Hiển thị các bài đăng có nhãn DANH NHÂN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn DANH NHÂN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Danh nhân, văn học Ấn Độ, giải nobel văn học, Đức Phật, Phật giáo: TAGORE VIẾT VỀ ĐỨC PHẬT


Danh nhân, văn học Ấn Độ, giải nobel văn học, Đức Phật, Phật giáo: TAGORE VIẾT VỀ ĐỨC PHẬT


Rabindranath Tagore
[1861-1941, thi hào kiêm triết gia, giải Nobel văn học 1913]

“Rabindranath Tagore, một người cha tâm linh của Ấn độ hiện đại, là một trong những người đáng ghi nhớ nhất của lịch sử. ……..
Nhà thơ, hoạ sĩ, triết gia, ông đã để lại dấu ấn trên toàn thế giới.”
Tạp chí Life [Đời sống]
Số ra ngày 8 tháng Năm, 1961

Tôi có thể yêu Thượng đế của tôi
vì ngài cho tôi quyền tự do
để chối bỏ ngài.
Rabindranath Tagore

Uttarayan
Santiniketan

Đức Phật, Chúa của tôi, Thầy của tôi,
nơi sinh của ngài thực sự là ở đây
nơi ác độc là thế giới con người,
bởi lòng từ ái của ngài là lấp đầy khoảng trống
của sự thất bại hoàn toàn của họ.
Để giúp họ những kẻ đã mất niềm tin và
phản bội sự tín cậy;
để quên chính họ trong ngài
và như vậy quên đi cái ngày ác trược của họ.
Rabindranath Tagore

Ngày 7 tháng Paush
Năm 1345




GỬI ĐỨC PHẬT

Thế giới hôm nay thì hoang dại với mê muội hận thù, những tranh chấp thì ác độc và không ngừng, đường đi của nó quanh co, vướng trong các mắt lưới của tham lam.
Mọi văn hoá đều rên xiết xin ngài biểu lộ.
Ôi Đấng sinh lực bao la, xin cứu họ, xin cất lên tiếng nói vĩnh hằng về hi vọng của ngài.
Xin cho bông sen của tình thương với kho mật vô tận mở bung cánh trong ánh sáng của ngài.
Ôi Đấng an nhiên, Ôi Đấng tự tại, bằng lòng từ ái vô biên của ngài quét sạch mọi vết đen khỏi trái tim của trần gian này.
Ngài là đấng ban cho những quà tặng bất tử, xin cho chúng tôi sức mạnh tận hiến, trục khỏi chúng tôi tham lam, và ngã mạn. Trong vẻ huy hoàng của một bình minh mới của trí tuệ
xin cho kẻ mù có được thị kiến của ngài, xin cho đời sống tới với những tâm hồn đã chết.
Ôi Đấng an nhiên, Ôi Đấng tự tại, trong lòng từ ái vô biên của ngài quét sạch mọi vết đen khỏi trái tim của trần gian này.

Rabindranath Tagore

HỒNG DANH ĐẤNG CHÍ TÔN
Xin đem tới xứ này một lần nữa
hồng danh đức chí tôn
khiến cho mảnh đất nơi ngài sinh ra thành thiêng liêng
đối với tất cả những miền xa xôi!
Xin sự đại tỉnh thức của ngài dưới gốc bồ đề
được trọn vẹn,
quét đi màn vô minh
và để, cuối đêm quên lãng,
nở tinh khôi từ Ấn độ
sự tưởng nhớ ngài!

Mang đời sống tới tâm trí bất động,
vô lượng quang vô lượng thọ!
Để không gian sinh động với
linh khí của ngài!
Hãy mở toang các cánh cửa bị chặn,
và để chiếc tù và rền vang
loan báo ngài đã tới cửa của xứ Bharata.
Hãy để, qua vô vàn tiếng nói,
tin lành của tình thương vô lượng
báo tin ngài lên tiếng gọi.

Trích từ tập Parisesh: Thơ (87)

THƠ BẰNG TIẾNG BENGALI
Thủ bút của nhà thơ Tagore
(Bản dịch tiếng Anh ở trang đối diện)

ĐỨC PHẬT
SUỐI MẠCH HOÀ BÌNH
Thơ Rabindranath Tagore
Lấy cái đen tối khỏi mọi tội lỗi,
chiến thắng về Ngài.
Rảy trên thế gian nước sống
đời đời,
ngài là suối mạch hoà bình,
an lạc, thánh thiện, tình thương.
Để tối tăm của tuyệt vọng và mọi ác mộng tiêu biến
với sự rạng rỡ của mặt trời trí tuệ rạng đông.
Ngày thì đen tối mê lầm
và kẻ du hành thì sợ hãi,
lãng trí bởi hồ nghi
trước sự rối rắm của bao lối rẽ.
Đấng từ bi, xin cứu y khỏi hiểm nghèo vấp ngã
hướng y vào tự do thoát những mắc lưới của sầu đau;
Ngài là nguồn mạch hoà bình,
an lạc, thánh thiện, tình thương.
Vaisakhi Purnima 1338
Lễ Phật đản

