Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐỜI SỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐỜI SỐNG. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

(ĐVO): Oái oăm chuyện cứu người, bị chửi là ngu

(ĐVO):  Oái oăm chuyện cứu người, bị chửi là ngu


Ps: Chuyện này mỗ đã bị ít nhất là hai lần rồi. Không những bị chửi là ngu mà thiếu chút nữa là bị án oan. Sợ thì sợ, bực thì bực, bực sự vô ơn của người được cứu, ghét là ghét cái thói ứng xử của người đời, hận là hận các giá trị trong xã hội hiện đại này bị đảo lộn và sợ là sợ bị án oan mà không thể minh oan nhưng cũng không thể làm khác lòng mình khi thấy người hoạn nạn được.

(ĐVO) Một ông bố từng đánh con trai nát lưng “cho chừa cái tội ngu”, bởi cậu đã lao vào đám côn đồ để giải cứu cho thiếu nữ không quen biết.
Đọc một tin hay nghe một câu chuyện ai đó vì giúp đỡ hoặc cứu người mà để lụy đến mình, tôi tin rằng 100 người thì 99 cảm thấy khâm phục và xúc động, thậm chí buông lời cảm thán rằng nếu ai cũng có tấm lòng nghĩa khí như vậy thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Nhưng nếu người tốt bụng đó chính là thân nhân của họ thì phản ứng có thể rất khác.

“Không nghĩ đến mình, trời tru đất diệt”

Rụng rời nhìn con trai mang bộ mặt sưng vều, bầm tím với khóe môi rách tươm về nhà, anh Hưng cuống cuồng xoa dầu, rửa vết thương cho con rồi hỏi đánh nhau với ai mà te tua vậy. Cậu học trò kể là dọc đường thấy hai thanh niên mặt mày bặm trợn đang bắt nạt một thiếu nữ nên đã xông vào can thiệp, và tuy cậu “ăn đòn” nhưng cô bé cũng thoát. Nghe vậy, anh Hưng sợ quá hóa giận, quát lên: “Trời ơi, sao mày ngu thế hả con? Tưởng mày đánh nhau với bạn thì không sao, cùng lắm chỉ sứt đầu mẻ trán, chứ dây với mấy thằng côn đồ đó lỡ nó xiên cho một dao thì còn gì là công tao với mẹ mày nuôi 17 năm nay?”. Con trai Hưng cãi, bố vẫn dạy con phải biết giúp đỡ người khác, đây lại là một cô gái chân yếu tay mềm, làm sao ngơ đi được.
Cố kiên nhẫn, ông bố lý giải với hy vọng cậu ấm nhà mình “sáng” ra: “Giúp người khác là tốt, nhưng phải không hại đến mình. Mày mới nứt mắt ra, lo thân còn chưa được còn bày đặt anh hùng cứu mỹ nhân. Nếu mày có mệnh hệ nào thì là đại bất hiếu nghe chưa?”.
Thấy ông con trai vẫn cứng đầu cứng cổ cho là mình đúng, Hưng lôi ra đánh một trận thừa sống thiếu chết để mong cậu tởn đến già mà lo lấy thân, đừng làm những việc bao đồng khiến bố mẹ thót tim nữa.
Hưng buồn bã tâm sự: “Tôi cảm thấy từ hôm đó, lòng kính trọng của nó dành cho tôi giảm rất nhiều. Nhưng sau này trưởng thành hơn, nó sẽ hiểu ra nó ngu ngốc như thế nào. Dĩ nhiên tôi muốn con mình là người tốt, nhưng thử hỏi có ai tốt đến mức quên cả bản thân mà tồn tại được không? Người Tàu có câu ‘không biết nghĩ đến mình, trời tru đất diệt’, không phải là không có lý”.

Cứu giúp người khác chỉ là việc của các siêu nhân?

