Vượn trong hội họa Á Đông
Vượn chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa Trung Hoa, và trong một số giai đoạn nhất định cũng có vai trò quan trọng trong văn hóa Triều Tiên và Nhật Bản, cho dù tại hai khu vực này không có vượn sống hoang dã.
Điều này được thể hiện trong các loại nghệ thuật tạo hình. Vượn (viên) được coi là "quân tử" của rừng xanh, có thể sống tới ngàn năm và hóa thân thành con người, khác với những con khỉ (hầu) tham lam. Ở đây chỉ đề cập tới vượn trong hội họa của khu vực này.
Hội họa Trung Hoa hiện còn lưu giữ được các bức họa vượn từ thời Đường. Chủ đề vượn trong hội họa Trung Hoa đã trải qua 3 giai đoạn phát triển mạnh.
Giai đoạn thứ nhất vào cuối thời Bắc Tống - khoảng cuối thế kỷ 11. Đại diện nổi tiếng về những bức họa về vượn trong giai đoạn này có lẽ là Dịch Nguyên Cát (thế kỷ 11). Bức họa trên đây có tên gọi là Kiều kha viên quải(Vượn treo cành cao) là một trong các tác phẩm của ông.
Giai đoạn thứ hai vào cuối thời Nam Tống - tức giữa thế kỷ 13. Mục Khê Pháp Thường (Muqi Fachang) - họa sĩ kiêm nhà sư của Phật giáo Thiền tông thời Tống mạt Nguyên sơ (thế kỷ 13). Bức tranh dưới đây là Viên đồ(Tranh vượn) của ông, mô tả một con vượn mẹ ôm con ngồi trên cành thông. Ông có ảnh hưởng lớn tới các họa sĩ chuyên vẽ vượn mang tính triết lý của Thiền tại Nhật Bản sau này.
Giai đoạn thứ ba đặc biệt phát triển mạnh trong thế kỷ 20. Các họa sĩ vẽ nhiều về vượn trong thế kỷ 20 có lẽ là Điền Thế Quang (Tian Shiguang, 1916-1999), với 65 bức tranh. Lưu Vạn Minh (Liu Wanming, 1968- ) còn chuyên về tranh vượn hơn (119 tranh), nhưng chỉ một phần trong số các tác phẩm của ông được vẽ trong thế kỷ 20. Tranh bên trái dưới đây Nguyệt dạ viên đề (Vượn hú đêm trăng) là của Điền Thế Quang, còn tranh bên phải Khoái lạc (Hạnh phúc) là của Lưu Vạn Minh.
Các bức họa Trung Hoa vẽ những con vượn trong các tư thế khác nhau, trong đó nhiều bức họa mang tính biểu tượng cho Đạo giáo và Phật giáo.
Các bức họa về những con vượn hái hay cầm quả đào, và những con vượn gắn liền với la hán (a la hán) tái xuất hiện trong suốt lịch sử hội họa vượn của người Trung Hoa. Những bức họa vượn sớm nhất đã mô tả các vị la hán được những con vượn dâng lên trái đào. Trong Phật giáo sơ kỳ, la hán được coi là các môn đồ tự mình nghiên cứu và tu tập, là hiện thân của sự tự giác ngộ. Tuy nhiên, sau này họ được tôn kính như là những nhân vật giải thoát chúng sinh, tương tự như các vị bồ tát. Trong hội họa, họ thường được vẽ là ngồi tại những nơi thâm sơn cùng cốc và nói chung hay được gắn với một số loại cây cỏ, con vật nhất định, có vai trò trong sự vượt qua các giới hạn của cuộc sống thông thường, chẳng hạn như vượn và đào.