ĐỨC PHẬT

Đây là bài nói chuyện nguyên gốc bằng tiếng Bengali của Rabindranath Tagore vào ngày 18 tháng Năm, 1935 do hội Mahabodhi Society tổ chức tại tịnh xá Dharmarajika Caityavihara tại Calcutta nhân ngày lễ Phật đản. Bài này được dịch sang tiếng Anh do Somnath Maitra. Bài nói chuyện này là một phần trong Tuyển tập những bài viết của Tagore về Đức Phật và đạo Phật được nhà xuất bản Visvabharati cho ấn hành để kỉ niệm 2500 năm Đức Phật nhập đại bát niết bàn (1956).
Trong ngày trăng tròn của lễ Vesak tôi tới tham dự lễ mừng ngày Phật đản và để cúi đầu đảnh lễ ngài mà trong tận đáy lòng tôi xem là con người vĩ đại nhất đã từng sinh ra trên trần gian này. Đây không phải là việc biểu lộ hình thức về sự kính ngưỡng về phần tôi, thích hợp với dịp này, tôi xin kính dâng ngài tại đây, hôm nay, sự tôn kính mà tôi dâng lên ngài mãi mãi và mãi mãi trong sự riêng tư trong tận sâu thẳm đáy hồn tôi.
Tôi đã có lần viếng thăm Bồ đề Đạo tràng (Buddha-Gaya), và nó đã khiến tôi rúng động khi suy nghĩ rằng Đấng đã tạo hào quang cho trái đất bằng việc đôi chân ngài đã có lần chạm ngay vào chính địa điểm này bằng da thịt mình. Tôi thổn thức nghĩ, sao mình lại không được sinh vào thời của ngài để tôi có thể tiếp nhận ảnh hưởng thiêng liêng của ngài trực tiếp với trọn tâm trí và trọn thân thể của mình!
Đồng thời, tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng cái hiện tại ngay liền thì phạm vi cực kì giới hạn, và mù mịt với đám bụi gây nên bởi cơn lốc của những biến cố đương đại. Lịch sử đã chứng tỏ hết dịp này đến dịp khác rằng kề cận trong thời gian làm thị kiến của chúng ta bị mây mù che phủ, cho nên chúng ta không nhận thức được trọn vẹn sự lớn lao của những con người tối thượng giữa chúng ta, đã bao lần trong đời mình Đức Phật đã bị gây tổn thương và đối xử sai quấy bởi sự bực bội và đối nghịch của những đầu óc nhỏ nhen, biết bao lần họ đã loan truyền những lời vu khống giả dối về ngài để hạ thấp tầm vĩ đại siêu thoát của ngài! Hàng trăm con người gần gũi với ngài hiểu theo nghĩa vật thể chẳng bao giờ cảm thấy khoảng cách bao la tách biệt ngài khỏi họ trong tâm linh; trong những nơi thường lui tới của con người sự cao cả khác thường của ngài không được nhận biết. Vì vậy, cũng tự nhiên là tôi không nhìn ra ngài giữa đám bụi mà sự mịt mờ của những biến cố hiện hành.
Những con người vĩ đại nhất trong loài người có vị trí của họ trong cõi vĩnh hằng ngay lúc họ hạ sinh; từ thời hiện tại họ vươn lùi xa vào quá khứ và hướng tới tương lai xa xăm. Điều này tôi nhận ra ngày hôm đó trong ngôi đền mà tôi đã nhắc ở trên. Tôi thấy một người đánh cá nghèo khó ở đó, ông đã vượt biển từ nước Nhật bản xa xôi tới đây để sám hối cho một hành vi sai trái nào đó. Chiều qua chầm chậm vào trong sự cô tịch và yên lặng của nửa đêm, mà ông vẫn còn ngồi đó với hai tay chắp lại và chú tâm mãnh liệt tụng câu: Buddham saranam gacchàmi: tự Phật tôi nguyện quy y (nơi tự thân giác ngộ tôi hướng tới để an trú). Hàng bao nhiêu thế kỉ đã qua đi kể từ khi thái tử Sàkya (Thích ca) đã rời gia đình nơi cung điện và đi vào đêm tối để nỗ lực cho con người giải thoát khỏi khổ đau; và nơi kia, đêm đó, đằng trước tôi là kẻ hành hương từ Nhật bản cầu nguyện để xin an trú trong nỗi đau đớn sâu xa. Đối với con người sám hối khiêm tốn ấy ngài là gần gũi và có thực hơn là mọi thứ trên trái đất này có thể nhận biết bằng các giác quan; sự hiện diện bất tử của ngài đã chạm tới đời sống của kẻ tội lỗi khốn khó kia đang tìm giải thoát. Bằng ánh sáng của hoài bão chói lọi của tâm linh ngài kẻ đau khổ có thể thấy Đấng Chí tôn. Nếu Đức Phật xuất hiện trước những kẻ đương thời như một vị vua hùng mạnh hoặc một ông tướng chiến thắng, ngài đã có thể dễ dàng ghi dấu lên thời đại của ngài và đạt tới danh dự cho bản thân; nhưng danh dự ấy, có thể hết sức thịnh mãn buổi đương thời, hẳn đã qua đi trong lãng quên cùng với bước của thời gian. Những thần dân của ngài hẳn đã có thể kinh sợ trước sự huy hoàng vua chúa của ngài, những kẻ khó khăn hẳn sẽ thán phục sự giàu sang của ngài, hoặc những kẻ yếu đuối khiếp sợ uy quyền của ngài; nhưng chính là con người nỗ lực hoàn thiện tâm linh mới riêng có thể nhận biết và hoan hô Đấng Chí tôn trước bối cảnh của mọi thời. Đó là lí do chúng ta thấy Đức Phật là bậc Đại hành giả (Mahàyogi) ngồi, hôm nay, trên ngai của trái tim con người, sự quang vinh của ngài biểu hiện trong quá khứ xa xăm vượt qua những giới hạn của thời đại ngài và vẫn còn tiếp tục vượt qua thời hiện tại. Con người vẫn tới với ngài, bị khắc khoải vì những đam mê của họ và đau đớn ý thức về những thiếu sót của chính họ. Tự Phật tôi nguyện quy y. Chính trong cái nhận thức thân thiết bởi tâm linh của con người về sự hiện diện của ngài qua bao thời đại, mà chúng ta tìm thấy biểu hiện trung thực nhất của ngài.
Những con người thường như chúng ta bộc lộ bản thân trong những mối tương quan với nhau: chúng ta được biết bằng giai cấp hoặc chủng tộc hoặc cộng đồng mà chúng ta tuỳ thuộc. Rất ít người sinh trên trái đất đã tự soi sáng, mà ánh sáng không khỏi là một ánh sáng đi mượn, đứng bộc lộ trọn vẹn trong hào quang của chính họ về chân lí. Chúng ta thấy những biểu hiện phần mảnh của Con người trong nhiều kẻ nổi danh vì trí tuệ, học thức, anh hùng, hoặc tài trị nước, đã thống trị kẻ khác bằng ý chí của riêng họ và khuôn đúc lịch sử theo dạng thức của những ham muốn của riêng họ. Nhưng sự biểu hiện trọn vẹn của Con người chỉ thấy được riêng nơi ngài là đấng đại diện trong tự thân mọi người ở mọi thời và mọi xứ, và tâm thức không bị phân li bằng những bức vách tập quán của thời đại hoặc chủng tộc hoặc quốc gia.
