Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Sự sáng tạo nghệ thuật của GUSTAV KLIMT

Sự sáng tạo nghệ thuật của GUSTAV KLIMT

Gustav Klimt sinh ngày 14-7-1862 ở Baumgarten, gần thành Vienn. Ông là con thứ 2 trong số 6 người con của một người thợ chạm đồ kim hoàn, tên là Ernst Klimt và bà Anne Finster. Cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông để lại cho nền mỹ thuật thế giới số lượng tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, rất tiếc một số tác phẩm lớn của ông bị phá huỷ bởi chiến tranh và bất đồng chính trị, tôn giáo. Ngày 6-2-1918, Klimt qua đời để lại nhiều tác phẩm còn dang dở chưa được hoàn thành.

“Hãy xem kỹ những bức tranh của tôi và hãy hiểu ai và tôi muốn nói gì”: Hoạ sỹ Gustav Klimt – một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa Tượng trưng Ly khai thành Vienn đã nói như vậy.

Ông có một cách nhìn sáng tạo rất độc đáo, các tác phẩm của ông toát lên vẻ thanh lịch, yêu kiều, quyến rũ, tuyệt diệu và dễ chịu khi ngắm nó. Sự sáng tạo trong tranh của ông gần gũi với cả phương Đông và phương Tây.







Phương Đông và phương Tây có những điểm khác nhau trong nghệ thuật hội hoạ, bản thân hội hoạ bắt nguồn từ không gian 2 chiều ( mặt phẳng của tranh), từ đó diễn tả thành không gian 3 chiều thì chiều thứ 3 là chiều để diễn tả. Vì thế phương Tây coi thế giới 3 chiểù trong mặt phẳng của bức tranh là cao nhất, vì nó có thể miêu tả sự vật được đúng nhất. Còn phương Đông coi thế giới 3 chiều trong tranh là lệ thực và thế giới trên mặt phẳng 2 chiều trong tranh mới là cao siêu. Vì vậy phương Đông thường có lối vẽ khái quát, phong cách trang trí mơ hồ cộng với lối bố cục có những khoảng trống thay đổi hình đơn giản, dễ hiểu nhưng có tính ẩn dụ cao. Còn phương Tây cũng vì thế mà có phong cách vẽ cụ thể theo hình khối, ánh sáng, màu sắc dựa trên những cái cụ thể, bố cục cụ thể và rành mạch như tính triết học phương Tây.







Klimt hiểu được vấn đề đó, ông đã kết hợp chúng, sử dụng chúng trong tranh của mình. Klimt đã hoà nhập được giữa cách diễn tả khối và trang trí khái quát thành sự tương phản của cái thật và cái ảo. Trong tác phẩm “ Mãn nguyện” 1905 ( thuộc tranh tường ở lâu đài Stoclet), Klimt đã nghiên cứu và thể hiện rất thành công chiều hướng, hình thể, tả kỹ những phần da thịt của đôi nam nữ bên nhau, kết hợp với những hình trang trí mang tính ẩn dụ, diển tả tình cảm của đôi nam nữ yêu đương. Nền đằng sau là những hình trang trí mô phỏng theo tranh khắc cổ Nhật Bản, bố cục người đàn ông che gần hết người đàn bà và được chia cắt bằng những hình trang trí to nhỏ khác nhau tạo thành 1 hình trang trí chắc khoẻ, lộng lẫy trong bức tranh.







Năm 1908, bức tranh “ Nụ hôn” ra đời như một tượng đài lộng lẫy, bất diệt của tình yêu. Chưa có bức tranh nào diễn tả tình yêu lại thành công rực rỡ như tác phẩm này, hạnh phúc lan toả khắp không gian tranh, chiếc áo người đàn ông với những hình vuông, chữ nhật, người đàn bà tìm được điểm tựa say đắm đón nhận tình yêu trong chiếc áo của những hình tròn và xoắn ốc, mặt đất đầy hoa tụng hô cho tình yêu đôi lứa. Đường nét quện vào nhau, màu sắc trang trí tràn ngập và tình cảm nồng nàn. Tính tượng trưng và trang trí đã tạo nên trường phái hội hoạ thành Vienn- đó là nghệ thuật của Klimt.







Nghệ thuật của Klimt không chỉ tinh tế, nó còn dựa trên sự cân bằng bấp bênh của tất cả các tương phản có thể. Ông nhấn mạnh vài yếu tố, phóng đại tính hiện thực các cái đầu mà ông lắp vào tranh giống như những viên đá quý lắp vào đồ trang sức. Như trong tác phẩm “Adèle Bloch- Bauer” ông đã dùng hầu như khắp tranh toàn vàng. Ấn tượng nhất nổi lên là chân dung một phụ nữ, sang trọng với đôi mắt to mơ màng, đôi môi mở ra quyến rũ. Xung quanh chân dung đó ông dùng những hoà sắc đồng điệu cộng với những hình trang trí đa dạng. Klimt đã tổ chức một cách khéo léo, chia cắt thành những mảng hình to, nhỏ hài hoà tạo nên tổng thể sang trọng. Ông gợi cho người xem một không gian vừa trang trí thuần tuý, vừa gợi khối tinh tế để tách nhân vật và nền thành nhiều lớp nội tâm. Cái giỏi của ông là xắp xếp khéo léo những miếng vàng giống nhau tạo cảm giác có hơi nóng, hơi lạnh khác nhau mà vẫn hài hoà.







Còn trong bức tranh “ Sự sống và cái chết” (1916), Klimt sử dụng bố cục đăng đối giả, mầu sắc tương phản mạnh nhằm diễn tả sự đối lập của hai trạng thái. Thần chết đang rình rập với cái áo khoác đầy hình những cây thập ác, thật bé nhỏ so với dòng người tràn đầy sức sống, sinh sôi nảy nở, niềm lạc quan thật mạnh mẽ trong con người Klimt.

Mặt khác trong bức tranh “ Maria Beer” (1916) ông vẫn sử dụng những gam mầu tương phản, và mượn những hình trong tranh cổ Nhật bản để nói lên tâm trạng củ nhân vật. Cách mượn hình này của Klimt để ông nói về cách nhìn mới lạ trong đó có sự kết hợp hình khối và trang trí trên mặt phẳng hai chiều. Hình khối không hoàn toàn thực,nó được chuyển hướng theo tình cảm và được thiết lập trên mặt phẳng, giữa ý thức và tự nhiên. Klimt chấp nhận cách nhìn có cả hai phần, phần gẩn với phương Đông là cái đẹp trang trí trên mặt phẳng và phần gần với phương Tây là mô tả hình khối ở không gian ba chiều.







Trong thực tế nghệ thuật của Klimt sống trong lòng nhiều khuynh hướng khác nhau ở thời đại ông, Klimt thu nhặt chúng, hàn gắn chúng, để cuối cùng cho chúng một hình thức chung, trang trọng và hoàn thiện hơn. Để để tìm ra sự kết hợp này, kể như Klimt đã có cách nhìn đáng khâm phục, ông không phải là người bắt chước mà là người kế thừa, phát huy, trung gian giữa hai hình thức nghệ thuật - Xứng đáng là bậc thầy trong hội hoạ thế giới. Người ta đã viết về Klimt: “ Toàn bộ linh hồn ông thuộc về phương Đông, và thần Tình yêu đóng vai trò thống trị trong ông....”




Nguyenstyle
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Sự sáng tạo nghệ thuật của GUSTAV KLIMT"

Đăng nhận xét