Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Bí mật trong pháp thiền Nhân Điện

Bí mật trong pháp thiền Nhân Điện
(Bài nầy là ý riêng của người viết, không nhất thiết đại diện cho ngành Nhân Điện.) 
Dù ta theo bất cứ dòng thiền nào, từ Yoga, Khí Công, Thần gia, Tiên gia, Thánh Gia hay Phật Gia, chúng ta không ra ngoài 2 dòng chính:
  1. Tùng Tướng Nhập Tánh: dùng sự chăm chú vào một đối tượng, một cách thức, một hành động, một nghi thức nào đó, vô tình hay cố ý, để dần dần bước vào cái đích điểm nào đó mà đạo Phật gọi là “Tánh”, các trường phái khác gọi là bản thể vũ trụ, v.v…
  2. Nhiếp Tướng Hiển Tánh: không dùng bất cứ phương thức nào qua cái chú tâm của trí, buông tất cả tri thức, đóng hết các “hình tướng” và bước thẳng vào đích điểm.
Dòng thiền Yoga là một nhánh thiền cổ đại của nhân loại. Trong đó, có một pháp thiền được xem là rất “cao”: raja yoga. Pháp thiền nầy thuộc hệ số 2 phía trên, nghĩa là không dùng “ý”, không dùng sự chăm chú, mà lại vượt khỏi cái trí để vào Tánh “Không”. Chữ “raja” yoga có nghĩa là “vua” của thiền. (Thiền “cao” của Phật gia cũng không còn dùng “ý” nữa.)

Ngày đầu tiên bước vào Nhân Điện, tôi đã học được một pháp “định tâm” tương tự. Lúc đó, người hướng dẫn chỉ nói đơn giản là: “nhắm mắt lại, hít thở 3 hơi, không nghĩ gì hết trong 5 phút rồi kết thúc bằng cách hít thở 3 hơi một lần nữa.” Vì lúc đó thầy Đáng chưa thực hiện việc mở Luân Xa 100% từ đằng xa nên tôi phải chờ 4 tháng sau mới được dự lớp 3. Suốt 4 tháng đó tôi phải tập như thế hằng ngày vì nếu không sẽ bị “bít” Luân Xa. Nhờ thế mà tôi đã may mắn trải nghiệm được một ít huyền vi của thiền định. Tôi tìm tòi qua sách vở liên tục, lúc đó mới hiểu ra là mình đã vô tình học được một pháp thiền “cao” gọi là “vua thiền”. Nhưng khi gặp thầy Đáng để mở Luân Xa 100% thì có một học viên hỏi Thầy rằng: “Thưa Thầy, bảo không nghĩ gì hết, con không làm được, nó cứ nghĩ hoài, làm sao bây giờ?” Thầy Đáng yên lặng vài giây rồi cười trả lời: “Vậy thì tạm thời cứ nghĩ đến Luân Xa 7 đi.” Thì ra vì căn cơ của hành giả mà thầy đã “xuống cấp” vị “vua thiền”. Tiếc một điều là sau nầy, hầu hết học viên mới đều được hướng dẫn là nghĩ đến Luân Xa 7 nên ít ai hiểu được chiếc chìa khóa bí mật nầy của ngành Nhân Điện. Hoặc nếu có được học đúng pháp “vua thiền” lúc đầu thì sau khi mở Luân Xa 100%, không còn bị buộc phải thiền pháp nầy mỗi ngày nữa nên phần đông hành giả cũng không dùng đến nó nữa. 

Có thêm hai điều đáng tiếc. Một là về sau nầy, lớp 2 và 3 chỉ cách nhau 1, 2 ngày nên pháp thiền “vua” kia gần như bị rơi vào quên lãng. Hai là từ lớp 3 cho đến lớp 20 đều toàn là dùng những công thức “động”, dùng cái “ý” suốt, tức là biến con đường của “vua” thiền ra thành dòng thiền “Tùng Tướng Nhập Tánh” (số 1 bên trên). Dĩ nhiên đích điểm giống nhau, nhưng con đường nầy rất vất vả, nó đòi hỏi hành giả phải thực hành cho đến khi thần trí bế tắc, mỏi mệt thì tự động tâm mình “buông” và thể nhập vào đích điểm. 

