùng đất, đồng thời có nét chung của Nam Bộ và đặc biêt nó chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của văn học dân gian vùng Ngũ Quảng, điều này có thể thấy rõ ở hát ru-một loại hình có tính truyền thống và ít có tính ứng tác nhất.
- Trong điều kiện lịch sử-xã hội của cư dân một vùng đất được hình thành muộn (từ cuối thế kỷ 17) văn học dân gian thành phố mất đi một số yếu tố của xã hội mà ở đó cuộc đấu tranh giai cấp và chống ngoại xâm trở thành vấn đề trung tâm của thời đại, nhất là trong điều kiện thành phố luôn luôn là điểm nóng bỏng của phong trào đấu tranh cách mạng.
b. Văn học viết:
Trước khi có văn học viết bằng chữ quốc ngữ la tinh, ở Sài Gòn, một giai đoạn dài, văn học Hán Nôm đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

- Văn học Hán Nôm: Vào khoảng năm 80 của thế kỷ XVIII, tại đây đã xuất hiện thi xã đầu tiên gọi là Sơn Hội Gia Ðịnh, tập hợp khá nhiều nhà văn, nhà thơ lúc ấy như: Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhơn Tịnh, Diệp Minh Phụng, Vương Kế Sinh, Huỳnh Ngọc Uẩn... Cũng cần lưu ý rằng trước đó Võ Trường Toản (?- 1792) người thầy học nổi tiếng thời bấy giờ đã sáng tác nhiều thơ văn, nay còn lại là bài Hoài Cổ Phú. Sự xuất hiện các thị xã, với các nhà thơ cùng các tác phẩm của họ đã biến Sài Gòn thành một trung tâm văn hóa lớn ở về phía Nam của Tổ quốc.
Từ thế kỷ XVIII đến năm 1860, nhiều tác phẩm Hán-Nôm đã ra đời, nay có thể kể: Cấn trại thi tập, Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Ðức (1765-1825), Thập Anh thi tập của Ngô Nhơn Tịnh (1761-1813) Hoa Nguyên thi thảo, Nhất thống địa dư chí của Lê Quang Ðịnh (1767-1813), Mộng Mai đình thảo thi của Trương Hảo Hiệp (1795-1851), ...
Nhìn chung các tác phẩm lớn là thi phú viết theo lối biền ngẫu, hoặc đường thi, một ít sách có tính khoa học địa lý. Tác giả là những nhà nho, trực tiếp tham gia chánh quyền nhà Nguyễn, vì thế nội dung của các tác phẩm mang ý thức hệ nho giáo, đồng thời ca ngợi chế độ họ đã sống và làm việc. Ðiều này, chủ yếu là do những điều kiện lịch sử-xã hội lúc bấy giờ.
Vào những năm 50 của thế kỷ XVIII, một số nhà thơ mới xuất hiện như Nguyễn Ðình Chiểu, Trần Thiện Chánh, Huỳnh Mẫn Ðạt, Nguyễn Thông... với một số tác phẩm của họ, tuy rằng vẫn còn trong vòng ý thức hệ nho giáo, nhưng đã phần nào cho thấy cái trí trệ của chế độ nhà Nguyễn.
b. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Ðà Nẵng và sau 1859 chúng đánh chiếm thành Gia Ðịnh. Sự kiện này đánh dấu một chặng đường mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đồng thời văn học ở Sài Gòn cũng mang một nội dung mới, từ văn học dân gian đến văn học Hán-Nôm:

Giặc Tây đánh tới Cần Giờ
Biểu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công

hay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn này!

(Chạy giặc-Nguyễn Ðình Chiểu)
Lớp nhà thơ mới xuất hiện từ những năm 40-50 của thế kỷ XIX, đang đứng trước những biến động vô cùng lớn lao của đất nước, đã phải nhanh chóng thay đổi nhận thức.
Ðó là:

- Huỳnh Mẫn Ðạt (1807-1883) với các bài thơ phê phán Tôn Thọ Tường, bài Khóc Nguyễn Trung Trực và tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên (soạn chung với Bùi Hữu Nghĩa).
- Phan Văn Trị (1803-1910) với 10 bài liên hoàn đả phá Tôn Thọ Tường và nhiều bài thơ yêu nước khác.
- Võ Thành Ðức với bài Gia Ðịnh Phú.
- Nguyễn Ðình Chiểu (1822-1883) với nhiều thơ văn yêu nước và các tác phẩm Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
- Trần Thiện Chánh với tập "Trần Từ Mẫn thi tập"
- Nguyễn Thông (1826-1884) với các tác phẩm: Ngoa dụ sào thi văn tập, Ðông Nam văn tập, Kỳ Xuyên văn sao, Việt sử thông giám cương mục.
- Hồ Huấn Nghiệp (1828-1864) với bài Hịch đánh Tây và 10 bài thơ lên án Tôn Thọ Tường.
Qua tác phẩm của các nhà thơ nói trên, tư tưởng chủ đạo của văn học Sài Gòn từ nửa cuối thế kỷ 19 và tư tưởng yêu nước thương dân. Có thể nói, văn học Hán Nôm ở Sài Gòn giai đoạn này như một chùm sao sáng rực trên bầu trời văn học Việt Nam. Bước sang thế kỷ 20, một giai đoạn mới của văn học Sài Gòn bắt đầu.
- Văn học chữ quốc ngữ-la tinh
Văn học Sài Gòn cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỷ 20
Sài Gòn là nơi chữ quốc ngữ được phổ biến trước nhất. Ðiều này làm nảy sinh sớm một nền văn học quốc ngữ. Thật vậy, một tác phẩm mang ít nhiều tính văn học là "Chuyện đời xưa" của Trương Vĩnh Ký, ngay từ năm 1866 đã được xuất bản ở Sài Gòn. Nhưng phải nói, nến văn học ấy mãi đến những năm 80, 90 của thế kỷ 19 mới được hình thành rõ nét. Trong hai thập niên này, văn học quốc ngữ đã có một cơ sở vững vàng với hàng loạt tác phẩm được xuất bản dưới nhiều dạng: từ dịch thuật đến sưu tầm, nghiên cứu; từ sáng tác chuyện thơ đến truyện và tiểu thuyết viết theo lối phương Tây; từ lối viết du ký, hồi ký đến soạn các kịch bản hát bội.

Sau đây là một số dẫn chứng cụ thể:
- Dịch Hán văn ra quốc ngữ có các quyển "Ðại học, Trung dung" do Trương Vĩnh Ký dịch-1881.
- Phiên chữ Nôm ra quốc ngữ có: "Nhị độ mai" do Phan Ðức Phán phiên (1884).
- Dịch Pháp văn ra quốc ngữ, Trương Minh Ký dịch quyển: "Chuyện Télémaque gặp tình cờ" của Fenelon (1887).
- Sưu tầm nghiên cứu văn học: "Chuyện giải buồn" của Huỳnh Tịnh Của (1886).
- Tiểu thuyết và truyện: "Truyện thầy Lazaro phiền" của Nguyễn Trọng Quản (1887).
- Du ký "Như Tây nhật trình" của Trương Minh Ký (1889).

Như vậy, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có thể nói văn học Sài Gòn khá phong phú và đa dạng. Ðây là nơi xuất phát điểm của phong trào thơ mới (như của tác giả Nguyễn Thị Kiêm) và cũng là nơi xuất hiện khá sớm các loại tiểu thuyết lịch sử Việt Nam (thí dụ như quyển "Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân" của Trương Duy Toản-1910), các bài văn chính luận (như các bài viết và sách của Trần Huy Liệu, Trần Hữu Ðộ, Ðào Khắc Hưng), các loại bài phê bình văn học (Nguyễn Văn Nguyễn).
Về văn học, để có được những thành tựu đó, cần ghi nhận công đóng góp của một số tác giả đáng chú ý sau: Trương Vĩnh Ký (1836-1898), Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản (1865-1911), Lê Hoàng Mưu (1879-1941), Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), Hồ Biểu Chánh (1885-1958)...

3. Ca nhạc cổ ở thành phố
Nguồn gốc cũng giống như các dạng thức văn hóa truyền thống khác, nhạc cổ Gia Định-Sài Gòn có nguồn gốc từ Trung Bắc, trực tiếp là Thuận Quảng. Nghệ thuật âm nhạc miền Trung theo chân những người dân vào Nam lập nghiệp dần dần phát triển rộng ra các thôn xã song song với sự phát triển của các yếu tố nhạc Trung Quốc do nhóm người Hoa đến cộng cư ở vùng đất này. Trong thực tế, nhạc miền Trung khi phát triển vào Gia Định có bị mất ít nhiều đặc điểm vốn có của nó, chủ yếu nó bị lệ thuộc vào tiết tấu sinh hoạt và phương ngữ Nam Bộ trong quá trình diễn tấu, đáp ứng như cầu lễ nghi (cúng đình, miếu, tang tế) cũng như nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật và tiết tấu trong hát bội.
Có lẽ trong các sinh hoạt diễn tấu âm nhạc, việc diễn tấu trong cuộc tiệc vui chơi đã trở thành một trong các thú phong lưu (cầm, kỳ, thi, họa) phổ biến ở Gia Định - Sài Gòn. Bài phú Cổ Gia Định phong cảnh vịnh sáng tác đầu thế kỷ 19 đã ghi lại rằng:

Chốn chốn phong quan ca xướng
Nhà nhà lịch lãm ăn chơi
Lũ bày, đoàn ba thấy loạn mai, khách trước (trúc)
- Ca nhạc tài tử
Ca nhạc tài tử không phát sinh ở Sài Gòn mà từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Buổi đầu phong trào ca nhạc tài tử trội nhất là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc và sau đó mới lan rộng ra thành những trung tâm quan trọng như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Bạc Liêu. Song song với những biến đổi kinh tế-xã hội, trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, ca nhạc tài tử đã đem đến cho người dân Nam Bộ, người dân Sài Gòn-Gia Định nói riêng, một loại hình mới mẻ mang tính thời thượng. Đêm trăng thanh gió mát, ở nông thôn, trên con thuyền ngược xuôi song rạch, trong cuộc tiệc vui mừng, trong đám cưới, đám giỗ...đều có người rước các tài tử đến đờn ca.