Con người bộc lộ tự thân trong chân lí, chân lí đó kinh Upanishad (Áo nghĩa thư) nói lên: Chỉ riêng biết chân lí là người nào biết tất cả chúng sinh như tự thân. Người đã biết chân lí như thế là con người hoàn toàn, và người đó toả sáng trong vinh quang của chính nhân tính mình. Như kinh Upanishad nói: Ai thấy tự thân trong tất cả và thấy tất cả trong tự thân không bao giờ có thể bị che khuất.
Ngài đứng bộc lộ cho mọi thời. Nhưng biểu hiện của ngài bị tối mờ trong đa số con người ngày nay. Chúng ta có thể nắm bắt được những thoáng qua về chân lí trong họ, nhưng phần lớn bị che khuất không nhìn được. Khi trái đất mới được tạo nên, toàn thể địa cầu bị bao phủ trong một màn hơi dày đặc; chỉ có những đỉnh cao nhất mới có thể nhìn thấy được ở đây đó vượt trội trên màn hơi vào vùng ánh sáng suốt trong. Tương tự như thế, hầu hết người ta ngày hôm nay bị bao phủ trong cái tư lợi và kiêu căng của họ, tâm thức của họ bị làm cho tối mờ. Chân lí nơi tâm linh du hí tự tại vẫn còn chưa được phát triển trong họ.
Những sáng tạo của con người vẫn còn không hoàn hảo. Làm sao chúng ta có thể nhận ra sự thật trong con người sau tấm màn dày của sự bất toàn này nếu nó không được đột ngột vén mở nơi một con người tự toả sáng và siêu thoát nào đó. Hạnh vận lớn cho con người là bản ngã đích thực đã được toả sáng nơi Đức Phật, đấng tự bày tỏ như kẻ đã tiếp nhận toàn thể loài người trong trái tim mình. Vậy thì còn điều gì có thể che giấu ngài không nhìn thấy – những bức tường hẹp hòi nào của thời gian hoặc nơi chốn hoặc sự theo đuổi để đạt được những mục đích tức khắc nhỏ nhen nào?
Vào lúc cuối của những khổ hạnh, Đức Phật đứng dậy và tự biểu hiện cho thế gian. Trong vinh quang của biểu hiện ấy, Ấn độ chân chính được phơi mở. Ánh sáng toả vượt xa biên giới địa lí của Ấn độ để làm vĩnh hằng việc ngài tới (Như lai) trong lịch sử loài người. Ấn độ đã trở thành vùng đất để hành hương, tức là nói rằng người ở những miền đất khác bị lôi cuốn tới Ấn độ bằng những liên kết thân thuộc; bởi vì, qua lời của Đức Phật, Ấn độ đã tiếp nhận mọi người như là thân quyến của mình. Ấn độ không làm ngơ với ai, và vì vậy không bị ai chẳng nhìn nhận. Những rào cản của chủng tộc và xứ sở đã bị quét sạch bởi chân lí tuôn trào và thông điệp của Ấn độ tới với con người thuộc mọi chủng tộc trong mọi miền đất. Bằng sự mời gọi đó có những đáp ứng tới từ Trung quốc và Miến điện và Nhật bản, Tây tạng và Mông cổ; sự trở ngại của những biển cả và núi non đã nhường chỗ trước lời kêu gọi không thể kháng cự này. Trong những miền đất xa xôi con người tuyên dương ứng hoá thân của Đức Phật; họ loan báo rằng họ đã thấy Đấng Chí tôn toả sáng như mặt trời và đã xé rách tấm màn của bóng tối. Họ đã tạo hình vững bền cho sự tuyên dương này trong hàng ngàn ảnh tượng bằng đá trong đồng bằng và hoang mạc. Với lao động vô hạn họ đã biểu hiện sự kính ngưỡng của họ trong hình tượng trong tranh và trong bảo tháp. Họ dường như muốn nói rằng việc họ kính ngưỡng một vị vượt xa trên con người thường phải được bày tỏ bằng cách đạt tới những gì tưởng chừng như không thể làm được. Họ bị xúc động bằng một hứng khởi kì diệu; trong bóng tối dày đặc họ đã vẽ những bức tranh trên vách của hang động; họ đã mang những khối đá khổng lồ lên tận đỉnh núi non để xây đền chùa ở đó. Tài khéo của họ đã vượt biển và làm phát sinh những nghệ phẩm tuyệt diệu trong những vùng đất xa xôi; những nghệ sĩ đã chọn làm kẻ vô danh, chỉ chuyển tải cho hậu thế phù chú (mantra) đã gây hứng cho họ: Tự Phật tôi nguyện quy y. Ở di tích Borobudur tại Java tôi đã thấy những chuyện về sự đản sinh của Đức Phật khắc bằng hàng trăm hình tượng vòng quanh bảo tháp, mỗi pho là một kiểu mẫu hoàn hảo của nghệ thuật điêu khắc được chạm trổ bằng sự ân cần từ ái và khó nhọc vô hạn. Điều này tức khắc là một ví dụ về sự vun trồng của nghệ thuật và thực hành khổ hạnh – sự tu khổ hạnh (tapasỳa) phế bỏ mọi dục vọng về kết quả của công việc và về danh tiếng, và chỉ hướng tới cống hiến tất cả những gì là tốt đẹp nhất trong bản thân để tán dương Đấng Thế tôn đáng cho mọi người kính ngưỡng và ghi nhớ mọi thời. Người ta đã chịu qua những đau khổ và nhọc nhằn lớn lao để hoàn tất điều mà sự tín mộ của họ đối với Đức Phật đòi hỏi, nói rằng chỉ bằng những sáng tạo tối cao của cái thiên tài hào sảng nói lên bằng ngôn ngữ của nhân loại đại đồng, họ mới có thể thực sự tuyên dương rằng ngài đã tới cho mọi người trong mọi thời. Đó là điều ngài đã yêu cầu người ta – rằng sự tự biểu hiện của họ phải nên qua công cuộc gian khổ và vững bền, công cuộc làm sáng nghĩa sự chiến thắng và giải thoát của tâm linh. Vậy nên chúng ta tìm thấy trong những ngày xa xưa của quá khứ, việc thờ kính ngài được thiết lập trong toàn sinh lực khắp châu lục phương Đông vĩ đại này, ngay cả trong những vùng xa và khó đi tới của nó – và vinh quang của ngài được tuyên dương trong hoang mạc, bình nguyên, trong những hang động hiu quạnh và trên những đỉnh núi. Một sự cung hiến còn quý giá hơn được đặt ở chân ngài khi hoàng đế Asoka (A dục) công khai thú nhận những việc làm sai trái của chính mình bằng chữ khắc trên đá, tuyên dương vinh quang của đạo từ ái và bất bạo động, và để lại, trong những cột trụ bằng đá của ông, một huy hiệu vững bền về sự tôn kính của hoàng đế với bậc Thầy. Đã bao giờ có một vị vua như thế trên trái đất?
