Lê Bá Thanh
Chân dung FRIDA KAHLO
Diego và Frida (Ảnh chụp năm 1929)
Frida Kahlo sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907, và mất ngày 13 tháng 7 năm 1954. Lúc 6 tuổi Frida Kahlo bị bệnh polio (bại liệt), căn bệnh đã để lại cho cô một chân to, một chân nhỏ. Lúc 19 tuổi (năm 1925) cô đã bị một tai nạn xe hơi rất nặng, sau tai nạn này Frida Kahlo tưởng không bao giờ có thể đi lại được. Cả đời bà phải trải qua nhiều cơn đau nhức triền miên vì bị mổ tới 32 lần. Với tình trạng như thế, Frida Kahlo đã sẩy thai nhiều lần và chịu nhiều cực hình về thể xác trong suốt cuộc đời. Nhưng với lòng quyết chí, bà đã sử dụng được hai bàn chân của mình cho việc đi lại.
Trong lúc nằm dưỡng bệnh trên giường, bố của Frida Kahlo đã tặng cho con gái giá vẽ và những cây cọ. Và từ đó một hoạ sĩ tài ba ra đời. Cá tính và hoàn cảnh đã tạo cho người họa sĩ này một cái nhìn lạ lùng, qua những bức tranh nồng nàn, dữ dội, đa cảm, giàu ý chí, dám đối diện và chống chọi với bệnh tật. Những trang ngật ký bằng tranh thời gian này đầy xúc cảm như tiếp thêm sức lực cho bà và gây ấn tượng mạnh mẽ trong mắt người thưởng ngoạn.
Bà là một họa sĩ có thể nói là kiệt xuất của nền hội họa Mexico và của châu Mỹ La tinh. Bà có một cuộc đời bất hạnh và đầy bí ẩn. Bà bắt đầu tập vẽ trong lúc đang phải chống chọi với sự đau đớn sau vụ tại nạn giao thông khủng khiếp đó. Nỗi bất hạnh đó đã được thể hiện như những ám ảnh trong những tác phẩm của bà, được thể hiện trong sự lựa chọn sắc màu, đề tài và những bức tranh tự họa với gương mặt đau đớn và biến dạng.
Kahlo_metal_spine
Từ thuở ấu thơ bà đã chứng tỏ mình là người rất độc lập, có hành vi đi ngược lại với những thói quen, tục lệ của xã hội. Thời còn học trung học, Frida Kahlo thường chơi cùng với đám bạn trai, dự vào các cuộc phá phách các giáo sư trong trường nên có thể nói bà là một người phụ nữ đã ảnh hưởng rất nhiều tính cách của đàn ông và thực sự bà rất mang rất nhiều nam tính. Vào thời điểm của đầu thế kỷ 19, ở trong một xứ công giáo bảo thủ, thế mà cô tuyên bố không có ý định lập gia đình, cho đó không phải là mục đích sống. Tuy vậy, năm 1928 khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Mexico, bà được quen biết họa sĩ vẽ tường (muralist painter) nổi tiếng Diego Rivera, thì bà thay đổi ý định của mình, vì rất ngưỡng mộ tài năng của họa sĩ này. Hai người lấy nhau năm 1929, dù Diego Rivera đã có hai đời vợ và hơn bà 20 tuổi. Bạn bè và thân thuộc gọi cặp vợ chồng này là "con voi cặp với con bồ câu", vì Rivera cao lớn, còn Frida Kahlo lại bé nhỏ, gầy đét như con chim.
Frida Kahlo, Roots, 1943
Đây là một cuộc hôn nhân nhiều sóng gió, vì Rivera có nhiều mối tình ngoại hôn, một trong những mối tình này là với em gái của Frida Kahlo. Hai người ly dị một lần. Năm 1940 hai người kết hôn lần hai vì cả hai đều ngưỡng mộ tài nhau. Rivera không thể sống thiếu người đàn bà có cá tính mạnh mẽ, và cũng là bạn đồng hành, nguồn cảm hứng của ông. Trong thời gian này bà vẽ bức “Vòng tay, tình yêu của vũ trụ, Mexico , tôi và Diego và ngài Xolote. Ơ bức tranh này Diego Rivera trong vòng tay của Kahlo, như một đứa trẻ bướng bỉnh và tất cả trong vòng tay của đất mẹ Mexico và đó được coi như là sắp đặt của Mẹ tạo hóa. Trong lần kết hôn này, cả hai chia sẻ quan điểm chính trị - hay nói đúng ra Diego Rivera đã giới thiệu triết lý Cộng Sản cho Frida Kahlo. Mexico là xã hội giàu nghèo chênh lệch, và nhất là với mốc điểm thời đó, những nghệ sĩ dễ xúc cảm như Diego và Frida Kahlo bị ảnh hưởng lý thuyết Cộng Sản không là một chuyện lạ.