Bấy giờ Sài Gòn-Mỹ Tho có đường xe lửa. Mỹ Tho là thành phố lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ, ban nhạc tài tử thời danh của Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho lập tức được nhiều nhà hàng ở Sài Gòn mời lên trình diễn. Lối nhạc thính phòng này đã nhanh chóng trở thành "nhạc phòng trà" của nhiều nhà hàng. Nam Trung khách sạn (gần ga xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, nay ở khu vực chợ cũ), thí điểm kinh doanh của phong trào Duy Tân mở cửa mỗi ngày từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm đều có nhạc tài tử góp vui.
Với ca nhạc tài tử, nền nhạc truyền thống ngoài những nỗ lực sáng tạo thêm loại hình mới, các nhà soạn nhạc còn khái quát hóa toàn bộ hệ thống điệu thức trong nhạc truyền thống và phân chia thành các loại hơi chủ yếu: Bắc, Nam, Oán. Hơi Bắc là tập hợp các điệu thức mang tính chất vui vẻ, trong sáng; hơi Nam gồm các điệu thức trang nghiêm (được phân chia thành các loại hơi cụ thể: Xuân, Ai, Đảo); hơi Oán là hơi mới được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo nhạc lễ, nó mang tính chất bi hùng. Sự phân chia thành loại hơi là một thành quả độc đáo về nhạc học và mặt khác, đã chỉ ra tính đa dạng trong âm nhạc truyền thống.
Phong trào nhạc tài tử đã sáng tạo hàng loạt những sáng tác mới (giọng Nam, Phụng Hoàng, Tứ Đại, Phụng Cầu, Bình Sa lạc nhạn, Văn Thiên Tường) và nhiều nghệ sĩ tài danh, nhiều nhạc công nổi tiếng. Ở Sài Gòn-Chợ Lớn có thể kể Ba Đại, Cao Huỳnh Diêu, Cao Huỳnh Cả và nơi đây là đô thị lớn nên cũng hội tụ các tài năng xuất sắc từ lục tỉnh, trong đó có các nhạc sĩ, nhạc công và những danh ca thượng thặng.
Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất của ca nhạc tài tử là làm nảy sinh một loại hình ca kịch mới: Cải lương.
- Ca ra bộ, cải lương
Từ hình thức nhạc thính phòng của phong trào nhạc tài tử, nảy sinh một hình thức điểm xướng gọi là ca ra bộ. Đêm biểu diễn bản Tứ đại oán, Bùi Kiệm thi rớt của cô Ba Đắc ở Mỹ Tho năm 1912 được coi là đêm khai sinh của ca kịch cải lương.

Ca ra bộ là hình thức thoát thai từ hình thức ca nhạc tài tử, từ buổi đầu có đối xướng, động tác chủ yếu là minh họa lời ca rồi dần dần phát triển đến việc thể hiện tính cách nhân vật. Ca kịch cải lương hình thành và ca nhạc tài tử áp dụng vào các loại hình sân khấu này bị điều kiện hóa (bài bản bị cắt xén hay thay đổi, tiết tấu phải co giãn cho phù hợp với tiết tấu diễn xuất...) trở thành nhạc sân khấu gọi là nhạc cải lương.
Nhạc lễ được đổi mới thành nhạc tài tử. Nó tiếp thu các làn điệu dân ca (hò, lý, nói thơ và các loại ca hát dân gian khác) để chuyển hóa thành nhạc tài tử và đây cũng là nguồn bổ sung lớn cho nhạc cải lương sau này.
Các tác giả nhạc tài tử (Sáu Lầu, Bảy Triều...) và những tác giả nhạc sân khấu cải lương sau này (Mộng Vân, Tư Chơi, Bảy Nhiêu, Sáu Hải...) đã đóng góp nhiều sáng tác mới phù hợp với đà phát triển của nghệ thuật cải lương-trong đó đặc biệt quan trọng là bài Vọng Cổ.
Nhạc cải lương trong quá trình phát triển của các loại kịch bản khác nhau được bổ sung thêm các loại nhạc khác. Cải lương tuồng cổ, ngoài nhạc cụ của các dàn nhạc tài tử còn có thêm bộ gõ và kèn hát bội. Cải lương xã hội, lúc đầu phóng theo truyện phim và kịch của Pháp, lại có thêm dàn nhạc Jazz (Piano, Accordéon, Saxo trompette, Clarinette, Violon, Guitar...). Cải lương Hồ Quảng lại có một số bài cải lương bị Quảng Đông hóa và có cả những bài hát Quảng Đông (Mành bản, Dĩ nhạn, Phảnh phá, Bọc cầm lùng, Sắc dùi thấu, Xảo bản, Xái phỉ...). Cải lương kiếm hiệp đều dùng những bài do Mộng Vân sáng tác và một số ít bài bản cải lương (những sáng tác này của Mộng Vân được người đương thời gọi là nhạc "cà chía".
Nói tóm lại, âm nhạc truyền thống của Gia Định-Sài Gòn phát triển trong sự trưởng thành chung của âm nhạc cổ Nam Bộ. Đặc điểm riêng của nó thu thập hầu như toàn bộ những thành tựu và tài năng âm nhạc của lục tỉnh (Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Cần Đước và cả các tỉnh miền Đông). Trong những năm sau năm 1954, ở đây lại du nhập thêm nhiều nhóm nhạc miền Bắc, miền Trung-đặc biệt là nhạc cổ Huế. Ngoài việc du nhập các "phái" nhạc khác nhau ở mọi miền đất nước, nhạc cổ Gia Ðịnh-Sài Gòn, đặc biệt là nhạc cải lương, cũng đã tiếp nhận nhạc phương Tây và nhạc Trung Quốc. Do đó có thể thấy rằng âm nhạc truyền thống ở đây pha trộn nhiều thứ-có thứ có kế thừa chọn lọc, có thứ tùy tiện. Tất nhiên,thời gian và cuộc sống sẽ sàng lọc và thử thách.
(sưu tầm)
Nguồn: http://vannientravel.com/dia-danh-ho-chi-minh/thanh-pho-ho-chi-minh-sai-gon-gia-dinh-/Default.aspx 
read more...

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Lịch sử Việt Nam: Việt Nam Khai Quốc: Hai Bà Trưng và nguồn gốc của từ “Việt Nam”

Lịch sử Việt Nam: Việt Nam Khai Quốc: Hai Bà Trưng và nguồn gốc của từ “Việt Nam”

Keith Weller Taylor ("Hai Bà Trưng" –tranh lụa của Nguyễn Sáng (1977)



Năm 29 SCN, sau khi nhà Hán phục hưng trở lại, Đặng Nhượng, viên Thứ Sử Giao Chỉ trung thành với nhà Hán trong thời Vương Mãng đã được triều đình khen thưởng. Rất nhiều, và có lẽ là hầu hết những người Hán tị nạn đã quay trở về Bắc. Những cải cách tiến hành ở Việt Nam trong thời Vương Mãng đã được những viên chức có tài thực hiện, những người mà có lẽ đã không đến miền Nam nếu không có rối loạn ở miền Bắc.
Khi nhà Hán trở lại ngôi báu, những người có khả năng nôn nóng muốn trở về quê hương để làm ăn như cũ. Còn miền Nam được để lại cho những người kém hơn. Tô Định, viên Thái Thú mới của Giao Chỉ, có tiếng là người rất tham lam và bất tài. Ông được miêu tả như vậy chiếu theo khuôn mẫu mà sử Trung Quốc thường phê phán những hạng xấu kém có hành vi gây ra những cuộc nổi loạn của dân chúng. Trong thời gian Tô Định tại chức, các Lạc hầu bắt đầu thử thách các viên chức Trung Quốc và càng ngày càng trở nên bạo dạn hơn.
Viên Lạc hầu ở Mê Linh có người con gái tên là Trưng Trắc, có chồng là Thi Sách, Thi Sách là Lạc hầu ở Chu Diên, chỉ cách Mê Linh một quãng đường ngắn ở hạ lưu sông Hồng. Theo sử liệu Trung Quốc, Thi Sách tính tình mạnh bạo, và Tô Định tìm cách kềm chế ông bằng những thủ tục pháp lý, cố "trói ông lại bằng luật pháp." Trung Trắc "là người dũng cảm và chẳng sợ gì cả" đã xúi giục chồng hành động và bà trở thành nhân vật chính trong cuộc động viên các Lạc hầu chống lại người Trung Quốc.
Tô Định không đủ tư cách để so gươm với các Lạc hầu. Theo một phúc trình sau đó thuật về cuộc nổi dậy, Tô Định chỉ biết mở to mắt khi thấy tiền bạc, nhưng nhắm mắt lại khi phải trừng trị kẻ làm loạn; ông sợ phải ra ngoài đánh dẹp." Mùa xuân năm 40 SCN, những trại định cư của người Trung Quốc bị người Việt càn quét và Tô Định bỏ chạy. Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng nổi lên theo Trưng Trắc. Trưng Trắc lập triều đình, đóng đô ở Mê Linh và được tôn làm Nữ Vương bởi nhân dân 65 thành. Trong hai năm sau đó, bà "điều chỉnh lại thuế má” ở Giao Chỉ và Cửu Chân.
Nói rằng bà "điều chỉnh" lại thuế má trong hai năm, phải hiểu rằng bà "bãi bỏ thuế má." Bà cai trị từ Mê Linh là đất đai của tổ tiên và quyền hành của bà dã được thực thi không phải nhờ những thuế đánh theo kiểu Trung Quốc. Những quí tộc theo bà tôn Bà là Nữ Vương và chắc chắn đã dâng hiến những tặng phẩm có thể gọi là những đồ "cống nạp." Nhưng phong trào mà bà lãnh đạo chính là một phong trào phục hưng đất nước, một cách quay trở lại với một chính sách giản dị và thích hợp hơn với những đặc thù truyền thống của Việt Nam.
Những "thuế" mà bà bãi bỏ chính là những khoản mà các viên chức Hán bắt các Lạc hầu cống nạp để đổi lấy việc được thừa nhận quyền hành cũ. Từ một số ít điều được biết về việc thu thuế ở Việt Nam bởi nhà Tiền Hán, chúng ta có thể suy ra rằng phần chính là những hình thức lao động cưỡng ép và sự dâng tiến những sản phẩm xa xỉ miền nhiệt đới. Tên những viên chức được giao nhiệm vụ thu thuế ấy cũng được nói rõ. Những Lạc hầu chống lại chính sách thu thuế mà Trung Quốc đã áp dụng như nền tảng của sự áp chế. Thay vì phải phục tòng chính sách thu thuế theo luật định của nhà Hán, các Lạc hầu muốn được trao đổi những tặng phẩm theo quyền thừa kế và có lợi cho cả đôi bên.
Bà Trưng Trắc, cùng với người em gái là Trưng Nhị, người nổi tiếng là bạn đồng hành chiến đấu của chị, vẫn được người Việt Nam thương nhớ và qua bao nhiêu thế kỷ vẫn có nhiều truyền thuyết được kể lại về hai Bà. Các sử gia Việt Nam về sau đều cho rằng vì ông Thi Sách bị Tô Định giết chết nên hai Bà nổi dậy. Nhưng không thấy chứng cớ nào cho thấy như vậy. Chắc chắn ý kiến này nảy sinh từ thành kiến phụ hệ của những thế kỷ về sau không nhìn nhận người đàn bà là người lãnh đạo một cuộc nổi loạn và đồng thời được dân tôn lên làm vua trong khi người chồng vẫn còn sống. Sử liệu Trung Quốc đã nói rõ rằng ông Thi Sách phò trợ cuộc nổi dậy của vợ ông. Không khí mẫu hệ thời đó lại được chứng thực thêm bằng sự kiện là ngôi mộ và đền thờ của mẫu thân bà Trưng vẫn còn trong khi không còn di tích gì về phụ thân của bà cả. Tên tuổi và tiểu sử của trên 50 tùy tướng theo bà trong cuộc nổi dậy đều được khắc bia ghi lại trong các đền thờ Hai Bà, và một số lớn những vị đó đều là nữ tướng.
Đầu năm 41 SCN, 1 trong những vị tướng tài giỏi nhất của Trung Quốc là Mã Viện, vừa mới dẹp xong 1 cuộc nổi loạn ở An Huê, đã được bổ nhiệm cầm quân xuống miền Nam xa xôi vào lúc ông 56 tuổi. Ông được phong tước hiệu Phục Ba Tướng Quân, tước hiệu mà tướng Lộ Bác Đức được phong cách trước đó một thế kỷ rưỡi. Với 8000 quân chính quy và 12,000 dân quân lấy từ các huyện ở miền Tây Giao Chỉ Bộ. Mã Viện tiến xuống hải cảng Hợp Phố, nơi có con đường biển bắt đầu đi xuống Giao Chỉ quận. Khi viên tướng chỉ huy đội chiến thuyền bỗng nhiên chết, Mã Viện thấy rằng số 2000 chiến thuyền sẵn có không đủ cho binh sĩ. Thế là ông cho tiến quân theo đường bộ dọc bờ biển, đi tới đâu mở đường tới đó, còn thuyền thì chở lương thực đi theo tiếp tế.
Cuộc tiến quân không bị cản trở cho tới khi Mã Viện xâm nhập vùng chiến lược Tây Vu, nơi người Việt Nam vẫn có truyền thống chặn đường đón đánh kẻ thù. Nhưng đến Cổ Loa, ông bị chặn lại. Ông bèn rút về vùng cao Lãng Bạc nằm hơi chếch về phía Đông và hạ trại.
Vùng cao Lãng Bạc trông xuống bờ phiá Nam của một hồ cũng mang tên Lãng Bạc; hồ này ăn thông đến sông Cầu. Đội thuyền tiếp tế của ông có lẽ đã theo sông Cầu đi xuống và bỏ neo trong hồ. Bấy giờ là vào mùa Xuân năm 42 TCN. Mùa mưa đã bắt đầu. Vốn không quen với sức nóng và sự ẩm thấp của gió mùa, nên Mã Viện cho quân nghỉ ngơi và định đợi đến mùa khô sẽ mở cuộc tấn công.
Ông nói: " Khi tôi còn đóng quân ở giữa Lãng Bạc và Tây Vu, giặc còn chưa giao chiến, mưa rơi, hơi nước bốc lên, bệnh dịch bắt đầu. Sức nóng thật là không thể chịu nổi; thậm chí tôi thấy một con chim bồ cắt đang bay bỗng bị rơi xuống nước rồi chết."
Thấy quân Hán đóng trong lòng đất mình, các Lạc hầu, theo giải thích trong thư tịch Việt Nam, bắt đầu mất can đảm. Bà Trưng rõ ràng đã nhận thấy nếu Bà cứ ngồi yên không động binh chỉ khiến cho các tùy tướng mất tin tưởng. Nên Bà đã khai chiến. Nhưng Bà đã bị thua lớn, bao nhiêu ngàn người bị bắt và bị chặt đầu. Ngoài ra, trên 10,000 người hàng quân Trung Quốc. Bà và các tùy tướng rút về chân núi Tản Viên ở Mê Linh, nơi đất tổ của Bà. Có người chạy về Cửu Chân. Mã Viện đuổi theo đến Mê Linh và đến cuối năm ấy, bắt được cả hai Bà. Tháng Giêng năm sau, thủ cấp của hai Bà được đưa về triều đình Hán ở Lạc Dương (Lo yang).
Tính chất và quyền lực của hai Bà đuợc chứng tỏ rõ trong việc này. Bao lâu mà Bà còn duy trì được thắng lợi, những người theo Bà còn đứng sau lưng Bà. Nhưng khi Bà thất bại, bà bị bỏ rơi mau lẹ. Bà bị bắt buộc phải đánh trước chỉ là để cầm chân những người theo mình. Bà không có một đội quân có kỷ luật. Thay vào đó là một số Lạc hầu và những tùy tùng, người nào cũng chỉ lo cho quyền lợi của mình và sẵn sàng ở lại hay bỏ đi nếu thấy đằng nào có lợi hơn.
Điều này chứng tỏ là qua một thế kỷ rưỡi bị Hán đô hộ, tinh thần và giá trị truyền thống của dân chúng đã bị xói mòn. Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến quyền lãnh đạo của Bà không được tôn trọng là cái ảnh hưởng ngày càng lớn của tư duy phụ hệ do người Hán truyền bá. Đại Việt sử ký toàn thư viết vào thế kỷ 15 đã giải thích như sau:"Bà Trưng thấy kẻ thù mạnh mà quân mình không có kỷ luật, nên sợ không thể thắng được. Những người nào theo Bà, thấy Bà là một phụ nữ, sợ Bà không chống cự nổi quân thù và do đó, bỏ đi." Tình trạng tinh thần của lớp người Việt Nam cầm quyền ở thế kỷ 15 có thể đã phản ánh qua những lời lẽ đó, mà thật ra nó cũng có phần đúng.
Mã Viện đã dùng gần trọn năm 43 vào việc đặt nền móng cho quyền thống trị trực tiếp của nhà Hán tại đồng bằng sông Hồng. Chúng ta sẽ xét những cải cách của ông từng chi tiết ở chương sau. Đến gần cuối năm ấy Mã Viện lại dùng 2000 chiếc thuyền chở quân và lương thực xuống Cửu Chân, nơi những Lạc hầu ngoan bướng ẩn trốn. Thuyền theo những nhánh lớn của sông Hồng ra tới cửa biển và xuôi xuống đồng bằng sông Mã. Nơi đây, Mã Viện quét sạch quân thù của ông. Có người chạy lên vùng ngược, vùng núi cao ẩn trốn, có người lại xuôi xuống nữa về Nam dọc theo bờ biển. Mã Viện chia quân ra làm hai cánh quân đi về phía Nam tới Nghệ An ngày nay, lúc đó là Nam Cửu Chân. Khoảng từ 3000 đến 5000 ngưòi bị bắt và bị chặt đầu, hàng trăm gia đình bị đầy lên vùng Hoa Nam. Mùa xuân năm 44 SCN, Mã Viện rời Giao Chỉ về Bắc. Mùa thu năm sau, ông về đến kinh đô Hán và được tiếp đón như 1 vị anh hùng.

