Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Nhà cổ ở Huế


Nhà cổ ở Huế

Tống Văn Thụy
Ảnh: Phan Gia Khánh và Lê Văn Thọ
Trích Nhà đẹp
Tháng ba, trời Huế vào xuân muộn. Có sống qua một mùa đông dài lê thê và ẩm ướt ở Huế mới thấy thêm chút nắng ấm hanh hao đầu mùa, chút hương hoa của trời đất cỏ cấy lúc giao mùa. Mời bạn cùng chúng tôi thả bộ một vòng thăm Huế.
Nét Huế đầu tiên bắt gặp có lẽ là nếp nhà. Cái ngôi nhà khung gỗ ẩn khuất trong vườn cây, nép mình sau hàng chè tàu, dâm bụt… cứ vấn vương hoài trong tôi.
Nhà cổ Huế vẫn còn đó đây ở miệt Kim Long, Nguyệt Biều, Bến Ngự, Vĩ Dạ… hay bên trong Thành Nội. Dù ở đâu, bố cục nhà cổ thường đồng nhất. Cổng chính đưa vào khuôn viên nhà thường chỉ có một lối đi (cửa phòng môn) như nhà An Hiên, Lạc Tịnh Viên…, bề thế hơn là cổng tam quan như Phủ Tuy Lý… Hai bên lối đi, chủ nhân trồng cây, hoa hoặc chè tàu. Cuối “ngõ hạnh” (chữ của Hoàng Phủ Ngọc Tường) là bình phong có nhiệm vụ che chắn. Sau bình phong, điểm xuyết có bể cạn, hòn non bộ, cây cảnh và hoa trái. Khuất kín bên trong góc nhà có khi là một lu nước nhỏ, chút âm tính cần thiết để làm trôi đi những nỗi lo toan bên ngoài.
Nhà nép mình trong vườn. Phía trước vườn thưa thoáng, đằng sau thì sum suê hơn. “Chuối sau cau trước”. Hàng rào phía sau thường là khóm tre dày chắn gió.
Con người, ngôi nhà và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau, nên chỉ ở Huế mới có câu “sống như thảo dã” và hình như người Huế cũng có óc hưởng nhàn sớm (!)
Kim Long, từ 1636 là thủ phủ của Đàng Trong. Phủ Chúa gày xưa là một trong những nơi tập trung nhiều nhà cổ mà điển hình là nhà An Hiên.
Nhà vườn An Hiên được xây dựng từ 1895 bởi ông Hường Thập (Phạm Đăng Thập), cháu bà Hoàng Thái Hậu Từ Dũ. Năm 1920, chủ nhân bán lại cho Tùng Lễ. Đến năm 1936, ông bà Nguyễn Đình Chi – người phụ nữa đầu tiên đỗ Tú tài Tây tại Trung Kỳ – qua đời tháng 6/1977 tại đây. Hậu duệ hiện nay của ngôi nhà là ông Nguyễn Đình Châu.
Đến thăm nhà An Hiên, nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Đến đây như đi trong thời gian xưa, trở về với hồn dân tộc. Chỉ có Huế nơi cơm đùm trong lá sen, trái ớt chẻ ra thành hoa năm cánh mới có những khu vườn như vậy…”
Sau cơn lũ dữ tháng 11/1999, “Hoa trái quanh tôi” (1) vẫn xanh tươi trong vườn An Hiên.
Rất nhiều ngôi nhà cổ Huế tập trung tại Phú Mộng, Kim Long, trông ra nhánh sông Bạch Yến (sông Lấp). Đó là nhà anh Nguyễn Văn Trọng xây dựng cách đây 76 năm, nguyên của quan tri phủ Nguyễn Văn Phú, làm quan dưới triều Khải Định. Tại nhà số 3/2 Phú Mộng, Kim Long, rất tiếc dù đã cố gắng dò hỏi nhiều lần, chúng tôi vẫn không nắm được nguồn gốc ngôi nhà này.
Lạc Tịnh Viên, 65 Phan Đình Phùng – Huế, nhìn ra sông Bến Ngự (sông Lợi Nông) là nếp nhà tiêu biểu của nhà vườn Phủ đệ. Bốn phía nhà vườn được bao quanh bởi hàng chè tàu, cẩn, dâm bụt…
Cổng đưa vào nhà đắp nổi ba chữ Hán “Lạc Tịnh Viên”. Nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 bởi Nguyễn Phúc Hồng Khẳng, con của Tùng Thiện Vương. Nằm ở trung tâm là nhà “Hy Trần Trai”, kiểu nhà rường ba gian hai chái, nền được tôn cao, thông thoáng. Nối với mái hiên “Hy Trần Trai” là “Nhà Nhân Hậu”, bốn bề không có vách, là nơi tiếp khách. Dọc hai bên là hai căn nhà xây dựng vào đầu thế kỷ 20: “Di Tâm Thích Thể Đường” (1901) và “Nhà Vấn Trai” (1910).
Đến Lạc Tịnh Viên, một trong những ngôi nhà được bảo quản tốt nhất Huế, bạn được thả mình trong cái thinh lặng, yên ả. Nếu may mắn, bạn còn được một phụ nữ, hậu duệ của Lạc Tịnh Viên, đón tiếp; nét Huế trong tà áo dài, giọng nói, phong thái khiêm cung mà đĩnh đạc…
Đến Phường Đúc, làng đúc đồng nổi tiếng ở hữu ngạn sông Hương, bạn nên ghé thăm nhà anh Nguyễn Hữu Thông, một nhà nghiên cứu văn hóa, ở số 164 Bùi Thị Xuân. Nhà vườn anh Thông phảng phất cái không khí miền trung du gò đồi Huế. Dân địa phương gọi là nhà cụ nghè Đường. Cụ là cháu nội ông Quản Lạc (Nguyễn Hữu Dược), người xây dựng ngôi nhà (1860 – 1866). Người Huế có câu “Lúa ông Khuyên. Tiền ông Quản lạc. Bạc ông Bồ Ghè” (2). Anh Nguyễn Hữu Thông là con của ông cụ nghè Đường.
Xuôi về Vỹ Dạ, đất các phủ – đệ, một trong những ngôi nhà rường được bảo quản gần như nguyên vẹn là nhà cụ Thượng Tôn Thất Gián, xây dựng muộn hơn (1937). Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, tác giả “Ngôi vườn thế giới bên kia” (Le jardin d’autre monde) đã lớn lên từ ngôi nhà vườn nhỏ này để bước vào ngôi nhà vườn lớn hơn của vũ trụ.
Loạt phóng sự ảnh về nhà cổ Huế chỉ là một cuộc dạo chơi, một chút tìm tòi với vài nét sơ phác về ngôi nhà Huế. Có quá nhiều nếp nhà cổ xưa độc đáo, tiêu biểu mà chúng tôi chỉ mới được nghe nói chứ chưa hề đặt chân đến. Đành hẹn một chuyến du xuân sau vậy.
Huế, 15/3/2000