Tuy không nâng đến mức triết lý như anh Hưng nhưng rất nhiều người khác cũng có cùng suy nghĩ như vậy. Họ đều tôn trọng cái tốt, ngưỡng mộ cái thiện, tuy nhiên nếu việc tốt, việc thiện làm thiệt hại đến mình thì “tốt nhất là nhường cái công đức ấy cho ai đó vĩ đại hơn”. Chị Mai Lê, 39 tuổi, nói: “Mình cũng chỉ là người bình thường, không làm gì thất đức là được rồi”. Với quan điểm đó, chị từng mắng chồng như tát nước khi anh, vì bảo vệ một đồng nghiệp vừa tốt vừa có năng lực ở cơ quan trong một cuộc đấu đá nội bộ, đã bị mất chức, khiến vợ con vạ lây vì ngân sách gia đình giảm nghiêm trọng.
“Không bao giờ tớ ngờ được là lão ấy lại có thể dở hơi, cám hấp đến mức đó, làm khổ vợ khổ con”, Mai Lê tâm sự với bạn. Hễ gặp khó khăn về tiền bạc là chị lại đay nghiến chồng về “lỗi lầm” đó. Thậm chí Mai Lê còn kể tội chồng trước các con lúc bọn trẻ xin tiền mẹ mua đồ chơi: “Chúng mày có ăn thịt mẹ thì ăn, chứ làm gì có tiền. Chỉ vì thói anh hùng rơm của bố mày mà tao khổ thế này đây”. Nghe vợ mắng nhiều quá, chồng chị cũng phải tự nhủ, thôi thì chút lòng nghĩa hiệp từ sau xin chừa.

Những chuyện “thấy chết không cứu”

“Tôi thất vọng vì bọn trẻ bây giờ quá ông ạ”, Hiệp, một anh bạn tôi, than. Hiệp chia sẻ, hôm trước anh làm giỗ bố, thằng cháu con bà chị đến muộn. Chưa ai kịp trách thì nó đã bô bô kể về vụ tai nạn mà nó vừa chứng kiến ngoài đường: một bà bụng chửa vượt mặt bị chiếc xe máy tạt đầu va phải. “Cháu nghĩ bà ý kiểu gì cũng sẩy thai, máu chảy như thế kia mà”, thằng bé nói. “À hóa ra vì bận chở cô ấy vào viện nên cháu đến muộn hả?”, một bà dì hỏi. Thằng bé tròn mắt: “Trời ơi, thiếu gì taxi mà cháu phải chở? Con Honda Civic này cháu năn nỉ gãy lưỡi bố cháu mới mua cho, để bà ý lên làm bẩn hết hay sao? Lỡ bà ý đẻ luôn trên xe hay làm sao thì chết cháu. Mà nghe nói để bà bầu bị chảy máu như vậy lên xe mình thì sau đen đủi lắm”. Thấy ánh mắt của người lớn nhìn mình, cậu thanh minh: “Dì với cậu yên tâm, kiểu gì bà ý cũng đón được taxi. Nếu không có taxi thì rồi cũng có người khác chở đi. Chứ cháu đang vội đi giỗ bà mà”.
“Rồi sẽ có người khác giúp anh ấy/cô ấy” là ý nghĩ hiện lên trong đầu rất nhiều người khi ta bỏ qua một trường hợp cần giúp đỡ vì sợ gặp nguy hiểm hay phiền hà. Ý nghĩ đó khiến ta yên tâm, không còn thấy áy náy khi mặc kệ họ. Nói cho cùng, “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha”, xả thân giúp đỡ là hành động của các siêu nhân, anh hùng – những nhân vật chiếm số ít. Ta cũng chẳng tệ hơn đa số mọi người. Nghĩ đến đó, lương tâm sẽ hết cồn cào.
Trong chúng ta, không ít người đã có lần chứng kiến ở chợ, bến tàu, trên xe bus, xe khách… cảnh trộm móc túi người khác. Nhưng được mấy người tri hô để bắt trộm hay lên tiếng nhắc nạn nhân? “Mình lên tiếng, lỡ nó đánh cho thì sao? Hoặc hôm khác nó theo dõi, trả thù thì sao?”. Nỗi lo sợ đó khiến cho không ít người trong số chúng ta khi phát hiện mình đã bị móc túi, chỉ biết ngậm ngùi khi có người đứng gần đó tiết lộ, họ nhìn thấy tên trộm đang “tác nghiệp” mà chỉ dám ra hiệu chứ không dám nói.
Thực ra, cũng chẳng có gì đáng trách khi người ta tự bảo vệ mình, khi những câu “làm việc tốt thiệt thân”, “khôn sống mống chết”… vẫn đang được nhiều người “kiểm chứng”. Dù vậy, một điều chắc chắn là ta vẫn gặp đâu đó những việc tốt, người tốt. Có lẽ vì họ không nghĩ nhiều đến chuyện dại – khôn, hay có thể họ vốn rất “khôn” nhưng ở những tình huống đặc biệt nào đó đã trở nên “dại” một cách vô cùng đẹp đẽ?
Phạm Hoàng
read more...