NAM VIỆT VÀ VIỆT NAM


(Thế giới cổ của các tộc Việt ở biên thùy Đông Nam Trung Hoa)

Cuộc viễn chinh của Mã Viện là một biến cố quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn chấm dứt, và những Lạc hầu đã làm giàu qua văn hóa Đông Sơn không còn được nói đến nữa. Người Việt phải học những phương pháp làm việc mới từ những viên chức ngoại bang. Trước đó, họ đã quen với người Trung Quốc lâu rồi; nhưng bỗng nhiên nền thống trị được áp dụng một cách trực tiếp hơn trong khi những rào cản của tinh thần chống quyền lực Trung Quốc bị gỡ bỏ. Người dân Việt Nam bị mất nền tảng lãnh đạo cũ của mình và sự tranh đấu để bảo tồn văn hóa đi đôi với vấn đề sống còn dưới một chế độ bóc lột và xa lạ. Khác với văn hóa Nhật Bản đã trưởng thành và vượt ngoài tầm những đe dọa từ bên ngoài, văn hóa Việt giữ được rất ít điều không trực tiếp liên hệ đến sự tồn tại của quốc gia.
Người Trung Quốc cho rằng những dân tộc "man di" nào may mắn được họ chinh phục về sau sẽ được “văn minh hóa,” nghĩa là sẽ hoá thành Trung Quốc. Bất cứ danh xưng nào tượng trưng một dân tộc riêng biệt, như Lạc chẳng hạn, đều bị những danh từ mang ý nghĩa rộng rãi khác phá loãng đi, như từ Việt (Yueh) chẳng hạn, được dùng cùng nghĩa với "man di." Những sử gia Trung Quốc viết về cuộc viễn chinh của Mã Viện đã nói đến người Việt cổ với tên gọi Lạc Việt hay đơn giản là Việt. Một học giả Trung Quốc khác, khi phê bình tiểu sử của Mã Viện, đã nhìn nhận "Lạc là một tên khác của Việt".
Vì thế Việt đã trở thành một cách nhận thức của Trung Quốc khi nói về hằng hà sa số những dân tộc phi Hoa ở miền Nam. Nhận xét này bắt đầu với văn hóa Việt ở Chiết Giang và Bồ Kiên với di sản truyền lại cho những giang sơn ở dọc miền duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Đó là di sản chính trị; đem truyền thống vương quyền đến miền biên thùy phía Nam của Trung Quốc. Tên "Âu" chỉ phản ảnh một lực lượng quân sự của dòng Việt. Tuy văn hóa Việt không bành trướng tới phía Nam Bồ Kiên, nhưng thành tố của di sản ấy đã đến miền Bắc Việt Nam từ ảnh hưởng của lớp người cầm quyền đến tị nạn.
Theo lịch sử Trung Quốc, dòng giống Việt không phải hoàn toàn man di. Sách sử ký nói vua Câu Tiễn (505-465 TCN)—người cai trị xứ Việt trong thời kỳ cường thịnh nhất– chính là dòng dõi của vua Vũ, người sáng lập ra nhà Hạ. Ngưòi Việt vì vậy đã được coi như một dòng suy thoái của “thế giới văn minh”– một dân tộc rơi vào tình trạng man di vì đã ở lâu dài với người man di.
Với sự chinh phục của Trung Quốc ở miền Nam, từ "Việt" được áp dụng không phân biệt cho tất cả những dân tộc bị chinh phục ở dọc bờ biển phía Nam. Thế là "Việt" được dùng để chỉ định vị trí của đám dân bị chinh phục bởi thế giới và văn minh Trung Quốc. Tất nhiên đó là một từ tạm dùng cho những dân tộc rồi sau sẽ được Trung Quốc hóa. Còn đối với những dân mà sau này quan hệ với Trung Quốc sẽ đứt đoạn, từ Việt vĩnh viễn biểu tượng bản sắc của họ trong thế giới Trung Quốc và đồng thời sự khác biệt của họ.
Trung Quốc coi giống Lạc là một giống người thuộc dòng Việt, và do đó người Trung Hoa gán ghép những nét văn hóa sáo mòn cho người Lạc để nhận diện họ là cùng trong dòng giống Việt. Những nét đó, ngoại trừ việc xâm mình, chỉ là những thành kiến đối nghịch với cái mà họ coi là của xã hội văn minh. Nói chung, những thành kiến này chỉ là tạo tác từ những điều mà họ cho là man rợ.
Khi sự thống trị của Trung Quốc trở thành một quá trình lâu dài, người Lạc thời cổ đã thấm nhuần thuật ngữ của chủ nhân mình đến mức cũng tự coi mình là một trong số những dân tộc Việt. Việt là một danh từ mà người Trung Quốc hiểu rõ. Họ có thể chấp nhận nó như một định nghĩa văn hóa chính thức cho dù nó bao gồm cả những giống người đã vượt ra khỏi lãnh vực văn minh của họ. Lạc không có nghĩa gì đối với họ. Các tác giả Trung Quốc khi nói đến Lạc lại phải viết kèm với Việt, tức là Lạc Việt. Hoặc phải giảng giải "Lạc" chỉ là một tên hiệu khác để gọi “Việt.”