Bậc Thầy mà nhờ sự hứng khởi đó vị hoàng đế này có được tính cách vĩ đại ngày hôm nay còn cần phải thỉnh cầu một cách thành khẩn hơn là ở thời của ông. Sự ngu xuẩn độc hại của những kì thị chủng tộc và những ngăn chặn về thế cấp và màu da, được diễu hành như là tông giáo, đã làm ô uế trái đất với máu; sự thù hận lẫn nhau còn chết người hơn là sự bạo động đôi bên, đã làm phẫn nộ loài người trong mọi bước. Hôm nay, trong mảnh đất bất hạnh này bị nhiễm độc vì huynh đệ tương tàn, chúng ta mong mỏi một lời từ đấng đã tuyên dương từ ái với tất cả chúng sinh như con đường đi đến giải thoát. Xin cho đấng tốt đẹp nhất trong cả loài người tái hiện để cứu độ những gì là tốt đẹp nhất trong con người khỏi bị huỷ hoại. Ngài không bao giờ đánh mất của con người món quà tặng lớn lao nhất mà mỗi người có thể đem cho nhau – món quà tín hạnh. Lòng từ bi mà ngài gọi là một đức tính không bao gồm trong việc cho của bố thí từ một khoảng xa, và tránh mọi tiếp xúc với người tiếp nhận. Bố thí chân chính là đem cho tự thân. Kinh sách đã nói rằng những gì đem cho phải nên cho vớishraddhà (tín hạnh, tức là hành động trong tin cậy, tôn kính). Một món quà có thể trở thành một lời lăng nhục ác độc nếu nó bị ô nhiễm do một cảm thức về ưu thế giả hình hoặc kiêu hãnh về giàu sang. Đó là lí do kinh Upanishad nói: Bhiyà deyam tức là bố thí với lòng kính mộ. Tông giáo đáng phải e sợ khi sự thực hành nó khiến ta có thể mất lòng tôn kính với kẻ khác. Ở Ấn độ, gần đây, sự thực hành tông giáo đã diễn tiến theo những kênh gieo rắc sự bất kính đối với con người trong mọi hướng. Nguy cơ đó không chỉ mang tính tâm linh; nó là một sự kiện trải nghiệm trực tiếp và là chướng ngại lớn nhất trên con đường độc lập về chính trị. Có bao giờ chính trị có thể giải quyết được vấn đề này bằng những phương tiện bên ngoài chăng? Đức Phật đã bỏ ngôi vị thái tử và giàu sang để nỗ lực cho việc giải thoát con người khỏi buồn đau và khổ sở. Ngài không phân biệt con người trên cơ sở của sự thích nghi; chẳng có một lần nào ngài lại miệt thị một kẻ là dã man hoặc không thuộc chủng tộc Aryan. Ngài từ bỏ tất cả những gì thuộc về mình cho những kẻ nghèo hèn và ngu dốt nhất trong loài người; sự tín hạnh của ngài được hứng khởi bằng tấm lòng từ ái đối với mọi con người ở mọi miền đất không phân biệt. Vinh quang của đức tín hạnh đó nó sẽ mờ nhạt khỏi Ấn độ ngày hôm nay chăng?
Chúng ta đạt đến điều ác nào khi ngăn chặn bằng cách nâng những rào cản lên giữa con người và con người? Chúng ta đã có một kho báu tràn đầy, nhưng bây giờ nó còn lại được gì? Phải chăng những cuộc tấn công từ bên ngoài chưa phá tung các cánh cửa và dẹp tan các thành trì của nó xuống tận đất đen sao? Ấy thế mà, ngày hôm nay, chúng ta lại dựng hết bức tường này đến bức tường khác để nhốt sự mong muốn thân thiện với tất cả mọi người bị vây chặt; chúng ta đã đặt lính canh ở các cổng đền để hạn chế một cách bần tiện ngay cả quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Chúng ta không thể cứu được cái thứ giàu đang bị hao mòn bởi sự cho đi và sự tiêu phí; chúng ta chỉ khoá chặt trong tủ sắt bè phái cái giàu có của tình thương yêu nó càng tăng trưởng nếu nó càng được ban phát. Kho công chính của chúng ta đã ở nên không thể phân biệt được với cái kho của thế tục. Ấn độ đã từng có lần nêu gương sáng cho toàn thế giới về tình nhân loại bằng sự tôn trọng tất cả mọi người, bây giờ đã thu hẹp cái lí tưởng ấy; bằng sự không tôn trọng con người, Ấn độ đã trở thành không đáng cho mọi người tôn trọng. Con người đã trở nên kẻ thù tồi tệ nhất của con người, bởi vì y bị li dị khỏi chân lí và nhân tính của y bị che mờ. Đó là lí do chúng ta thấy ở mọi người trên khắp thế giới sự nghi ngờ, sợ hãi, và thù hận lẫn nhau; và đó là lí do đã đến lúc thỉnh cầu Đấng Chí tôn bằng những lời này: Xin ngài thị hiện để Con Người được thị hiện.
Đức Phật đã nói: Chinh phục sân hận bằng từ bi. Thế giới đã thấy sự chấm dứt một cuộc chiến tranh khủng khiếp chỉ mới hôm nào đó thôi. Chiến thắng choàng vương miện cho một nhóm gây chiến là chiến thắng của một sức mạnh vũ trang; nhưng bởi sức mạnh man dã không phải là nguồn mạch tối cao về sức mạnh của con người, chiến thắng đó đã chứng tỏ không có kết quả và chỉ gieo mầm cho những sự li khai mới mẻ. Sức mạnh con người nằm ở tâm bi và tâm từ. Con thú trong con người chưa tiêu ma đi thì không cho phép y thực hiện được chân lí này mà Đức Thầy đã tôn vinh khi ngài nói rằng mọi hận thù, dù của chính bản thân hoặc của kẻ khác, phải được chinh phục bằng sự không hận thù. Trừ khi con người noi theo giới răn này, đời sống của y bó buộc phải là một sự thất bại. Chiến thắng bằng hận thù và trả đũa bằng sức mạnh dã man không mang lại hoà bình, là thứ chỉ có từ bi mới đem đến được. Chừng nào con người chưa thừa nhận điều này trong đời sống chính trị và xã hội của mình, thì kẻ ác sẽ chẳng bao giờ ngừng gây rối, và ngọn lửa tranh chấp giữa các Quốc gia sẽ chẳng bao giờ dập tắt được, sự ác độc quái vật của các nhà tù và những sự nhăn mày đe doạ của các trại lính sẽ làm cho đời sống ngày càng khó thể dung túng – sẽ chẳng có sự chấm dứt cho tất cả khốn cùng và khổ đau này.
Vì vậy, đã đến lúc nhớ đến đấng đã tìm cách can gián con người khỏi sự cuồng điên về hi vọng đạt tới thành công bằng bạo động, và yêu cầu họ chinh phục sân hận bằng lòng tử tế. Trong những ngày này, khi con người bị mất phẩm giá trên toàn thế giới, điều thích hợp là chúng ta nên nói: Buddham sharanam gacchàmi (Tự thân Phật tôi nguyện quy y). Ngài sẽ là nơi an trú của chúng ta, ngài đã thị hiện lí tưởng của Con người trong tự thân, ngài đã nói về sự giải thoát vốn không phải là một sự phủ định mà là một thực tại tích cực – sự giải thoát không tới bằng việc chối bỏ lao động, mà bằng sự thực hành cống hiến tự thân qua hành động chân chính, và nó bao gồm không chỉ sự từ bỏ sân hận và ác ý mà trong sự vun trồng từ bi và thiện chí vô lượng đối với tất cả chúng sinh. Trong những ngày này, bởi chúng ta đang bị mù loà vì những động cơ tư kỉ và bằng sự tham lam tàn nhẫn, vô độ, chúng ta tìm kiếm nơi an trú trong Đấng đã tới thế gian (Tathagata: Như lai) để bộc lộ trong tự thân chân ngã của Con người Đại Đồng.
(1935)
Tạp chí Maha Bồ đề, số kỉ niệm 100 năm sinh nhật nhà thơ
Rabindranath Tagore
Tháng 11 và 12, 1961 – Phật lịch năm 2504

