J.-H. Fragonard: Marie-Madeleine Guimard
Nếu trong thời kỳ Phục Hưng và Baroque, chủ đề tôn giáo luôn chiếm vị trí số một trong các tác phẩm nghệ thuật, thì đối với thời kỳ Rococo nhiều chủ đề bình dân, giản dị của cuộc sống thường ngày đã được đưa vào hội họa. Rococo là thời kỳ nối tiếp Baroque trong nghệ thuật ở Châu Âu, kéo dài khoảng hơn nửa thế kỷ (1710-1770) với trung tâm tại nước Pháp của giới quý tộc, sau đó lan sang Anh với đại diện ưu tú Thomas Gainsborough.
1749, T.Gainsborough: Ông bà Andrews
Thủ lĩnh đi tiên phong của hội hoạ Rococo là Jean-Antoine Watteau (1684-1721), nổi tiếng từ lúc 16 tuổi. Năm 1717, để xin làm một thành viên Viện Hàn lâm Hội hoạ và Điêu khắc Hoàng gia Pháp, Watteau nộp một bức tranh tên là Lên chơi đảo Xytera (The Embarkation for Cythera), mà ban giám khảo không biết liệt vào thể loại nào vì nó hoàn toàn khác các phong cách trước.
F.Boucher: Blond Odalisque 1752
Cuối cùng Viện Hàn lâm phải nghĩ ra một cái tên mới là "Fête galante" (Lễ hội trang nhã) để đặt cho loại tranh này. Đó cũng chính là sự công nhận Watteau cũng như phong cách mới.
1766 Fragonard: Chơi đu
Đặc điểm của "fête galante" là sự nhẹ nhàng, duyên dáng. Chủ đề thường về cuộc sống thường ngày với tình yêu trai gái, hay những cuộc hội hè của quý phái. Ngoài ra có một nét khác nữa: trong tranh Phục Hưng hay Baroque, đường nét là yếu tố tạo nên hình khối, nhưng trong tranh Rococo thì màu sắc bắt đầu được sử dụng phong phú.
F.Boucher: Hercule và Omphale
Các bức tranh của Watteau và các hoạ sĩ theo phong cách Rococo như François Boucher và Jean-Honoré Fragonard rơi dần vào quên lãng vào cuối thế kỷ 18 trước sự ra đời của hội hoạ Tân cổ điển và chỉ được công nhận trở lại từ giữa thế kỷ 19.
Phán quyết của chàng Paris (J.-A.Watteau, Bảo tàng Louvre)
Về kiến trúc, phong cách Rococo nổi bật với các kiểu trang trí nội thất sử dụng các đường cong uốn lượn.
Văn Ngọc (Diễn Đàn)
0 nhận xét: on " "
Đăng nhận xét