(Huyền thoại Âu Cơ-Lạc Long Quân phối hợp bản sắc Lạc với khái niệm Bách Việt (tranh Vi Vi))

Khi tiếp xúc với những lãnh đạo của triều đình Hán, người Việt Nam cổ đều thấy tên Lạc chẳng có ý nghĩa gì, nhưng tên Việt còn được chút nhìn nhận. Khi họ hiểu biết thêm về đám người đã chinh phục mình, quan niệm về bản sắc của họ đã biến chuyển để phản ảnh điều này. Huyền thoại Lạc Long Quân với Âu Cơ được xét lại để gọi con cháu Lạc là dòng dõi Bách Việt, để được đề cao địa vị trong văn tự Trung Quốc.
Nói vậy không có nghĩa là không có một quan hệ văn hóa hay ngôn ngữ nào giữa những người Việt cổ–gọi là Lạc–với những dân tộc ở miền Đông Nam Trung Quốc mà người Trung Quốc biết đến là "Việt." Một cuộc khảo cứu gần đây về ngôn ngữ cho thấy rằng tất cả những dân tộc Việt ở Đông Nam Trung Quốc, cùng với những người Việt Nam cổ, đều nói tiếng Nam Á; và từ "Việt" có thể để chỉ riêng một nhóm ngôn ngữ mà thôi. Chẳng hạn những từ không phải là từ "Hoa" dưới đây, trong ngôn ngữ người Mân ở Bồ Kiên, giống những từ trong ngôn ngữ Việt Nam và những từ của các ngôn ngữ Nam Á khác: Đó là những từ chỉ người lên đồng; con (khi thưa, xưng với người trên như bố, mẹ, ông bà); con sam; động từ biết; bọt, bèo, con kẻ. Hơn nữa, những tham khảo sơ khai về tiếng Việt Nam qua các nguồn gốc Trung Quốc ở thế kỷ 2 SCN đều nhận ra rằng từ "chết" là từ "Việt", và từ "chó" là một từ "Nam Việt."
Cứ xét theo đó, chúng ta có lý để nói rằng tiếng Việt Nam cổ là một phần của một thế giới văn hóa và ngôn ngữ rộng rãi, bao gồm những dân tộc Việt ở Đông Nam Trung Quốc. Tên "Việt" đã đi vào Bắc Việt Nam theo cái nhìn của Trung Quốc coi người Việt thời thượng cổ là thành viên của cái thế giới rộng rãi ấy; tuy “Việt” không phát xuất từ nguồn gốc Lạc.
"Việt" là phát âm Việt Nam của từ "Yueh," do đó thành tên của dân tộc Việt. Tên "Việt Nam" ngày nay có từ năm 1803, khi sứ bộ của triều Nguyễn sang Bắc Kinh để thiết lập quan hệ ngoại giao. Họ muốn đặt tên nước là "Nam Việt," nhưng Trung Quốc chống đối, cho rằng tên đó gợi lại sự phản loạn của Triệu Đà thời xưa và đổi lại là "Việt Nam." Thành kiến của Trung Hoa với những câu nệ đế quốc lúc đó gây nhiều phẫn uất. Nhưng đến thế kỷ 20, tên "Việt Nam" đã được nhân dân Việt Nam mọi nơi chấp nhận.
http://damau.org

read more...

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

VMT: Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi



VMT, kinh van hoa tap, the gioi van hoa .com, xa van hoa, truong van hoa nghe thuat, trung tam hoa van, nen van hoa, van hoa dan toc, hoa van dan toc, van hoa nguoi hoa, van hoa hoa binh, xa hoi hoa van hoa: Dấu ấn văn hoá Việt trong kinh Thi
Hà văn Thùy


Kinh Thi là tuyển tập những bài dân ca và ca dao đẹp nhất, hay nhất xuất hiện trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VI TCN trở về trước trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử. Theo Tư Mã Thiên viết trong Sử ký thì ban đầu có tới 3000 bài, Khổng tử san định đã bỏ đi 9 phần 10, chỉ giữ lại có 311 bài. Ðấy là tác phẩm văn học cổ điển có ảnh hưởng sâu rộng đến tâm hồn và trí tuệ phương Ðông, quan trọng đến mức Khổng tử nói bất học thi vô dĩ ngôn! (Không học Thi biết gì mà nói). Thời nhà Tần nó cũng bị đốt nhưng sau đó được khôi phục và xếp vào Ngũ kinh.

Hàng nghìn năm nay, kinh Thi mặc nhiên được coi như sản phẩm đặc hữu của Hán tộc, không có ai nghi ngờ hay bàn cãi. Vì vậy, ba chục năm trước, khi học giả Lương Kim Ðịnh cho rằng Kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc (1) đã gây nên sự phản ứng của không ít người. Dễ hiểu thôi, thay đổi một thói quen từng hằn vào cân não hàng nghìn năm đâu phải là việc một sớm một chiều!
Ðiều dễ nhận ra là kinh Thi đã bị Hán nho rối Tống nho đánh tráo một cách trơ trẽn: Những sáng tác dân gian sinh ra nơi ruộng lúa nương dâu bị biến thành sản phẩm cung đình, một thứ văn chương xu phụ chuyên ca tụng ông vua này ông vua khác cùng bà hậu phi nào đó! Chính ở đây, tầng lớp Hán nho đã ăn cắp tác quyền của dân gian trao cho vương triều. Ðiều này dễ thấy. Còn cách đánh tráo, ăn cắp tác quyền khác tinh vi hơn thì khó nhận ra. Khó về học thuật và càng khó hơn trong tâm lý: đứng trước nền văn hóa khổng lồ của người láng giềng phương bắc, chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé đi, đến mức chỉ còn là cậu học trò ngu ngơ trước ông thầy vĩ đại! Tâm lý ấy khiến chúng ta hèn đi, không dám nghĩ đến cái điều bị coi là hoang tưởng thậm chí phạm thượng: kinh Thi là quyển kinh điển của Việt tộc!



Ðể phân định điều này, ta phải xét từ cội nguồn: Tìm về lịch sử hình thành kinh Thi.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước tồn tại 2 giả thuyết về cội nguồn dân tộc Việt. Một cho rằng, tổ tiên người Việt từ cao nguyên Thiên Sơn di cư vào đất Trung Hoa sau đó bị người Hán chèn ép nên tràn xuống Việt Nam tiêu diệt người bản địa, lập ra nước Văn Lang. Giả thuyết thứ hai cho rằng tổ tiên người Việt đã từ Mã Lai đi lên.



Ngày nay, với những thành tựu mới nhất của di truyền học, lần đầu tiên chúng ta có bản viết chính xác về tiền sử Đông Á: Người hiện đại Homo Sapiens đã từ châu Phi lên Trung Đông rồi từ đây theo bờ biển Nam Á đến Việt Nam khoảng 60-70000 năm trước. Dừng lại đây trong khoảng 10.000 năm, hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết tạo ra những chủng lai. Những chủng người này sinh sôi nảy nở lan khắp lục địa, hải đảo Đông Nam Á rồi sang châu Úc. Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, người từ Đông Nam Á đi lên phía bắc, chiếm lĩnh lục địa Trung Hoa rồi sau đó vượt qua eo Bering tới châu Mỹ.



Cho đến thiên niên kỷ thứ IV TCN, người Đông Nam Á mà sau này sử sách gọi là Bách Việt sống khắp duyên hải Đông Á với nhân số chiếm khoảng 54% nhân loại. Trong đó người Lạc Việt có khoảng 15-20% và giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và ngôn ngữ. Người Bách Việt Đông Nam Á kiến tạo nền văn minh nông nghiệp tiến bộ nhất thế giới: Nghề trồng lúa phát triển với giống lúa được tuyển chọn tốt, biết cày bằng trâu bò, đắp bờ giữ nước. Nghề chăn nuôi gia súc trở thành nghề sản xuất chính, biết nuôi tằm dệt lụa. Nghề đúc đồng ra đời. Khoa thiên văn quan sát tượng trời tượng đất dự báo thời tiết ở trình độ cao. Kiến thức âm dương ngũ hành, dịch số được tích luỹ. Từ kết nút để ghi nhớ đã có chữ Khoa đẩu. Là cộng đồng nông nghiệp nên sinh hoạt văn hoá phát triển với ca dao, dân ca, đồng dao, nhạc múa, trái gái luyến ái tự nhiên theo tục dã hợp…



Cũng trong khoảng thời gian trên, có phần chắc là muộn hơn, một số nhóm người Mongoloid từ Đông Nam Á đi lên miền đồng cỏ phía Tây Bắc Trung Hoa, sinh sống bằng du mục, tách biệt với khối dân cư còn lại.



Khoảng 2600 năm TCN, những bộ lạc du mục thiểu số này vượt Hoàng Hà chiếm đất của dân Bách Việt nông nghiệp, lập ra thời đại Hoàng Đế. (2)



Tuy chiến thắng về quân sự nhưng do số người ít và văn hoá kém phát triển nên kẻ chiến thắng bị đồng hoá cả về di truyền cả về văn hoá. Người Mongoloid vốn có nước da sáng hơn người Australod lại sống ở phía bắc từ lâu nên nước da càng trắng hơn. Vì vậy kẻ thống trị gọi người bản địa là lê dân – dân đen - để phân biệt.



Vào đất Bách Việt, người Hán Mông Cổ choáng ngợp trước số dân đông đúc và kinh tế sung túc nên lập tức bỏ nghề du mục, chuyển sang làm quan, làm công nghiệp, nhà buôn - những công việc đặc quyền của kẻ thống trị.



Không lâu sau, chỉ một vài trăm năm, toàn bộ người Hán Mông Cổ xuống Trung Nguyên bị hoà huyết với dân đen bản địa thành chủng người mới, khoa học gọi là Mongoloid phương Nam hay nhóm loại hình Đông Nam Á. Trong quá trình hoà huyết thì văn hoá cũng hoà đồng: Trước hết là tiếng nói. Lớp con lai dùng trộn trạo từ vựng của bố của mẹ. Với thời gian, hai hệ tiếng nói bổ sung cho nhau, hoà vào nhau tạo nên tiếng nói chung phong phú của lớp dân mới. Tuy nhiên, tiếng nói của một vùng, một quốc gia bao giờ cũng theo cách nói của trung tâm, của thủ đô. Người Hán Mông tập trung ở đô thị nên trong khi học thêm từ vựng Việt thì họ cố giữ cách nói-văn phạm truyền thống Hán. Dần dần toàn bộ dân cư chuyển sang dùng cách nói thống nhất như các đô thị, kết quả là trong giao tiếp cùng nói theo cách của người Hán. Đồng thời trong quá trình chung sống, các phong tục tập quán của hai tộc người ban đầu cũng hoà vào nhau.



Người Hán Mông Cổ bỏ vật tổ truyền thống của mình là con cọp trắng để chuyển sang thờ vật tổ của dân bách Việt là con cá sấu được thần hoá thành con rồng. Người Hán Mông Cổ cũng nhận những ông tổ xa xưa của người Việt là Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông làm tổ của mình (3). Điều này không có gì sai trái mà hợp lý vì do hoà huyết nên về huyết thống, những thế hệ người Hán từ sau Hoàng Đế như Đế Cốc, Đế Chí đều là con cháu của Thần Nông. Họ có toàn quyền nhận tổ tiên cũng như văn hoá nông nghiệp làm của mình, bình đẳng với những người Bách Việt mới thuộc chủng Mongoloid phương Nam.



Từ lịch sử đó, chúng ta thử tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của kinh Thi.



Từ thời vua Vũ nhà Hạ (2205-1783 TCN), các nước chư hầu dâng cống vật cho thiên tử thì trong phương vật, có cả những câu ca của dân quê nơi thôn dã. Thiên tử xem những câu ca ấy để hiểu thuần phong mỹ tục trong thiên hạ, để đánh giá sự cai trị của vua chư hầu. Cái lễ cống tồn tại dài dài mãi sau này nhưng việc cống những câu ca nơi thôn cùng xóm vắng chỉ tồn tại đến thời nhà Chu (1134-247 TCN).