THÔNG ĐIỆP

Gửi đi nhân dịp khánh thành tịnh xá Mulagandha Kuti Vihara tại Saranath (Lộc uyển), ngày 11-11-1931.
Sự khai sáng tâm linh ở Ấn độ từ bao đời trước đã toả sáng khắp lục địa châu Á, dựng đài tưởng niệm trên địa điểm linh thiêng gần Benares nơi Đức Phật đã tuyên giảng cho các đệ tử thông điệp về sự thành đạt tối cao của tâm từ ái. Mặc dầu tượng đài này vốn đại diện cho hi vọng cuối cùng về sự giải thoát của tất cả mọi dân tộc đã bị chôn vùi dưới cát bụi và lãng quên ở Ấn độ, tiếng nói của đứa con vĩ đại nhất của đất nước này vẫn còn nằm chờ trong lòng bao nhiêu thế kỉ im lìm đợi một sự thức tỉnh mới để nghe ra lời kêu gọi của ngài.
Ngày nay, mặc dù sự gần gũi về vật thể của tất cả các nước, một sự vong thân đạo đức đại đồng giữa các giống dân đã trở nên một mối đe doạ định mạng cho toàn nhân loại, chúng ta trong sự u ám nguy nan này về một cơn dã man của chủ nghĩa hư vô, đứng trước đôi hàm mở rộng của sự tham lam có tổ chức, hãy vẫn mừng vui trong sự kiện là việc mở lại tu viện xưa ở Lộc uyển đang được những người hành hương từ khắp phương Tây và phương Đông đến cử hành.
Rất nhiều ngọn tháp chiến thắng đã được xây để duy trì kí ức về những thương tổn và ô nhục mà một dòng giống tàn sát đã giáng xuống một dòng giống khác, nhưng chúng ta xin hãy một lần, vì nhân loại, tái lập trong toàn vẹn sáng nghĩa của đài tưởng niệm vĩ đại này về một quá khứ hào hùng để nhắc nhớ chúng ta về một cuộc hội ngộ xa xưa của các đất nước ở Ấn độ để trao đổi tình thương, để thiết lập sự đồng chí tâm linh giữa các chủng tộc bị chia lìa bởi khoảng cách và truyền thống lịch sử, để cung hiến kho báu của minh triết bất tử truyền lại cho thế gian bởi Đấng Thế tôn mà ngày nay chúng ta cùng hiệp nhất tôn vinh.
Rabindranath Tagore
11-11-1931

CẢM ĐỀ
tại Boro-Budur, 23-9-1927

Con người ngày nay chẳng có hoà bình,
trái tim y khô khốc vì kiêu mạn,
y hò reo cho tốc độ ngày càng tăng
trong cơn thịnh nộ săn đuổi
những mục tiêu không ngừng chạy mà chẳng hề đạt tới một ý nghĩa,
và vì vậy đã đến lúc mà y phải
cuối cùng lần mò tới sự im lặng thiêng liêng
đứng yên giữa bao thế kỉ náo động trào dâng,
cho tới khi y cảm thấy an lòng
rằng một tấm lòng Từ bi vô lượng
ngự trong ý nghĩa rốt ráo của Tự do
và bài cầu nguyện là: “Tự thân Phật, tôi nguyện quy y.”
Buddham sharanam gacchàmi

Rabindranath Tagore

GỬI SIAM [XIÊM]

Khi bài nguyện Tam quy y vang lên từ vòm trời này tới vòm trời khác băng qua các hoang mạc và núi đồi và các bờ biển xa,

các đất nước thức tỉnh tuôn trào mừng vui
thành các đại sự, và những ngôi đền cao quý,
thành sự hoan lạc của tự dâng hiến trong lời lẽ nguy nga,
trong sự phá vỡ giới hạn của tự thân.
Vào một khoảng khắc bất ngờ, vô thức,
mà lời nguyện được cơn gió heo may kì diệu nào thổi tới,
chạm vào trái tim người, hỡi nước Siam, sống đời mình
và che rợp nó bằng sum suê cành nhánh của an lạc.

Một trung tâm cho bao thế kỉ cuồng quay,
một chấm dứt cho những nỗ lực, đó là sự Tự do của Tâm linh đã khiến gắn bó nhân dân của nước này trong cùng một mối liên kết về hi vọng, củng cố họ bằng sức mạnh của một sự tận tâm đơn nhất với một Đạo pháp, một Tăng già, và một Đạo sư bất tử là Đức Phật.

Xin cho những lời nguyện ấy, mạnh mẽ với một sức thúc đẩy sáng tạo vô tận, mãi mãi chỉ đạo cho người qua những cuộc phiêu lưu của những thời mới, thắp lên những chân lí mới bằng ý nghĩa toả sáng của riêng chúng, và bằng một vòng hoa duy nhất kết chuỗi mọi châu ngọc của tri thức mới thu thập.
Hôm nay tôi tới ngôi đền sinh động đồng nhất với người, – tới bàn thờ của những tấm lòng hiệp nhất, trong đó ngự trị là toà sen của Đức Phật, mà tĩnh lặng là hoà bình, mà tiếng nói là nguồn an ủi.
Tôi tới từ một miền đất nơi những lời dạy của bậc Thầy nằm câm nín, trong những phế tích điêu tàn, giữa đám cát bụi hoang vu, nơi những thời đại lãng quên bào mòn ý nghĩa của những chữ viết trên các trang của trụ đá, kí chú về một đức tin thắng nghĩa.
Tôi tới, như một kẻ hành hương, nơi cổng, ôi nước Siam, để tặng thơ tôi cho vinh quang vô tận của Ấn độ, được che chở nơi mái nhà người, cách xa ngôi đền bỏ hoang của chính Ấn độ, để tắm trong dòng nước sống tuôn chảy trong trái tim người, rót xuống từ những đỉnh tuyết cao của một thời thiêng liêng, trong đó từ đáy sự sống của xứ sở tôi, đã mọc dậy Mặt trời của Từ ái và Chính nghĩa
Rabindranath Tagore

TỪ BIỆT SIAM

Chiếc nhẫn Ấn triện của tình bạn nguyên sơ
đã thầm mật in tên người, ôi nước Siam, trên tâm hồn tôi,
trong đáy tầng vô thức.

Đó là lí do tôi cảm thấy tôi luôn luôn đã biết rõ người,
giây phút tôi đứng trước mặt người,
và lí do những giờ vội vã của kẻ du hành như tôi
luôn tràn trề kí ức hoàng kim
của một mối tình xa xưa,
và âm nhạc lặng thinh của bao thế kỉ tuôn tràn
mép bờ của bảy ngày ngắn ngủi
làm tôi kinh ngạc vì chạm tới
một tình thân không có tuổi
trong lời lẽ, sự thờ phụng, và nguyện vọng của người,
trong vô số cung hiến của người cho ngai thờ Cái đẹp
tạo bằng chính đôi tay của người,
trong những bàn thờ ngát hương của người
lung linh ánh nến
và hương toả an bình.

Hôm nay ở giờ phút chia tay u buồn này
tôi đứng trong sân của người,
ngắm đôi mắt hiền từ của người,
và để lại vòng hoa tôi xin choàng tặng
những đoá tinh khôi đã bừng nở từ muôn thuở trước.

Rabindranath Tagore

Nguyễn Tiến Văn dịch
Sài gòn, tháng 4-2012
read more...