Bản thân con vượn gắn liền với sự từng trải của cuộc đời trường thọ và sự đạt được cảnh giới cao. Đào là loại quả thiêng liêng của sự bất tử. Những cây đào nở hoa vào đầu mùa xuân, giữa đất trời đầy tuyết trắng, vì thế đào gắn liền với sự nhẫn nại, chịu đựng và trường thọ. Khu vườn đào thần thoại chỉ nở hoa một lần trong vòng 3.000 năm, do Tây Vương Mẫu trồng. Theo truyền thuyết và niềm tin của Đạo giáo thì ăn một quả đào trong khu vườn của Tây Vương Mẫu đảm bảo kéo dài tuổi thọ tới ngàn năm. Các bức họa kết hợp những con vượn (biểu tượng của trường thọ) với những trái đào có truyền thống lâu đời tại Trung Quốc. Kết hợp cùng nhau, chúng thể hiện mong ước trường thọ.
Chủ đề vượn trong hội họa Nhật Bản phát triển chủ yếu từ thế kỷ 17 trở lại đây, mặc dù một số bức họa có từ khoảng giữa thời kỳ Kamakura - tức vào khoảng giữa thế kỷ 13. Thể loại hội họa này được các nhà sư theo dòng Thiền tông du nhập vào Nhật Bản, vì thế phần lớn thể hiện chủ đề Phật giáo cổ là Vượn bắt trăng hay Vượn bắt bóng trăng trong nước, vừa châm biếm sự điên rồ của con người (bắt trăng hay bắt bóng trăng là một hành động vô vọng, ví dụ về lòng tham vô nghĩa cũng như thể hiện mong muốn sở hữu những thứ gì đó không thể sử dụng) lại vừa là biểu trưng cho sự tìm kiếm và đạt tới giác ngộ.
Tuy nhiên, dường như không có một họa sĩ Nhật Bản nào có vai trò lớn trong hội họa với chủ đề vượn tại đảo quốc này. Các đại diện lớn có lẽ là Bạch Ẩn Tuệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1685-1768) sống trong thời kỳ Edo (Giang Hộ) và Kiều Bản Quan Tuyết (Hashimoto Kansetsu, 1883-1945). Hai tranh dưới đây là của Bạch Ẩn Tuệ Hạc (trái) và Kiều Bản Quan Tuyết (phải).
Điều thú vị là khi chủ đề vượn trong hội họa phát triển mạnh tại Nhật Bản thì nó lại không phát triển lắm ở Trung Quốc. Thời kỳ Minh - Thanh có khá ít tác phẩm hội họa về vượn. Tuy nhiên trong số này có bức tranh của chính vị hoàng đế Minh Tuyên Tông Chu Chiêm Cơ với tên gọi là Hí viên đồ (Tranh vượn đùa giỡn) vẽ năm Tuyên Đức thứ hai (1427) như trong hình dưới đây.
Các bức họa về vượn đầu tiên của người Nhật chịu nhiều ảnh hưởng của hội họa Trung Hoa. Ảnh hưởng ngược lại cũng diễn ra ở một mức độ nào đó trong thế kỷ 20, chẳng hạn các bức họa vượn của Hashimoto Kansetsu đã truyền cảm hứng cho một số họa sĩ Trung Quốc hiện đại như Hồ Tảo Bân (Hu Zaobin, 1897-1942), Wang Zhaoxiang (1910-1988), Zhao Yunyu (1916-2003).
Bên cạnh đó cũng có một số tranh vẽ với chủ đề là vượn trong hội họa Triều Tiên, nhưng số lượng nhỏ hơn rất nhiều so với tranh vẽ vượn của Trung Quốc và Nhật Bản, chủ yếu từ 1550 tới 1950.
Bức tranh dưới cùng là tác phẩm trong thế kỷ 20 của họa sĩ Singapore Chen Wen Hsi (Trần Văn Hi, 1906-1991) với tên gọi Gibbons fetching the moon from the water(Vượn vớt trăng trong nước), vẽ theo mô típ Thiền của hội họa Nhật Bản.
Mỹ thuật,
Nghệ thuật Thiết kế
0 nhận xét: on "Vượn trong hội họa Á Đông"
Đăng nhận xét