Nhưng thử hỏi thiên hạ Trung Hoa thời Xuân Thu là ai? Lúc này đã 2000 năm qua đi từ trận Trác Lộc Hoàng Đế chiến Si Vưu. Trong cương thổ nhà Chu rộng khoảng 115.000 km2 với 15 tiểu quốc, hai chủng tộc chính ban đầu là Hán Mông Cổ và Bách Việt đã hoà huyết thành chủng mới Mongoloid phương Nam. Cùng với máu huyết, giữa người Việt và người Hán cũng có sự hoà đồng về văn hoá. Trong cộng đồng Hán tộc mới này, lực lượng đông đảo nhất là lê dân, là dân đen tức những người gốc Tam Miêu. Chính do số đông áp đảo, chính xuất phát từ nền văn hoá cao hơn nên những người gốc Bách Việt giữ vai trò chủ đạo trong nền văn hoá.



Đặc điểm nổi bật của dân Miêu Việt là sống hồn nhiên vui vẻ, ưa ca múa, khá thoải mái trong chuyện luyến ái gái trai. Kinh Thư ghi nhận, khi vì bất bình mà người Miêu Việt nổi dậy, dẹp không được, vua Thuấn phải sai ông Quỳ dùng ca múa phủ dụ mới yên. Từ kinh nghiệm trên, các ông vua hiền thời cổ ở Trung Quốc đã phần nào dựa vào những lời ca cất lên nơi thôn cùng xóm vắng mà biết nguyện vọng của dân để kịp thời điều chỉnh chính sách của mình. Chính những lời ca dân dã ấy được thu thập lưu giữ trong tàng thư của nhà vua. Và từ những thư tịch trong cung vua nhà Chu, Khổng tử (551- 479 TCN) đã đem ra san định thành kinh Thi.



Những nguyên nhân trên đã tạo nên tinh thần nông nghiệp Việt tộc bàng bạc trong kinh Thi ngay từ bài đầu tiên và quan trọng nhất: Quan thư.

Quan quan thư cưu
Tại hà tri châu

Yểu điệu thục nữ

Quân tử hảo cầu.

Bài ca là hình ảnh một bãi nổi trên sông với những loài chim nước cặp đôi cùng người trai người gái tình tự phản ánh cuộc sống hồn nhiên của dân cư nông nghiệp miền sông nước. Hảo cầu là từ đa nghĩa. Tản Ðà dịch là tốt đôi vợ chồng nhưng theo Kim Ðịnh, một bản Latinh lại dịch là giao cấu (copulary). Dịch như vậy mới phản ánh đúng cái thần câu ca: quan hệ tính giao tự nhiên như vậy chỉ có ở văn hóa phồn thực của Viêm Việt nông nghiệp. Dịch như Tản Ðà là dịch theo quan điểm thanh giáo mà Hán nho rồi Tống nho áp đặt để xuyên tạc kinh Thi.



Một bài khác cũng mang cái phong vị trữ tình như vậy, bài Hán Quảng :

Trên bờ sông Hán ai ơi,
Có cô con gái khó ai mơ màng

Mênh mông sông Hán sông Giang

Lặn sang chẳng được, bè sang khó lòng.



Sông Hán là chi lưu của sông Dương Tử, miền đất châu Kinh, châu Dương, châu Hoài... địa bàn cư trú lâu đời của người Bách Việt, một bằng chứng cho thấy người Việt là chủ nhân những câu ca trên. Một bài khác Thảo trùng: người con gái lên núi hái rau, nhìn thấy châu chấu theo nhau bay nhảy liền mong tưởng đến chồng trở về: Diệc ký kiến chỉ, diệc ký cấu chỉ, ngã tâm đắc di.

Tản Ðà dịch: bao giờ cho thấy mặt chàng,

Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng.

Dịch vậy là quá khéo, bởi chữ cấu có nghĩa là giao hoan. Nở nang tấm lòng vừa có nghĩa vui mừng lại có nghĩa thai nghén sinh nở!

Bài Dã hữu tử huân (con nai chết trên đồng) có câu:

Có cô con gái xuân tình,

Cậu giai tốt đẹp dỗ dành muốn ve

cũng là bằng chứng của lối sống phồn thực Viêm Việt. Cuộc sống phồn thực luyến ái tự nhiên là đặc điểm của văn hóa Việt tộc. Ta thấy điều này trong sinh hoạt hội mùa xuân: đến hội xuân, tất cả trai gái làng này đến hát đối với trai gái làng bên cạnh (là hai bộ lạc). Trai chưa vợ gái chưa chồng xem mặt nhau rồi chọn lựa trong lúc hát hò. Tan đám hát, họ chia nhau từng đôi, tặng nhau kỷ vật rồi dẫn nhau vào những lùm cây bãi cỏ giao hoan, gọi là dã hợp. Không ai chê bai ngăn cản việc này. Những đứa trẻ sinh ra trong cuộc hôn phối tự nhiên ấy là điềm may. Chỉ khi các thánh hiền phương Bắc xuất hiện mới coi là xướng ca vô loại,chê là dâm bôn, ra sức cấm đoán rồi vỗ ngực ca ngợi công việc ấy của mình là cải hóa phong tục của man di! Nếu trong cuộc đời thực, Hán nho, Tống nho tiếp tay cho vương triều phong kiến xóa bỏ văn hóa Việt tộc thì trên phương diện chữ nghĩa, họ cũng một mặt ăn cắp tác quyền những dân ca và ca dao Việt trao cho vua chúa, mặt khác chú giải Thi theo hướng có lợi cho vương triều, cổ xúy chủ nghĩa thanh giáo. Kim Ðịnh phát hiện ra mưu đồ này nhưng có lẽ ông đã quá lời khi nói: "Có thể xẩy ra những cuộc tráo trộn do chính Viêm tộc làm ra: nó ở tại đem vào những bài ca của dân gian một ít lời để lái một bài thơ phương Nam ra vẻ của phương Bắc, hoặc để nguyên cả một bài hay một chuỗi bài như Châu Nam, Thiệu Nam mà đặt vào vùng núi Kỳ ở Thiểm Tây để cho người phương Bắc dễ chấp nhận." (VLTN 135) Có lẽ không phải vậy. Người dân quê hồn hậu không nghĩ rằng những câu ca nơi đồng nội của mình sẽ thành kinh điển nên phải tự sửa mình đi cho vừa khẩu vị kẻ xâm chiếm thống trị. Họ chỉ tự nhiên nhi nhiên hát lên lời hát của lòng mình mà vì nó hay nên vương triều không thể bỏ phải lượm lặt đem về. Nhưng rồi việc biên tập, nhuận sắc, chú giải diễn ra, nội dung nhiều bài thay đổi đồng thời tác quyền bị chuyển cho người khác. Việc làm này của Hán nho là có ý thức. Tuy nhiên, cái việc vụng trộm ấy cũng không hoàn toàn vô tang mà đã để lại dấu vết. Không những không thể xóa hết tinh thần Viêm Việt bàng bạc trong khắp tập kinh mà ở nhiều bài còn lộ rõ dấu vết trong cách đặt câu, trong cú pháp. Ta biết, so với tiếng Việt, cú pháp chữ Hán nói ngược: Việt nói trong lòng là trung tâm thì Hán nóitâm trung. Nhưng trong kinh Thi, có hiện tượng rất lạ là nhiều câu vẫn giữ cấu trúc ngữ pháp Việt:

Túc túc thỏ ta, thi vu trung lâm

(Thỏ ta: Lưới thỏ mà căng giữa rừng.)

Ðúng ra giữa rừng viết theo cú pháp chữ Hán phải là lâm trung mà ở đây lại là trung lâm. Hay

Hước lãng tiếu ngạo, trung tâm thị niệu

(Chung phong: Cũng là bỡn cợt mà thôi,

chỉ thêm đau ruột cho người xót thương).

Có thể kể ra nhiều nữa:

- Hồ vi hồ trung lộ (Thức vi: trong sương)

- Trung tâm rạng rạng (Nhị tử thừa chu: trong lòng áy náy )

- Trung tâm hữu vi (Cốc phong: trong lòng băn khoăn)

- Di vu trung cốc (Cát đàm: trong hang)

- Trung tâm dao dao (thử ly: trong lòng nao nao)

- Tại bỉ trung hà (Bách châu: giữa dòng sông)

- Trung cấu chi ngôn (Tường hữu từ: lời nói trong buồng kín )

Những "hòn sạn" chữ nghĩa kia nói lên điều gì? Phải chăng là sự vô tình? Phải chăng là những người biên tập, san định, chú giải vì "dốt" nên không thấy cái "sai" ấy? Mấy nghìn năm nay chưa ai giải thích điều này. Trong bài Dẫn nhập in ở đầu cuốn kinh Thi, ông Trần Văn Chánh nhận xét: "Trong kinh Thi, chữ "trung" (ở trong, ở giữa) thường đặt sau danh từ, thay vì ngược lại, so với văn ngôn các đời Hán, Ðường... về sau."(4)Ông cho rằng đó là một trong những nguyên tắc, những mô hình cấu trúc cần nhận biết khi đọc Thi. Ðiều này đã hẳn nhưng nó cũng gợi lên thắc mắc: vì sao lại có hiện tượng khác thường đó? Và vì sao qua hàng nghìn năm phấn đấu xa đồng quỹ, thư đồng văn, qua biết bao lần nhuận sắc, chú giải, những đại nho của muôn đời không sửa chữa, không lượm đi những "hạt sạn"? Ðúng là chữ nghĩa thời kinh Thi chưa ổn định và có khác thời Hán thời Ðường. Nhưng thử hỏi, nguyên nhân của sự không ổn định ấy là gì? Theo thiển ý, ở chính trong lịch sử hình thành ngôn ngữ Trung Hoa. Ngôn ngữ thời kinh Thi nằm trên đường chuyển hóa từ cách nói của người Việt sang cách nói của người Hán. Cách nói của người Hán cuối cùng đã thắng nhưng trong ca dao, dân ca vẫn tồn tại cách nói Việt phản ánh tư duy Việt. Khi ca dao dân ca của người Việt được đưa vào kinh điển, người san định tuy đã nhuận sắc sửa đổi nhưng không thể sửa chữa tất cả vì buộc phải tôn trọng vần điệu của thơ. Trong 2700 bài thơ bị loại bỏ, ai biết có bao nhiêu bài của Việt tộc? Những bài còn lại là những bài không thể bỏ. Những cấu trúc ngữ pháp không bình thường trong các bài đó cũng là không thể sửa đổi! Cái không thể sửa đổi đã trở thành những "hòn sạn" trong ngôn ngữ của Thi. Nhưng chính những "hòn sạn" tưởng như ngẫu nhiên này lại là những hóa thạch ngôn ngữ chứng minh về sự đóng góp của tiếng Việt vào kinh Thi, vào ngôn ngữ Trung Hoa! Không chỉ trong Thi, cách nói Việt này cũng để lại dấu ấn trong một số tên gọi: Nữ Oa, Thần Nông, Ðế Nghiêu, Ðế Thuấn, Ðế Chí rồi Ðế Minh, Ðế Lai... Cách nói đó không thể phủ nhận được là cách nói Việt. Có lẽ cũng do những nguyên nhân lịch sử bất khả kháng mà người ta không thể sửa thành Nông Thần, Nghiêu đế... theo cách nói của người Hán!