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI


MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI


Nguyễn Tiến Văn dịch





[1869-1948]
thường được tôn kính là Mahatma tức Đại hồn hoặc Thánh Gandhi




“Những thế hệ tương lai sẽ khó tin rằng có một con người như thế đã từng bước đi trên trái đất này bằng thịt xương máu mủ.”
Albert Einstein























GANDHI NÓI VỀ ĐỨC PHẬT














Tôi không ngần ngại tuyên bố rằng tôi mắc nợ rất nhiều cho niềm hứng khởi mà tôi đã rút ra được từ đời sống của Đấng Giác ngộ. Quan niệm trí tuệ không làm tôi thoả mãn…. Ngài là một Đức Phật cầu nguyện. Hãy nhìn xem những pho tượng về ngài. Đạo Phật là một bài cầu nguyện dài.
Theo ý tôi lời dạy của Đức Phật Gautama (Cồ đàm) không phải là một tông giáo mới. Trong chừng mực mà tôi có thể nghiên cứu những giáo huấn cao cả đó, tôi đã đi đến kết luận – và kết luận đó tôi đã đạt được trước đây rất lâu – rằng Cồ đàm là một trong những nhà cải cách lớn nhất của đạo Hindu, và ngài đã để lại trên nhân dân của đương thời ngài và trên những thế hệ tương lai một dấu ấn không thể phai mờ của sự cải cách đó.
Trong văn hoá Hindu, tôi xin mạn phép đưa ra, văn hoá Phật Giáo thiết yếu được bao gồm trong đó, bởi lí do đơn giản rằng chính Đức Phật là một người Ấn độ, không chỉ là một người Ấn độ, mà còn là một người theo đạo Hindu giữa những tín đồ Hindu. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì trong đời đức Cồ đàm củng cố cho niềm tin rằng ngài đã từ bỏ đạo Hindu và theo một tín ngưỡng mới.
Ý kiến có suy nghĩ chín chắn của tôi là phần thiết yếu trong giáo lí của Đức Phật ngày nay hình thành một phần trọn vẹn trong đạo Hindu. Nước Ấn độ theo đạo Hindu bây giờ không thể đi lại những bước chân của mình và lùi lại sau cuộc cách mạng lớn mà đức Cồ đàm đã thực hiện trong đạo Hindu. Bằng sự hi sinh bao la của ngài, bằng sự từ bỏ vĩ đại của ngài, và bằng sự tinh khiết không bợn nhơ của cuộc đời mình, ngài đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trên đạo Hindu, và đạo Hindu mang một món nợ tri ân vĩnh hằng đối với bậc đại đạo sư đó.
Ý kiến đinh ninh của tôi là đạo Phật hoặc nói đúng hơn sự giáo huấn của đức Phật tìm thấy kết quả tròn đầy ở Ấn độ. Ngài chan chứa những thứ tinh hoa trong đạo Hindu, và ngài làm sống lại một số những giáo lí đã bị chôn vùi trong kinh Vệ đà (Veda) và đã bị cỏ dại mọc khuất lấp. Tinh thần đạo Hindu vĩ đại của ngài cắt xuyên qua rừng rậm từ ngữ, những từ ngữ vô nghĩa, đã che phủ chân lí vàng ròng vốn nằm trong kinh Vệ đà. Ngài làm cho một số những từ ngữ trong kinh Vệ đà mang lại một ý nghĩa mà những người ở thời ngài đã hoàn toàn lãng quên và ngài tìm được ở Ấn độ mảnh đất phù hợp nhất. Và bất cứ nơi nào ngài tới, ngài được đi theo và bao quanh chẳng bởi những người không thuộc về đạo Hindu mà là bởi những người thuộc đạo Hindu, những người bản thân thấm nhuần giáo luật Vệ đà.
Nhưng lời dạy của Đức Phật, giống như tâm ngài, mở rộng khắp và ôm choàng lấy tất cả, vậy nên nó đã tồn tại sau thân xác ngài và lan khắp mặt địa cầu…. Đức Phật chẳng bao giờ từ bỏ đạo Hindu, nhưng ngài mở rộng nền tảng của nó. Ngài ban cho nó một đời sống mới và một sự thông giải mới.
Tôi đã nghe tranh chấp nhiều lần không thể đếm hết và tôi đã đọc trong những sách tự nhận là biểu lộ tinh thần của đạo Phật, rằng Đức Phật không tin vào Thượng đế. Trong ý kiến khiêm tốn của tôi, một niềm tin như thế mâu thuẫn với sự kiện quả là trung tâm của giáo lí Đức Phật. Sự hoang mang đã dấy lên từ việc ngài bác bỏ, và bác bỏ một cách chính đáng, những điều thấp hèn mà trong thế hệ của ngài được thông qua dưới tên của Thượng đế. Không hồ nghi gì ngài bác bỏ quan niệm rằng một hữu thể gọi là Thượng đế có thể khiến hoạt động bằng ác ý, có thể sám hối về hành vi của mình, và giống như các vua chúa trên trái đất có thể mở lòng ra với các cám dỗ và hối lộ và có thể có những ưa chuộng riêng.
Những luật của Thượng đế là vĩnh hằng và không thể biến cải và không thể tách lìa với tự thân Thượng đế. Đó là điều kiện không thể thiếu cho chính sự toàn hảo của ngài. Vì vậy mà có sự hoang mang lớn về việc Đức Phật không tin vào Thượng đế và chỉ tin vào luật đạo đức.
Vì sự hoang mang về tự thân Thượng đế này mà nảy sinh sự hoang mang về cách hiểu chính đáng từ ngữ lớn lao là Niết bàn (Nirvana). Niết bàn không hồ nghi gì chẳng phải là sự huỷ diệt hoàn toàn. Trong chừng mực tôi hiểu được sự kiện trung tâm về đời Đức Phật, Niết bàn là sự huỷ diệt hoàn toàn tất cả những gì thấp hèn trong chúng ta, tất cả những gì xấu xa trong chúng ta, tất cả những gì hủ bại và có thể hủ bại trong chúng ta. Niết bàn không giống như cái hoà bình chết chóc đen ngòm của nấm mồ, mà là cái hoà bình sống động, cái hạnh phúc sống động của một linh hồn tự thức và ý thức được việc đã tìm được nơi an trú cho chính mình nơi tâm của cái Vĩnh hằng.
Sự đóng góp của Đức Phật đối với loài người là lớn lao trong việc phục hồi Thượng đế vào vị trí vĩnh hằng của ngài, nhưng trong ý kiến tôi, còn lớn lao hơn nữa là sự đóng góp của Đức Phật đối với loài người trong sự ngài yêu cầu coi trọng toàn thể đời sống, dù có thấp hèn đến đâu.
Toàn thể tâm linh ngài bừng lên phẫn nộ chống đối với tín ngưỡng rằng một hữu thể gọi là Thượng đế đòi hỏi thoả mãn bằng máu tươi của động vật để ngài có thể hài lòng – những động vật do chính ngài tạo ra.
Điều duy nhất mà Đức Phật phô bày cho Ấn độ là Thượng đế không phải là một Thượng đế có thể thoa dịu bằng cách hiến tế những con vật vô tội. Ngược lại, ngài chủ trương rằng những kẻ nào hiến tế thú vật với hi vọng là làm đẹp lòng Thượng đế là mắc một tội kép.
Tôi sẵn sàng tuyên bố chống lại toàn thể nước Ấn độ theo đạo Hindu rằng điều như thế là sai trái, là tội lỗi, là tội ác khi hi sinh một con vật duy nhất với mục đích kiếm được bất cứ mục tiêu gì, hoặc vì ý đồ chuộc tội với Thượng đế.
Quý vị sẽ thấy rằng khi đức Đạo sư nói: “Ta không cấm quý vị ăn thịt”, ngài đang giảng cho một nhân dân, nói theo thuật ngữ Kitô giáo, bị cứng lòng. Chính bởi vì ngài muốn miễn trừ cho sự yếu đuối của họ mà ngài cho phép họ ăn thịt, chứ không phải vì ngài không hiểu tính luận lí trong lời dạy của chính ngài. Nếu có một vị thầy nào trên thế giới tha thiết với quy luật nghiêm khắc về nhân và quả, thì đó là Đức Cồ đàm.
Đức Cồ đàm dạy thế gian là đối xử ngay cả với những sinh linh thấp bé nhất như bình đẳng với chính mình. Ngài chủ trương rằng đời sống của ngay những vật bò, bay, máy, cựa trên trái đất cũng quý giá như chính đời sống của ngài. Thật là kiêu mạn khi nói rằng con người là chúa tể và chủ nhân của các tạo vật thấp kém hơn. Ngược lại, được phú bẩm cho những điều lớn hơn trong đời sống, con người là kẻ được giao phó chăm lo cho thế giới động vật thấp kém hơn. Và vị hiền nhân vĩ đại đã sống cái chân lí ấy trong chính cuộc đời ngài. Khi tôi còn thiếu niên, tôi có đọc đoạn văn trong cuốn Light of Asia (Ánh sáng châu Á) [tác giả là Edwin Arnold, thi hoá đời sống Đức Phật, năm 1879], mô tả việc Đức Thầy khoác con chiên lên vai đối diện với những vị Bàlamôn ngạo mạn và ngu dốt cứ ngỡ rằng bằng cách hiến tế máu của những con chiên vô tội này là họ làm đẹp lòng Thượng đế và Đức Phật thách thức họ hiến tế duy nhất một người nào trong bọn họ. Chính sự hiện diện của ngài làm mềm lòng những trái tim cứng như đá của đám người Bàla môn. Họ ngó lên Đức Phật, họ liệng những con dao chết chóc của họ đi và mọi con vật kia được cứu thoát.