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Báo SGTT.VN: Chân dài lý lẽ cũng dài

Chân dài lý lẽ cũng dài

Báo SGTT.VN - Có một quan niệm đã đi vào ca dao: Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Quan niệm trên không hẳn đúng. Trong văn học Việt Nam và cả một số nước lân cận, có không ít những “chân dài” biết nói năng, lập luận với lý lẽ sắc bén để bảo vệ mình và gia đình.

Đàn bà dễ có mấy tay…


Nói tới Hoạn Thư, người Việt nghĩ ngay tới một “sư tử Hà Đông” mà không nghĩ tới một tài năng lập luận bậc thầy. Khi bị Kiều bắt về hỏi tội, Hoạn Thư khấu đầu lý lẽ: Rằng tôi chút phận đàn bà/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Ghen tuông là chuyện tất yếu của nữ giới. Cho nên, Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai. Sách lược xin ân xá của Hoạn Thư là nhận tội và đề cao Kiều: Trót lòng gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Trước cách nói năng khiêm nhường, lý lẽ sắc sảo vừa lý vừa tình này, Kiều được ca ngợi là “lượng bể” nên ở vào thế “Làm ra (xử tội) thì cũng ra người nhỏ nhen”. Kiều đành khoát tay tha, thế là Hoạn Thư thoát tội!

Thấp cơ thua trí đàn bà

Chuyện cổ tích Việt Nam Người đàn bà bị vu oan kể rằng hai lái buôn Lý và Tình làm giao kèo thách đố nhau. Lý tuyên bố đã “quan hệ” được với vợ Tình. Chứng cứ là anh ta biết một nốt ruồi ở chỗ kín trên người vợ Tình (thực ra hắn biết chi tiết này do bà đỡ cho vợ Tình kể lại). Thế là Tình mất hết cơ nghiệp. Uất quá, Tình đánh vợ rồi đuổi đi.
Để trả thù Lý và minh oan cho mình, một hôm vợ Tình vu cho Lý mượn 20 quan tiền (quen nhau nên không làm văn tự). Họ lôi nhau lên quan. Lý bị vu oan, tức quá, bèn cam đoan với quan: “Tôi không hề quen biết gì người đàn bà này!” Thế là mắc bẫy của vợ Tình: “Bẩm quan, nếu nó không hề quen tôi thì làm sao nó lại có thể ăn nằm với tôi được cơ chứ!” Lý thua kiện, mất luôn tài sản và cũng lòi ra là đã lừa gạt Tình. Vợ Tình chẳng những bảo vệ được danh dự mình mà còn lấy lại được tài sản của chồng.
Người vợ thông minh này đã nói điều giả dối lừa cho đối phương phủ định, vô tình bộc lộ những điều mâu thuẫn, giả dối của đối phương.
Đó là phương pháp lập luận: Lấy điều giả dối để chứng minh điều giả dối.