Nói như ông Kim Ðịnh Kinh thi là quyển kinh điển của Việt tộc e rằng quá lời. Bởi lẽ không hiểu những bài bị loại bỏ ra sao, còn căn cứ vào những bài hiện có, ta thấy trong đó nhiều bài mang đặc tính chung của con người, cái chất uy-manh chả của riêng ai, thật khó tách bạch. Trong đó bên cạnh những bài đậm sắc thái Việt lại có những bài mang tố chất Hán tộc như bài Thạc nhân:

Người đâu dong dỏng như ai,

Trong mặc áo gấm phủ ngoài áo lương.

Ấy người con gái họ Khương,

Em ông thái tử cưới sang vua Vệ hầu.

Còn như bề giượng là đâu?

Có Ðàm công với Hình hầu hai vua.

Từ phục sức đến nhân thân cho thấy đó là người đàn bà quý tộc. Nhân vật này không phải đối tượng của văn chương dân gian. Nhiều khả năng đây là sản phẩm của nhà thơ cung đình nào đó mượn phong cách dân gian làm thơ phục vụ vương quyền. Không phải trong tầng lớp vương giả không có người Việt nhưng người đàn bà này đích thực là người Hán:

Tay ai như cái cỏ gianh non,

Da như mỡ đọng, cổ như con nhậy dài,

Hạt bầu thời như thể răng ai,

Ðầu trăn mà lại mày ngài thêm xinh...

Tay, da, đầu có thể là cái đẹp chung của người Hán người Việt nhưng rõ ràng, cái răng: hạt bầu như thể... cũng như đầu trăn (Tản Đà giảng con trăn như con ve mà bé) là vẻ đẹp theo chuẩn mực thẩm mỹ Hán tộc. Thời ấy, vẻ đẹp của người Việt là nhuộm răng đen, xăm mình. Trong Sở từ, đau vì thân phận dòng Việt của mình, Khuất Nguyên than: răng đen mình trổ dọc ngang!



Nhưng điều thú vị là, ngay ở đây cũng hiển lộ yếu tố văn hoá Việt: mày ngài! Trồng dâu nuôi tằm là bản nghệ của dân nông nghiệp phương Nam. Do chăm chút con tằm từ ăn một ăn hai đến ra né, chọn giống, cho ngài đẻ… mà người nuôi tằm nhận ra vẻ đẹp kỳ diệu của cặp râu con ngài. Sự so sánh tuyệt vời nảy sinh: râu con ngài được ví với lông mày con gái. Thành ngữ mày ngài ra đời! Đấy là sản phẩm của văn hoá nông nghiệp Bách Việt.



Khi đưa nghề tằm tang từ Văn hoá Hoà Bình lên Trung Nguyên, người Việt cũng đưa luôn thành ngữ mày ngài lên quê hương mới. Thành ngữ này, cũng như những từ vựng khác, nhập tịch ngôn ngữ Trung Hoa rồi một cách vô thức phát lộ trong câu ca dao mang nhiều sắc thái Hoa tộc nhất. Điều này là ví dụ tuyệt vời chứng tỏ sự đóng góp của văn hoá Bách Việt vào văn hoá Trung Hoa.



Như vậy, có lẽ sẽ công bằng hơn khi nói rằng, kinh Thi là đứa con lai giữa hai nền văn hóa Hán và Việt mà trong đó phần hồn phần cốt là văn hóa của Bách Việt nông nghiệp.



Sài Gòn 6-2006

Sách tham khảo:

1.Kim Đinh. Việt lý tố nguyên. An Tiêm Sài Gòn 1970 tr. 125

2. Hà Văn Thuỳ. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá. Talawas.org

3. Ts Nguyễn Thị Thanh - Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới– Vietcatholic 30.9. 2001.

4. Kinh Thi NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992 tr.XXXII




read more...

Việt Mỹ Thuật: Đọc lại Truyện Hùng Vương


Việt Mỹ Thuật: Đọc lại Truyện Hùng Vương
Hà văn Thùy

Truyện Hùng Vương là huyền thoại gốc nói về tổ tiên và việc dựng nước của người Việt. Do ý nghĩa đó mà nhiều thế hệ Việt gắng sức giải mã truyền thuyết này nhằm minh định nguồn gốc tổ tiên đất nước mình. Tuy nhiên cho đến nay chưa có phương án nào thực sự thuyết phục và vì vậy, cả tổ tiên lẫn đất nước Việt thời khởi nguyên vẫn mù mờ trong huyển thoại. Nay, dưới ánh sáng những phát kiến mới nhất của di truyền học, chúng tôi có điều kiện bàn lại chuyện này.
Muốn giải mã truyền thuyết Hùng Vương trước hết phải giải quyết hai vấn đề then chốt: một là xác định nguồn gốc sinh học của Hùng Vương và hai, xác định thời điểm cùng cương vực câu chuyện diễn ra.
Truyện kể rằng: “Cháu ba đời của Thần Nông Viêm Đế là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra vua (Kinh Dương Vương)… Đế Minh lập đế Nghi là con trưởng nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Sách Thông giám ngoại kỷ nói: Đế Lai là con Đế Nghi.
Lạc Long Quân tên huý là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương, vua lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh trăm con trai (tục truyền trăm trứng) là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khắc nhau, chung hợp thật khó.” Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trường là Hùng Vương, nối ngôi vua” “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam hải, tây giáp Ba Thục, bắc đến Hồ Đông Đình, nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành.”(Đại Việt sử ký toàn thư)
Theo đoạn trích trên thì: Lạc Long Quân là cháu trực hệ của Thần Nông. Người Việt cho rằng tổ tiên của mình là Thần Nông Viêm Đế. Nhưng nhiều tài liệu nói Trung Hoa cũng nhận Thần Nông là tổ của họ. Sự tranh chấp đã điễn ra hàng ngàn năm. Nay nhờ phát kiến mới về gene ta có thể phán quyết vụ án này.
Ta biết rằng người hiện đại Homo Sapiens xuất hiện tại Đông Phi khoảng 180.000 năm trước. Khoảng 70000 năm trước, họ theo con đường Nam Á tới miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tại đây hai đại chủng Mongoloid và Australoid hoà huyết sinh ra các chủng Indonesien, Melanesien…và tràn khắp lục địa Đông Nam Á, sau đó di cư sang châu Úc và các đảo ngoài khơi. Khoảng 40.000 năm trước, do băng hà tan, khí hậu ấm hơn, người từ Đông Nam Á đi lên khai thác miền đất ngày nay có tên là Trung Quốc. Cho đến 4000 năm TCN, người Đông Nam Á mà sau này được gọi là Bách Việt sống tại duyên hải Đông Á có nhân số chiếm 54% dân số nhân loại. Do tộc Lạc Việt giữ vai trò lãnh đạo về xã hội và tiếng nói, người Bách Việt xây dựng nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển nhất thế giới.(1)
Cũng thời gian này hay muộn hơn, một nhóm Mongoloid từ Đông Nam Á theo con đường Ba Thục lên định cư ở Tây Bắc Trung Quốc và nước Mông Cổ, tạo nên chủng Mongoloid phương bắc tổ tiên của những bộ lạc du mục sau này. Điều kiện sống đã tạo nên họ là những bộ tộc thiện chiến.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ tràn qua Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt. Rất mau chóng, người Mông Cổ hoà huyết với người bản địa tạo ra chủng mới gọi là Mongoloid phương nam. Việc lai giống này xảy ra như phản ứng dây chuyền khiến cho sau đó chủng Mongoloid phương Nam chiếm đại bộ phận dân cư Á Đông.
Từ con đường hình thành nhân chủng Đông Á trên đây, ta có thể rút ra kệt luận: Thần Nông, Đế Minh, Đế Lai, Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân cho đến Hùng Vương là người Bách Việt. Cụ thể hơn, là người Lạc Việt, thuộc chủng Indonesien tức là hậu duệ của những người từ Đông Nam Á đi lên.
Cũng có thể giả định câu chuyện sau: tham gia trận quyết chiến Trác Lộc trên sông Hoàng Hà, trong liên quân Việt do Đế Lai (bị gọi là Si Vưu) lãnh đạo, có cả Lạc Long Quân, con rể và cũng là em con chú của Đế Lai. Khi Đế Lai bị giết, Lạc Long Quân dẫn quân Việt cùng với gia đình lên thuyền (thời gian này, người Việt đi thuyền giỏi và làm chủ biển Đông) theo Hoàng Hà ra biển, xuôi xuống phía nam. Theo Ngọc phả Đền Hùng thì đoàn người của Lạc Long Quân đóng đô tại rào Rum ngàn Hống (núi Hồng sông Lam), sau đó di chuyển lên vùng Ao Việt (Việt Trì) lập nước Văn Lang.
Theo tài liệu khảo cổ và lịch sử thì đoàn di tản của Lạc Long Quân trở về Việt Nam quê hương cũ chỉ là đoàn mở đầu: là những người Indonesien, Melanesien mà lịch sử viết là Việt với bộ Mễ. Sau này, do sự bành trướng của kẻ xâm lăng, nhiều lớp người Bách Việt nối tiếp trở về Việt Nam cũng như Đông Nam Á. Ngày càng nhiều người trong lớp di cư sau, được lai giống trở thành chủng Mongoloid phương Nam. Những người này khi trở lại Việt Nam, hoà huyết với người bản địa khiến cho vào khoảng 2000 năm TCN phần lớn dân cư Việt là Môngoloid phương Nam.(2)
Với phân tích trên, ta nhận thấy, từ Thần Nông cho đến Hùng Vương về sinh học là người Lạc Việt thuộc chủng Indonesien. Sau Hùng vương, con cháu Cụ dần dần chuyển thành chủng Mongoloid phương Nam. Người Việt ta ngày nay là con cháu đích thực của Hùng Vương.
Còn người Trung Hoa thì sao? Do chưa có tư liệu về gene người Hán cho nên hầu hết học giả trước đây lầm lẫn khi coi những người tràn qua Hoàng Hà chiếm đất của người Việt là Hán tộc. Thực ra đó là người Mông Cổ. Xuống Cửu Châu hoà huyết với người Việt, họ góp phần tạo ra chủng mới là Mongoloid phương Nam. Chủng Mongoloid phương Nam là dân cư thời Nghiêu, Thuấn, Vũ… được lịch sử gọi là Hoa Hạ. Chỉ tới đời nhà Hán, người Hoa Hạ mới được gọi là người Hán. Như vậy về mặt di truyền, trong huyết thống người Hoa Hạ vừa có máu Mongoloid phương Bắc vừa có máu Bách Việt. Một cuốn sách cổ Trung Quốc gọi rất đúng họ là ‘Viêm Hoàng tử tôn.’ Thuộc chủng Mongoloid phương Nam nên người Trung Hoa, Việt Nam cũng như đại bộ phận người Đông Á cùng là hậu duệ của Thần Nông Viêm Đế và Hiên Viên Hoàng Đế.
Theo truyền thuyết, Hùng Vương dựng nước Văn Lang trên địa vực rộng lớn: từ bờ sông Dương Tử tới tận sát nước Chiêm Thành nghĩa là phần lớn địa bàn sinh sống của người Bách Việt.
Suy nghĩ thế nào về nước Văn Lang huyền thoại này? Đây chính là chỗ mà nhiều người hiểu khác nhau.
Dựa trên thư tịch Trung Hoa nói rằng Sở Hùng Cừ làm vua nước Sở truyền nhiều đời nên một số tác giả suy luận: nước Văn Lang này là nước Sở miền Kinh Việt.
Giả thuyết này quá phụ thuộc vào sách Tàu và không phù hợp với văn bản câu chuyện vì đã đẩy kinh đô Văn Lang từ Bạch Hạc lên tận miền Kinh Sở. Không những thế, nó còn rút ngắn lịch sử Văn Lang xuống thời Chiến Quốc từ khoảng 2600 năm xuống 800 năm TCN.