Đức Phật nói, nếu quý vị muốn làm bất cứ hiến tế nào, thì hãy hiến tế chính bản thân mình, lòng tham dục của mình, tất cả những ham muốn vật chất, tất cả những ham muốn thế gian. Đó sẽ là một sự hiến tế làm ta trở thành cao quý.
Đường lối của ngài là chính đạo, chính ngữ, chính tư duy, và chính hạnh. Ngài cho chúng ta luật từ bi không bị hạ thấp. Và như ngài xác định phạm vi của luật này, vượt khỏi loài người. Tấm lòng từ ái của ngài vô hạn, đi tới cả những loài vật thấp hèn nhất, tới đời sống hèn mọn nhất cũng như tới loài người. Và ngài nhấn mạnh về sự tịnh khiết của đời sống.
Một điều khác mà Đức Cồ đàm dạy là tất cả giai cấp thế tập có nghĩa ngày hôm nay – cũng như đã mang nghĩa vào thời ngài – là hoàn toàn sai trái. Tức là nói rằng, ngài huỷ bỏ mọi sự phân biệt về thượng đẳng và hạ đẳng đã ăn sâu vào ruột gan của đạo Hindu. Nhưng ngài không huỷ bỏ Varnashramadharma [quy luật cư xử của người theo đạo Hindu, tuỳ theo địa vị lúc sinh ra đời, trong đó varna tức sắc tướng; ashrama tức giai đoạn trong đời hay; vàdharma tức đạo pháp, cả từ này có nghĩa là đạo pháp cư xử theo trật tự xã hội lí tưởng] –Varna dharma không phải là giai cấp thế tục, gọi tắt là thế cấp. Tôi chủ trương rằng không có gì chung giữa thế cấp và Varna. Trong khi Varna đem lại đời sống thì thế cấp huỷ diệt nó và tiện dân (paria) tức những kẻ không ai được đụng chạm tới (untouchable) là biểu hiện đáng tởm nhất của thế cấp. Vì vậy, các bạn sẽ trục xuất sự không được chạm tới này khỏi chung quanh bạn. Tôi mong mỏi các bạn sẽ đảm đương những bước lập tức để công bố rằng mọi người đều tuyệt đối bình đẳng với tất cả những người còn lại. Bạn đang chối bỏ đạo Phật, bạn đang chối bỏ nhân tính, chừng nào bạn còn coi một người độc nhất là một người không thể chạm tới.
Tôi xin mạn phép đề nghị với các bạn là việc học hỏi của các bạn về đạo Phật còn chưa trọn vẹn trừ khi các bạn học hỏi những nguồn gốc nguyên thuỷ mà Đức Thầy đã rút ra hứng khởi, tức là, trừ khi bạn học chữ Sanskrit và các kinh điển viết bằng chữ Sanskrit. Nhưng bổn phận của các bạn, nếu các bạn muốn hiểu tinh thần của Đức Phật chứ không phải con chữ của đạo Phật, không chấm dứt ở đó. Sự học hỏi đó có những điều kiện mà tôi xin mô tả cho các bạn. Những điều kiện đó là một người đàn ông hoặc một người đàn bà tiếp cận việc học hỏi một tông giáo thì việc đầu tiên là phải tuân thủ năm giới răn (yama). Đó là năm quy luật tự kiềm chế mà tôi sẽ xin nhắc lại: thứ nhất là brahmacharya, sự tịnh khiết; thứ hai là satya, sự thật; thứ ba là ahimsa, tuyệt đối vô hại, không làm thương tổn đến cả một con ruồi; điều kiện kế tiếp là asteya, không trộm cắp, không phải chỉ hiểu theo nghĩa thông thường, mà ngay cả khi bạn chiếm hữu hoặc đưa con mắt tham lam lên bất cứ thứ gì không phải của riêng mình, thì điều đó cũng trở thành trộm cắp. Cuối cùng là aparigraha tức là không muốn chiếm hữu các giàu sang thế gian hoặc những thứ khác; một người muốn như thế không thực sự thích nghi để hiểu tinh thần của Đức Phật.
Không cần thiết cho tôi việc giải thích cho một nhân dân đã cảm hứng với tinh thần của đời sống Đức Phật, rằng cuộc sống không phải là một chùm các sự hưởng lạc, mà là một chùm bổn phận. Rằng cái tách biệt con người khỏi loài thú thiết yếu là ở việc con người nhìn nhận sự cần thiết phải đặt ra một chuỗi những giới răn cho việc hưởng thụ thế gian.
Chớ bị hoa mắt bởi sự huy hoàng đến với các bạn từ phương Tây. Đừng bị ngã ngửa vì màn phô bày phù du này. Đấng giác ngộ đã nói với các bạn bằng những lời không bao giờ có thể quên được rằng tuổi thọ của đời này chỉ là một cái bóng thoáng qua, một thứ chóng tàn, và nếu bạn có thể nhận thức được tính chất hư vô của tất cả những gì xuất hiện trước mắt bạn, thì tính không của trường hợp vật chất mà bạn thấy phía trước chúng ta luôn luôn là vô thường, khi đó sẽ có những kho báu cho bạn ở bên trên, và hoà bình cho bạn ở dưới này, hoà bình vượt khỏi mọi hiểu biết và hạnh phúc mà chúng ta là những kẻ hoàn toàn xa lạ. Nó cần một niềm tin rất đỗi ngạc nhiên, một niềm tin thiêng liêng, và sự buông bỏ tất cả những thứ chúng ta thấy phía trước chúng ta.
Những gì Đức Phật đã làm, Đức Kitô đã làm, và cả Đức Mahomed đã làm? Đời họ là những cuộc đời hi sinh tự thân và buông bỏ. Đức Phật đã buông bỏ mọi hạnh phúc thế tục vì ngài muốn san sẻ với toàn thế giới niềm hạnh phúc của ngài, cũng là của những ai hi sinh và chịu đựng để kiếm tìm chân lí.
Nếu một điều tốt là leo lên đỉnh núi Himalaya hi sinh những cuộc sống quý giá để có thể lên đến đó và làm một số điều tuân thủ nhỏ nhoi, nếu một điều vinh quang là từ bỏ kiếp này đến kiếp khác để cắm một ngọn cờ trên những đỉnh xa nhất của trái đất, thì còn vinh quang đến đâu nếu cho không phải là một cuộc đời, buông bỏ không phải một triệu cuộc đời mà là một tỉ cuộc đời để đi tìm kiếm chân lí có hiệu lực và không thể hư hoại? Vậy đừng bị nghiêng ngả, đừng bị cuốn xa khỏi sự đơn sơ của tổ tiên các bạn. Một thời đang tới khi những ai đang điên cuồng rượt đuổi ngày hôm nay để nhân lên gấp bội các ham muốn của họ, suy nghĩ một cách vô bổ rằng họ làm tăng thêm bản chất có thật, hiểu biết có thật về thế giới, rồi sẽ lui bước và nói rằng chúng ta đã làm chi vậy? Các nền văn minh đã đến rồi đi và mặc dù tất cả sự tiến bộ được khoa trương của chúng ta, tôi muốn xin lập lại nhiều lần câu hỏi: “Với mục đích gì?”
Những người làm tốt khi có Đức Phật là đạo sư sẽ làm tốt để thăm dò những khả tính vô giới hạn của sự bất bạo động (ahimsa). Nó vô cùng lớn lao hơn những châu ngọc và hột xoàn mà người ta hết sức quý báu. Nếu bạn sử dụng sự bất bạo động một cách khôn ngoan, nó có thể trở thành cứu giúp chính bạn và cứu giúp loài người.
Bất bạo động là một sức mạnh vô cùng năng động khi được hiểu và sử dụng đúng đắn. Hoạt động của một con người bạo động thì nhìn rõ nhất, trong lúc nó thể hiện. Nhưng nó luôn luôn là thoáng qua, cũng thoáng qua như những sự chém giết của Thành cát Tư hãn. Nhưng những hiệu quả của hành động bất bạo động của Đức Phật còn lại mãi và hẳn là sẽ tăng trưởng cùng với thời gian. Hành động bất bạo động càng được thực hành thì càng mang lại hiệu quả và càng không thể cạn kiệt; rốt cuộc cả thế giới sẽ đứng sững sờ và la lên: “một phép màu đã xảy ra.”
Châu Á có một thông điệp cho toàn thế giới, chỉ cần nó sống đúng với thông điệp đó. Có dấu ấn của ảnh hưởng Phật giáo trên toàn thể châu Á, bao gồm Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản, Miến điện, Sri Lanka, và các nước Mã lai. Để châu Á không phải hiện hữu chỉ cho châu Á mà cho toàn thế giới, nó phải học lại thông điệp của Đức Phật và trao truyền thông điệp ấy cho toàn thế giới.