Từ một giả thiết sai

Triệu Truyền Đống kể câu chuyện sau: trong vòng chung kết một cuộc thi hoa hậu HongKong, ban giám khảo hỏi cô Dương:
- Nếu phải chọn một trong hai người sau đây làm bạn đời thì cô sẽ chọn ai? Sôpanh (nhạc sĩ thiên tài Ba Lan) hay trùm phát xít Hítle?
- Tôi sẽ lấy Hítle.
Thật bất ngờ, quan khách xao động hẳn lên với cùng một câu hỏi: Sao lại chọn Hítle? Cô Dương mỉm cười: “Nếu lấy Hítle, tôi hy vọng mình sẽ cảm hoá được Hítle: thế chiến lần thứ hai có thể đã không xảy ra và hàng chục triệu người đã không chết uổng”.
Cô giành được những tràng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả. Cô đã nhanh trí nhận ra rằng Sôpanh và Hítle đều đã chết. Không ai phải lấy người chết. Giả thiết đó sai. Nên cô có quyền mặc sức chọn Hítle hay Sôpanh. Vấn đề là giải thích thế nào thôi. Vậy thì chọn lấy Hítle mới là điều lạ và bất ngờ. Thành công vì cách chọn bất ngờ và vì cô đã giải thích khôn khéo, có sức thuyết phục.
Khi lập luận hãy chú ý tới quy tắc sau: Từ một tiền đề (giả thiết) sai có thể dẫn tới một kết luận bất kỳ.

Lấy điều không thể chứng minh điều không thể
Có chuyện kể Ấn Độ rất giống với một giai thoại về Trạng Quỳnh: thời xưa, có vị vua bệnh nặng, thầy thuốc tâu với vua rằng chỉ cần uống sữa bò đực là vua hết bệnh ngay. Mà việc này chỉ có nhà thông thái Ca-bu-ơ mới tìm được (người thầy thuốc nọ vốn thâm thù Ca-bu-ơ). Tin lời thầy thuốc, nhà vua ra lệnh cho Ca-bu-ơ đi tìm sữa bò đực. Ông ta rất lo lắng, chưa biết tìm kế gì để thoát nạn. Cô con gái khuyên ông đừng lo, cô sẽ giúp ông.
Hôm sau vào lúc nửa đêm, con gái Ca-bu-ơ mang ít quần áo cũ đến bên bờ sông cạnh hoàng cung rồi giặt dưới cửa sổ phòng ngủ của quốc vương. Trong đêm yên tĩnh, cô cố tình khua động rõ to làm vua không sao ngủ được. Cả giận, nhà vua phái vệ binh bắt cô gái giải về hỏi tội: “Cớ sao đang đêm đến đây giặt giũ ầm ầm làm ta không ngủ được? Ngươi có biết tội không?” Cô gái ra vẻ sợ hãi: “Dạ, dân nữ biết. Mong bệ hạ tha tội. Có điều, dân nữ bất đắc dĩ mới phải làm vậy. Số là, chiều nay cha dân nữ mới đẻ em bé, mà trong nhà chẳng còn quần áo sạch sẽ làm tã lót cho em nên dân nữ đành phải đi giặt vào lúc này”.
- Nói láo! Ngươi đùa cợt ta chắc? Ai đời đàn ông lại đẻ con!
- Dạ, nếu bệ hạ có thể hạ lệnh cho người đi kiếm sữa bò đực thì sao đàn ông lại không thể đẻ được ạ?
Nghe vậy, nhà vua cười: “Ngươi chắc chắn là con gái của Ca-bu-ơ rồi. Thôi, về bảo cha ngươi cứ giữ lấy món sữa bò đực cho em bé ông ta vừa đẻ bú nhé!”
Thế là Ca-bu-ơ thoát khỏi tai hoạ.

GS.TS NGUYỄN ĐỨC DÂN
read more...