Chúng tôi đề nghị kịch bản sau:
Trước hết nên hiểu khái niệm ‘nước’: ở thời đó nước là tập hợp nhiều bộ lạc cùng hay gần gũi về chủng tộc, gần nhau về ngôn ngữ, sống trong biên giới mở. Như vậy ‘nước’ Xích Quỷ là liên minh những bộ lạc Việt sống ở phía Nam sông Dương Tử do Lạc Long Quân làm thủ lĩnh. Để ghi nhớ vua cha là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân đã lấy tên cha đặt cho đất Kinh và đất Dương. Khi bại trận Trác Lộc, Lạc Long Quân đưa bầy đoàn ra biển nhưng không hiểu vì nguyên nhân nào đó, (có thể là tiên cảm về một cuộc chiến khốc liệt và kéo dài nên cần một hậu cứ vững chắc. Cũng có thể vì lòng hướng vọng về cội nguồn quê cũ?) ông không trở lại Ngũ Lĩnh mà dông thuyền theo gió Bấc đổ bộ vào Nghệ An rồi lập nước Văn Lang. Phải chăng đây là việc thiên đô và đổi quốc hiệu: đô mới là Bạch Hạc, quốc hiệu Văn Lang thay cho Xích Quỷ? Tại vùng đô hội cũ thuộc Ngũ Lĩnh những con cháu của Lạc Long Quân vẫn truyền đời làm chủ. Sau này, do tranh chấp nội bộ, nước Xích Quỷ phân ra thành những nước nhỏ như Ngô, Việt, Sở. Nước Sở mạnh lên, một dòng của Lạc Long Quân là họ Hùng lên ngôi thôn tính Ngô, Việt?
Đấy chỉ là giả thuyết nhưng có điều chắc chắn Bạch Hạc thực sự là trung tâm kinh tế văn hoá sớm và lớn của khu vực. Đồ đồng Phùng Nguyên xuất hiện từ trước nhưng tới thời kỳ này thì phát triển rực rỡ với nhiều trống đồng tinh xảo. Điều này chỉ có thể diễn ra ở địa bàn đông dân, có nền kinh tế mạnh và văn hoá cao, cũng có nghĩa là nhà nước, dù trong hình thức sơ giản cũng đã có mặt và thể hiện được hiệu lực điều hành xã hội của mình. Chính sự kiện này minh chứng cho nhà nước Văn Lang.
Như vậy, có thể giải mã truyền thuyết Hùng Vương như sau:
Lạc Long Quân là con cháu trực hệ của Thần Nông Viêm Đế, là hậu duệ của người Lạc Việt chủng Indonesien đi lên khai phá Trung Hoa từ 40.000 năm trước.
Lạc Long Quân là một thủ lĩnh của liên bộ lạc Bách Việt tập hợp trong quốc gia từ phía nam Trường Giang đến tận miền Trung Việt Nam.
Lạc Long Quân dời đô về Bạch Hạc và đổi quốc hiệu thành Văn Lang. Trong khi đó con cháu ông vẫn thống lĩnh những bộ tộc Việt miền Kinh Dương.
Sau đời nhà Chu, nước Xích Quỷ cũ bị xé ra thành những nước như Ngô, Việt, Sở… Một dòng của Lạc Long Quân họ Hùng nắm quyền ở nước Sở.
Vùng kinh đô nước Văn Lang là trung tâm kinh tế văn hoá và quyền lực trong khu vực.
Phải vậy chăng? Không phải vậy chăng kính mong quý vị cao minh chỉ giáo!
Sài Gòn tháng 8 năm 2006
Tham khảo:
Xin xem: Hà Văn Thuỳ. Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hoá trên các linhnam, vannghesongcuulong.org.
Xin xem: Hà Văn Thuỳ. Người Việt có bị Hán hoá không? vannghesongcuulong.org.


read more...

Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt


Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt

Hà văn Thùy

Nhà nghiên cứu Trương Thái Du có bài: “Những con chữ khởi thuỷ và một áng văn rất sớm của loài người” trên mạng vannghesongcuulong.org ngày 3.5.06. Đọc bài điểm báo và đi sâu vào nguồn tư liệu do ông giới thiệu, chúng tôi nhận ra đây là vấn đề rất lớn, cần được tìm hiểu thấu đáo.
1/ Tóm lược tài liệu.
Nhờ tác giả bài báo, chúng tôi tìm được những tài liệu sau:
1.a/ ‘Chữ viết cổ nhất’tìm thấy ở Trung Quốc. BBC News 17.4.2003.(1)
Trong 24 ngôi mộ được khai quật tại làng Giả Hồ, di chỉ có tuổi 6.600 đến 6200 năm TCN thuộc tỉnh Hà Nam, tiến sĩ Garman Harbottle thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia Brookhaven, New York, Hoa Kỳ cùng nhóm khảo cổ Trường Đại học Khoa học và công nghệ tỉnh An Huy Trung Quốc xác định được 11 ký hiệu đặc biệt được khắc trên mai rùa. Harbottle cho biết: Điều rất có ý nghĩa là những ký hiệu trên có sự gần gũi với chữ Trung Quốc cổ. Trong những ký hiệu đó có cả biểu tượng về “mắt’ và “cửa sổ”, số Tám và 20, tương đồng với những ký tự được sử dụng hàng nghìn năm sau vào thời nhà Thương (1700 đến 1100 TCN). Chúng sớm hơn những ký tự được phát hiện tại Mesopotamia hơn 2000 năm.
Trong một vài vỏ rùa người ta cũng tìm thấy những hòn sỏi nhỏ. Nhóm nghiên cứu Giả Hồ cho rằng những vỏ rùa chứa đá cuội được dùng làm nhạc cụ phát tiếng kêu lách cách trong nghi lễ Shaman. Trong một ngôi mộ có 8 vỏ rùa cùng bộ xương của người đàn ông bị mất đầu. Những vỏ rùa được phát hiện vào năm 1999, khi nhóm nghiên cứu khai quật những ngôi mộ trong đó có những ống sáo cổ làm bằng xương. Đó là những nhạc cụ sớm nhất được biết tới.
Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Antiquity.
1.b Ống sáo cổ. BBC News 23.9.1999 (2)
Tiến sĩ Garman Harbottle thuộc Phòng thí nghiêm Quốc gia BrookhavenNew York cùng đồng nghiệp Trung Quốc phát hiện những ống sáo làm bằng xương chim hạc tại di chỉ Giả Hồ tỉnh Hà Nam Trung Quốc. Những ống sáo 9000 tuổi làm bằng xương chim được khoét từ 5 đến 8 lỗ, chiếc dài nhất đo được 24 cm. Đáng chú ý là một trong những ống sáo đó vẫn còn thổi được. Giả Hồ là di chỉ lớn, có tới 300 ngôi mộ được phát hiện, trong đó có nhiều đồ tuỳ táng. Sưu tập sáo Giả Hồ là những ống sáo sớm nhất của người hiện đại được phát hiện, tuy người ta đã biết đến những ống sáo 45.000 tuổi của người Neanderthal tại Slovenianăm 1995.
1.c Khảo cổ chữ viết.(3)
Chúng ta biết nhiều về làng Bán Pha tỉnh Sơn Tây Trung Quốc nơi phát hiện mộ Tần Thuỷ hoàng với hàng nghìn tượng lính đất nung cùng nhiều hiện vật bằng đồng. Ngay dưới làng Bán Pha 3,5 m là di chỉ khảo cổ khác, được gọi là Bán Pha 2, niên đại 12.000 năm. Tại đây người ta tìm được một bình gốm dính ở đáy một chất giống như cặn chè. Đặc biệt là bề mặt bình có một văn bản khắc chữ tượng hình giống chữ Trung Hoa cổ, mang tính biểu tượng cao nhưng không giống với tự dạng chữ Hán hiện đại. Nhóm của tiến sĩ Jeff Schonberg Đại học Angelo bang Texas Hoa Kỳ cố gắng tìm mối liên hệ với tiếng Trung Quốc để giải mã câu chuyện. Một câu chuyện đạo đức như là nghi lễ chữa bệnh. Để hiểu hiệu lực của câu chuyện cần tìm hiểu cảnh quan tinh thần vùng Tây An. Miền quê này có nhiều gò đất thiêng mang tinh thần bái vật giáo, được coi như những ông thày dạy cách canh tác cũng như phép ứng xử… Câu chuyện trên cái bình liên quan đến “hành vi xấu” mà ngôn ngữ ngày nay gọi là “sự kiêu ngạo”. Sự kiêu ngạo này không phải do con người đối xử với nhau mà với thần linh, thể hiện ở chỗ phớt lờ hay không tôn trọng sự khôn ngoan của các vị thần. Câu chuyện trên cho thấy: hành vi xấu làm sa đoạ tinh thần cùng sự cứu rỗi.

Có một thời đen tối

Thế giới bị đảo lộn.

Thời kỳ ảm đạm xảy ra do con người ứng xử tồi tàn và xúc phạm Thuỷ thần.

Do vậy con người bị bệnh tật.

Quan hệ giữa người và người trở nên rối loạn.



Phương thức cứu chữa:

Con người đến thưa với Sơn thần.

Sơn thần biết lý do khiến Thuỷ thần giận dữ.

Thần khuyên con người phải làm cuộc hành hương cứu rỗi.

Trên dải núi xa sẽ thấy một loại cây, hãy mang về chế thành chè uống.

Sự tha thứ xảy ra, bệnh sẽ khỏi và bóng tối biến thành ánh sáng.



Dân địa phương cho biết: câu truyện trên vẫn được truyền miệng trong vùng Tây An. Tiến triển lịch sử cùa Trung Quốc hầu như thúc ép con người hiện nay sống với tâm trạng giận dữ. Có nhiều nguyên nhân nhưng lý do thuyết phục nhất là trẻ con ở đây thường được đưa tới trường rất sớm. Nhà trường giáo dục một lề thói chống lại truyền thống gia đình. Hầu như những đứa trẻ này không trở về làng nữa.

2/ Ý kiến các nhà khoa học:



2.a Ý kiến các nhà khoa học Mỹ.



Phát hiện trên mai rùa đã gây tranh luận mà người cầm đầu cuộc khai quật cho là “một dị thường”. Tiến sĩ Harbottle nói với BBC News: “Nếu bạn nhặt lên một cái chai có hình đầu lâu xương chéo, bạn sẽ biết ngay đó là chất độc, dù không có bất cứ lời giải thích nào. Chúng ta dùng ký hiệu để chuyển tải những khái niệm và tôi không ngạc nhiên về những gì chúng ta thấy nơi đây.”



Tuy nhiên, giáo sư David Keightley của Đại học California, Berkeley Hoa kỳ nhấn mạnh đến mối liên hệ của chúng với những nguyên bản đời Thương. Ông nói: “Một khoảng cách 5000 năm mà giữa chúng vẫn có sự liên hệ, thật là điều đáng ngạc nhiên.” “Tuy vậy mối liên hệ cần được chứng minh kỹ lưỡng hơn.”



Nhưng Gs Harbottle nhấn mạnh đến sự liên tục của những ký hiệu xuất hiện tại những vị trí khác nhau dọc theo sông Hoàng Hà suốt từ thời kỳ Đồ đá mới đến đời Thương, khi một hệ thống chữ viết phức tạp được phát hiện. Ông không cho là những ký hiệu thời Đá mới có cùng ý nghĩa với những ký hiệu giống với nó ở đời Thương.