(H1) Cổng Lạc Tịnh Viên, 65 Phan Đình Phùng, Huế.

(H2) “Nhà Nhân Hậu” (Lạc Tịnh Viên).

(H3) Bình phong Lạc Tịnh Viên.

(H4) Hàng hiên “Hy Trần Trai” (Lạc Tịnh Viên). Ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái được xây dựng trên nền cao thông thoáng, nhìn ra sông Bến Ngự.

(H5) Nhà “Di Tâm Thích Thể Đường” (Lạc Tịnh Viên).

(H6) Nhà “Di Tâm Thích Thể Đường” (Lạc Tịnh Viên) xây dựng năm 1901, là nơi con cháu học hành.

(H7) Bàn thờ Phật (Lạc Tịnh Viên)
(H8) Hành hiên nhà “Di Tâm Thích Thể Đường” (Lạc Tịnh Viên).
Lạc Tịnh Viên – Ngôi nhà của cháu Nội Vua Minh Mạng

(H9) Hàng hiên nhà “Hy Trần Trai” (Lạc Tịnh Viên). Một trong những căn nhà rường được bảo quản tốt nhất ở Huế.
Nhà An Hiên – Từ cháu Bà Hoàng Thái Hậu đến người phụ nữa đầu tiên đỗ tú tài Tây tại Trung Kỳ

(H10) Nhà An Hiên (Kim Long) cổng vào

(H11) Mặt trước nhà

(H12) Nhà An Hiên – Bình Phong

(H13) Nhà An Hiên. Bàn thờ
(H14) Nhà An Hiên “Ngô Hạnh”

(H15) Nhà An Hiên. Phía bên trong.

(H16) Nhà An Hiên. Một góc nhà.
Nhà Thượng Thư Tôn Thất Gián

(H18) Bình phong nhà cụ Thượng Gián. Vĩ Dạ – Huế.
(H19) Một góc nhà rường Huế – Nhà Cụ Thượng Gián.

(H20) Mặt tiền nhà Cụ Thượng Gián.
(H21) Mô-típ trang trí bờ nóc. Nhà Cụ Thượng Gián.
Nhà Cụ Nghè Đường

(H22) Cổng vào nhà Cụ Nghè Đường,
nay là nhà anh Nguyễn Hữu Thông, 164 Bùi Thị Xuân – Huế.

(H23) Bên trong cổng vào
(H24) Sập gụ, bên trong nhà

(H25) Bên trong nhà.
(H26) Sân nhà
Nhà Tri Phủ Nguyễn Văn Phú

(H27) Nhà cổ vùng Phú Mộng – Kim Long,
nay là nhà anh Nguyễn Văn Trọng

(H28) Cổng vào nhà Tri Phủ Nguyễn Văn Phú.

(H30) Nhà anh Nguyễn Văn Trọng.
Tiền đường, Vì kèo Huế.

(H29) Phía trong nhà anh Nguyễn Văn Trọng.
Thời gian ở đây như ngừng lại.
(H31) Một góc nhà
————————–
(1) Tên bài bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về An Hiên.
(2) Ông Bồ Ghè là phiên âm tên một ông Tây, chủ hãng gạch bông ở Phường Đúc.
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Nhà cổ ở Huế"

Đăng nhận xét