The Way of the Buddha (Con đường của Đức Phật)
Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền bá, Chính phủ Ấn độ.
read more...

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Mỹ Thuật Việt: Khổng Tử học từ Kinh Dịch

Mỹ Thuật Việt: Khổng Tử học từ Kinh Dịch


Khổng Tử đọc sách Dịch (còn gọi là Chu Dịch, Dịch Kinh và được dịch là Kinh Dịch). Ông đã cảm thán thở dài khi đọc chương về xử lý các dự đoán về những quẻ may rủi.

Tử Hạ, một học trò của ông, thấy ông thở dài, bèn đến gần và hỏi, “Lão Sư, sao người lại thở dài?”

Khổng Tử trả lời: “Ta đã ngộ được rất nhiều từ Dịch. Nó nhắc ta rằng người yếu nên phải tự tin hơn và những kẻ cuồng ngạo nên nhận ra thái độ của họ. Đó là tại sao ta đã cảm thán thở dài.”

Tử Hạ hỏi, “Họ có thể biết được cách đề cao qua học tập không?” Khổng Tử trả lời, “Không. Thiên Đạo không cho phép cứ mãi gặt hái thành công.”

Những lời của Khổng Tử có hàm ý rằng sự thành công chỉ là phù du. Nếu người ta học chăm chỉ và với một thái độ khiêm nhường, họ dường như muốn học nữa. Nhưng nếu họ không khiêm nhường trong việc tìm kiếm tri thức, không có lượng tri thức nào có lợi cho họ.

Khổng Tử tiếp tục, “Khi Hoàng đế Đường Nghiêu được thăng làm Thiên tử, ông ấy đã đối xử với những người khác với sự tôn trọng và khiêm nhường, đồng thời nghiêm khắc với bản thân. Quốc gia của ông hưng thịnh và thành tựu của ông vẫn còn được biết đến cho đến ngày nay. Côn Ngô (Hoàng đế nhà Hạ) đã tự coi bản thân mình là không bao giờ sai. Khi ông ta đạt địa vị tối cao, ông ta lại càng tham lam hơn, và ông ta đã sớm bị phế truất. Mọi thứ đều theo quy luật. Khi Mặt Trời sáng chói vào lúc trưa, cũng là lúc nó bắt đầu suy giảm. Khi Mặt Trăng tròn, nó chuẩn bị bắt đầu khuyết. Một vị vua không nên kiêu ngạo. Khi có ba người trong một chiếc xe, ông ta nên bước ra và để những người khác đi. Nếu có hai người, ông ta nên lịch sự và tôn trọng người kia. Ông ta cần phải sẵn lòng điều chỉnh thái độ của mình cho phù hợp với hoàn cảnh, và chỉ có như thế ông ta mới là một vị vua trường cửu.”

Tử Hạ đã lắng nghe bài giảng của Khổng Tử một cách chăm chú rồi nói, “Hay quá! Con sẽ ghi nhớ những điều sư phụ dạy cho con suốt đời.”

Suy nghĩ của tác giả:

Khổng Tử lĩnh ngộ được những lời quý báu trong Kinh Dịch và ông đã hiểu được sự khiêm cung và nhún nhường là những đức tính tốt.

Sau cùng, Khổng Tử nói, “Thiên Đạo giảng thành công không vĩnh cửu.” Ông đã tin tưởng rằng chỉ những người khiêm cung và nhún nhường có thể thành công lâu dài, nhưng ngay cả sau đó thì không có ai thành công mãi.

Tham khảo từ “Thuyết Uyển” của Lưu Hướng đời Hán.

Theo minhhue
read more...