Tuy nhiên, lên lớp cao, Thầy cũng đã đưa học viên một bí quyết tương đối ngắn hơn khi Thầy dạy cách thiền để “đi ra ngoài vũ trụ”, tức là sau khi phóng điện đi chừng 30 đến 40 chỗ thì trí mỏi mệt, nó sẽ buông để thần thức thoát ra và thể nhập được vào “bản thể vũ trụ”. Và nếu nghe thật kỹ, trong lớp, thầy Đáng có nói một câu ngắn gọn mà ít ai để ý: “nè nhen, hễ mà còn thấy trăng, thấy sao hay thấy gì thì có nghĩa là chưa được à nghen.” Tôi bật cười khi nghe câu nầy. Thì ra, sau bao nhiêu ngày chiều theo lòng ham muốn của học viên, sau cùng thì Thầy cũng bật mí là … “hổng có gì hết”, cái bí mật mà Đức Phật ngày xưa cũng nhắc đến nhưng ít đệ tử thích nghe lọt tai. Đi tu mà bảo “tu để mai mốt sẽ đến được một chỗ … hổng có gì hết” thì mấy người chịu đi tu! Phải có Niết bàn, có Chánh Đẳng Chánh Giác, có lục thông, có thiên đàng, có quyền năng khà năng v.v… thì họa may chứ. Ừ, muốn thì đều sẽ có hết, có xong rồi đem ra giúp chúng sinh thì cũng tốt thôi. 

Tôi còn nhớ cách đây không lâu, có người bạn hỏi riêng Thầy Đáng là mình bay ra ngoài vũ trụ thì có gì? Thầy cười: “Không có gì hết, chỉ bóng tối đen và yên lặng. Nhưng mà là có tất cả trong đó. Ai thể nhập rồi sẽ tự biết.” Giờ Thầy mất rồi, chúng ta không biết làm sao để kiểm chứng, họa may Cô Thủy có nghe tương tự như vậy. Chúng ta nên hỏi Cô Thủy xem sao.

Suy nghĩ kỹ xem. Phải chăng nhìn lên nhìn xuống Kim Tự Tháp hằng nửa giờ làm cho đầu óc rất mỏi mệt, buồn ngủ, hay truyền điện vào mô hình anten, hoặc truyền điện đi khắp các quốc gia, các tế bào, các bà con thân thuộc, người thưong, kẻ ghét v.v., mặc dầu là vẫn được thêm khả năng, nhưng cũng chỉ cốt lũy là đưa hành giả đến được chỗ buông hết sự chủ động của cái trí ra để thể nhập? Nhưng phần đông chúng ta lại dừng bước khi nghe mỏi mệt, chứ nếu chúng ta bước thêm một bước nữa là khi mỏi mệt rồi, ta để thân tâm thể nhập vào thiền “vua”: tức buông bỏ và “không nghĩ gì hết” như Thầy đã dạy lúc đầu thì chúng ta đã có cơ hội trải nghiệm được rất nhiều rồi. Các pháp thiền khác có thể mất vài chục năm để vào được “định” sâu, cách thiền của Nhân Điện có thể đưa hành giả vào nhiều mức “định” trong một thời gian rất ngắn. Cái cao siêu của Nhân Điện là ở chỗ đó.

N.A.T.O.

nguồn: ue-global.com
Digg Google Bookmarks reddit Mixx StumbleUpon Technorati Yahoo! Buzz DesignFloat Delicious BlinkList Furl

0 nhận xét: on "Bí mật trong pháp thiền Nhân Điện"

Đăng nhận xét