G.s Keightley nói thêm: “Điều này thật khó hiểu và không bình thường; nó có sớm đến mức kinh ngạc. Chúng ta không thể coi đó là chữ viết khi chưa có bằng chứng thuyết phục hơn.”

Ông nhấn mạnh, những chỉ dấu của văn hoá Đá mới Giả Hồ có thể không đủ phức tạp để cần đến hệ thống chữ viết. Nhưng ông cho rằng những ký hiệu đó mang tính biểu tượng hoặc được cách điệu hoá cao. Nó là một dạng đặc biệt của chữ viết Trung Quốc. Chữ “mục” là mắt tương tự với những chữ khắc mới tìm thấy gần đây.



W. Boltz, giáo sư tiếng Hoa cổ Đại học Washington, Seattle: “Cách quãng hơn 5000 năm… Sao quá trình phát triển chữ viết của Trung Quốc diễn ra lâu thế? Suy diễn dựa trên tương quan hình thể đơn độc, dọc khoảng thời gian dài như vậy, gần như vô nghĩa. Bằng cách nào người ta biết rằng hình nọ trong thực tế là hình con mắt?” Theo ông, nó có thể giống ‘con mắt’ với ngưới này, mà cũng có thể là cái khác với người kia. “Không có một văn cảnh, bao gồm cà sự am hiểu về ngôn ngữ liên quan, không thể nói những dấu hiệu này là chữ viết.”



2.b Ý kiến các học giả Trung Quốc



Tác giả Trương Thái Du cho biết: “Khi tôi liên lạc trực tiếp với giáo sư Trương Cư Trung - người đứng đầu nhóm nghiên cứu- để hỏi về sự chính xác của thông tin mà tiến sĩ Jeff Schonberg đề cập trong một hội thảo tại Mỹ, ông Trương khẳng định: cách nay 12000 năm Trung Quốc chưa thể có chữ viết. Chỉ chắc chắn rằng chiếc bình trà nọ có niên đại từ 5000 năm trở lên.”(bđd)



3/ Nhận định của chúng tôi



3.a Về ý kiến các nhà khoa học Mỹ:



Đối với sự thận trọng của các học giả Mỹ, tác giả Trương Thái Du đã trả lời khá thoả đáng: “Một người Trung Hoa bình thường nhất cũng có thể giải thích để Keightley hết ngạc nhiên: hơn 3000 năm từ Thương – Ân, tiếng Hoa hiện đại vẫn còn rất nhiều từ không hề thay đổi, chữ “mộc” và chữ “khẩu” là thí dụ rõ nhất. Trong ý nghĩa nào đó của sự tương đối, 5000 năm từ thời Đá mới đến đời Thương chưa chắc đã dài bằng 3000 năm tiếp theo.” (bài đã dẫn)



Nhưng sự thận trọng thái quá ở đây lại mang yếu tố mâu thuẫn và nguỵ biện.

Nói rằng “những chỉ dấu của văn hoá Đá mới Giả Hồ có thể không đủ phức tạp để cần đến hệ thống chữ viết.” là không có cơ sở. Một di chỉ lớn, có tới 300 ngôi mộ, tại đó phát hiện nhiều ống sáo bằng xương chim, có những vỏ rùa khắc chữ. Vỏ rùa không chỉ khắc chữ mà còn là dụng cụ bói toán. Những hòn sỏi trong đó có khả năng là những vật dùng trong bói dịch… Chứng tỏ một xã hội phát triển cao, chữ viết là nhu cầu tất yếu.



Chúng tôi không hiểu vì sao, khi phân tích những mai rùa Giả Hồ, nhóm nghiên cứu không hề liên hệ tới văn bản trên bình Bán Pha 2. Văn bản Bán Pha 2 sẽ soi sáng rất nhiều cho việc giải mã những ký hiệu trên mai rùa Giả Hồ. Không những chỉ sớm hơn 3000 năm, văn bản Bán Pha 2 là tập hợp những ký tự được tổ chức theo quy luật nhất định khiến người ta đọc được. So với văn bản Bán Pha



2, những gì trên mai rùa Giả Hồ không còn ‘quá sớm’.



Không hiểu vì sao các tác giả không cho biết chủ nhân của những vỏ rùa hay bình cổ? Khi xác dịnh họ là ai, thì việc giải mã những đồ tuỳ táng sẽ có cơ sở hơn. Chúng tôi nghi rằng đó là những người Indonesien, Melanesien từ Đông Nam Á đi lên. Nếu đúng vậy thì việc phát hiện ra ống sáo và chữ viết không đáng ngạc nhiên.



3.b Về phát biểu của giáo sư Trương Cư Trung.



Chúng tôi nhận thấy câu trả lời của giáo sư Trương không thuyết phục. Một bình gốm tìm thấy trong di chỉ 12.000 tuổi mà ông lại bảo là có niên đại “từ 5000 năm trở lên” thì tính trung thực khoa học phải hiểu thế nào đây? Tuổi của đồ gốm phụ thuộc tuổi di chỉ kháo cổ. Trong trường hợp bình gốm này, nếu trung thực khoa học thì phải nói: “có tuổi từ 12.000 năm trở lên.” Bởi lẽ ai biết bình được làm từ bao giờ, nó theo con người bao lâu? Chỉ vì được chôn xuống cùng con người nên bị định theo tuổi con người ?



Chúng tôi biết, việc hạ thấp tuổi bình Bán Pha 2 và phủ định chữ viết 12000 năm không đáng ngạc nhiên. Tại sao giáo sư Trương lại đưa ra con số 5000 năm mà không phải con số khác? Phải chăng cần bỏ đi 7000 năm để cho chiếc bình nằm trong phạm vi văn minh Trung Hoa? Phải chăng đó là tiếp nối truyền thống của những Sanxingdui?(4)



3.c Tìm về sự thật lịch sử:



Giáo sư Trương nói: “cách nay 12.000 năm Trung Quốc chưa thể có chữ viết.” Điều này hoàn toàn đúng bởi lúc đó ngay cả Trung Quốc cũng chưa có! Nhưng ít nhất từ 30.000 năm trước vùng này là giang sơn Bách Việt.



Tháng 9 năm 1998 B. Su, Y. Chu, J. Ly những tác giả người Hoa của Dự án Đa dạng di truyền người Hán (Chinese Human Genome Diversity Project) được thực hiện bằng tiền của Quỹ phát triển khoa học tự nhiên Trung Quốc đã công bố tư liệu: 70.000 năm trước, người hiện đại Homo Sapiens đã từ Trung Đông tới Việt Nam. Tại đây, hai đại chủng Mongoloid và Austrloid hoà huyết và sinh sôi nhanh. Khoảng 40.000 năm trước, người từ Đông Nam Á - mà sau này sách sử Trung Hoa gọi là Bách Việt - đi lên mở mang miền đất ngày nay có tên là Trung Quốc(5). Trong khoảng 40.000 năm sinh sống từ sông Hoàng Hà tới sông Dương Tử, người Bách Việt trong đó tộc Lạc Việt là chủ thể đã triển khai Văn hoá Hoà Bình, tạo dựng xã hội nông nghiệp lúa nước phát triển nhất thế giới. Trong thời gian dằng dặc ấy, người Bách Việt đã sáng tạo rìu đá cũ, những công cụ đá cuội mài, ra kinh Thi, kinh Dịch, đồ đồng… đã biết kết thừng, biết quan sát vết chân chim làm ra chữ viết! Vì vậy từ lâu nhiều người dự đoán, việc tìm ra chữ viết trên mai rùa hay đồ gốm là tất yếu. Việc phát hiện ra chữ trên mai rùa 9.000 năm ở Giả Hồ, bản văn trên bình gốm 12.000 năm ở Bán Pha là điều không thể khác. Từ bản văn Bán Pha, ta có thể tin là chữ viết có từ trước nữa!



Lịch sử cứ trôi đi như thế cho đến năm 2600 TCN, Hiên Viên Hoàng đế từ thảo nguyên Thiểm Tây, Cam Túc đưa quân tràn xuống chiếm đất của Viêm Việt (Bách Việt), mở ra cuộc hoà huyết và hoà nhập văn hoá vĩ đại giữa chủng Mongoloid phương Bắc và Bách Việt để tạo ra chủng mới là Mongoloid phương Nam, tổ tiên trực tiếp của người Hán và người Việt hôm nay.



Những chữ viết trên mai rùa, trên bình gốm rõ ràng do người Bách Việt sáng tạo. Nhưng quyền kế thừa không chỉ thuộc người Việt Nam mà cũng thuộc về người Trung Quốc và các dân tộc Đông Á bởi chúng ta ngày nay, như trong cuốn sách cổ Trung Hoa nói rất đúng, đều là Viêm Hoàng tử tôn. Do biến cải của lịch sử, người Trung Hoa sống trên đất cũ nhưng những báu vật của tổ tiên Bách Việt xưa đều là tài sản là niềm tự hào chung của các dân tộc Á Đông. Mọi sự kỳ thị vừa không phù hợp với tinh thần khoa học vừa có tội với vong linh tiên tổ Viêm Hoàng.



Trở lại Truyện cổ Bán Pha :



Đây là thông điệp xưa nhất mà tổ tiên gửi tới con cháu lời cảnh báo về mối hiểm nguy do thái độ kiêu ngạo trong ứng xử với thiên nhiên. Bằng lương tri của mình, chúng ta cần có hành động cứu rỗi để hoá giải tai ương. Chắc chắn đấy là con đường trở về với truyền thống nhân bản của người Việt.



Viết đến đây tôi nhớ tới lời nhà văn Nga V. Rasputin: “Không làng quê, chúng ta sẽ mồ côi,” trong bài báo cùng tên đăng trên báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số ra ngày 1.7.2006.



Thiết nghĩ không phải ngẫu nhiên mà vào năm tháng này chúng ta nhận được từ tổ tiên thông điệp giầu ý nghĩa như vậy.



Sài Gòn 7.2006

Tài liệu tham khảo

1.’Earliest writing’found in China. News.bbc.co.uk/1/hi/sci/tech/454594.stm

2.’The bone age flute’. News.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/2956925.stm

3. Archaeology of Writing .www.geocities.com/cvas.geo/china.html

4.Năm 1986 người ta tìm được ở Sanxingdui tỉnh Tứ Xuyên hơn 800 hiện vật trong đó có nhiều đầu người và mặt nạ tuyệt xảo bằng đồng, nổi bật là bức tượng đồng to bằng người thật, cao 1,72 m. Tượng có mắt to và xếch, mũi lớn, lông mày rậm, miệng thật rộng, không thuộc chân dung điển hình của người Hán. Giới khảo cổ Trung Quốc gọi là cổ vật thuộc nhóm dân Ba Thục và xếp chúng vào thời kỳ cuối đời Thương. Tuy nhiên người ta biết rằng nước Thục có từ khoảng 4700 năm trước, sớm hơn nhà Thương 1000 năm, chỉ bị nhà Tần diệt vào thế kỷ III TCN. Đấy chính là sản phẩm của Bách Việt.

5. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 n. 95 tr. 11763-11768.





H.1 : Vỏ rùa tại Giả Hồ(BBC News)First attempt at writing on a tortoise shell

H.2 : Chữ “Mục” ?(BBC News)

H.3 : Ống sáo xương chim Giả Hồ(BBC News)




read more...