Kahlo_love_embrace
Với cá tính sẵn có, cộng thêm một tình duyên không trọn vẹn, những nỗi đau khổ về thể xác cũng như tinh thần đã tạo nên một Frida Kahlo với cuộc sống rất buông thả. Frida Kahlo thích tiếp đãi bạn bè qua những cuộc liên hoan suốt đêm. Cô có nhiều mối tình đồng tính với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi, uống rượu như nước, say khướt để dịu đi những đau nhức về thể xác. Một trong những mối tình ngoại hôn của Frida Kahlo là với chính trị gia cộng sản Leon Trotsky, là người đối nghịch với nhà độc tài Stalin.
The finished 'Workers of the World Unite' panel, 1933
Cuộc đời đặc biệt này tạo nên nhiều xúc cảm, và những xúc cảm này được nghệ sĩ Frida Kahlo trình bày lên tác phẩm nghệ thuật của mình. Tranh cô vẽ là những cảm xúc nồng nàn, những bộc lộ thẳng thắn đến kỳ lạ, những đau khổ lê thê, bứt rứt, những xúc cảm mãnh liệt như vượt ra ngoài tác phẩm và ám ảnh người xem. Qua các tranh tự hoạ, Frida Kahlo trình bày hình ảnh một người đàn bà có cặp lông mày dài, rậm, châu vào nhau, ria mép lưa thưa, da ngăm đen, tóc và quần áo, cũng như nữ trang theo truyền thống Mehico, màu mè, bắt mắt. Người nghệ sĩ này tạo nỗi xót xa cực độ cho người xem, khi bà mang lên khung vải hình ảnh ngày bà sẩy thai, nằm trên giường, máu me chan hòa, và đứa con còn trong trạng thái bào thai treo lưng lửng trên không trung. Thật là một diễn tả kinh hoàng qua cảm xúc mất mát, một tâm trạng đau đớn của người mẹ mất con. Lúc Frida Kahlo bị chồng bỏ rơi, bà diễn tả mình với bức tranh mặt mày điểm trang, quần áo đẹp đẽ nhưng lệ rơi lả chả trên má. Bức tranh Frida Kahlo tự họa mình là con nai bị trúng chín mũi tên như muốn nói những vết thương trên thân hình là vết thương lòng bà phải gánh chịu. Khi chồng không chịu mang bà theo trong một chuyến đi xa, bà đã họa bức tranh với một Frida Kahlo tay bị trói và một quả tim khổng lồ rướm máu nằm cạnh trên sàn, đôi bên thân mình đều có một cái áo đợi sẵn ...
Two_Nudes_In_A_Forest_1939
Thế đó, tính chất lạ lùng, bứt rứt, cảm giác thiếu hụt cứ ám ảnh suốt cuộc đời của bà cùng với nỗi đau được thể hiện trên nhiều tác phẩm và đặc biệt là bức tranh “Tôi và nguồn dinh dưỡng của tôi”. Cô em gái Cristina sinh sau bà 1 năm. Hai chị em được nuôi mỗi người một bầu sữa. Trong tranh là một cơ thể không bình thường, một cái đầu quá khổ cùng gương mặt già đanh, suy tư, buồn thảm trên một cơ thể trẻ con. Ngoài ra, trong tranh của Frida Kahlo được thể hiện bởi những hình ảnh chân tay, bộ phận nằm ra ngoài thân thể, như hình ảnh quả tim nằm bên cạnh chân dung một Frida Kahlo, mắt nhìn xa xăm, như thể đã bị ai lấy mất quả tim rồi!
Le Due Frida by Frida Kahlo (New Realism in Mexico)
Bà đã yêu và sống hết mình cho nghệ thuật. Điều đó đã được chứng tỏ qua khả năng và ý chí mãnh liệt của bà trong cuộc sống và trong từng tác phẩm nghệ thuật. Trong tất cả các bức tranh của Frida Kahlo, có một bức tựa là: "The suicide of Dorothy" - Vụ tự tử của Dorothy: Bức họa này đặc biệt và nổi tiếng ở nhiều điểm.
Skspmonkeyslg
Những chữ viết cuối bức tranh là bằng tiếng Tây Ban Nha. Hàng chữ được đọc như sau " Vào Ngày 21 tháng 10, năm 1983, lúc 6 giờ sáng tại thành phố New York, bà Dorothy Hale đã tự tử bằng cách nhảy ra khỏi cửa sổ từ toà nhà tầng cao "Hampshire House". Hình ảnh này được ghi nhận lại để tưởng nhớ đến bà - Frida Kahlo Kahlo."
The suicide of Dorothy
Trên phương diện hội hoạ, bức tranh này được kể là một trong những bức tuyệt tác của Frida Kahlo. Bức họa đánh mạnh vào thị hiếu người xem, gây sự chú ý tức thời. Trong bức tranh, Frida Kahlo đã diễn tả cái chết của Dorothy theo thời gian, như một cuốn phim quay chậm. Tuốt trên cao, ta có thể thấy Dorothy lúc mới nhảy ra khỏi cửa sổ. Chính giữa tranh, là hình ảnh Dorothy lưng chừng trong không gian, cũng là trạng thái tuyệt vọng của Dorothy, tất cả mọi chuyện trong đời bà đang đà đi xuống. Cuối bức tranh là hình ảnh Dorothy nằm bất động. Cặp mắt bà đang nhìn vào mọi người. Tuy nằm chết, sắc đẹp bà vẫn hiện hữu rõ ràng trong tranh. Những đám mây trắng trong không gian tạo thêm nét huyền bí, ma quái của bức tranh.
Mexico Kahlo.geneal
Từ trước đến giờ, và sau khi Frida Kahlo đã qua đời, không ai dám trình bày một bức họa như Frida Kahlo. Tính cách lạ kỳ của người hoạ sĩ này vì thế sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Tuy vậy, nhiều bức tranh của Frida Kahlo ấm nồng màu sắc đặc thù dân tộc. Rất hãnh diện về nguồn gốc, văn hoá của xứ sở mình, Frida Kahlo ăn mặc theo truyền thống dân tộc cổ xưa. Qua những bức tự họa, Frida Kahlo đã giới thiệu cho thế giới thấy quần áo xứ Mexico, với màu sắc rực rỡ, cùng với những nữ trang, dây chuyền hột lớn, bông tai, và tóc thắt con rết, hay bới cao, trông thật đặc biệt!
Người đời gán cho Frida Kahlo là họa sĩ siêu thực, hiện đại nhưng Frida Kahlo trả lời rất giản dị khi được hỏi về những "phong cách" cô dùng để vẽ: "Tôi chỉ mang lên giá vẽ những ý nghĩ của tôi mà thôi." Cảm nghĩ về danh hiệu, thì Frida Kahlo tuyên bố: "Tôi không phải là họa sỹ siêu thực, tôi chẳng bao giờ vẽ những giấc mơ, tôi chỉ vẽ thực tế về tôi mà thôi!" Frida Kahlo được biết đến là nữ họa sĩ đầu tiên đứng ra làm một cuộc triễn lãm tranh cho riêng mình không những tại quê hương, thành phố Mexico mà cả tại New York nữa. Frida Kahlo Kahlo còn là nữ họa sĩ đầu tiên được bảo tàng viện Louvre mua tranh.
Frida Kahlo Kahlo, một nghệ sĩ tài hoa, đã dùng hội họa để diễn tả cảm xúc của mình. Bà đã hòa nhập được thực thể với vô hình. Khi sống, Frida Kahlo đã sống hết mình với những gì trời ban. Chào từ giã thế gian, Frida Kahlo nói: "Hãy vui đi trần thế, còn tôi thì chẳng bao giờ muốn trở lại".
Không luyến tiếc trần thế, nhưng thế gian luyến tiếc bà, người nghệ sĩ đã để lại những dấu ấn đậm sau qua những bức tự họa - " Tôi vẽ tôi, vì tôi thường hay cô đơn mình tôi, và tôi là người biết rõ tôi nhất. Năm 1939 bà vẽ tác phẩm “Hai Frinda Kahlo”, bà vẽ bức tranh này trong tuyệt vọng. Một mà hai, hai mà một, trong tranh thể hiện bà trong trang phục Mexico truyền sinh lực cho Frinda trong chiếc váy của người châu Âu đang mất dần sức sống. Một yếu mềm, một mạnh mẽ, một yêu thương và một tuyệt vọng trong con người bà.
Frida Kahlo không được coi là một nghệ sĩ đi tiên phong nhưng phong cách của bà là độc nhất vô nhị, đậm đà tính dân tộc Mexico . Những tác phẩm của bà đã gây chấn động mạnh cho người xem với các hình ảnh của bào thai, xác chết, những bộ phận con người nằm rời ra khỏi thân hình. Điểm đặc trưng này đã thể hiện một cá tính và một tài năng của một nữ nghệ sỹ. Rõ ràng là một nghệ sĩ rất cản đảm, đã dám đi ra ngoài những luật lệ thông thường của xã hội đương thời.
L.T
0 nhận xét: on " "
Đăng nhận xét